Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư phổi: Tỷ lệ tử vong cao, nhưng dễ phòng ngừa

Theo www.webmd.com, một trang chuyên cập nhật thông tin liên quan đến sức khỏe, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.

9/10 ca tử vong do ung thư phổi đều là hậu quả của việc hút thuốc lá, còn lại là do khí gas, ô nhiễm và các chất hóa học khác. Thuốc lá không chỉ chứa đầy hóa chất gây ung thư mà còn làm vô hiệu hóa cơ chế tự vệ của phổi.

Trải dọc đường hô hấp là vô số lông mao li ti làm nhiệm vụ bảo vệ phổi khỏi độc tố, vi khuẩn và virus. Thuốc lá sẽ ức chế hoạt động của cơ quan này, tạo cơ hội cho hóa chất gây hại tích tụ trong phổi.

Triệu chứng. Ung thư phổi diễn tiến một cách âm thầm, ở thời kỳ đầu hầu như không có một dấu hiệu cảnh báo nào. Khi bệnh trở nặng thường sẽ có những triệu chứng như ho không dứt, đau tức ngực (nhất là khi hít thở sâu), hơi thở ngắn và khò khè, ho ra đờm có lẫn máu, mệt mỏi...

Tầm soát. Trong bài viết "Ung thư phổi: Những điều cần biết" trên www.webmd.com xuất bản ngày 18/4/2016, BS William Blahd nhận định, ung thư phổi có thể phát hiện sớm qua phương pháp chụp CT xoắn ốc.

Tuy nhiên, việc phát hiện sớm vẫn chưa phải là điều kiện tiên quyết để giữ mạng sống của người bệnh mà chỉ có thể kéo dài thời gian sống thêm một ít. Theo Cơ quan Phòng chống dịch bệnh Mỹ, ung thư phổi nên được tầm soát hằng năm bằng cách chụp CT có liều phóng xạ thấp.

Cần tầm soát hơn cả là những người trong độ tuổi 55 - 80 có số pack-year (*) là 30 và hiện vẫn còn hút, hay đã bỏ thuốc lá trong 15 năm trở lại. Nếu một người đã bỏ thuốc được 15 năm rồi thì không cần tầm soát nữa.

Chẩn đoán. Trong đa số trường hợp, chỉ khi ho kéo dài, thở khò khè thì bác sĩ mới nghi ngờ bệnh nhân đã mắc ung thư phổi. Khi đó, bác sĩ thường sẽ chỉ định chụp X-quang ngực hoặc một số xét nghiệm hình ảnh khác.

Bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu thử nước bọt. Nếu có khối u đáng ngờ trên ảnh X-quang hoặc có tế bào ung thư trong nước bọt, bệnh nhân sẽ được làm sinh thiết kim. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô bệnh bằng ống kim và kiểm tra dưới kính hiển vi. Làm sinh thiết sẽ giúp bác sĩ biết liệu khối u có đúng là ung thư hay không và xác định được dạng ung thư.

Những tác nhân khác. Không phải chỉ có chủ động hút thuốc mới là nguyên nhân gây ung thư, hít phải khói thuốc ở nhà hoặc công sở cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những người thường xuyên làm việc trong môi trường chứa nhiều uranium, thạch tín và những loại hóa chất khác cần hạn chế phơi nhiễm những chất này.

Một hóa chất đáng đề cập là amiăng, trước đây được sử dụng rộng rãi để cách điện trong xây dựng. Dù hiện nay người ta hiếm khi dùng đến amiăng nhưng những công nhân tiếp xúc với nó nhiều năm trước vẫn còn nguy cơ phát bệnh ung thư.

Khí phóng xạ radon có thể tích tụ trong nhà và làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc. Tại Mỹ, đây là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng thứ nhì sau thuốc lá, với 12% số bệnh nhân tử vong. Chất khí này không màu, không mùi, nhưng có thể được phát hiện qua thử nghiệm.

Mặc dù không bằng thuốc lá nhưng ô nhiễm không khí cũng là một tác nhân ung thư. Khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy cũng gây hại cho phổi không kém hút thuốc lá thụ động. Trên thế giới có khoảng 223.000 ca ung thư phổi tử vong mỗi năm mà nguyên nhân là do không khí ô nhiễm.

Các tác nhân khác gồm có di truyền, uống nước nhiễm thạch tín... Ngay cả những người không có những yếu tố nguy cơ thường gặp vẫn có thể mắc ung thư phổi, kể cả những người không hút thuốc lá bao giờ.

