Hotline 24/7
08983-08983

Vào bệnh viện chuyên khoa lao, đeo 2 khẩu trang đã an toàn chưa?

Bạn đọc AloBacsi hỏi BS Lan Hương: đau lưng khi cúi xuống, nhầm lẫn xét nghiệm phân, chăm sóc vết thương do té xe, khi nào nên cắt bỏ tuyến giáp, sợ lây khi vào bệnh viện chuyên khoa lao…

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Lưu Văn Phi - luuvanphi…@gmail.com

Thưa BS,

Em bị gãy xương mác ở đầu trên gần đầu gối. Do chủ quan không bó bột nên giờ chụp phim người ta kêu gãy xương mâm chày.

Hiện tại em đang bó bột, giờ em có thể đi trong bột mà không thấy đau. Liệu bao nhiêu ­­tuần có thể tháo bột được ạ? Có cần uống thuốc gì cho nhanh lành không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Phi thân mến,

Thời gian trung bình lành xương là 1 tháng, tùy mức độ gãy xương, có nhiễm trùng hay không, có béo phì, bệnh tiểu đường, lớn tuổi, hút thuốc lá hay không... mà xương sẽ lành nhanh hơn hay chậm hơn. người trẻ khỏe mạnh thì xương lành nhanh hơn người lớn tuổi.

Trong thời gian bó bột, em đi lại không thấy đau chứng tỏ can xương (phần xương mới hình thành để nối 2 đầu xương gãy) đang tạo lập dần, nếu em tháo bột đi sớm thì có thể làm nứt gãy phần can xương còn mỏng manh này, gây di lệch xương, gây đau, khớp giả, khớp xấu…

Do đó, cách tốt nhất là em đến khám lại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình nơi đã bó bột cho em, chụp lại phim Xquang xem xương lành thế nào, rồi quyết định tháo bột hay chưa.

Về phần thuốc, thông thường trong toa thuốc uống của bệnh nhân bị gãy xương, BS có kê thuốc bổ sung thêm canxi-vitamin D rồi, em nên hỏi lại BS trước khi quyết định tự bổ sung thêm.

Nếu BS chưa kê thuốc đó cho em, thì em có thể uống thêm 1-2 viên canxi 500 mg mỗi ngày là vừa đủ với cơ địa người Việt Nam, em uống đến khi xương liền thì ngưng. Nhưng khi uống bổ sung canxi thì nhớ uống nước đủ, tối thiểu 2 lít/ngày để tránh sạn thận.


Tuyết Sen - tuyetsen…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 27 tuổi, bị nhân tuyến giáp phải 40mm và nhân giáp trái 5mm. BS ở BV Ung bướu TPHCM kêu phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Em đi sinh thiết là bướu lành.

Giờ em rất phân vân, không biết nên phẫu thuật không vì em sợ uống thuốc hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến việc sinh đẻ về sau. Mong BS cho lời khuyên ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu chỉ dựa vào thông tin từ phía em cung cấp thì nhận định của cá nhân tôi là: có thể chưa cần thiết phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, mà có thể phẫu thuật cắt bỏ thùy phải tuyến giáp hoặc dùng phương pháp sóng cao tần để điều trị bướu giáp nhân. Bởi vì nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì em sẽ thành người bị suy giáp và uống thuốc bổ sung hormone giáp suốt đời.

Tuy nhiên, do thông tin đơn độc từ phía em nên em cần kiểm tra lại xem mình có nghe nhầm hay hiểu nhầm tư vấn của BS điều trị hay không.

Ngoài ra, có 1 trường hợp mặc dù là nhân giáp sinh thiết lành tính nhưng BS vẫn khuyên phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, đó là khi nhân giáp này có nhiều đặc điểm “xấu”, có nguy cơ ác tính cùng với tiền căn gia đình, bản thân (tiền căn chiếu xạ vùng đầu cổ, tiền căn gia đình ung thư tuyến giáp, đa u tuyến nội tiết, nhân lớn nhanh, hạch cổ), thì sinh thiết lần 1 dù lành tính vẫn chưa loại trừ được ác tính (bởi vì sinh thiết có khi chọc chưa đúng ổ tế bào ung thư).

Nhìn chung, em cần trao đổi lại với BS điều trị, hoặc tư vấn thêm ở BS/trung tâm y tế khác với chuyên khoa Nội tiết hay chuyên khoa Ung bướu chuyên về bướu giáp hay chuyên khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu (cũng có chuyên môn về bướu giáp) như ở BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Nguyễn Tri Phương, BV ĐH Y dược, BV Trưng Vương… Thân mến.


