Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư miệng và hầu họng: Lựa chọn điều trị

Bài viết này đề cập đến các phương pháp điều trị chuẩn cho các loại ung thư miệng và hầu họng. “Điều trị chuẩn” là phương pháp điều trị được đánh giá là tốt nhất.

Khi đưa ra quyết định về kế hoạch điều trị, bệnh nhân được khuyến khích tham khảo kết quả các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm một cách tiếp cận điều trị mới, rằng phương pháp điều trị mới liệu có an toàn, hiệu quả và có thể tốt hơn điều trị chuẩn hay không. Thử nghiệm lâm sàng có thể là thử nghiệm một thuốc mới, một sự kết hợp mới của phương pháp điều trị chuẩn, hoặc liều mới của thuốc điều trị chuẩn hoặc là một phương pháp điều trị khác. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân xem xét tất cả các lựa chọn điều trị.

Tổng quan về điều trị


Ung thư miệng và hầu họng có thể được chữa khỏi, đặc biệt nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm. Mặc dù chữa lành ung thư là mục tiêu chính của điều trị, việc bảo tồn chức năng của các dây thần kinh, cơ quan và mô lân cận cũng rất quan trọng. Khi lập kế hoạch điều trị, các bác sĩ xem xét việc điều trị có thể ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, chẳng hạn như cảm giác, thẩm mỹ, phát âm, ăn uống và hít thở.

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một kế hoạch điều trị tốt nhất, còn gọi là “nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa”, cho từng bệnh nhân cụ thể. Nhóm này có thể bao gồm:

- Bác sĩ nội khoa ung thư: điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc các loại thuốc khác, chẳng hạn như liệu pháp đích.
- Bác sĩ xạ trị ung thư: điều trị ung thư bằng sử dụng bức xạ ion hóa
- Bác sĩ phẫu thuật ung thư: điều trị ung thư bằng phẫu thuật
- Bác sĩ tai mũi họng
- Bác sĩ thẩm mỹ/phẫu thuật tạo hình: giúp sửa chữa các tổn thương do điều trị ung thư gây ra.
- Bác sĩ chuyên khoa phục hình hàm mặt: giúp thực hiện phẫu thuật tái tạo vùng đầu mặt cổ.
- Nha sĩ chuyên khoa ung thư hoặc nhà ung thư học về họng miệng: tư vấn cách chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư đầu- cổ.
- Nha sĩ chuyên khoa phục hình: giúp phục hồi răng bị tổn thương hoặc thay thế răng mất bằng mão răng, cầu răng, hoặc hàm giả.
- Bác sĩ vật lý trị liệu: giúp cải thiện sức mạnh thể chất và khả năng vận động cho bệnh nhân
- Chuyên gia ngôn ngữ: chuyên về các rối loạn giao tiếp và nuốt; giúp bệnh nhân lấy lại các kỹ năng nói và nuốt vốn bị ảnh hưởng bởi quá trình và các phương pháp điều trị ung thư.
- Chuyên gia thính học: điều trị và kiểm soát các vấn đề về thính giác, thính lực.
- Bác sĩ tâm lý/ bác sĩ tâm thần: hỗ trợ giải quyết các vấn đề về cảm xúc, tâm lý và hành vi của bệnh nhân ung thư và cả những thành viên gia đình của họ.

“Nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa” cũng có thể có thêm nhiều chuyên gia y tế khác, như bác sĩ phụ tá, y tá chuyên khoa ung thư, dược sĩ, tư vấn viên, chuyên gia dinh dưỡng và những người khác.

Xây dựng một kế hoạch điều trị toàn diện là vô cùng quan trọng trước khi bắt tay vào điều trị. Bệnh nhân cần được tư vấn bởi nhiều chuyên gia trước khi thiết lập kế hoạch điều trị đầy đủ.

