Hotline 24/7
08983-08983

Vắcxin là “vũ khí” để phòng ngừa một số ung thư

Nhìn chung, phần lớn các ung thư này có thể phòng tránh được nhờ các biện pháp phòng ngừa và/hoặc nhờ các cách điều trị phòng ngừa và điều trị khỏi bệnh nhiễm.

Có khoảng 1/5 số người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân gây nhiễm như: virút, vi khuẩn và ký sinh trùng. Các vắcxin là “vũ khí” hữu hiệu để phòng ngừa một số ung thư. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.

Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết tình trạng ung thư tại TPHCM?

Đã có sự gia tăng ung thư tại TPHCM trong giai đoạn 2008 - 2012. Thống kế cho thấy, trong giai đoạn này chỉ riêng dân số của TPHCM đã có 34.581 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Ở nam giới, các ung thư đứng hàng đầu là phổi, gan đại - trực tràng, dạ dày và vòm hầu. Ở nữ giới, các ung thư đứng hàng đầu là vú, cổ tử cung, đại - trực tràng, phổi và tuyến giáp.

Các ung thư hàng đầu ở cả nam và nữ đều tăng nhanh sau 40 tuổi. Đáng lưu ý, có 5.036 trường hợp mới mắc ung thư cổ tử cung qua khảo sát 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Cần Thơ và TPHCM. Ước tính tại Việt Nam số ca mắc ung thư cổ tử cung vào khoảng 5.700ca/năm.

Nhiễm trùng do một số virút, vi khuẩn là yếu tố nguy cơ của ung thư. Giáo sư có thể cho biết, mối liên quan giữa ung thư và bệnh nhiễm?

Ung thư đầu tiên liên hệ với bệnh nhiễm được phát hiện ở châu Phi nhờ các công trình của Denis Burkitt vào năm 1958 về một loại lymphô đặc biệt thấy ở các trẻ em. Tám năm sau, Epstein và Barr tìm thấy virút trong các tế bào của lymphôm Burkitt. Virút này mang tên Virút Epstein Barr hay EBV.

GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng thăm hỏi bệnh nhân

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng thăm hỏi bệnh nhân

Nhiễm trùng do một số virút, vi khuẩn và ký sinh trùng được xác nhận là một yếu tố nguy cơ của một số ung thư trên toàn cầu. Có khoảng 1 trên 6 ung thư của con người (16%) là do bệnh nhiễm.

Ung thư cổ tử cung, liên hệ với virút HPV, chiếm 50% các ung thư liên quan bệnh nhiễm ở phụ nữ. Vi khuẩn Helicobacter pylori gây ung thư dạ dày. Các virút viêm gan B (HBV - Hepatitis B virus) và C (HCV - Hepatitis C virus) gây ung thư tế bào gan.

Ở nam giới, các ung thư gan và dạ dày chiếm 80% các ung thư do bệnh nhiễm. Ngoài ra, các ung thư khác được biết liên hệ bệnh nhiễm gồm một số bệnh bạch cầu và lymphô; ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ; lưỡi và họng.

Giáo sư có thể nói rõ hơn cơ chế sinh ung do các tác nhân lây nhiễm?

Các vi sinh vật có thể gây ung thư bằng nhiều cơ chế mà chúng ta chưa hiểu hết. HPV cắt đứt chu kỳ tế bào, khóa tay các protein đè nén bướu như p53 và Rb, giúp sự xáo trộn gen tích lũy để ung thư hình thành.

H.pylori thì gây ra tình trạng viêm mạn tính, rồi dẫn đến viêm dạ dày mạn tính dạng teo, lâu dần tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Đối với HBV và HCV, có vẻ như sự lây nhiễm tự nó tác động ít hơn là sự đáp ứng miễn dịch chống lại nó.

Theo thời gian, tổn thương mô gan sẽ dẫn tới xơ gan, yếu tố nguy cơ của ung thư gan. Nhiều bệnh nhiễm gây ra ung thư, nhưng vì sao chỉ có ở một số người bị nhiễm thì ung thư trổ ra. Phải chăng các gen và các yếu tố khác có thúc đẩy hoặc bảo vệ chống bệnh ung thư ở các cá thể. Còn nhiều điều chúng ta phải học hỏi.

Là chuyên gia hàng đầu, xin giáo sư cho biết làm sao để ngừa các bệnh nhiễm, tránh một số ung thư?

Nhìn chung, phần lớn các ung thư này có thể phòng tránh được nhờ các biện pháp phòng ngừa và/hoặc nhờ các cách điều trị phòng ngừa và điều trị khỏi bệnh nhiễm.

Tiêm chủng HBV, HPV. Phát hiện sớm các bệnh nhiễm để hạn chế sự lây lan hoặc điều trị bệnh: HBV, HCV, HIV và H.pylori. Điều trị các bệnh lây nhiễm. Phát hiện và điều trị các dạng tiền ung thư: xét nghiệp Pap. Bệnh nhiễm và ung thư cung cấp kiểu mẫu về cơ chế sinh ung, chẩn đoán, điều trị, tầm soát và phòng tránh.

Xin mượn lời của TS Catherine de Martel thuộc Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC): “Các bệnh nhiễm do vài loại virút, vi khuẩn và ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất và có thể phòng ngừa hiệu quả nhất của gánh nặng ung thư toàn cầu…

Áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng hiện có để phòng tránh bệnh nhiễm, tiêm chủng với vắcxin hoặc điều trị kháng chẳng hạn, có thể đem lại hiệu quả vững chắc trong tương lai”. Các bệnh nhiễm phải được quan tâm đúng mức trong chiến lược phòng chống ung thư.

Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi ý nghĩa này!

Theo Nguyễn Huyền - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X