Hotline 24/7
08983-08983

U mạch máu và các phương pháp điều trị

U mạch máu là khối u lành tính, do tăng sinh các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch).

Thường gặp ở trẻ nhỏ, 80% u mạch máu xuất hiện ở một vị trí trên cơ thể, 20% còn lại phối hợp ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó 60% u máu xuất hiện tại vùng đầu - mặt - cổ. Theo nghiên cứu, người ta phát hiện một số bệnh nhân u máu có tính chất gia đình tuy nhiên vấn đề này chưa được khẳng định rõ ràng và chưa tìm thấy các gen đặc hiệu liên quan đến bệnh.

I. Phân loại: U máu được chia làm hai loại:

1. Tổn thương mạch máu mắc phải.

U mạch thường gặp ở trẻ em. Khối u mạch ở trẻ em diễn biến qua hai thời kỳ: tăng sinh và thoái triển. Quá trình tăng sinh phát triển mạnh khi trẻ 12 tháng tuổi rồi giảm dần và dừng lại lúc trẻ 2 tuổi.

Khoảng 50% khối u mạch thoái triển sau 5 tuổi và hết hoàn toàn vào độ tuổi 7 đến 10. U mạch ở người lớn có thể phối hợp với các bệnh lý khác như: u mạch ở người già, thông thương động tĩnh mạch do chấn thương, bệnh lý ác tính của mạch máu.

2. Bệnh lý mạch bẩm sinh:

Hay gặp nhất là dị dạng mạch máu bẩm sinh, thường gặp ở  trẻ vừa mới sinh. Dị dạng mạch máu được chia thành nhiều dạng: Loại có dòng chảy chậm gồm dị dạng mạch, mao mạch, dị dạng mạch tĩnh mạch, dị dạng mạch bạch huyết. Loại có dòng chảy nhanh: dị dạng động mạch và hỗn hợp của hai loại bệnh này.

II. Triệu chứng:

Có nhiều loại u mạch nhưng đều có chung một số triệu chứng lâm sàng như:

- Khối u màu đỏ hay màu tím, không đau.

- Nổi gồ trên da hay niêm mạc. Nếu ta bóp hay ấn u thì u xẹp, buông tay ra u lại phồng trở lại.

- Nếu va chạm, xây xát có thể gây chảy máu, bội nhiễm vi trùng và làm chảy máu nhiều gây nguy hiểm.

Ta có thể gặp vài thể u máu:

1. U máu phẳng: chiếm tỉ lệ khoảng 50%, là những bớt đỏ trên da, đa số bẩm sinh. Các vết bớt thường có màu nâu xám, vàng, xanh, hồng hay đỏ. Chúng được tạo thành do sự kết tụ lại của các mạch máu.

2. U máu gồ: gồ trên da từng chùm như chùm dâu, có màu đỏ của máu, bờ rõ, hình thể u giống như “một quả dâu lớn đặt trên da”, thường khu trú ở mặt và trên thân mình.
 
một số biểu hiện bên ngoài của chứng u máu
 
3. U máu dưới da: là một khối mềm, ở sâu bên dưới và đội da u lên, thường tạo thành các hang máu, chủ yếu do tĩnh mạch trở thành xơ, hang. Sự ứ đọng máu lâu ngày tạo thành các hạt sỏi trắng. Sờ u hơi chắc, thấy rõ các hạt sạn cứng.

U mạch củ có thể phối hợp với một u mạch dưới da, làm thành một u máu hỗn hợp.

Những khối u máu ngoài da chúng ta có thể quan sát và dễ dàng chẩn đoán. Tuy nhiên, với các khối u mạch máu ở họng, hạ họng, bị bội nhiễm bệnh nhân có thể nuốt đau, khó nuốt. Khàn tiếng kéo dài, khó thở khi hít vào và ho nhiều nếu khối u mạch ở thanh quản, đôi khi ho ra máu đỏ tươi, hơi thở hôi là tùy theo bản chất khối u. Soi hạ họng thanh quản thấy khối u sùi như chùm nho hoặc khối tròn nhẵn có màu đỏ hay tím sẫm.

IV. Biến chứng

Nếu u mạch máu mọc ở trong miệng, trên môi, mũi hay trên mi mắt, có thể gây cho trẻ nhỏ những trở ngại trong việc ăn uống, hô hấp hay tầm nhìn. Nếu nó quá to, có thể làm mất thẩm mỹ và gây ra rối loạn máu. Nếu mọc trên bộ phận sinh dục nữ, trực tràng,.. có thể gây nguy hại, nên được các bác sỹ theo dõi cẩn thận và có phương pháp điều trị thích hợp Trong quá trình diễn biến của nó, có thể bị xuất huyết bên trong u máu, xuất huyết ra ngoài, lở loét, bội nhiễm.

U máu ở họng, hạ họng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ lan rộng hoặc xâm lấn sâu vào thanh quản, có nguy cơ xảy ra các biến chứng như khó thở, chảy máu ồ ạt, khó cầm do vị trí khối u sâu. Những trường hợp này phải cắt bỏ thanh quản bán phần hoặc toàn phần để lấy hết bệnh tích, tránh tái phát.

Do đó việc chẩn đoán sớm khối u là rất cần thiết giúp cho việc bảo tồn chức năng nuốt và nói cho bệnh nhân, đồng thời đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất sau khi phẫu thuật, nếu chúng ta có điều kiện áp dụng kỹ thuật dùng laser cho loại bệnh lý này ở những giai đoạn đầu tiên của bệnh.

