Hotline 24/7
08983-08983

Tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư là bao nhiêu?

Ung thư là gì? Tại sao ung thư lại khó chữa đến vậy? Có bệnh nhân ung thư nào có thể khỏi hẳn? Tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư là bao nhiêu?

Xin trân trọng chào TS Liêm,

Ung thư là gì? Tại sao ung thư lại khó chữa đến vậy? Có bệnh nhân ung thư nào có thể khỏi hẳn? Tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư là bao nhiêu?

Các xét nghiệm tầm soát ung thư theo độ tuổi. Giới tính?

(Bạn đọc Nguyễn Mộng Điệp - Khánh Hòa)


Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Xin chào quý độc giả của AloBacsi,

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với y học hiện đại ngày nay. Từ 3 thế kỷ trước người ta đã biết về căn bệnh này.

Tuy nhiên, ung thư rất khó chữa vì ung thư là căn bệnh xuất phát từ sự phân chia mất kiểm soát của tế bào. Cơ thể con người hay những cơ thể đa bào muốn tồn tại ổn định thì sự phân chia các tế bào phải được kiểm soát rất chặt chẽ.

Vì 1 lý do nào đó nếu có đột biến xảy ra, tế bào mất đi khả năng kiểm soát này thì các tế bào phân chia vô tội vạ. Lúc bấy giờ cấu trúc của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, tế bào ung thư sẽ lan rộng, di căn và ảnh hưởng đến sự sống của bệnh nhân.

Ung thư sở dĩ khó chữa vì hai nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất là tế bào ung thư liên tục tiến hóa, liên tục thay đổi. Tức là cùng 1 tế bào ung thư nhưng thời điểm này và thời điểm khác thì khác nhau.Tế bào ung thư trong cùng 1 khối u cũng khác nhau và rất đa dạng.

Ví dụ tế bào ung thư ở giữa khối u và tế bào ung thư bên cạnh nó và những tế bào ở rìa cũng khác nhau hoàn toàn. Vì sự đa dạng đó khiến cho việc điều trị ung thư rất khó khăn vì tế bào ung thư không ngừng tiến hóa, không ngừng thay đổi. Việc phát triển các liệu pháp để theo kịp sự tiến hóa đó là thử thách rất lớn của y học hiện đại ngày nay

Điểm thứ 2 khiến chúng ta khó chữa ung thư là chúng ta chưa hiểu về bệnh ung thư đủ nhiều. Trong binh pháp có câu nói “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong cuộc chiến chống ung thư con người chúng ta vẫn thua vì chúng ta chưa đủ hiểu nhiều về căn bệnh này, chưa hiểu đủ nhiều về địch thủ của mình.

Đó là hai lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn chưa có liệu pháp nào điều trị ung thư một cách hiệu quả nhất, ít tác dụng phụ như là con người mong muốn.

Mặc dù hiện nay y học có những tiến bộ rất nhiều so với xưa nhưng con đường để tìm ra giải pháp điều trị ung thư vẫn là chặng đường rất dài và còn rất nhiều thử thách.

Riêng câu hỏi: Đối với bệnh nhân ung thư có thể khỏi hẳn hay không? Câu hỏi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là liệu khối u có đáp ứng thuốc tốt hay không. Tức là đặc điểm đột biến của khối u đó có phù hợp với liệu pháp chúng ta đang dùng để điều trị hay không.

Vẫn có những bệnh nhân tại Viện MD Anderson, thậm chí có rất nhiều bệnh nhân mặc dù ung thư giai đoạn cuối, giai đoạn 4, di căn xa nhưng mà vẫn chữa khỏi hẳn. Tức là bệnh nhân vẫn liên tục được theo dõi trong suốt hơn 12 năm và kết quả là không có tái phát. Tất nhiên chúng ta không thể nói là bệnh nhân không còn khối u trong người nữa và không còn tế bào ung thư bởi nói như thế không hoàn toàn chính xác. Lý do là hiện nay các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng như các phương pháp xét nghiệm cũng chỉ phát hiện ung thư ở 1 kích cỡ nhất định.