T. Lộc - phantom…@gmail.com

Chào BS,

Em là nam, 22 tuổi, khoảng 3 tháng trở lại đây em hay cảm thấy lo lắng, bất an, đánh trống ngực, hầu như lúc nào em cũng bị đánh trống ngực, có lúc thì đánh mạnh lúc thì yếu hơn nhưng cũng khiến em cảm thấy rất khó chịu.

Lý do mà em lo lắng thì nó không cụ thể mà nó gồm nhiều nguyên do, mà những nguyên do này nói cho cùng cũng không phải là gì nghiêm trọng nhưng nó vẫn cứ khiến em lo lắng, chẳng hạn như bạn bè rủ đi chơi em cũng cảm thấy lo, hay là sắp tới qua.

Tết em sẽ đi thực tập mặc dù chỗ thực tập là quen biết nhưng vẫn khiến em lo. Em cũng suy nghĩ là tại sao em lại lo lắng những chuyện vặt vãnh như vậy và em chợt nhận ra là em lo lắng chắc là vì em sợ bị mọi người đánh giá không hay về mình, chẳng hạn như đi chơi với bạn em sợ bị đánh giá không tốt (em rất hay bị bạn bè chê là đần độn) còn đi thực tập thì em cứ sợ sẽ bị chê là không làm việc tốt.

Dần dần em ngày càng thu mình lại hơn, chỉ thích ở trong nhà, ở nhà thì em hay nói chuyện với mẹ vì em và mẹ hợp tính, nói chuyện với mẹ em nói rất thoải mái, tự nhiên nhưng nói với người ngoài thì em rất lóng ngóng, dè dặt.

Hiện tại em có thích 1 bạn gái, bạn này cũng cho em cơ hội và thậm chí còn rủ em đi chơi nhưng em rất phân vân và lo lắng, vì em sợ đi chơi với bạn ấy thì em sẽ có những lời nói, cử chỉ vụng về và bạn gái sẽ rời bỏ em nên em và bạn ấy chỉ nói chuyện với nhau qua mạng là chính.

Em có thói quen xấu là hay thức khuya và em thức khuya khoảng 3 năm nay. BS cho em hỏi là em có bị gì không ạ, và em có cần uống thuốc gì không? Em cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì quả thật em có một số bất ổn về mặt tâm lý, và BS nghĩ nhiều đến bệnh rối loạn lo âu nơi em.

Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.

Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán một người có rối loạn lo âu mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì BS và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau. Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau, BS phải dành thời gian khai nhác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…).

Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh. Bệnh rối loạn lo âu là bệnh có thể điều trị được.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Thân mến.


- Bạn đọc Khanh - khanh…@gmail.com

Thưa BS,

Sáng nay tôi cùng chồng đi khám BV Phạm Ngọc Thạch do chồng ho 1 tháng không khỏi. Nhưng về nhà mọi người nói là vô bệnh viện dễ bị nhiễm bệnh. Tôi có mang 2 khẩu trang và chồng tôi mang 1 khẩu trang. Tôi rất lo lắng xin tư vấn giúp.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đúng là vô bệnh viện thì dễ nhiễm bệnh hơn các cơ quan - văn phòng thông thường khác, bởi vì bệnh viện là nơi hàng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhiều loại bệnh, lại là môi trường kín nên thường có mật độ vi khuẩn cao hơn.

Tuy nhiên, không phải ai vô bệnh viện 1 cái là về nhiễm bệnh ngay. Đơn cử là nhân viên y tế hàng ngày đến bệnh viện làm việc, những người thân đến thăm và chăm bệnh nhân, đâu phải tất cả đều bị bệnh.

Khi vào đến BV Phạm Ngọc Thạch, vốn là bệnh viện chuyên về bệnh phổi và bệnh lao, bạn có ý thức đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường hô hấp là điều rất tốt.

Hơn nữa, bạn cần biết rằng ở nước ta, đa phần người khỏe mạnh bình thường cũng có mang 1 số ít vi khuẩn lao trong người, khi mà hệ miễn dịch suy yếu (lao lực, nhiễm HIV, hóa xạ trị ung thư...) cũng có thể bùng phát ra bệnh lao, chứ không chỉ do nhiễm từ người bệnh lao.

