Hotline 24/7
08983-08983

Uống thuốc trong thai kỳ

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, nhiều mẹ bầu còn lo lắng không biết trước khi mang thai cần bổ sung thuốc gì hay không? Việc uống thuốc khi mang thai có ảnh hưởng gì không?

Khi mang thai thiên thần nhỏ, tôi phải uống thuốc như thế nào để an toàn cho con tôi?
Không biết mình mang thai, tôi đã uống nhiều loại thuốc cảm. Điều này có gây hại cho bé yêu trong bụng tôi?
Tôi đã lỡ uống viên thuốc ngừa thai khẩn cấp nhưng hiện nay tôi lại “2 vạch”. Tôi muốn giữ lại con có được không?
Nhiều thông tin trên internet trái chiều nhau về uống thuốc trong thai kỳ, tôi biết phải nghe ai?

Ngổn ngang rất nhiều nỗi lo về uống thuốc trong thai kỳ khiến các mẹ bầu bất an. Hãy chia sẻ với chúng tôi về điều này, các chuyên gia về dược và chăm sóc tiền sản sẽ tận tình giải tỏa những trăn trở ấy.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

NỘI DUNG TƯ VẤN

Lâm Quỳnh Trúc Mai - 30 tuổi

Ngày 16/8 /2018 vừa rồi em có đi khám thai lần đầu tại quý bệnh viện và được chẩn đoán là thai 5 - 6 tuần. Khi ra về có nghe dặn là sau 1 tháng tái khám
(trong lúc đang đông người nên không biết có nghe nhầm hay không). Vì em nghe nói là sang tuần thứ 7 thì nghe tim thai. Vậy bác sĩ hẹn em 1 tháng nữa tái khám tức là khoảng 10 tuần, em lo là trong khoảng thời gian đó liệu con em đã có tim thai hay không? Xin nhờ bác sĩ tư vấn ạ.

Trả lời:

Xin chào bạn,

Siêu âm có thể thấy hoạt động của tim thai từ 6 - 7 tuần (với siêu âm ngã âm đạo). Bạn đã được xác định có thai trong tử cung, nên việc lịch hẹn khám thai là 4 tuần nữa là phù hợp, không nhất thiết là phải bắt được thời điểm có tim thai trên siêu âm, nếu thai kỳ của bạn không phải là một thai kỳ có yếu tố nguy cơ cao.

Xin chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Hồng - 26 tuổi

Chào bác sĩ. Em có thai 23 tuần, bị chàm thể tạng hai hố nách gây ngứa nhiều bong da và thâm da nách rất nhiều. Em xin bác sĩ tư vấn loại thuốc để điều trị ạ. Em có nghe nói kem aquaphor làm mềm da hỗ trợ điều trị. Kem này có dùng cho phụ nữ có thai được không ạ?

Trả lời:

Chào em,

Em nên đi khám chuyên khoa da liễu, bác sĩ sẽ chỉ định loại Steroids bôi tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh cũng như chọn lựa kem giữ ẩm có thành phần phù hợp.
Em nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và lưu ý tái khám theo lịch hẹn để kiểm soát được tình trạng viêm, ngứa. Ngoài ra, em cần hạn chế tiếp xúc với các hóa chất gây dị ứng trên da, tránh làm xước hoặc gãi vùng da bị ngứa, dinh dưỡng tốt, kiêng những thức ăn đồ uống kích thích như cà phê...

Chúc em mau khỏe.


Cẩm Tú - 28 tuổi

Chào bác sĩ, cho em hỏi: Hôm 17/8/2018 em có thăm khám ở bệnh viện Từ Dũ, kết luận em bị nang buồng trứng (p) nhỏ, tiêu chảy kéo dài, không phải uống thuốc gì cả, theo dõi xuất huyết trong nang buồng trứng. Em về nhà uống thêm men enterogermina, thì tình trạng tiêu chảy ổn hơn, nhưng bị đầy bụng chướng hơi, căng tức bụng. Ngày 20/8, em bị ra ít dịch màu hồng ở âm đạo, hơi nhói ở vị trí nang buồng trứng phải. Vậy em bị sao thưa bác sĩ, có nguy hiểm không ạ? Em cảm ơn!

Trả lời:

Xin chào bạn,

Bạn nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa sản để được thăm khám và xác định bệnh. Hiện thông tin trên chỉ là triệu chứng cơ năng (người bệnh khai); cần phải được thăm khám (đánh giá triệu chứng lâm sàng) mới đưa ra được chẩn đoán và hướng xử trí phù hợp nhất cho bạn.


