Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư cổ tử cung ngừa được sao nhiều người vẫn mắc?

Ung thư cổ tử cung là một trong số rất ít bệnh ung thư có thể phòng ngừa được; thế nhưng ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 ca mắc mới, hầu hết nhập viện ở giai đoạn trễ. Tại sao?

Tưởng rong kinh, nào ngờ ung thư 

Mới đây, gia đình chị Trần Thu N. (46 tuổi, ở đường Mai Xuân Thưởng, Q.6, TPHCM) bị một phen hú vía khi chị N. về nhà trong bộ dạng thiểu não, nước mắt lã chã, ai hỏi gì cũng không mở miệng - dù trước đó một giờ, chị còn tươi tỉnh dẫn xe ra, bảo “đi công chuyện chút”. Chỉ đến khi chỉ còn cô em gái thân thiết bên cạnh, chị N. mới nức nở: “Chị bị ung thư rồi”. 

Nghe đến đó, cô em gái cũng chết sững. Dỗ dành mãi, chị mới chắp nối được câu chuyện đứt quãng bởi những khoảng lặng, tiếng nức nở, tức tưởi của chị N. Theo đó, chị N. đã bị huyết trắng nhiều và tức bụng từ hơn một năm trước, nhưng chị nghĩ đó là chuyện bình thường ở phụ nữ nên không đi khám.

Khoảng năm tháng nay, chị hay bị ra máu như hành kinh dù chưa đến ngày. Chị bị khoảng 1-2 ngày rồi hết, đến 2-3 tuần bị lại và người hay mệt mỏi, khó chịu nên chị nghĩ mình rong kinh, “tiền mãn kinh” nên chị cũng bỏ qua. 

Ung thu co tu cung ngua duoc sao nhieu nguoi van mac?
Tư vấn bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ

Chị không đi khám vì cảm thấy mình rất khỏe, chị cứ nghĩ không có “quan hệ” sẽ không bị bệnh vùng kín. Hơn nữa, do chị phải trông coi tiệm tạp hóa mỗi ngày nên không có thời gian đi khám bệnh và trên hết là chị mắc cỡ. Từ lúc chị sinh đứa út đến nay đã 12 năm chị chưa đi khám phụ khoa lần nào. 

“Đến chiều nay, thấy máu ra nhiều quá, có cả máu cục, bụng lại căng tức nên chị kêu bé Bích (con gái lớn của chị) trông tiệm, để chị chạy ra phòng mạch gần nhà khám. Bác sĩ vừa đặt mỏ vịt vô khám đã kêu “sao chị để ra nông nỗi này?”. Bác sĩ nghi bị ung thư và hướng dẫn chị ngày mai qua BV Ung Bướu chữa” - chị N. kể.

Quả thật, kết quả sinh thiết ở BV Ung Bướu TP.HCM cho thấy chị bị ung thư và bệnh đã ở giai đoạn muộn nên không thể phẫu thuật, mà chỉ có thể xạ trị để giữ mạng sống. Một lần nữa, chị N. lại suy sụp, khóc tức tưởi vì sợ bệnh, vì hối hận chủ quan không đi khám, tầm soát để có thể phát hiện bệnh sớm hơn. 

Ung thu co tu cung ngua duoc sao nhieu nguoi van mac?

Vi-rút HPV không chừa một ai

Các bác sĩ cho biết, trường hợp như chị N. khá phổ biến. Vì có nhiều chị em không đi khám phụ khoa, đến khi có triệu chứng huyết trắng, ra máu âm đạo bất thường mới chịu đi khám. Khi đó, nhìn bằng mắt thường đã thấy sang thương nặng nề ở cổ tử cung thì hầu hết đã rơi vào giai đoạn muộn, không còn phẫu thuật được nữa.

Vi-rút HPV (Human Papilloma Virus) - nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung - không loại trừ ai, dù người đó có vệ sinh sạch sẽ vùng kín, có tập thể dục đều đặn, quan hệ 1 vợ 1 chồng… do đó quan trọng nhất phải tầm soát vi-rút HPV, giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh nếu có.

Chủ quan, ngại khám phụ khoa - đó chính là hai lý do chính khiến chị em bị ung thư cổ tử cung mà không biết. Như chuyện của chị Nguyễn Phương mới 31 tuổi, ở Hà Nội, đã tâm sự: “Em mới sinh con được 22 tháng. Em nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên khi con 14-15 tháng, em mới có kinh trở lại, sau đó em thấy kinh ra không đều, nên nghĩ kinh chưa ổn định”. 

Ung thu co tu cung ngua duoc sao nhieu nguoi van mac?
Bệnh viện sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV tại bệnh viện

Đến vài tháng sau, dù chưa đến ngày kinh nhưng Phương vẫn ra máu, có máu tươi, rồi cả những cục máu đông. “Em hay mệt mỏi, dễ cáu, cứ nghĩ do vất vả chăm con. Đến khi em bắt đầu thấy nặng bụng dưới, đau bụng dưới và đau lưng như khi đến tháng. Em đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám”.

Mới cho mỏ vịt vào, các bác sĩ hỏi có con chưa, con mấy tuổi và sau khi Phương trả lời, bác sĩ tặc lưỡi “chắc phải cắt tử cung”. Khi hỏi ra, người mẹ trẻ mới biết bị ung thư cổ tử cung.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương TPHCM cảnh tỉnh: dù đã chích vắc-xin phòng ngừa HPV nhưng phụ nữ có quan hệ tình dục vẫn cần được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Chi phí xét nghiệm chỉ từ 350.000-800.000  đồng nhưng có giá trị bảo vệ cao. Với xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung), cần lập lại hằng năm nếu bình thường. Tầm soát bằng xét nghiệm HPV thì lập lại sau 3-5 năm nếu bình thường.

Nhiễm dai dẳng HPV (vi-rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong đó, HPV type 16 và 18 gây nên 70% trường hợp UTCTC.

Có đến 4 trong 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm.

Để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo làm xét nghiệm HPV DNA như là xét nghiệm sàng lọc cơ bản ban đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên.

Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC của bạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Mê Kông, Quốc tế Hạnh Phúc, Trung tâm Medic, Diag… để có phương pháp tầm soát tốt nhất.


Theo Thùy Dương - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X