Hotline 24/7
08983-08983

Vắc xin ung thư, bạn đã bao giờ nghe?

Chúng ta thường được nghe đến các loại vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Nhưng còn vắc xin ung thư, Bạn đã bao giờ nghe thấy?

Chắc hẳn trong số chúng ta ai cũng đã từng biết tới các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh như sởi hay thủy đậu. Các loại vắc xin này sử dụng những chủng virus/vi khuẩn gây bệnh đã được làm yếu đi, không còn khả năng gây bệnh để giúp hệ miễn dịch của cơ thể làm quen và ghi nhớ các tác nhân gây bệnh. Từ đó giúp nâng cao khả năng phòng ngừa và chống lại bệnh dịch của cơ thể.

Hầu hết các vắc xin ung thư hoạt động theo cơ chế tương tự. Tuy nhiên, chúng làm cho hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào ung thư. Mục đích của vắc xin ung thư là để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư quay trở lại sau khi đã được điều trị. Ngoài ra, cũng có một vài loại vắc xin có tác dụng giúp phòng ngừa một vài loại ung thư .

Vắc xin phòng ngừa ung thư

Có một điều ít người biết rằng một vài loại ung thư thực chất gây ra bởi các virus. Các loại vắc xin giúp phòng ngừa nhiễm các loại virus này cũng có tác dụng phòng ngừa các loại ung thư gây ra bởi các loại virus đó.

Một vài chủng virus HPV đã được chỉ ra có mối liên hệ với các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư cổ họng và các loại ung thư khác. Vắc xin phòng ngừa HPV cũng có thể giúp phòng ngừa các loại ung thư này.
Những người bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) mãn tính có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng ngừa virus HBV có thể giúp giảm nguy cơ dẫn đến ung thư gan ở những trường hợp này.

Các loại vắc xin nhắm tới tác nhân gây bệnh là các virus/vi khuẩn có thể giúp bảo vệ khỏi một vài loại ung thư. Tuy nhiên chúng không nhắm trực tiếp tới các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, loại vắc xin ung thư này cũng chỉ hữu dụng đối với những loại ung thư gây ra bởi nhiễm khuẩn, mà trong đó hầu hết các loại ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, tuyến tiền liệt, và ung thư vú thì lại không gây ra bởi virus/vi khuẩn.

Ngày nay, đã có nhiều các nghiên cứu về khả năng tìm ra các loại vắc xin cho những loại ung thư không do nhiễm khuẩn nhưng vẫn chỉ mới đang trong giai đoạn đầu và sẽ còn một thời gian dài để biện pháp này được đưa vào sử dụng nếu khả thi.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Vắc xin điều trị ung thư

Các vắc xin điều trị ung thư khác với vắc xin phòng ngừa các tác nhân virus/vi khuẩn gây ung thư. Loại vắc xin này thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công trực tiếp lên các tế bào ung thư. Vì vậy, thay vì là loại vắc xin phòng ngừa, vắc xin điều trị ung thư nhắm tới một tình trạng bệnh đã hiện hữu.

Vắc xin điều trị ung thư có thể được điều chế từ chính các tế bào ung thư hoặc một phần của tế bào, hoặc hoàn toàn từ các kháng nguyên. Đôi khi, các tế bào miễn dịch được lấy từ chính cơ thể của bệnh nhân và được cho tiếp xúc với các tác nhân đó trong phòng thí nghiệm để tạo ra vắc xin. Khi đã sẵn sàng, vắc xin được tiêm vào cơ thể người bệnh để giúp tăng cường khả năng chống lại tế bào ung thư của hệ miễn dịch.

Vắc xin điều trị thường được dùng kết hợp với các liệu pháp điều trị bổ trợ khác giúp tăng cường cao hơn phản ứng của hệ miễn dịch chống lại các tế bào ung thư. Phương pháp này cũng được hi vọng sẽ còn phát huy tác dụng trong thời gian dài sau khi vắc xin được tiêm vào cơ thể.

Sipuleucel-T (Provenge) là loại vắc xin điều trị duy nhất cho tới nay được cho phép sử dụng để điều trị ung thư tại Mỹ. Vắc xin này được dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt khi liệu pháp hormone đã không còn tác dụng.

Loại vắc xin này tuy không chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt nhưng đã cho thấy có khả năng giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh thêm trung bình vài tháng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu áp dụng loại vắc xin này trong các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm cũng đang được triển khai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X