Có 3 lựa chọn chính trong điều trị ung thư miệng và hầu họng, đó là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (được miêu tả bên dưới). Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, như là loại ung thư, giai đoạn bệnh, tác dụng phụ có thể xảy ra, sức khỏe toàn trạng và cả quyết định của bệnh nhân. Có thể chọn một phương pháp, hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Kế hoạch chăm sóc cũng cần bao gồm điều trị các triệu chứng và kiểm soát tác dụng phụ, đây là một phần quan trọng của việc chăm sóc và điều trị ung thư.

Hãy dành thời gian để tìm hiểu tất cả các lựa chọn điều trị và hỏi kỹ về những điều chưa hiểu rõ. Nói chuyện với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi lần điều trị và những gì có thể mong đợi trong khi điều trị.

Phẫu thuật


Phẫu thuật là cắt bỏ khối u và tổ chức mô lành xung quanh (còn được gọi là rìa khối u). Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u, với rìa vết mổ âm tính, có nghĩa là không có dấu vết ung thư trong các mô khỏe mạnh còn lại. Đôi khi sau phẫu thuật cần điều trị bổ trợ bằng xạ trị, hóa trị, hoặc cả hai. Tùy thuộc vào vị trí, giai đoạn và bệnh lý của ung thư, một số trường hợp có thể cần phẫu thuật nhiều lần để loại bỏ ung thư, khôi phục lại thẩm mỹ và chức năng của các mô bị ảnh hưởng.

Các phẫu thuật phổ biến nhất để loại bỏ ung thư miệng và hầu họng bao gồm:

- Phẫu thuật khối u nguyên phát. Cắt bỏ khối u và mô bao quanh khối u để bảo đảm không còn sót tế bào ung thư. Khối u có thể được cắt bỏ qua đường miệng hoặc đường rạch da ở cổ. Cũng có thể là thủ thuật cắt xương hàm dưới (mandibulotomy) để tiếp cận khối u, sau đó được nối trở lại.

Hình 1. Thủ thuật tách đôi xương hàm dưới (mandibulotomy)

- Phẫu thuật lưỡi. Cắt bỏ lưỡi một phần hoặc toàn bộ.

- Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm dưới (Mandibulectomy) Nếu khối u đã đi vào xương hàm nhưng không lan vào xương thì một phần hoặc toàn bộ xương hàm dưới sẽ bị cắt bỏ. Nếu có bằng chứng phá hủy xương hàm trên phim Xquang, thì toàn bộ xương có thể cần phải được cắt bỏ.

Hình 2. Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm dưới (Mandibulectomy)

- Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm trên (Maxillectomy). Phẫu thuật này loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khẩu cái cứng/vòm miệng sau đó phục hình bằng hàm giả hoặc vạt da mô mềm (có hoặc không bao gồm xương) nhằm lấp đầy khoảng trống được tạo ra sau phẫu thuật.

- Phẫu thuật vùng cổ. Ung thư vùng miệng và hầu họng thường lan truyền đến các hạch bạch huyết ở cổ, nên có thể nạo vét một số hoặc tất cả các hạch bạch huyết vùng cổ.

- Phẫu thuật thanh quản (Laryngectomy). Là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần thanh quản. Thanh quản rất quan trọng để nuốt vì nó bảo vệ đường hô hấp tránh thực phẩm và chất lỏng xâm nhập vào khí quản và phổi, dẫn đến viêm phổi. Cắt thanh quản rất hiếm khi chỉ định để điều trị ung thư miệng hoặc hầu họng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khối u lớn của lưỡi hoặc hầu họng, chỉ định cắt bỏ thanh quản là cần thiết để bảo vệ đường thở khi nuốt. Nếu thanh quản được lấy đi, khí quản (bên dưới thanh quản) sẽ được mở ra da cổ tạo một lỗ thoát khí, gọi là thủ thuật mở khí quản. Việc phục hồi chức năng là cần thiết để học cách phát âm và nói chuyện mới.

