Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư khi mang thai: Những ảnh hưởng và hướng điều trị

Ung thư trong khi mang thai thường hiếm gặp. Bởi vì hiếm gặp, hiện không có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta dự đoán rằng số phụ nữ được chẩn đoán ung thư trong quá trình mang thai sẽ tăng lên bởi vì xu thế phụ nữ có thai ở độ tuổi cao hơn, trong khi nguy cơ mắc hầu hết các loại ung thư cũng tăng dần theo tuổi.

Việc không có quá nhiều thông tin sẵn có về ung thư trong quá trình mang thai khiến bạn khó khăn khi phải đưa ra một lựa chọn đúng đắn. Bạn băn khoăn liệu ung thư và việc điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng thế nào đến cơ thể bạn và em bé.

Một số biện pháp điều trị thì an toàn cho thai nhi trong suốt quá trình mang thai hoặc trong một số thời điểm nào đó, một số biện pháp khác lại không an toàn trong bất cứ thời điểm nào của thai kì.

Hầu hết ung thư không truyền từ người mẹ sang thai nhi mặc dù một số loại ung thư có thể ảnh hưởng đến nhau thai. Những tiến bộ hiện tại trong điều trị ung thư kết hợp với quá trình kiểm soát chặt ché sẽ đảm bảo cho em bé được ra đời trong những điều kiện tốt nhất có thể.

Các loại ung thư

Bản thân quá trình mang thai không gây nên ung thư, và những phụ nữ trong quá trình mang thai cũng không có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với phụ nữ không mang thai.

Một số loại ung thư phổ biến được chẩn đoán trong thai kì:

- Ung thư vú
- Ung thư cổ tử cung
- U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư hắc tố
- Ung thư máu
- Ung thư tuyến giáp
- Ung thư đại tràng

Ung thư não, xương và phổi… cũng có thể xuất hiện nhưng chúng rất hiếm gặp.

Chẩn đoán ung thư khi mang thai

Những triệu chứng như buồn nôn, nôn, đầy hơi, xuất huyết tiêu hóa, mệt mỏi và đau đầu thường xuất hiện trong thai kì. Đôi khi những triệu chứng thường gặp này cũng có liên quan đến một loại ung thư nào đó. Điều quan trọng là hãy thông báo cho bác sĩ các triệu chứng của bạn nếu chúng kéo dài suốt thai kì hay khi chúng không còn là triệu chứng phổ biến ở một giai đoạn nào đó của thai kì nữa.

Đôi khi ung thư được phát hiện sớm khi khám thai định kì, chẳng hạn như Pap test có thể phát hiện ung thư cổ tử cung hay siêu âm có thể phát hiện ung thư buồng trứng trong giai đoạn sớm.

Nếu nghi ngờ ung thư, bạn có thể lo lắng về những biện pháp được sử dụng để chẩn đoán xác định ung thư. Ví dụ bạn lo lắng các tia phóng xạ trong chụp Xquang hay CT scan có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên

-  Nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ phóng xạ được sử dụng trong chụp Xquang xác định ung thư quá thấp để gây hại cho bào thai.

- Chụp CT scan sử dụng một nồng độ phóng xạ cao hơn Xquang để cung cấp những hình ảnh rõ hơn các cấu trúc và cơ quan sâu bên trong. Chúng rất có giá trị để chẩn đoán ung thư cũng như đánh giá sự di căn. Nhưng CT scan chỉ được bác sĩ chỉ định khi thực sự cần thiết cho việc điều trị tình trạng ung thư của bạn.

- Mức độ ảnh hưởng của phóng xạ tới bào thai phụ thuộc vào giai đoạn của thai kì, số lượng và biện pháp, nồng độ phóng xạ sử dụng cũng như mức độ bào thai được bảo vệ khỏi phóng xạ. Kim loại chì thường được sử dụng để bảo vệ vùng bụng của người mẹ trong quá trình chụp để làm giảm ảnh hưởng của phóng xạ đến mức thấp nhất.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm được cho là an toàn trong suốt thai kì vì không sử dụng tia phóng xạ. Khám lâm sàng và sinh thiết cũng an toàn và là công cụ quan trọng để chẩn đoán ung thư.