Nếu ung thư nhỏ quá hay rơi vào trạng thái ngủ đông bác sĩ cũng rất khó phát hiện. Vì vậy, với những bệnh nhân được xem là khỏi hẳn này thì các khối u có thể vẫn còn tiềm tàng trong đó nhưng ở một kích thước nhỏ, hoặc nó “ngủ” hoặc nó không ảnh hưởng đến cơ thể của bệnh nhân. Trong y học các ca như thế vẫn được xem là điều trị thành công nhưng bệnh nhân vẫn phải thường xuyên tầm soát theo định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và dùng những biện pháp để giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào tùy loại ung thư. Có một số loại ung thư mà hiện nay con người đã điều trị thành công ở mức độ tương đối là cao. Ví dụ một số loại ung thư máu thì tỷ lệ thành công là trên 92-95%. Một số loại ung thư khác như ung thư tụy hiện nay vẫn rất nguy hiểm. Khả năng sống sót quá 5 năm của bệnh nhân rất thấp, thường dưới 10%.

Đối với ung thư gan, khả năng sống trên 5 năm ở Việt Nam, theo chúng tôi biết, khoảng dưới 2%. Vậy nên, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào từng loại ung thư, từng giai đoạn ung thư cho nên rất khó nói tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư chính xác là bao nhiêu.

Hiện việc đưa ra tiên lượng cho bệnh nhân ung thư không còn chính xác nữa, lý do vì y học tiến bộ không ngừng. Thực tế có những bệnh nhân bác sĩ nói không còn hy vọng nữa nhưng biết đâu 1 vài tuần nữa sẽ có thuốc mới tung ra thị trường phù hợp với các khối u đó, thì bệnh nhân lại có thể sống thêm nhiều năm nữa.

Cũng có bệnh nhân được phát hiện giai đoạn sớm, bác sĩ nói tiên lượng tốt, có thể sống trên 10 năm một cách dễ dàng nhưng bệnh nhân đó lại qua đời sau 2-3 năm. Lý do là khi bác sĩ chẩn đoán đã không lường trước được những đặc điểm về ác tính của ung thư tiềm tàng bên trong bộ gen mà những test hiện nay chưa phát hiện được.

Cho nên tuổi thọ trung bình của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào đặc điểm của khối u và khả năng điều trị của bác sĩ. Việc đưa ra tiên lượng hiện nay không còn cần thiết nữa mà nguyên tắc điều trị ung thư tại Viện MD Anderson là “Còn nước còn tát”, cố gắng hết sức và không bao giờ bỏ cuộc.

Về các xét nghiệm tầm soát ung thư theo độ tuổi, giới tính tùy thuộc vào các tổ chức y học. Có một số tổ chức y học đưa ra những khuyến cáo tầm soát kỹ. Một số khác lại lo lắng đến sự xâm lấn của một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh nên mỗi quốc gia, mỗi tổ chức y tế có những khuyến cáo nhất định.

Theo Viện MD Anderson có 1 số xét nghiệm cần phải làm. Ví dụ như đối với phụ nữ và nam giới trên 50 tuổi nên đi nội soi ruột mỗi 10 năm và chụp CT ruột mỗi 5 năm. Đó là chuẩn mà hiện nay rất nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Hoặc phụ nữ có nguy cơ ung thư cao, nên đi chụp nhũ ảnh mỗi năm và kết hợp chụp ung thư hạt nhân để phát hiện ung thư giai đoạn sớm.

Tầm soát ung thư cổ tử cung …có thể làm Pap test mỗi hai năm và phụ nữ có nguy cơ ung thư cao hoặc mỗi năm có người tiền sử nhiễm HPV.

Thật ra những khuyến cáo này phụ thuộc vào từng quốc gia nên cũng khó đưa ra chuẩn chung cho mọi người. Tuy nhiên có một đặc điểm là nếu trong gia đình đã có người bị ung thư thì việc chẩn đoán và xét nghiệm định kỳ là rất quan trọng và tần suất phải dày hơn rất nhiều so với người bình thường có nguy cơ thấp.

Từng cá nhân nên có tham khảo ý kiến chuyên gia về ung thư để có phác đồ tầm soát ung thư phù hợp với từng cá nhân, bạn nhé.


Trích trong TS Phan Minh Liêm - Viện Ung thư Hoa Kỳ: "Ung thư - hiểu đúng để phòng bệnh"

*** Mời bạn xem loạt bài rất nhiều thông tin bổ ích do TS Phan Minh Liêm đã chia sẻ cùng AloBacsi:

>>>  TS Phan Minh Liêm - Viện Ung thư Hoa Kỳ: "Ung thư - hiểu đúng để phòng bệnh"

>>>  “Thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư”

>>>  TS Phan Minh Liêm và hội thảo ung thư: Câu chuyện của 4 tiếng đồng hồ và 300 khách mời

>>>  Những phương pháp giảm nguy cơ ung thư hiệu quả

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X