Hotline 24/7
08983-08983

Ứng phó với các bất lợi thường gặp khi dùng kháng sinh

Thuốc kháng sinh được các bác sĩ kê đơn để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến kháng sinh không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như sốc phản vệ.

Sau đây là một số bất lợi thường gặp khi dùng kháng sinh:

Vấn đề về tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hóa là một trong những tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất của việc dùng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, đầy hơi, cảm giác no, ăn mất ngon, đau bụng... Hầu hết các vấn đề tiêu hóa sẽ biến mất khi ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, nên ngừng dùng kháng sinh và đi khám hoặc báo cho bác sĩ biết. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm: có máu hoặc chất nhầy trong phân, tiêu chảy nặng, đau quặn bụng hoặc đau dữ dội, sốt, nôn không kiểm soát được...

Như vậy, thuốc kháng sinh giúp chống lại vi khuẩn nhưng có thể làm đảo lộn sự cân bằng của vi khuẩn trong hệ vi sinh vật ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động và giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm virut. Khi kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn sẽ gây tiêu chảy, buồn nôn... Vì vậy, có thể bổ sung men vi sinh và prebiotic trong và sau một đợt kháng sinh có thể giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột.

Khi mất cân bằng, vi khuẩn ruột sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe
Khi mất cân bằng, vi khuẩn ruột sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe


Probiotic là các vi sinh vật sống thường được gọi là “vi khuẩn khỏe mạnh”. Chúng có thể giúp giảm một số tác dụng phụ của kháng sinh như đầy hơi và tiêu chảy. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong chế phẩm sinh học, vì vậy, nên dùng 2 loại cách nhau vài giờ. Sau khi kết thúc một đợt điều trị bằng kháng sinh, uống hỗn hợp men vi sinh cũng có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng trong hệ vi sinh vật.

Prebiotic là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi sống trong hệ vi sinh vật đường ruột. Bổ sung prebiotic trước và sau khi dùng kháng sinh có thể giúp mang lại sự cân bằng cho ruột.

Nhiễm nấm

Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, đôi khi chúng tiêu diệt cả vi khuẩn tốt bảo vệ con người khỏi nhiễm nấm. Do đó, nhiều người dùng thuốc kháng sinh bị nhiễm nấm trong âm đạo, miệng, họng...

Các triệu chứng nhiễm nấm thông thường bao gồm: ngứa âm đạo, sưng và đau; đau và cảm giác nóng rát khi giao hợp và khi đi tiểu; dịch tiết âm đạo bất thường, thường có màu trắng xám và sần; sốt và ớn lạnh; có mảng trắng phủ dày trong miệng và cổ họng; đau khi ăn hoặc nuốt; mất vị giác... Những người dùng thuốc kháng sinh hoặc đã sử dụng chúng mà xuất hiện các triệu chứng trên cần đi khám. Thuốc chống nấm sẽ được dùng điều trị nhiễm nấm trong hầu hết các trường hợp.

Tương tác thuốc

Một số loại thuốc phổ biến  có thể tương tác với một số loại kháng sinh, gồm: các chất làm loãng máu, thuốc tránh thai (chỉ có thể xảy ra với rifamycin), thuốc kháng axit, thuốc kháng histamin, vitamin tổng hợp và một số chất bổ sung, đặc biệt là những chất giàu kẽm, sắt và canxi, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc trị vẩy nến, thuốc viêm khớp dạng thấp, thuốc lợi tiểu, thuốc chống nấm, thuốc trị tiểu đường, thuốc giãn cơ, steroid... Khi người bệnh đang dùng bất kỳ một loại thuốc nào, cần báo cho bác sĩ biết trước khi kê đơn dùng kháng sinh. Bác sĩ sẽ cân nhắc để tránh tối đa sự tương tác bất lợi cho người bệnh.

Tương tác thuốc có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của các thuốc dùng cùng hoặc có thể gây ngộ độc thuốc hoặc làm trầm trọng thêm bệnh sẵn có...

Nhạy cảm với ánh nắng

Có một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ hấp thu của ánh sáng qua da, làm tăng nguy cơ sạm da, rám da, nổi mẩn da hoặc những rối loạn về da. Nghĩa là thuốc sẽ gây tác dụng phụ lên da khi người sử dụng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hiện tượng này được gọi là phản ứng nhạy cảm da với ánh sáng. Một số loại thuốc kháng sinh gây nhạy cảm da với ánh sáng như: doxycycline, tetracycline, ciprofloxacin...

Vì vậy, trong khi dùng thuốc kháng sinh có thể gây nhạy cảm ánh sáng, mọi người nên: tránh thời gian tiếp xúc ánh sáng kéo dài; luôn luôn sử dụng kem chống nắng phổ rộng, SPF cao khi ở ngoài nắng; mặc quần áo bảo hộ khi ra nắng như mũ, áo dài tay và quần dài... hoặc uống thuốc ban đêm (nếu có thể), cho phép tối đa thuốc hấp thu và phân bố vào ban đêm, vì thế giảm thiểu tối đa sự phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.

Bất cứ ai gặp phải sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời trong khi dùng thuốc kháng sinh cũng cần thông báo cho bác sĩ biết.

Sốc phản vệ

Trong một số ít trường hợp, kháng sinh có thể gây ra phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Dấu hiệu sốc phản vệ bao gồm: nhịp tim nhanh, nổi mề đay hoặc nổi mẩn đỏ, cảm giác khó chịu và kích động, cảm giác ngứa ran và chóng mặt, sưng miệng, cổ họng và mặt, khó thở, tụt huyết áp, co giật... Sốc phản vệ thường phát triển trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc kháng sinh và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo DS Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X