Điều trị ung thư khi mang thai

Điều trị ung thư trong quá trình mang thai rất phức tạp. Nhiều người cho rằng các biện pháp điều trị ung thư khi mang thai sẽ ảnh hưởng xấu đến bà mẹ và thai nhi. Trong quá khứ bác sĩ thường đình chỉ và chấm dứt thai nghén đối với các bà mẹ cũng vì lí do này.

Trước khi bắt đầu bất kì liệu trình điều trị nào bác sĩ sản khoa sẽ xác định tuổi thai, sự phát triển hoàn thiện và ngày dự sinh. Một đội ngũ chăm sóc y tế tập hợp bác sĩ các chuyên khoa liên quan sẽ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bà mẹ và thai nhi. Biện pháp điều trị đối với phụ nữ có thai cũng giống như phụ nữ không có thai, nhưng cách thức và thời điểm điều trị cần thay đổi phù hợp. Những yếu tố ảnh hưởng đến liệu trình điều trị:

- Vị trí ung thư
- Loại ung thư
- Giai đoạn ung thư
- Tuổi của thai nhi
- Nguyện vọng của bà mẹ

Một số biện pháp điều trị có thể gây ảnh hưởng đến bào thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kì, đây là giai đoạn hình thành và phát triển cơ quan tổ chức của thai nhi. Đôi khi quá trình điều trị có thể bị trì hoãn tới những thời điểm muộn hơn, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kì. Khi ung thư được chẩn đoán trong những giai đoạn muộn của thai kì, việc điều trị còn có thể được hoãn lại sau khi em bé ra đời.

Trong giai đoạn sớm của một vài loại ung thư, chẳng hạn như giai đoạn sớm của ung thư cổ tử cung sẽ là an toàn nếu tiếp tục thai kì và trì hoãn điều trị đến lúc em bé đã ra đời.

Các biện pháp điều trị ung thư được sử dụng bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Nhưng chúng chỉ được sử dụng sau khi cân nhắc kĩ càng nguy cơ và có kế hoạch đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được xem là phương pháp có ít nguy cơ nhất đối với thai nhi và là lựa chọn điều trị an toàn nhất đối với một số loại ung thư đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kì. Với những thành tựu trong phẫu thuật và gây mê, kết hợp với sự kiểm soát chặt chẽ tình trạng mẹ và bé sẽ làm giảm nguy cơ trong quá trình phẫu thuật.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng các loại thuốc chống ung thư, các thuốc sau khi được đưa vào sẽ đi khắp cơ thể và phá hủy các tế bào ung thư. Hóa trị và các loại thuốc được sử dụng để điều trị có tính độc và nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng bào thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kì khi các cơ quan bộ phận của thai nhi đang phát triển.

Điều trị hóa trị trong 3 tháng đầu có thể dẫn tới các dị tật bẩm sinh và cân nặng sơ sinh thấp hoặc sẩy thai. Những ảnh hưởng của hóa trị và một số loại thuốc điều trị khác lên thai nhi còn chưa được hiểu rõ, đặc biệt với các liệu pháp mới như liệu pháp sinh học (biological therapies) hoặc liệu pháp mục tiêu (targeted therapies).

Bởi vì không có nhiều kết quả đánh giá trong thời gian đủ dài với những phơi nhiễm của hóa trị đến thai nhi, không có nhiều thông tin về những ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển khả năng tư duy, cấu trúc não và phát triển hành vi. Một nghiên cứu mới đây theo dõi những trẻ được điều trị hóa trị trong 3 tháng đầu thai kì đến 18 tuổi rưỡi. Kết quả chỉ ra rằng những trẻ được theo dõi vẫn có khả năng sinh sản và chưa phát hiện những vấn đề thần kinh và tâm lí bất thường nào.

