Hotline 24/7
08983-08983

Tuyệt đối không dùng thuốc lá, thuốc nam, mẹo để điều trị vảy nến

Sau 10 ngày điều trị, vảy nến thể mủ toàn thân của bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên đã được kiểm soát, bệnh nhi xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Ngày 16/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi, người dân tộc Nùng, ở Cao Bằng) trong tình trạng toàn thân bong tróc và có nhiều mụn mủ trên cơ thể. Bệnh nhi có dấu hiệu suy kiệt sức khỏe và nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong quá trình nằm điều trị tại bệnh viện, qua các xét nghiệm cơ bản, sinh thiết, các bác sĩ kết luận, bệnh nhi bị vảy nến thể mủ toàn thân.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bệnh nhi Thuyên rất khó khăn. Một mình mẹ Thuyên phải nuôi 6 miệng ăn, trong đó có mẹ chồng đã ngoài 90 tuổi, chồng bị thiểu năng trí tuệ, Thuyên bị bệnh quanh năm suốt tháng và những người con nhỏ khác. 

Trước đó, gia đình có cho bé đi khám và điều trị ở cơ sở y tế địa phương, bệnh có ổn định nhưng sau đó tái phát nhiều lần. Người nhà sốt ruột cho đi khám thầy lang, dùng thuốc lá, lâu dần khiến tình trạng bệnh ngày một nặng thêm.

Tình trạng bệnh nhi Thuyên ngày nhập viện

ThS.BS Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - người điều trị trực tiếp cho bé Thuyên cho hay, sau khi nhập viện bệnh nhi đã được điều trị theo hướng vảy nến. Do bé có dấu hiệu suy kiệt nên đã được uống bổ sung vitamin để nâng cao thể trạng. Bệnh nhi được truyền kháng sinh, điều trị hóc môn và dùng thuốc mềm da.

Hiện nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và được cho ra viện để chăm sóc tại nhà vào ngày 26/10.

Hiện tại bệnh nhi Thuyên đã được xuất viện sau 10 ngày điều trị

“Bệnh vảy nến là bệnh da mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt. Bệnh không thể chữa khỏi được mà phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát tốt bệnh”, BS.Linh nói.

Còn theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vảy nến là bệnh ngoài da rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Hiện nay, không ít bệnh nhân bị vảy nến bị người xung quanh cho rằng mắc phải căn bệnh lạ. Họ thường bị gọi với những cái tên như người cóc, người da rắn…

“Bệnh vảy nến chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng khoa học đã tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả, có thể kiểm soát tốt bệnh. Vì vậy, người dân khi có những bất thường trên da cần phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Người bị vảy nến không nên quá lo lắng vì căng thẳng về tâm lý sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Bệnh vảy nến nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh”, PGS.TS Doanh nói.

PGS.TS Doanh khuyến cáo, tuyệt đối không dùng các loại thuốc lá, thuốc nam, mẹo để điều trị vảy nến. Các phương thuốc dân gian không được coi là cách điều trị chính thống mà có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Đắp các loại lá dễ làm kích ứng khiến người bị vảy nến khó chịu.

Bệnh viện từng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân vảy nến uống thuốc nam ngâm thuốc lá đã gặp biến chứng suy thận rất đáng tiếc.

Theo Nguyễn Huệ - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X