- Phẫu thuật robot đường miệng và vi phẫu thuật laser đường miệng. Phẫu thuật robot đường miệng (Transoral robotic surgery - TORS) và vi phẫu thuật laser đường miệng (transoral laser microsurgery - TLM) là các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Điều này có nghĩa là không cần đường phẫu thuật rộng để tiếp cận và loại bỏ khối u. Trong phẫu thuật robot đường miệng, dụng cụ nội soi được sử dụng để nhìn thấy khối u trong cổ họng. Sau đó, hai cánh tay robot nhỏ hoạt động như cánh tay của bác sĩ phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Trong vi phẫu thuật laser đường miệng, dụng cụ nội soi kết nối với bộ phận laser được đưa vào miệng. Khối u được loại bỏ bằng laser.

Một mục tiêu quan trọng của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u với các đường viền âm tính. Bác sĩ phẫu thuật thường có thể biết ngay trong phòng mổ rằng tất cả khối u đã được cắt bỏ hay chưa.

Phẫu thuật điều khiển kính hiển vi (Micrographic surgery), thường được sử dụng trong điều trị ung thư da nhưng đôi khi có thể được sử dụng cho các khối u khoang miệng, ví dụ như khối u ở vùng môi. Thủ thuật này bao gồm việc loại bỏ các khối u có thể nhìn thấy rõ cùng các phần mô nhỏ xung quanh khối u. Mỗi phần mô nhỏ được kiểm tra dưới kính hiển vi cho đến khi tất cả phần ung thư đã được loại bỏ.

Các loại phẫu thuật khác cũng có thể được sử dụng, bao gồm:

- Thủ thuật mở khí quản (Tracheostomy). Nếu khối ung thư chèn tắc cổ họng hoặc quá lớn không thể cắt bỏ hoàn toàn, một lỗ thông được mở tạm thời hoặc vĩnh viễn ở vùng cổ. Sau đó, ống nội khí quản được đặt để giúp bệnh nhân thở qua ống này.

- Đặt ống nuôi ăn tại dạ dày (Gastrostomy/G tube). Nếu khối ung thư gây tắc nghẽn khiến bệnh nhân không thể nuốt, bệnh nhân được chỉ định đặt một thiết bị cho ăn gọi là ống nuôi ăn tại dạ dày. Ống đi qua da, cơ bụng và trực tiếp vào dạ dày, được sử dụng như phương pháp tạm thời để duy trì dinh dưỡng cho đến khi bệnh nhân có thể nuốt được thức ăn bằng miệng một cách an toàn. Nếu khó nuốt chỉ tạm thời, có thể sử dụng ống thông mũi-dạ dày (Nasogastric/NG tube). Ống được đưa vào qua mũi, xuống thực quản và vào dạ dày.

- Phẫu thuật tái tạo. Nếu việc điều trị đòi hỏi phải loại bỏ các vùng mô lớn, phẫu thuật tái tạo có thể giúp bệnh nhân nuốt và nói trở lại. Xương hoặc mô khỏe mạnh có thể được lấy từ các bộ phận khác của cơ thể để lấp đầy hoặc thay thế một phần của môi, lưỡi, vòm họng hoặc xương hàm đã bị cắt bỏ trong phẫu thuật. Chuyên gia phục hình có thể làm phần răng giả hoặc mặt giả (mắt mũi miệng,…) để giúp nuốt, nói và phục hồi thẩm mỹ. Chuyên gia ngôn ngữ có thể dạy cho bệnh nhân giao tiếp bằng cách sử dụng các kỹ thuật mới hoặc thiết bị đặc biệt. Sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị, bệnh nhân cũng có thể được hướng dẫn phục hồi khả năng nuốt.

Nhìn chung, phẫu thuật ung thư miệng và hầu họng thường gây phù nề, khó thở, có thể gây mất vĩnh viễn giọng nói hoặc khó phát âm; khó nhai, nuốt hoặc nói; tê tai; cử động đưa tay qua đầu bị khó khăn; giảm vận động môi dưới; và biến dạng khuôn mặt. Phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp, đặc biệt là sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần hoặc xạ trị.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần được tư vấn từ các chuyên gia trong “nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa” trước khi quyết định một can thiệp cụ thể. Mặc dù phẫu thuật là cách nhanh nhất để loại bỏ khối u, vẫn có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác để đem lại hiệu quả tương đương. Do đó, nên hỏi bác sĩ về tất cả các lựa chọn điều trị trước khi quyết định.