Một số loại thuốc và hóa trị được sử dụng trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối không gây nguy hại cho thai nhi. Cơ chế bảo vệ này là do nhau thai. Nhau thai phát triển trong suốt thai kì và kết nối hệ thống tuần hoàn của mẹ và bé. Nó cung cấp các chất dinh dưỡng cũng như loại bỏ các chất thải. Nhau thai cũng hoạt động như một hàng rào giữa mẹ và thai nhi, do đó rất nhiều các loại thuốc điều trị hóa trị không thể đi qua được. Tuy nhiên điều trị hóa trị trong 3 tháng giữa và cuối có liên quan đến tình trạng sinh non và cân nặng sơ sinh thấp.

Hóa trị cũng gây nên một số vấn đề sức khỏe ở phụ nữ có thai như  nhiễm trùng, thiếu máu hoặc buồn nôn và nôn. Những vấn đề này ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi.

Xạ trị


Xạ trị là liệu pháp sử dụng phóng xạ để phá hủy tế bào ung thư. Tia phóng xạ có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi đặc biệt trong 3 tháng đầu, vì vậy xạ trị không được khuyến nghị sử dụng trong thời gian này. Có sử dụng xạ trị hay không, hay sử dụng lúc nào phụ thuộc vào nồng độ phóng xạ sử dụng và vị trị khối u.

Khi được áp dụng, xạ trị được tiến hành cẩn thận ở những khu vực ung thư cách xa khung chậu chẳng hạn như ung thư vú hay vùng đầu cổ. Kim loại chì được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ phóng xạ ảnh hưởng tới bào thai. Xạ trị trong điều trị ung thư vú luôn được hoãn lại tới tận lúc em bé đã ra đời.

Đối với ung thư trong khu vực vùng chậu không thể sử dụng xạ trị hiệu quả mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Trong trường hợp này, phụ nữ mang thai từ 1-26 tuần thường được bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kì. Và xạ trị không được khuyến nghị sử dụng cho bất cứ giai đoạn nào của thai kì. Những hậu quả có thể xảy ra trên thai nhi bao gồm: khuyết tật cơ quan, não nhỏ, chậm phát triển trí tuệ, tăng trưởng thể chất chậm hoặc bất thường.

International Commission on Radiological Protection đã ban hành hướng dẫn an toàn chống phơi nhiễm phóng xạ trong quá trình mang thai. Nếu thai nhi bị phơi nhiễm phóng xạ vượt quá nồng độ cho phép, bác sĩ được khuyến nghị đình chỉ thai kì.

Tiên lượng

Tiên lượng cho một phụ nữ ung thư và mang thai thường giống với người phụ nữ không mang thai ở cùng độ tuổi, cùng loại ung thư và cùng giai đoạn ung thư. Thông thường, đa số các loại ung thư không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình mang thai và quá trình mang thai cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả của ung thư. Nhưng một số biện pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Thai kì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại ung thư, chẳng  hạn như sự thay đổi hormone của phụ nữ trong quá trình mang thai có thể kích thích một số ung thư như là ung thư hắc tố phát triển.

Ảnh hưởng của ung thư lên thai nhi?

Ảnh hưởng của ung thư lên thai nhi vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm rõ, nhưng dường như ung thư hiếm khi gây ảnh hưởng trực tiếp lên thai nhi. Chỉ một số  ít ung thư có thể lây truyền từ mẹ sang bào thai như ung thư hắc tố, ung thư phổi tế bào nhỏ, U lympho không Hodgkin và ung thư máu.

Nếu ung thư không lây sang em bé, em bé sẽ không cần điều trị. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn giám sát chặt chẽ em bé để phát hiện những triệu chứng sớm của ung thư nếu như chẳng may chúng bị lây truyền từ mẹ.

Cho con bú

Tế bào ung thư không tryền sang trẻ sơ sinh qua sữa mẹ. Nhưng các thuốc hóa trị có thể được truyền qua và gây ảnh hưởng xấu đến bé. Một số chất phóng xạ (ví dụ như iodine được sử dụng điều trị ung thư tuyến giáp) cũng có thể được vận chuyển qua sữa mẹ gây hại cho bé. Vì vậy phụ nữ điều trị ung thư thường được yêu cầu không cho con bú.

Nếu có thể cho con bú, hãy nhớ luôn luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Theo BS Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X