Nguyễn Thị Ngọc Dung - 29 tuổi

Em đang mang thai được gần 14 tuần mà chưa làm xét nghiệm Double Test, cho em hỏi giờ em làm còn kịp không ? Hay là đợi làm xét nghiệm Tripple test luôn.

Trả lời:

Xin chào bạn,

Thời điểm làm xét nghiệm sàng lọc kết hợp để tính toán nguy cơ sanh con lệch bội nhiễm sắc thể (kết hợp tuổi mẹ, độ mờ da gáy/ siêu âm và hai dấu ấn sinh hóa máu) là từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Vì trong thời điểm này độ chênh giữa dân số thai phụ sanh con bình thường và sanh con bất thường lệch bội nhiễm sắc thể mới khác biệt có ý nghĩa.
Bạn đã quá thời gian làm chỉ định làm xét nghiệm sàng lọc quý I thai kỳ; vậy nên sẽ được chỉ định làm xét nghiệm sàng lọc quý II thai kỳ là Triple Test. Bạn nên khám theo hẹn của bs sản khoa để được chỉ định làm xét nghiệm đúng thời điểm.

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Hoa Phan - 29 tuổi

Chào bác sĩ, cho em hỏi, vợ em mang thai được 11 tuần thì mắc bệnh quai bị, không biết bệnh này có ảnh hưởng gây dị tật ở thai nhi không ạ. Vợ chồng em mới có con lần đầu nên rất hoang mang và lo sợ ảnh hưởng đến con sau này. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn.

Trả lời:

Xin chào bạn,

Việc mắc quai bị ở thời điểm 11 tuần có gây một số nguy cơ cho thai kỳ như tình trạng nhiễm siêu vi sẽ nặng hơn, khả năng miễn dịch của thai phụ đáp ứng kém hơn so với người bình thường nên tình trạng bệnh dễ nặng hơn, có nguy cơ tăng lên nhưng không cao sảy thai, thai lưu. Không làm tăng tỉ lệ nguy cơ dị tật thai lên. Bạn nên đến khám chuyên khoa bệnh nhiệt đới và sản khoa để được đánh giá tình trạng sức khỏe thai.

Xin chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Nguyet Anh - 30 tuổi

Dạ em chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi là em bầu hơn 37 tuần rồi nhưng nhau thai của em chưa bị canxi hoá, vậy BS cho em hỏi có phải nhau thai bị canxi hoá thì mới sinh không ạ?

Trả lời:

Xin chào bạn,

Việc nhau thai chưa bị canxi hóa ở tuổi thai 37 tuần hơn vẫn là bình thường. Bánh nhau không nhất thiết phải canxi hóa mới có nghĩa là trưởng thành. Việc bánh nhau thấy những điểm tăng sáng vôi hóa thường gặp ở thai quá ngày dự sanh (40 tuần). Việc đánh giá sức khỏe thai cần nhiều phương tiện khác hỗ trợ.

Xin chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Yen - 31 tuổi

Hiện tại em bị nấm âm đạo khi mang thai. Cho em xin tên thuốc điều trị được không ạ?

Trả lời:

Chào em,

Em nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác và thực hiện xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ em nhé và không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà phải có thăm khám, chỉ định của bác sĩ với loại thuốc, thời gian điều trị phù hợp.

Chúc em luôn khỏe.


Kim - 32 tuổi

Xin chào các BS! Vui lòng cho hỏi tiêm trợ phổi cho em bé có ưu và nhược điểm gì đối với mẹ và bé không ạ? Em nghe một số mẹ bầu đã từng tiêm thì bảo là sau khi tiêm trợ phổi em bị chậm tăng cân, không hấp thu được dinh dưỡng nhiều như lúc chưa tiêm! Nói vậy có đúng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn,

Tiêm hỗ trợ phổi trong thai kỳ nhằm mục đích hỗ trợ phổi cho bé khi sinh trong vòng 24g đầu theo sự chỉ định của Bác sĩ, việc tiêm hỗ trợ phổi không ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.

Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.


Lê Văn Chính - 22 tuổi

Xét nghiệm máu hcg là 670.9 trễ kinh 1 tuần nội mạc tử cung dày 25mm như vây có thai không thưa bac sĩ.

Trả lời:

Xin chào bạn.