1. Portwine stains
 


Portwine stains hay bớt màu rượu vang là một dạng khác của bớt bẩm sinh, xảy ra khoảng 3 trên 1000 đứa trẻ. Portwine stains xuất hiện lúc mới sinh. Chúng màu hồng, đỏ hay đỏ tía nhạt và phẳng.Hầu hết được tìm thấy ở mặt, cổ, tay hoặc chân và có nhiều kích cỡ khác nhau. Portwine stains sẽ lớn dần cùng trẻ và phát triển dầy hơn thành mụn thịt nhỏ. Portwine stains không tự mất đi chúng tồn tại theo suốt cuộc đời.

Các biến chứng của Portwine stains: Portwine stains có thể biến chứng. Nếu xuất hiện trên trán, mí mắt hay cả hai bên khuôn mặt sẽ liên quan đến bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), làm tăng áp lực của mắt, không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa. Trẻ sơ sinh nếu xuất hiện các dạng vết bớt này thì nên đi xét nghiệm mắt và não.

2. Hội chứng Sturge - Weber

Hội chứng Sturge-Weber, đặc trưng bởi các bớt màu rượu vang trên mặt và u mạch màng não mềm. Các biến dạng rải rác thường gặp nhất ở các màng não mềm, mao mạch mặt, và các mạch máu trong mắt. U mạch màng não mềm biểu hiện lâm sàng dưới dạng động kinh, chậm phát triển tâm thần, liệt nửa người. Hội chứng Sturge-Weber liên quan đến nhánh mắt (V1) và mặt (V2) của thần kinh sinh ba .   . Vết dát này đỏ sậm, hình dạng bất thường, và có nguồn gốc mạch.  



- Bệnh nhân có thể bị động kinh từng phần sau đó tiến triển thành động kinh toàn thể.

- Liệt co thắt, tổn thương cảm giác, và bán manh cùng bên, xuất hiện muộn ở trẻ em và đối bên. - Chậm phát triển tâm thần có ở khoảng 55-92% trường hợp.  

V. Khuyến cáo

- Khi nhìn thấy các vết bớt màu rượu vang có phân phối vùng thần kinh V1, cần chuyển bệnh nhân qua bác sĩ chuyên khoa mắt để theo dõi chắm sóc. Biến chứng mắt gặp ở 30-60% bệnh nhân. Glaucom bắt đầu ở 2 tuổi; cần giám sát kỹ áp lực nội nhãn. Biểu hiện mắt thường gặp nhất là u màng mạch lan tỏa, thường gặp cùng bên.

- Laser sớm điều trị các vết bớt màu rượu vang để tránh biến chứng như sưng mô mềm và phì đại.

VI. Điều trị các loại U mạch

90% các loại u mạch củ và 60% các u mạch dưới da hay hỗn hợp sẽ teo đi hoàn toàn trong vòng vài năm. Có một số u mạch máu đặc biệt vì vị trí khu trú, kích thước, vì diễn biến phức tạp của nó cần được xử trí. U mạch không to ra trong vòng một hai ngày. Nếu điều này xảy ra, ta nên đến bác sĩ để xem xét ngay.

Điều quan trọng được đặt ra là vấn đề thẩm mỹ và trong đa số trường hợp, việc điều trị những u mạch này cần sự kiên nhẫn. Trường hợp vị trí, kích thước và những biến chứng của u máu có nguy cơ đến tính mạng của trẻ, hay gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, người ta mới xét đến việc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.

- U máu phẳng có thể được cắt, ghép da hay dùng phương pháp áp lạnh bằng nitơ lỏng

- U máu gồ, u máu dưới da cũng có thể phẫu thuật cắt bỏ nếu u nhỏ, có ranh giới rõ. Ngược lại, u to sẽ nguy hiểm nếu phẫu thuật, ta có thể tiêm gây xơ bằng thuốc tiêm xơ.

Điều trị tia xạ và tiêm các chất gây xơ hiện không còn được áp dụng do những tai biến của nó như nguy cơ ung thư tuyến giáp, sẹo hẹp thanh quản gây khó thở.

Điều trị phẩu thuật dành cho các khối u mạch ở người lớn và áp dụng cho những khối u lan rộng. Tuy nhiên có thể để lại những hậu quả nặng nề như tàn phế về giọng nói.

Phương pháp dùng laser có nhiều triển vọng, nhất là đối với những bớt sẫm màu, nhưng có nhược điểm là gây đau đớn cho bệnh nhân.

Phòng bệnh chỉ áp dụng với khối u do côn trùng cắn hoặc sau chấn thương bằng cách kiểm soát tốt các tổn thương tại các vùng mạch máu dễ gây ra khối u và điều trị kịp thời.

Điều trị các vết bớt Port wine stain:

Việc điều trị bằng laser được thực hiện nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng hai tháng. Khoảng 25% bệnh nhân bị Portwine stains có thể xóa sạch, 70% bệnh nhân có vết bớt được cải thiện hơn. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng laser ít được bệnh nhân quan tâm vì cũng có thể xảy ra rủi ro. Màu sắc của vết sẽ thay đổi đậm hơn hoặc nhạt hơn nhưng điều này ít xảy ra, vết bớtcó thể bị sưng, bị đóng mài hoặc chảy máu chút ít nhưng điều này cũng không thường xuyên và có thể điều trị dễ dàng.

Bác sĩ Uông Anh Tú và cộng sự ở Khoa Ngoại Nhi BV Nhi Đồng Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác dụng của corticoids lên tổ chức u mạch máu ở trẻ em với 432 trường hợp. Kết quả đạt được rất khả quan với tỉ lệ 85% đáp ứng tốt với điều trị.

Ngoài Corticosteroids, u mạch máu ở trẻ em còn có thể được điều trị bằng Propranolol theo môt nghiên cứu vừa đươc công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM Volume 358 (24): 2649-2651, Figure 1- June 12, 2008 – No 24).

AloBacsi.vn
BS. LÊ ĐỨC THỌ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X