Cũng cần hỏi để biết trước các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách kiểm soát chúng.

Xạ trị


Xạ trị là việc sử dụng bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phác đồ trị liệu thường bao gồm một liệu trình điều trị cụ thể (liều xạ, tổng thời gian, số phân liều,…).

Xạ trị ngoài (External-beam radiation therapy) Đây là loại xạ trị phổ biến nhất đối với ung thư miệng và hầu họng.

Hình 3. Xạ trị ngoài

Phương pháp dùng chùm tia chiếu từ bên ngoài, nguồn xạ từ máy qua cơ thể nhằm vào khối u, thường áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú. Mỗi lần chiếu xạ kéo dài khoảng 15 phút, nhanh và không đau đớn. Thông thường mỗi bệnh nhân trải qua 5 lần chiếu xạ mỗi tuần (thứ 2 đến thứ sáu). Quá trình này kéo dài trong 3 đến 9 tuần. Đích xạ trị chỉ là vùng khối u tuy nhiên vùng mô lành lân cận khối u cũng có thể bị ảnh hưởng. Khoảng cách 2 ngày giãn nghỉ dừng điều trị giữa các tuần giúp cơ thể có thời gian làm lành các tổn thương.

Liệu pháp proton là một loại liệu pháp xạ trị ngoài sử dụng các hạt proton thay vì tia X. Ở năng lượng cao, proton có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Một kỹ thuật khác trong xạ trị ngoài là xạ trị điều biến liều (intensity modulated radiation therapy - IMRT), cho phép liều xạ trị hiệu quả hơn chiếu đến khối u trong khi giảm thương tổn cho các tế bào khỏe mạnh.

Xạ trị trong hay còn gọi xạ trị áp sát (Internal radiation therapy).Phương pháp này bao gồm việc cắm hay đặt một lượng chất phóng xạ vào vùng ung thư, có thể tạm thời hoặc lâu dài. Thông thường bệnh nhân sẽ trải qua các quá trình điều trị giống nhau lặp lại trong vài ngày hoặc vài tuần khiến bệnh nhân phải nằm viện một thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cần gây mê để giảm đau khi tiêm/truyền chất phóng xạ vào cơ thể. Phần lớn các bệnh nhân ít hoặc không cảm thấy khó chịu trong điều trị, tuy nhiên cũng có người cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực hoặc buồn nôn do gây mê.

Xạ trị có thể là phương pháp điều trị chủ yếu cho ung thư khoang miệng, hoặc có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các vùng ung thư không thể lấy hết được bằng phẫu thuật.

Trước khi bắt đầu xạ trị đối với bất kỳ ung thư đầu- cổ nào, bệnh nhân nên được khám nha khoa với bác sĩ có kinh nghiệm điều trị ung thư đầu mặt cổ. Vì xạ trị có thể gây sâu răng, răng tổn thương cần được điều trị hoặc loại bỏ trước khi bắt đầu điều trị.

Bệnh nhân cũng cần được tư vấn và đánh giá bởi chuyên gia ngôn ngữ. Vì xạ trị có thể làm tổn thương mô khỏe mạnh, bệnh nhân thường gặp khó khăn khi nói và/hoặc nuốt ngay sau khi xạ trị hoặc một thời gian sau xạ trị. Chuyên gia ngôn ngữ có thể cung cấp các bài tập và kỹ thuật để ngăn ngừa các vấn đề về lời nói và nuốt về lâu dài.

Chức năng nghe cũng có thể bị ảnh hưởng ở những bệnh nhân được xạ trị vào đầu do tổn thương dây thần kinh hoặc tích tụ chất lỏng ở tai giữa. Ráy tai khô và tích tụ do tác dụng của xạ trị trên ống tai. Vì vậy bệnh nhân nên được khám và đánh giá bởi chuyên gia thính học.

Xạ trị cũng có thể gây ra tình trạng suy giáp, khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và chậm chạp. Những bệnh nhân được xạ trị vào vùng cổ nên kiểm tra tuyến giáp thường xuyên.