Human chorionic gonadotropin là một loại nội tiết tố chỉ xuất hiện khi mang thai. Vậy nên với nồng độ HCG bạn nêu là 670.9 UI/L nghĩa là người được xét nghiệm đang mang thai. Việc siêu âm chưa thấy túi thai với nồng độ HCG như trên là phù hợp. Vì siêu âm sớm quá có thể vẫn chưa thấy được túi thai. Ngưỡng phát hiện (discriminative zone) để thấy được túi thai với siêu âm ngã âm đạo là 1500 - 2000 mUI/mL.

Việc thai này có tốt hay không, là thai trong tử cung hay thai ngoài tử cung, đơn thai hay đa thai, diễn tiến như thế nào hiện chưa thể nói được; bạn nên theo dõi và tái khám theo chỉ định của bác sĩ lâm sàng.

Xin chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Hương - 27 tuổi

Xin chào bác sĩ, cho em hỏi bị cảm trong 3 tháng đầu gây nguy hiểm cho thai nhi như thế nào và làm thể nào khi bị cảm? Đã có nghiên cứu về việc sử dụng dầu cao gây dị tật thai nhi chưa? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào em,

Cảm cúm trong 3 tháng đầu có thể do một số nguyên nhân:

Do nhiễm Rubella. Đây là trường hợp nguy hiểm, thai nhi có nguy cơ bị hội chứng Rubella bẩm sinh đến 90%, virus này cũng có khả năng gây dị tật, tổn thương ở mắt và hệ thần kinh cho thai nhi.

Cảm cúm theo mùa, nếu mẹ bầu bị cúm nặng, sốt cao, nhiểm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra thì có khả năng bị sảy thai sớm hoặc thai lưu. Virus cảm cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, đục thủy tinh thể mắt, hở hàm ếch, hội chứng down…

Khi phát hiện có những triệu chứng của cúm như sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng, hắt hơi, ớn lạnh…điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần đi khám bác sĩ để được hướng dẫn và làm những xét nghiệm cần thiết.

Dầu cao có chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Các thành phần như tinh dầu bạc hà, long não,… được hấp thụ qua da, qua nhau thai ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bé. Một số công trình nghiên cứu cũng cho rằng, long não có thể làm thai nhi bị dị dạng, thậm chí gây thai lưu, đặc biệt là dùng trong thời gian 3 tháng đầu.

Điều quan trọng em nên đi khám thai định kỳ để được hướng dẫn tầm soát dị tật thai.

Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.


Tuyết - 26 tuổi

Dạ em chào bác sĩ! Bác sĩ cho em hỏi hiện tại em đang mang bầu 12 tuần. Lúc thai 8 tuần em có đi xét nghiệm huyết học chỉ số mcv của em là 74.3, mch là 26.1 thấp hơn so với chỉ số bình thường. Bác sĩ của em có chỉ định cho chồng em đi xét nghiệm, chỉ số của chồng em là mcv 75.8, mch 26.5. Điều này có bị ảnh hưởng nhiều tới em bé không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời:

Xin chào bạn,

Xét nghiệm máu của bạn cho thấy đây là một tình trạng thiếu máu Hồng cầu nhỏ nhược sắc. Chồng bạn cũng như vậy. Trước tiên cần định hướng và tìm các nguyên nhân gây ra thiếu máu Hồng cầu nhỏ nhược sắc; có thể là do thiếu sắt (thiếu nguyên liệu để tạo tế bào máu hồng cầu), do mang đột biến gen gây bệnh lý thiếu máu tán huyết (Thalassaemie)_một bệnh lý di truyền nổi trội của dân tộc châu Á hoặc nhiều nguyên nhân khác.

Trong tình huống xác định đây là thiếu máu thiếu sắt, bạn sẽ được chỉ định bổ sung sắt và kiểm tra lại xét nghiệm máu. Trong tình huống đây là bệnh lý thiếu máu tán huyết di truyền Thalassaemie, bạn và chồng sẽ được xét nghiệm tìm đột biến gen; và tùy kết quả loại đột biến gen mà được tư vấn tiếp là có cần chẩn đoán trên thai hay không. Các xét nghiệm để phân định và tìm nguyên nhân sẽ được tiến hành từng bước. Đây là một xét nghiệm chuyên sâu và khá đắt tiền nên cần được tư vấn và chỉ định chuyên biệt; bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa sản hoặc đến Đơn vị Tiền sản - Khoa Chăm sóc trước sinh để được chỉ định làm các xét nghiệm tiếp theo phù hợp.

