Hotline 24/7
08983-08983

Vào bệnh viện là sợ… nhiễm trùng

Sự việc bộc phát ổ dịch cúm A/H1N1 tại BV Từ Dũ TPHCM vừa qua đã khiến không ít người dân lo ngại về tình trạng vệ sinh ở bệnh viện hiện nay.

Phẫu thuật viên vệ sinh tay tốt sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện

Những tưởng bệnh viện là nơi vệ sinh tốt nhất và an toàn, nhưng nào ngờ…

Thực tế cho thấy bệnh viện là nơi chứa nhiều mầm bệnh và tạo ra nguy cơ nhiễm trùng, lây lan chéo cho bệnh nhân. Nhận định vụ việc ở BV Từ Dũ, một bác sĩ ngành y tế dự phòng TPHCM cho rằng đó là “ổ dịch cúm A/H1N1 lớn chưa từng có từ trước đến nay tại bệnh viện” vì có đến 28 ca mắc, trong đó có 8 nhân viên y tế và 20 bệnh nhân. Sự việc bắt nguồn khi một bệnh nhân bị cúm vào điều trị tại khoa nội soi, rồi sau đó làm virus lan ra khiến nhiều người khác mắc bệnh.

Sự việc trên gây xôn xao vì số ca mắc nhiều, nhưng trong thực tế, theo bác sĩ N., trưởng khoa khám của một bệnh viện lớn ở TPHCM, nhiễm trùng bệnh viện là chuyện “thường ngày ở huyện”, ở nước ta hiện nay “ai xui nấy chịu”. Có điều, tình trạng này chưa được chú ý đúng mức vì thường xảy ra trên từng bệnh nhân riêng lẻ.

Quá tải bệnh viện thường được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng bệnh viện. Tại BV Chợ Rẫy TPHCM, do đặc thù các mặt bệnh điều trị mà khoa mắt và khoa phẫu thuật thẩm mỹ được xem là hai khoa sạch, đẹp nhất của bệnh viện này. Ở đây không có tình trạng quá tải và cũng hiếm hoi có chuyện lây nhiễm. Thế nhưng, chỉ cần bước chân đến một khoa gần nhất của hai khoa này là người ta chứng kiến những cảnh tượng khác, bệnh nhân nằm chật chội, thậm chí tràn ra hành lang, chưa kể thân nhân bệnh nhân tận dụng mọi ngóc ngách không gian để làm chỗ ngồi hay ngả lưng.

Một bác sĩ làm việc ở khoa ngoại lồng ngực, nói: “So với lúc ra đời, công suất phục vụ bệnh nhân hiện tại của bệnh viện bây giờ tăng 3 - 4 lần, chưa kể mỗi bệnh nhân vào viện còn có 2 - 3 thân nhân đi kèm. Như thế, cơ sở vật chất phải xuống cấp và lực lượng dọn dẹp vệ sinh không thể nào làm xuể”.

Thế nhưng, quá tải chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế là bản thân nhân viên y tế cũng không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc bảo đảm vệ sinh, từ đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cho bệnh nhân.

Khảo sát nội bộ của một bệnh viện lớn nhất nhì TPHCM công bố hồi tháng 4/2018, cho thấy tỷ lệ đạt chuẩn sạch chung tại các khoa của bệnh viện này chỉ đạt… 35,3%. Có những khoa đạt tỷ lệ rất thấp, như khoa hồi sức tim hở 25%, khoa nội soi 24%, khoa hồi sức cấp cứu… 17,5%. Cũng đáng nói là dù năm nào bệnh viện cũng hưởng ứng “Ngày rửa tay toàn cầu”, nhưng cũng bệnh viện này khảo sát cho thấy: tay phẫu thuật viên đạt chuẩn sạch chỉ ở mức 50%, còn tay điều dưỡng sạch đạt… 27%!

Vì sao một bệnh viện hàng đầu lại có những kết quả như thế?Một bác sĩ chuyên ngành chống nhiễm khuẩn bệnh viện, lý giải đó là do bản thân nhân viên y tế chưa tuân thủ đầy đủ các quy định đặt ra, “Có thể ý thức của họ chưa tốt, hoặc do áp lực công việc quá nhiều, nên họ không tuân thủ được”, bác sĩ này nói.

Tại bệnh viện B. chuyên về ngoại khoa, những tháng qua nhân viên phải làm nhiều hơn, vì lãnh đạo chủ trương giải quyết những ca mổ nhẹ ngay trong ngày để tăng cường nguồn thu do bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần. Một bác sĩ than thở: “Công việc tăng lên khiến nhiều quy trình vô trùng không được tuân thủ đúng, số ca nhiễm trùng hậu phẫu tăng cao chưa từng thấy. Chúng tôi lên tiếng, nhưng ban giám đốc chưa biết giải quyết thế nào vì nguồn thu chính của bệnh viện là từ phẫu thuật”.

Tương tự thế, tại một khoa mổ tim của bệnh viện gần đó, số ca nhiễm trùng hậu phẫu vài tháng qua có chiều hướng gia tăng. Việc điều trị bệnh nhân vì thế càng khó khăn, đặc biệt với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. “Lẽ ra khi phòng mổ không bảo đảm vô trùng người ta phải đóng cửa vài ngày để xử lý triệt để, đàng này bệnh viện không làm được vì danh sách bệnh nhân chờ mổ rất nhiều”, bác sĩ M. làm việc ở đây tâm sự.

Nhiễm trùng bệnh viện ở Việt Nam dường như là vấn đề trầm kha và nan giải. Một nghịch lý là ở cơ sở y tế tư nhân, nơi cung cấp dịch vụ tốt và thường ít nhiễm trùng bệnh viện hơn, lại có trình độ chuyên môn không cao bằng cơ sở y tế công lập.Vì thế, các bệnh viện công lập vẫn là lựa chọn của nhiều người, nhưng khi vào đây người ta lại đối mặt với những nguy cơ khác.

Sự việc một số trẻ sơ sinh tử vong vì nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng tại bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh cuối năm qua và sự việc bộc phát ổ dịch cúm A/H1N1 mới nhất tại bệnh viện Từ Dũ, là tiếng chuông báo động về thực trạng nhiễm trùng bệnh viện.

Những vụ việc xảy ra với số đông người mắc hoặc tử vong dễ làm người ta chú ý, nhưng hàng ngày vẫn xảy ra rất nhiều những thiệt hại lớn lao không được mấy người quan tâm, vì nó âm thầm. Một thống kê của BV Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, nhiễm trùng bệnh viện khiến bệnh nhân tốn thêm trung bình 15 ngày điều trị và gần 3 triệu đồng viện phí.Số tiền đó không nhỏ cho người dân bình thường, chưa kể tiền thuốc men và thậm chí thiệt hại nhân mạng.

Theo Thanh Tâm - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X