Các độc tính khác do xạ trị có thể bao gồm đỏ hoặc kích ứng da vùng điều trị, khô miệng hoặc nước bọt đặc do tổn thương tuyến nước bọt (có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn), đau xương, buồn nôn, mệt mỏi, lở loét miệng, đau họng, khó mở miệng và chán ăn do thay đổi khẩu vị của một người. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách xử trí.

Hóa trị


Hóa trị là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, thường là dập tắt khả năng phát triển và phân chia tế bào ung thư. Hóa trị được chỉ định bởi bác sĩ nội khoa ung thư.

Trong hóa trị liệu toàn thân, thuốc được đưa vào máu để tiếp cận các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Cách thông thường để đưa thuốc vào cơ thể có thể là dùng ống tiêm tĩnh mạch (gọi là hóa trị truyền tĩnh mạch) hoặc uống thuốc dạng viên hoặc viên nang (gọi là hóa trị đường uống). Bệnh nhân có thể được hóa trị tại phòng khám của bác sĩ, phòng khám ngoại trú hoặc bệnh viện.

Hóa trị thường được chỉ định trong một khoảng thời gian nhất định với chu kì cụ thể, thường vài tháng đến 1 năm hoặc có thể hơn (tùy vào bệnh, mức độ đáp ứng, mức chịu đựng của cơ thể). Bệnh nhân có thể nhận được một hay nhiều loại thuốc tại cùng một lúc.

Việc sử dụng hóa trị liệu kết hợp với xạ trị, được gọi là xạ-hóa trị đồng thời, thường được khuyến cáo. Sự kết hợp của hai phương pháp điều trị này đôi khi có thể kiểm soát sự tăng trưởng khối u và thường có hiệu quả hơn so với chỉ dùng một phương pháp nhưng các tác dụng phụ có thể sẽ nặng hơn.

Hóa trị có thể được sử dụng như là điều trị ban đầu trước khi phẫu thuật, xạ trị, hoặc cả hai, được gọi là hóa trị tân bổ trợ (neoadjuvant chemotherapy), hoặc có thể được đưa ra sau khi phẫu thuật, xạ trị, hoặc cả hai, được gọi là hóa trị bổ trợ (adjuvant chemotherapy).

Mỗi loại thuốc hoặc sự kết hợp thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ cụ thể: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rụng tóc, khô miệng, mất thính giác, chán ăn (thường do thay đổi vị giác), khó ăn, hệ thống miễn dịch yếu, tiêu chảy, táo bón và vết loét trong miệng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tuy hầu hết các tác dụng phụ là tạm thời và thường có thể được kiểm soát tốt, một số có thể vĩnh viễn.

Cần tìm hiểu thêm về các điều cơ bản của hóa trị và chuẩn bị điều trị. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư liên tục được đánh giá. Nói chuyện với bác sĩ thường là cách tốt nhất để tìm hiểu về các loại thuốc được chỉ định, tác dụng, tác dụng phụ tiềm tàng hoặc sự tương tác với các thuốc khác.

Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy)


Liệu pháp miễn dịch, còn được gọi là liệu pháp sinh học, là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách tăng cường khả năng chống lại ung thư của hệ miễn dịch. Sử dụng những nguyên liệu được sản sinh bởi cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, phương pháp này tăng cường, nhắm vào hoặc khôi phục lại hệ miễn dịch của người bệnh.

Hình 4. Nguyên lý chung của các liệu pháp miễn dịch là kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và ức chế, loại bỏ tế bào ung thư

Pembrolizumab (Keytruda) và nivolumab (Opdivo) là 2 loại thuốc miễn dịch được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị cho những người bị ung thư biểu mô tế bào vảy vùng đầu- cổ (head and neck squamous cell carcinoma - HNSCC) tái phát hoặc di căn dựa trên hóa trị. Cả hai đều là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitors) được chấp thuận để điều trị một số ung thư phổi hoặc khối u ác tính tiến triển. Chất ức chế điểm kiểm soát là một loại thuốc ung thư đặc hiệu cho phép hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư.

Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể gây ra các phản ứng phụ khác nhau. Ảnh hưởng của liệu pháp miễn dịch tới mỗi người phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí khối u, liều điều trị và tình trạng sức khoẻ. Nhóm bác sĩ điều trị sẽ tập trung vào phòng và kiểm soát các tác dụng phụ. Hãy trao đổi với họ về bất kì tác dụng phụ nào gặp phải.

Liệu pháp nhắm đích (targeted therapy)


Liệu pháp nhắm đích là phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein hoặc môi trường mô cụ thể góp phần vào sự sinh tồn và phát triển của ung thư. Đây là loại điều trị ngăn chặn sự tăng trưởng và lây lan của các tế bào ung thư trong khi hạn chế thương tổn cho các tế bào khỏe mạnh.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy không phải tất cả các khối u đều có cùng yếu tố đích (gen, protein hoặc môi trường mô). Để tìm phương pháp điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định các gen, protein và các yếu tố khác trong khối u. Điều này giúp các bác sĩ hướng đến các cách điều trị hiệu quả nhất, phù hợp nhất với từng bệnh nhân. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đang diễn ra để tìm hiểu thêm về các phân tử đích cụ thể và các phương pháp điều trị mới hướng vào chúng.

Hiện nay, kháng thể chống lại một thụ thể tế bào được gọi là thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor receptor - EGFR) đang được sử dụng kết hợp với xạ trị cho ung thư đầu và cổ. Cetuximab là liệu pháp nhắm đích duy nhất được chấp thuận cho việc sử dụng này kết hợp với xạ trị. Nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra của việc điều trị và cách ứng phó.

Điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ


Ung thư và điều trị ung thư thường gây ra nhiều tác dụng phụ. Ngoài các phương pháp điều trị có mục đích làm chậm, ngừng hoặc loại bỏ ung thư, một phần quan trọng trong chăm sóc ung thư là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ bao gồm hỗ trợ bệnh nhân các nhu cầu về thể chất, tình cảm và xã hội của mình.

Chăm sóc giảm nhẹ là bất kỳ biện pháp điều trị nào tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, loại ung thư và giai đoạn ung thư đều nên được chăm sóc giảm nhẹ. Tốt nhất là bắt đầu chăm sóc giảm nhẹ càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Mọi người thường nhận được điều trị ung thư cùng một lúc với chăm sóc giảm nhẹ. Trong thực tế, bệnh nhân nhận cả hai cùng một lúc thường có triệu chứng nhẹ hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng hơn với điều trị.

Phương pháp điều trị giảm nhẹ rất khác nhau và thường bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Đôi khi cũng điều trị giảm nhẹ bằng chính các phương pháp đặc hiệu như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Nói chuyện với bác sĩ về các mục tiêu của từng điều trị trong kế hoạch điều trị.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc về các tác dụng phụ có thể có của kế hoạch điều trị cụ thể và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Trong và sau khi điều trị, hãy chắc chắn thông báo cho bác sĩ hoặc một thành viên nhóm chăm sóc khác để có thể giải quyết nhanh nhất có thể.

Ung thư miệng hoặc ung thư hầu họng di căn


Nếu ung thư lan sang một phần khác trong cơ thể từ nơi nó bắt đầu, các bác sĩ gọi đó là ung thư di căn. Nếu điều này xảy ra, nên trao đổi với các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc điều trị. Các bác sĩ có thể có những ý kiến ​​khác nhau về kế hoạch điều trị chuẩn tốt nhất. Ngoài ra, các thử nghiệm lâm sàng có thể là một lựa chọn.

Kế hoạch điều trị có thể bao gồm kết hợp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Chăm sóc giảm nhẹ cũng sẽ rất quan trọng để giúp giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Đối với hầu hết bệnh nhân, chẩn đoán ung thư di căn rất căng thẳng và đôi khi rất khó chấp nhận. Bệnh nhân và gia đình được khuyến khích để nói về cảm giác của họ với các bác sĩ, y tá, các thành viên khác của nhóm chăm sóc, thậm chí cả các bệnh nhân khác.