Một số trường hợp nếu ba và mẹ cùng mang một loại đột biến gen và cùng cho con loại đột biết này, có thể bé sẽ biểu hiện thiếu máu nặng; một số trường hợp biểu hiện ngay trong thai kỳ (thai chậm tăng trưởng, tràn dịch đa màng, tim to, gan to...); một số trường hợp không biểu hiện trong thai kỳ nhưng khi bé đến 1 - 2 tuổi sẽ biểu hiện thiếu máu với mức độ tán huyết gây thiếu máu ngày càng trầm trọng.
Xin chúc bạn xác định được nguyên nhân, có kết quả xét nghiệm tốt và tiếp tục một thai kỳ khỏe mạnh.


Chau Le - 35 tuổi

Em siêu âm lúc thai 26 tuần bác sĩ nói em có chiều dài xương đùi ngắn so với trung bình khoảng 2 tuần, các chỉ số khác thì bình thường. Em có cần uống thêm thuốc canxi để cải thiện chièu cao cho bé không? Vì em cao 1 m56 và ba bé cao 1 m69, trong gia dình không có ai thấp cả.

Trả lời:

Chào em,

Trường hợp của em có thể bổ sung thêm viên uống calci vào buổi sáng sau ăn, ngoài ra em cần bổ sung thêm chế độ dinh dưỡng giàu calci như sữa chua, phomai, hải sản, cua đồng,.... Phơi nắng sớm 30 phút trước 9h sáng và 30 phút nắng chiều sau 3h chiều. Em nên tái khám theo đúng lịch hẹn của Bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.


Lan Anh - 35 tuổi

Em đang mang thai 16 tuần. Trước khi mang thai em cũng hay bị đau đầu và mỗi lần đau em uống 2 viên panadol. Thường em hay bị đau đầu tầm 2,3 lần một tháng. Từ khi mang thai em bị đau nhiều hơn. Cứ tầm chiều là bị tới sáng hôm sau rồi tự hết. Cho em hỏi bị như thế có ảnh hưởng tới em bé không? Làm sao để đỡ đau mà không phải dùng thuốc. Em cảm ơn.

Trả lời:

Chào chị Lan Anh,

Tình trạng đau đầu của chị đã diễn tiến khá lâu và lặp lại khá thường xuyên. Đau đầu là biểu hiện của nhiều bệnh lý phức tạp, do vậy để có thể kiểm soát tốt sức khỏe trong thời kỳ mang thai, tránh những ảnh hưởng xấu của bệnh đối với sự phát triển của thai nhi chị nên đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây đau đầu và có hướng điều trị kịp thời. Khi có thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi và có thể làm trầm trọng hơn một số bệnh lý nền trước đó.

Dữ liệu sử dụng panadol (hoạt chất paracetamol) trong thời kỳ mang thai còn hạn chế nhưng việc chỉ định thuốc khá phổ biến và chưa ghi nhận được các tác động bất lợi của thuốc đối vơi thai nhi.  

Chúc sức khỏe. Chào thân ái.


Huong Le Pham - 35 tuổi

Em uống cao ích mẫu được 1 tuần để ra kinh thì phát hiên thử thai 2 vạch. Em không biết thuốc có gây dị tật cho bé không nữa?

Trả lời:

Chào em,
Cao ích mẫu chứa các thành phần như Ích mẫu, Hương phụ, Ngải cứu, thuốc được chỉ định trong trường hợp kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt trong thời kỳ mới có kinh... Theo thông tin kê toa sản phẩm, thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai. Hiện chưa có dữ liệu nghiên cứu cụ thể về tính an toàn của thuốc trong thai kỳ.

Em nên đi khám thai định kỳ và thông báo cho bác sĩ về thuốc đã sử dụng để được theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.

Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.


DungLe - 27 tuổi

Em đang uống thuốc vitamin E và collagen làm đẹp da, em có thai 5-6 tuần. Em có phải ngừng uống 2 loại thuốc này không bs?

Trả lời:

Chào em,

Việc sử dụng thuốc trong thai kỳ cần phải thận trọng vì những ảnh hưởng của thuốc lên bào thai. Vì vậy, em không nên tự ý dùng thuốc tiếp tục khi chưa có sự chỉ định của Bác sĩ. Em nên ngưng thuốc và lựa chọn bổ sung vitamin E và collagen từ những thực phẩm thiên nhiên như thịt, cá, chân giò,...

Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X