Hotline 24/7
08983-08983

Uống nước nóng để giải nhiệt

Tại sao uống nước nóng lại có thể giải nhiệt được? Nguyên nhân của hiện tượng này liên quan chặt chẽ đến những giọt mồ hôi chảy trên da của bạn.

Cứ mỗi khi trời nóng nực, việc giải nhiệt cho cơ thể là cực kì quan trọng. Tuy nhiên, nghe có vẻ khó tin, nhưng bạn có biết rằng uống nước nóng thực ra lại hiệu quả hơn việc uống nước lạnh không?

Ollie Jay, hiện là nhà nghiên cứu đứng đầu Phòng Thí nghiệm Công thái Nhiệt học tại Đại học Sydney (Australia), từng xuất bản một cuộc nghiên cứu chứng minh sự thật lí thú trên vào năm 2012.

Uống nước nóng để giải nhiệt, nghe ngược đời nhưng hoàn toàn đúng - Ảnh 1.Uống nước nóng đã được chứng minh giúp bạn giải nhiệt tốt hơn nước lạnh.

Jay cùng các đồng nghiệp của mình đã cho 9 nam tình nguyện viên đạp xe trong 75 phút với một chiếc quạt phả vào họ, thổi bay những giọt mồ hôi của họ. Những người này sau đó được uống nước có nhiệt độ dao động từ rất lạnh 1.7 độ C đến khá nóng 50 độ C.

Cuối cùng, các nhà khoa học nhận thấy rằng khi những người tình nguyện đạp xe và uống nước nóng, họ giải phóng nhiều hơn 56 kJ nhiệt năng so với lúc họ uống nước ở nhiệt độ trong phòng. Thế nhưng, cũng so sánh với cốc nước bình thường, khi họ uống nước lạnh, trên thực tế họ lại nhận vào nhiều hơn 21 kJ lượng nhiệt năng.

“Điều này có vẻ nghe rất nghịch lý. Một thứ nước mát lạnh có cảm giác giải nhiệt tốt hơn khi uống vào người, nhưng nó lại không thực sự khiến bạn mát hơn vì nó làm giảm khả năng thoát mồ hôi của bạn", Jay nói.

Uống nước nóng để giải nhiệt, nghe ngược đời nhưng hoàn toàn đúng - Ảnh 2.Nếu bạn thực sự muốn cơ thể thoát nhiệt, hãy nhớ việc uống nước chỉ là "đánh lừa" cơ thể mà thôi.

Điều mấu chốt ở đây chính là mồ hôi. Với mỗi gram mồ hôi bốc hơi từ da của bạn, bạn sẽ mất xấp xỉ 2.43 kJ nhiệt năng. Những người uống nước nóng nhận thêm 52 kJ nhiệt từ nước, nhưng khi mồ hôi bắt đầu thoát ra, họ lại mất đi 108 kJ nhiệt từ sự bốc hơi mồ hôi. Trong khi đó với nước lạnh, điều trái ngược lại xảy ra.

Trong khi nước lạnh giảm thân nhiệt đi 138 kJ, điều đó không đủ để bù trừ cho 159 kJ nhiệt được giữ lại cơ thể do mồ hôi không bốc hơi trên da họ. Còn khi những tình nguyện viên uống nước ngang nhiệt độ phòng, lượng nhiệt họ nhận vào lại bằng với lượng nhiệt mất đi.

Uống nước nóng để giải nhiệt, nghe ngược đời nhưng hoàn toàn đúng - Ảnh 3.

Dù vậy, Jay không hề khuyến khích mọi người từ nay uống một cốc nước trà nóng để giải nhiệt vào một buổi chiều hè tháng 8 nóng nực.

“Tôi không bao giờ thực sự ủng hộ việc uống nước nóng vào ngày nóng bức", Jay nhấn mạnh.

"Thứ nhất, lượng nhiệt mất đi từ sự bốc hơi mồ hôi không tạo nhiều khác biệt đến thế. Thứ hai, cuộc thí nghiệm này được diễn ra cùng với một cái quạt. Điều đó nhằm đảm bảo mọi giọt mồ hôi người ta tạo ra đều được bốc hơi trên da và đóng góp cho việc thoát nhiệt. Trên thực tế, nếu bạn chảy mồ hôi và dùng khăn lau nó đi thì giọt mồ hôi đó không hề giúp bạn giải nhiệt".

Uống nước nóng để giải nhiệt, nghe ngược đời nhưng hoàn toàn đúng - Ảnh 4.Chính mồ hôi thoát ra trên da là mấu chốt của việc cơ thể được làm mát.

Vẫn còn một câu hỏi còn sót lại, đó là bằng cách nào cơ thể lại toát mồ hôi nhiều hơn hoặc ít hơn tùy vào nhiệt độ của nước? Jay đã tiến hành một cuộc thí nghiệm mới về các cơ quan cảm thụ nhiệt độ ở thành ruột và miệng.

Kết quả là, các tình nguyện viên chỉ xúc miệng bằng nước không thay đổi mức độ thoát mồ hôi của mình, nhưng nếu nước được bơm trực tiếp qua ruột của họ, nước lạnh sẽ kích thích họ chảy mồ hôi ít hơn so với lúc ruột tiếp xúc với nước nóng.

Không chỉ có ở thành ruột, các cơ quan cảm thủ nhiệt độ còn nằm ở một số bộ phận khác như đằng sau gáy và gan bàn chân. Khi bạn đặt một túi nước đá lên sau gáy hoặc khi bạn thò chân ra khỏi chăn nếu thấy nóng lúc đi ngủ, bạn sẽ thấy mát nhờ có các cơ quan cảm thụ nhiệt độ này, mặc dù trên thực tế không phải cơ thể bạn đang thoát nhiệt.

Tất nhiên, việc uống nước nóng không hẳn là cách tốt nhất để thấy mát trong một ngày hè nóng nực. Thay vào đó, hãy ở trong nhà và tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, cũng như sử dụng quạt hoặc máy điều hòa để làm mát cơ thể.

Theo Khánh Linh - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X