Dù vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng những người không hút thuốc bị mắc ung thư đa phần là nữ giới. Ung thư biểu mô tuyến lại phổ biến hơn ở những người không hút thuốc.


Các dạng ung thư phổi

Ung thư phổi có hai dạng chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ nghiêm trọng ở chỗ tế bào ung thư có thể di căn nhanh chóng sang các cơ quan khác trong cơ thể ngay từ thời kỳ đầu mắc bệnh. Dạng này liên quan mật thiết với việc hút thuốc lá và rất hiếm gặp ở những người không hút thuốc.

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, tiến triển chậm hơn và phổ biến hơn, 85% các ca mắc ung thư phổi đều thuộc dạng này.

Giai đoạn ung thư. Giai đoạn là khái niệm để chỉ mức độ xâm lấn của tế bào ung thư. Hai dạng ung thư chính được phân tích dựa trên hai hệ thống khác nhau.

Ung thư phổi tế bào nhỏ có hai thời kỳ, một là khi ung thư được tìm thấy chỉ trong một lá phổi và các hạch bạch huyết lân cận thì đó là giai đoạn "khu trú”, còn nếu đã lan rộng sang cả lá phổi còn lại hoặc xa hơn thì gọi là giai đoạn "lan rộng", hai là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ được chia làm 4 giai đoạn, tùy vào diện tích di căn.

Hướng điều trị. Bệnh nhân vẫn còn hy vọng khỏi bệnh nhờ phẫu thuật trong trường hợp ung thư phổi không phải tế bào nhỏ được phát hiện trước khi kịp di căn sang phổi còn lại. Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ phần phổi có khối u hoặc toàn bộ lá phổi nếu cần thiết.

Một số bệnh nhân cần xạ trị hay hóa trị để loại trừ những tế bào ung thư sót lại sau phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với ung thư phổi tế bào nhỏ thì phẫu thuật hầu như không có tác dụng vì khi bệnh đã tiến triển nặng thì mới phát hiện.

Cho dù ung thư phổi đã tiến triển nặng không thể chữa khỏi, bệnh nhân vẫn có thể cải thiện chất lượng sống và kéo dài cuộc sống thông qua trị liệu. Xạ trị và hóa trị sẽ làm teo khối u và giảm những triệu chứng như đau xương hay khó thở. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, hóa trị được áp dụng chủ yếu.

"Liệu pháp nhắm trúng đích" là loại hình điều trị ung thư mới, có thể kết hợp cùng hóa trị khi những liệu pháp khác không có tác dụng. Một trong số những lợi ích chính là ngăn chặn sự phát triển của những mạch máu mới - nguồn dinh dưỡng của tế bào ung thư, những liệu pháp khác giúp can thiệp vào quá trình phát tín hiệu tăng sinh của tế bào ung thư. Các thí nghiệm giúp bác sĩ khám phá ra những hướng điều trị mới, hứa hẹn hơn cho bệnh nhân ung thư phổi.

Tỷ lệ sống sót. Số liệu gần đây nhất của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, trong giai đoạn 2004 - 2010 cho thấy, cơ hội sống sót trong 5 năm từ khi chẩn đoán mắc ung thư dao động từ 4 - 54%, tùy vào giai đoạn bệnh. Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên theo thời gian.


Sống chung với bệnh ung thư

Bệnh nhân biết mình bị ung thư phổi có thể bị sốc, và thậm chí còn thấy tội lỗi nếu biết nguyên nhân chính là thói quen hút thuốc. Nhưng tự trách bản thân cũng chẳng ích gì, chi bằng hãy lạc quan và hướng về phía trước.

Thay đổi thói quen xấu để bảo vệ sức khỏe không bao giờ là quá muộn. Nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân ung thư phổi bỏ hút thuốc sẽ có hiệu quả điều trị tốt hơn là những bệnh nhân không bỏ thuốc.

Dù ung thư phổi nằm trong nhóm những dạng ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất, nhưng cũng là dạng ung thư dễ phòng ngừa nhất. Bí quyết rất đơn giản, đừng hút thuốc! Và nếu đã lỡ hút thì hãy viện đến mọi sự giúp đỡ cần thiết để cai thuốc. Trong vòng 10 năm bỏ thuốc, nguy cơ ung thư phổi sẽ giảm xuống từ 30 - 50%.

(*)Pack-year: Một chỉ số cá nhân, được tính bằng cách lấy số bao thuốc lá hút trong một ngày nhân với số năm hút thuốc.

Theo Khánh Minh - Doanh nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X