Do đó, cách ngừa bệnh lao tốt nhất vẫn là tăng cường hệ miễn dịch của bản thân bằng lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất và tập thể dục. Thân mến.


- Dương Mai - maithuy…@gmail.com

Dạ chào BS,

Con bấm khuyên chỗ vành tai ngay khúc sụn cả 1 năm nay, nhưng dạo gần đây có sưng lên một cục thịt mà cứng ngắc và rất đau nhức. Con nên làm gì đây BS? Con cảm ơn ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Một “cục cứng ngắc và đau nhức” ở vành tai thường gặp nhất là nhọt vành tai (1 dạng mụn). Những nhọt da này chăm sóc rất đơn giản. Em cần bôi thuốc kháng sinh - giảm viêm lên thì nhọt sẽ mau xẹp và không lan ra thêm.

Về mặt lựa chọn thuốc nào thì em cần khám BS (Da liễu, Nội ngoại tổng quát đều được) vì quy định của Bộ Y tế là BS chỉ cho thuốc khi khám trực tiếp người bệnh.

Ngoài ra, em vẫn tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày, chú ý vệ sinh kỹ 2 vành tai, thấm khô sau khi tắm, có thể dùng tăm bông hỗ trợ làm sạch, nếu da mặt - da đầu nhờn nhiều thì cần lựa chọn sản phẩm dầu gội - sữa rửa mặt phù hợp vì nhờn là nguyên nhân sinh nhọt da.


Bích Phương - kimanh…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây một tuần em bị ngã xe và bị chân thắng làm trầy da gần mắt cá, vết thương vẫn tiết dịch màu vàng, em rất lo lắng vết thương. Mong BS tư vấn giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nước vàng trong rỉ ra từ vết bỏng chính là huyết tương, là dịch vô trùng có tác dụng làm mát, ẩm và che chắn vết thương.

Tuy nhiên dịch này là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập, do đó phải rửa vết thương hằng ngày bằng nước muối sinh lý, sau đó dùng gạc mềm chấm khô và đắp Urgotul, sau đó có thể quấn/ băng lại bằng gạc, không quấn quá chặt vì chủ yếu để tránh va đập thêm, từ từ sẽ hết.

Thời gian lành vết thương tùy vào cơ địa mỗi người, mức độ nặng của vết thương, cách chăm sóc nên không thể nói chính xác bao nhiêu ngày được, thường dao động 7-10 ngày, em nhé. Tuy nhiên, với vết thương ngã xe, em nên chích ngừa uốn ván.

Với vết thương ở chân thì em nên hạn chế đi lại, càng đi lại nhiều hay đứng lâu thì càng tăng tạo dịch. Vết thương rộng quá thì dịch cũng tạo ra nhiều hơn, cần thời gian chăm sóc lâu hơn.

Nếu vết thương rỉ dịch mủ, lẫn máu kèm sưng nóng đỏ đau nhiều hơn là đã nhiễm trùng, phải vào viện để BS xem lại ngay, em vào thẳng khoa cấp cứu ở bất kỳ bv nào vì khoa cấp cứu làm việc 24/24 bất kể lễ tết ngày nghỉ, em yên tâm nhé.

Nếu trên 10 ngày mà vết thương còn rỉ dịch, chưa lành thì cũng phải vào bv để kiểm tra lại. Thân mến.


- Van Anh - vananh…@gmail.com

Em xin chào BS,

Em năm nay 21 tuổi, bị đau lưng khi ngồi lâu cũng đã một thời gian rồi. Cách đây 2 ngày, em cúi xuống lấy đồ thì đột nhiên chỗ xương sống vùng thắt lưng đau nhói khiến em phải thét lên vì quá đau. Từ đó đến giờ nó đau kinh khủng.

Mỗi lần em ngồi xuống hay đứng lên thì nó đau phải xuýt xoa, ngồi im thì nó đau âm ỉ, ngay cả thử mấy động tác thể dục cũng không được vì quá đau.

BS cho em hỏi triệu chứng của em là bị sao thế ạ? Có nghiêm trọng lắm không? Em xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hội chứng đau thắt lưng thuộc nhóm bệnh lý cơ xương khớp ở vùng cột sống thắt lưng - chậu, ở người trẻ tuổi thường do các nguyên nhân bao gồm căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, công việc ngồi nhiều ít vận động, do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...).

Cũng có ít trường hợp do lệch xương chậu, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, một số bệnh lý tự miễn hiếm gặp ở người trẻ...

