Hotline 24/7
08983-08983

Vaccin GMO - Lựa chọn tối ưu cho tương lai?

Sản phẩm GMO (sinh vật biến đổi gen) hiện còn nhiều tranh cãi nhưng nó lại có ích cho ngành y, được các nhà khoa học sử dụng để rút ngắn tiến độ sản xuất các loại vaccin cúm mới.

Đặc biệt, nó có chứa các protein chuyển gen có tên protein GM. Hiện đã có 3 sản phẩm mới kiểu này được Cơ quan Quản lý Thuốc - Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho phép đưa vào lưu thông.

Một loại vaccin sáng giá

Tính đến tháng 4/2014, đã có 3 loại vaccin cúm GMO được FDA phê duyệt cho phép lưu hành, trong số này có vaccin Flublock của hãng Protein Sciences Corporation (PSC) chế tạo. Đây là loại vaccin có chứa các tế bào protein của côn trùng chuyển gen.

Thông thường, một loại vaccin truyền thống thường được bào chế bằng cách sử dụng trọn vẹn một loại virut cúm, nhưng ở PSC, người ta lại chỉ sử dụng 1 gen cúm duy nhất, gen này được lựa chọn cẩn thận vì nó có khả năng kích hoạt hưởng ứng miễn dịch rất mạnh khi đưa vào cơ thể con người.

Cụ thể, trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy các tế bào protein từ một con sâu bướm (loại bướm thường xuất hiện vào mùa thu), thực chất đây là virut có tên baculovirus. Nghe qua, có vẻ nguy hiểm nhưng dùng các tế bào baculovirus để sản xuất vaccin thì không còn xa lạ trong ngành công nghiệp vaccin.

Vì vậy, nó được xem là sự lựa chọn thông minh, bởi vaccin có thể thâm nhập vào các tế bào con người lẫn động vật mà không gây nguy hiểm do bị sao chép. Điều này làm cho protein vaccin trở nên sáng giá hơn trong việc vận chuyển vaccin.

Vaccin GMO - Lựa chọn tối ưu cho tương lai?
Sử dụng vaccin mới.

Trong dự án, các chuyên gia ở PSC đã thu hoạch một gen cúm đơn, sau đó cài vào một tế bào protein của virut sâu bướm. Virut cúm được ấp trong tế bào virut sâu bướm và phát triển. Một khi đạt tới độ thuần thục, các tế bào này được đưa đi tinh chế, các tế bào thành phẩm cuối cùng được dùng là cơ sở để sản xuất vaccin cúm có tên Flublok. Kỹ thuật tăng cường gen nói trên cho phép con người sản xuất được vaccin nhanh hơn so với phương pháp truyền thống, lâu nay vẫn áp dụng, đặc biệt là tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Việc sản xuất thành công vaccin Flublok bằng phương pháp GMO được xem là "điểm nhấn" trong cuộc chiến phòng chống cúm của nhân loại, vũ khí đối phó với những trận dịch lớn diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên, mặt trái, tức những phản ứng phụ vẫn còn tồn tại giống như vaccin truyền thống, nhưng vaccin mới mang lại hiệu quả cao, kháng lại nhiều chủng cúm khác nhau chứ không bó hẹp vào một hoặc hai chủng cúm như các loại vaccin thông thường.

Rút ngắn tiến độ sản xuất vaccin cúm

Trong bối cảnh dịch bệnh phát triển, nhưng tiến độ sản xuất vaccin lại quá chậm, nên thế hệ vaccin GMO được các nhà khoa học ví như "ứng viên sáng chói cho tương lai" trong công nghệ sản xuất vaccin Flublok.

Trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccin Flublok, virut sâu bướm baculovirus có tác dụng kích hoạt cơ thể mạnh nên nó đã rút ngắn thời gian sản xuất vaccin, tuy nhiên rủi ro hay phản ứng cũng giống như các loại vaccin hiện có. Về lý thuyết, các loại vaccin nói chung vẫn còn tồn tại những phản ứng phụ kể cả phản ứng gây bệnh thần kinh nguy hiểm, hội chứng GBS (Guillain - Barre Syndrome), viêm đa dây thần kinh.

Riêng Flublok thường có phản ứng phụ như viêm nhiễm hệ hô hấp, làm thay đổi hệ miễn dịch, gia tăng các phản ứng dị ứng, đau đầu, đau cổ và chảy nước mũi. Hiệu quả tổng thể của Flublok là 45% so với các loại vaccin hiện có, mức này được xem là tuyệt vời. Tuy nhiên, Flublok chỉ được phê duyệt dùng cho nhóm người trưởng thành (18 - 49 tuổi).

Qua 2 cuộc thử nghiệm đối chứng lâm sàng ngẫu nhiên ở 2.497 người, tuổi từ 18 - 49, các nhà khoa học phát hiện thấy phản ứng phụ diễn ra trong các giai đoạn thử nghiệm 7 ngày, 28 ngày và 6 tháng sau tiêm phòng như sau: đau đầu (15%), mệt mỏi 15%, đau cơ 11%, đau khớp 4%, buồn nôn 6% và ớn lạnh 3%.

Ngoài ra, còn có 2 trường hợp tử vong sau 6 tháng sau tiêm phòng (gồm 1 dùng vaccin Flublok và 1 dùng giả dược), cả hai đều tử vong sau hơn 28 ngày sau khi tiêm phòng. Tuy giống như hầu hết vaccin cúm khác, Flublok cũng có phản ứng phụ SAE (tức sự cố nghiêm trọng) ở 32 người dùng Flublok và 35 người dùng giả dược.

Theo FDA, tỷ lệ bị phản ứng phụ không mong muốn nghiêm trọng 1 - 2% ở nhóm dùng Flublok chủ yếu là viêm mũi họng cấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhức đầu, ho, nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Theo FDA, Flublok không phải là vaccin cúm biến đổi gen duy nhất trở thành thương phẩm mà đến nay trên thị trường còn nhiều vaccin GMO khác, như Flucelvax GE của hãng Novavax đã được FDA phê duyệt năm 2013. Flucelvax GE cũng sử dụng các tế bào sâu bướm với các hạt dạng virut siêu nhỏ, bởi các tế bào này của sâu bướm có khả năng bắt chước các chức năng của các tế bào virut cúm.

Hiện tại, các nhà khoa học còn đang bắt tay vào nghiên cứu loại vaccin cúm mới, vaccin GMO vạn năng, nó có nhiều tính năng ưu việt, chỉ cần tiêm 1 mũi có thể phát huy tác dụng 5 - 10 năm thay vì tiêm liên tục hàng năm như hiện nay.

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X