Thuyên giảm và cơ hội tái phát


Thuyên giảm là khi ung thư không thể được phát hiện trong cơ thể và không có triệu chứng. Điều này có thể được gọi là “không có bằng chứng về bệnh tật” (no evidence of disease - NED).

Thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều người lo lắng rằng ung thư sẽ trở lại. Trong khi nhiều thuyên giảm là vĩnh viễn, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ về khả năng ung thư trở lại. Hiểu được nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bệnh nhân cảm thấy sẵn sàng hơn nếu ung thư trở lại.

Nếu ung thư trở lại sau khi điều trị đầu tiên, nó được gọi là ung thư tái phát. Nó có thể trở lại trong cùng vị trí (tái phát tại chỗ), vùng lân cận (tái phát khu vực), hoặc ở một cơ quan khác (tái phát xa).

Khi điều này xảy ra, một chu kỳ kiểm tra mới sẽ bắt đầu lại để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự tái phát. Sau khi kiểm tra, bệnh nhân và bác sĩ sẽ tiếp tục nói về các lựa chọn điều trị. Kế hoạch điều trị thường sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, nhưng có thể được phối hợp khác hoặc được chỉ định ở tốc độ khác với điều trị ban đầu. Bác sĩ có thể đề nghị các thử nghiệm lâm sàng đang được nghiên cứu để điều trị loại ung thư tái phát này. Cho dù chọn chương trình điều trị nào, chăm sóc giảm nhẹ sẽ rất quan trọng để giảm các triệu chứng và tác dụng phụ. Những người mắc bệnh ung thư tái phát thường thấy hoài nghi hoặc sợ hãi. Bệnh nhân được khuyến khích nói chuyện với nhóm chăm sóc về những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ để giúp họ thích ứng.

Nếu điều trị không hiệu quả


Phục hồi từ bệnh ung thư không phải lúc nào cũng có đạt được. Nếu ung thư không thể được chữa khỏi hoặc kiểm soát, bệnh được xem là tiến triển hoặc giai đoạn cuối.

Việc đưa ra chẩn đoán này rất căng thẳng, và đối với nhiều người ung thư tiến triển rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có các cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ và nhóm chăm sóc để thể hiện cảm xúc, mong muốn và mối quan tâm của bệnh nhân. Nhóm chăm sóc sẵn sàng giúp đỡ, và nhiều thành viên trong nhóm có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến ​​thức đặc biệt để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Đảm bảo cho bệnh nhân có thể chất thoải mái và không bị đau là vô cùng quan trọng.

Bệnh nhân bị ung thư tiến triển và tiên lượng ​​sống dưới 6 tháng có thể cần đến một loại chăm sóc giảm nhẹ được gọi là chăm sóc cuối đời (Hospice care). Chăm sóc cuối đời được thiết kế để cung cấp chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể cho những bệnh nhân không còn sống được bao lâu nữa. Bệnh nhân và gia đình của họ được khuyến khích nói chuyện với nhóm chăm sóc về các lựa chọn chăm sóc sức khỏe, bao gồm chăm sóc tại nhà, trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt hoặc các địa điểm chăm sóc sức khỏe khác. Dịch vụ chăm sóc điều dưỡng và thiết bị đặc biệt có thể làm cho việc ở nhà trở thành một lựa chọn khả thi đối với nhiều gia đình.

Sau cái chết của một người thân yêu, nhiều người cần sự hỗ trợ để giúp họ đối phó với nỗi đau buồn và mất mát.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/oral-and-oropharyngeal-cancer/treatment-options
https://www.dana-farber.org/mouth-oral-cavity-cancer/
https://yhoccongdong.com/thongtin/nhung-gi-se-xay-ra-khi-xa-tri/
https://yhoccongdong.com/thongtin/kien-thuc-co-ban-can-biet-ve-hoa-tri-2/
https://yhoccongdong.com/thongtin/hieu-ve-lieu-phap-mien-dich/

Theo Phạm Nguyên Quân - Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X