Sau động tác cúi xuống lượm đồ mà em đột nhiên đau lưng dữ dội, coi chừng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, do giãn cơ bất ngờ, trật khớp... Do vậy, em nên khám chuyên khoa Cơ xương khớp, để BS thăm khám, xét nghiệm, chẩn bệnh và kê thuốc thích hợp.

Trong thời gian này, em có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, mát xa, ấn huyệt, châm cứu, chườm ấm, chú ý dáng ngồi dáng đi, nằm ngủ cần nệm đủ chắc, không lò xo, khi nằm ngửa tạo được thế thẳng lưng, kê gối nhỏ dưới lưng và 2 gối sẽ dễ chịu hơn.


- H. T. - fuji…@gmail.com

Em xin chào BS,

Em sinh năm 1997. Do bị cô lập và trêu chọc từ tấp 1- 2 nên từ cấp 3 em đã luôn tự ti về ngoại hình bản thân, em không dám đối diện với người khác và hay làm đau bản thân để giải tỏa áp lực (em không dùng mạng xã hội và cũng không tâm sự với ai). Lên đại học, em có thể giao tiếp và cười tự tin hơn, nhưng đồng thời lại mắc những nỗi sợ và ám ảnh khác.

Em không dám mua hay mặc đồ đẹp vì sợ bản thân không xứng với bộ đồ. Em luôn nghĩ bản thân ngu dốt, thất bại và phụ sự đầu tư cũng như kì vọng của bố mẹ. Em bị ám ảnh bởi mùi miệng và mũi nên không thể hôn người yêu dù bạn ấy sạch sẽ.

Khi có bạn hay người yêu, em muốn độc chiếm họ và muốn các bạn chỉ có mình em. Em luôn bị ám ảnh rằng một ngày họ sẽ bỏ em đi. Khi thấy những mảnh đời bất hạnh hay hình ảnh bạo lực em sẽ cảm nhận được sự đau đớn, thâm trạng sẽ bị chùng xuống và các giác quan đình trệ.

Em thậm chí còn nghĩ về kiếp sau và đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật đó. Em cảm thấy sống là một sự tra tấn, em sợ sống, nhưng cũng sợ cảm giác đau khi tự tử. Em lúc nào cũng có cảm giác buồn ngủ, không điểm tựa và có thể ngủ bất cứ khi nào, miễn có chăn trùm kín đầu.

Dù em có cố gắng học và chia sẻ với người yêu, em vẫn không thể vượt qua được những ám ảnh ấy. Em cảm thấy bản thân yếu đuối, hèn hạ và mệt mỏi. Xin hỏi BS em đang bị gì ạ? Em xin cảm ơn vì đã đọc chia sẻ của em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong độ tuổi mười mấy - đôi mươi, suy nghĩ và cảm xúc của các em chưa ổn định, một số em thiếu sự tự tin và không vượt qua nổi áp lực từ gia đình, xã hội, các em chao đảo trong việc xử lý cảm xúc, lý trí của mình.

Tuy nhiên, ở em, mức độ có vẻ nặng hơn một chút, hay nói cách khác là em có vấn đề về tâm lý, tâm thần đó, bởi vì, em bắt đầu mất kiểm soát cảm xúc của mình bằng lý trí, và quan trọng nhất là có ý niệm tự tử.

Em đừng dị ứng với 2 chữ tâm thần, bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, loại bệnh nào, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải trò chuyện và khám trực tiếp cho em, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, BV ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.

Chết là hết, vì thế chết dễ hơn sống nhiều, cái chết của em của là sự kết thúc cho mọi thứ của ba mẹ và gia đình em, ba mẹ em sẽ lớn tuổi, bệnh và không có ai chăm sóc sau này. Mặc dù lỗi không phải hoàn toàn ở em mà do áp lực từ nhiều phía. Bây giờ, chỉ có em mới cứu được em và gia đình em. Em nên chia sẻ thẳng thắn với mẹ hoặc người thân nào đó mà em tin tưởng để cùng em vượt qua giai đoạn này và em nên khám và điều trị ở BS chuyên khoa Tâm thần, em nhé.


- Bạn đọc Thảo Phạm - thaopham…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em truyền dịch xong sau khoảng 3-4 tiếng thì tay sưng lên, như vậy có sao không ạ? Em cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thảo thân mến,

Chỗ sưng lên sau khi rút kim truyền dịch là do thoát dịch, thoát máu ra mô kẽ dưới da, có thể do kim luồn bị trật ven, có thể do sau rút kim không ấn giữ…

Nhìn chung, nếu chỗ bị phồng không có hiện tượng nóng đỏ đau và không hành sốt thì không nguy hiểm, em không làm gì thì vết phồng cũng sẽ tự tái hấp thu và xẹp đi theo thời gian, để giảm phồng nhanh, em có thể day ấn, xoa bóp với dầu gió, rượu thuốc, trứng gà...

Ngược lại, nếu chỗ bị phồng bị sưng nóng đỏ đau thì em cần đến cơ sở y tế để được xử trí thích hợp, vì lúc này BS cần đánh giá và kê thuốc thêm cho em.


Ngọc Thuý - 43ngoc…@gmail.com

BS có thể cho em hỏi,

Có thể xác định được mẫu phân của người này với người khác được không ạ? Vì em có làm xét nghiệm mẫu phân và bị chẩn đoán có bệnh nhưng em nghĩ đó không phải bệnh của em. Cho nên muốn hỏi mẫu phân có gì để chứng minh của mình hay không ạ? Cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tất cả các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân đều được dán code trên phiếu xét nghiệm và trên lọ đựng mẫu để so sánh, tránh nhầm lẫn mẫu. Mặc dù việc nhầm lẫn mẫu và kết quả có xảy ra tại Việt Nam và cả trên thế giới nhưng tỷ lệ này cực kỳ thấp.

Nếu như em nghĩ đó không phải bệnh của em, em có thể đến phòng xét nghiệm vừa rồi, trao đổi với nhân viên y tế hoặc BS chỉ định xét nghiệm về nghi ngờ của mình, BS sẽ dựa trên các xét nghiệm khác của em và triệu chứng lâm sàng để đánh giá khả năng sai sót là có hay không, có thể kiểm tra lại mẫu hoặc lấy lại mẫu làm xét nghiệm kiểm tra.

Nếu phòng xét nghiệm đó không đồng ý thực hiện thì bản thân em có thể đến cơ sở khác làm lại xét nghiệm này. Nếu thật sự kết quả của 2 phòng xét nghiệm khác biệt lớn, em có thể đem kết quả mới quay lại chỗ cũ để yêu cầu họ trình bày. Thân mến.


- Minh Soi - soitran…@gmail.com

BS ơi,

Em bị ợ hơi nhiều, đi khám BS nói bị viêm dạ dày. Đã nội soi và diệt vi khuẩn Hp. Em bị đau vùng sườn bên trái tính từ giữa qua trái khoảng 3cm.

Cho em hỏi có phải là em bị dạ dày hay bệnh gì khác? Em uống thuốc về bệnh dạ dày khoảng 11 tháng thấy không khỏi nên đã ngưng uống.

Tâm lý em rất hoang mang, mong BS giải đáp thắc mắc cho em. Em chân thành cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bình thường, nhu động thực quản, dạ dày, ruột theo hướng phía dưới và hơi được tống ra qua hậu môn.

Ở người bình thường, khi ăn, cơ thực quản dưới giãn ra, hơi theo thức ăn xuống dạ dày. Ở người bị bệnh, hơi bị tống ngược lên do cơ thắt thực quản dưới bị giãn, từ dạ dày qua thực quản ra miệng.

Triệu chứng ợ hơi nhiều sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân, như nuốt hơi trong lúc ăn, (vừa ăn vừa uống, nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, hoặc miệng bị kích thích tăng tiết nước bọt cũng làm nuốt hơi tăng lên...), bệnh trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, yếu cơ tâm vị, hở van tâm vị, bệnh phổi, gan mật...

Vị trí đau mà em miêu tả là vị trí của dạ dày, kết hợp với kết quả nội soi và nhiễm Hp thì việc chẩn đoán viêm dạ dày do Hp của BS là phù hợp.

Tuy nhiên, nếu điều trị bệnh 11 tháng mà em vẫn còn ợ hơi nhiều thì em cần xem lại đầu tiên là em đã tiệt trừ thành công Hp chưa, có bệnh lý nào đi kèm trong các bệnh kể trên hay không, có liên quan đến lối sống và chế độ ăn uống của em không để điều chỉnh lại.

Em có thể đến kiểm tra ở BS chuyên khoa Tiêu hóa có kinh nghiệm, sẽ giúp được cho em, em nhé.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X