Hotline 24/7
08983-08983

Tuổi mắc bệnh trung bình của bệnh nhân ung thư tại TPHCM là 55

Đây là kết quả khảo sát của Tổ ghi nhận BV Ung bướu TPHCM, công bố tại Hội nghị Hội Y tế công cộng lần thứ 3, tổ chức tại TPHCM.

Ngày 22-23/2017, Hội nghị Hội Y tế công cộng lần thứ 3, tổ chức tại Đại học Y dược TPHCM. Buổi chiều của chương trình hội nghị, cả 2 phiên chuyên đề Phòng chống dịchDinh dưỡng, thực phẩm, biến đổi khí hậu dự định tổ chức tại hai phòng, diễn ra song song nhưng ban tổ chức đã gộp lại để thuận tiện cho các đại biểu theo dõi nội dung của cả hai phiên. Ban chủ tọa gồm 3 vị: TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, PGS.TS Đỗ Văn Dũng và BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp.

Phiên chuyên đề Phòng chống dịch gồm 4 đề tài về các nội dung: phòng chống loãng xương, độ tuổi mắc bệnh ung thư của người dân TPHCM, vấn đề chậm phát triển trí tuệ ở học sinh tiểu học tại TPHCM, một số loài ve mới phát hiện ở khu vực Tây Nam Bộ.

Đánh giá hiệu quả một số can thiệp cộng đồng phòng chống loãng xương ở người từ 45 tuổi trở lên tại TPHCM

TS.BS Nguyễn Trung Hòa


Hiện nay nhu cầu tầm soát bệnh loãng xương rất lớn nhưng ở Việt Nam chỉ có 5 máy DXA (trung tâm)/1 triệu dân, do đó cần phải bổ sung thêm phương tiện mà máy DXA ngoại biên là một lựa chọn. So với máy trung tâm được đặt cố định, người dân phải đến bệnh viện mới đo được thì máy ngoại biên có thể di chuyển trong cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều trong việc tầm soát bệnh loãng xương.

Đề tài của TS.BS Nguyễn Trung Hòa nhằm so sánh 2 giá trị của kỹ thuật đo DXA ngoại biên và trung tâm, đồng thời xác định tỷ lệ, yếu tố nguy cơ và nghiên cứu can thiệp cộng đồng.

Sau khi nghiên cứu, TS.BS Nguyễn Trung Hòa kiến nghị: cần thống nhất việc đánh giá các máy đo mật độ xương và chuẩn hóa cho các tiêu chí chẩn đoán phù hợp với đặc điểm nhân trắc của người dân TPHCM.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nghiên cứu quy mô lớn hơn về các máy đo mật độ xương và dữ liệu tham chiếu phù hợp với người dân TPHCM cho chẩn đoán, theo dõi và điều trị.

Một số nhận định về tuổi và bệnh ung thư tại TPHCM


ThS.BS Bùi Đức Tùng


TS.BS.CK2 Phạm Xuân Dũng, ThS.BS Bùi Đức Tùng và các cộng sự tại tổ ghi nhận BV Ung bướu TPHCM gửi đến hội nghị thông điệp: Tại TPHCM đang có những lo ngại về tỷ lệ bệnh, tuổi mắc bệnh và các loại bệnh ung thư theo từng lứa tuổi.

Qua khảo sát, Tổ ghi nhận BV Ung bướu TPHCM nhận thấy: tuổi mắc bệnh trung bình của bệnh nhân ung thư tại TPHCM là 55, trẻ hơn tuổi mắc bệnh trung bình của dân cư tại các nước đã phát triển. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm thì tuổi mắc bệnh ung thư trung bình không thay đổi.

Từ tuổi 40 trở lên ở cả 2 giới nam nữ có sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư nên cần tầm soát các bệnh ung thư phổ biến từ độ tuổi này. Từ 40 tuổi trở lên, ở nam giới thường gặp ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày, đầu cổ; ở nữ giới là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi, tuyến giáp.

ThS.BS Bùi Đức Tùng, đại diện cho nhóm nghiên cứu nhấn mạnh về tình hình bệnh ung thư tại TPHCM: ung thư xuất hiện ở tuổi già, tuổi trung niên là mốc quan trọng để phòng ngừa ung thư, bệnh mãn tính và nhiễm trùng làm tăng nguy cơ ung thư.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng nhận định: Tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM hiện nay là 76,4 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của toàn quốc, mà tỷ lệ mắc ung thư tích lũy dự kiến là cứ 6 người có 1 người mắc ung thư. Đây là một trong những vấn đề rất đáng báo động.

Tần suất và mức độ chậm phát triển trí tuệ ở học sinh tiểu học tại TPHCM

PGS.TS Đỗ Văn Dũng


Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tần suất chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) chưa nhiều. Việc phát hiện sớm và có các biện pháp hỗ trợ đặc biệt với trẻ CPTTT trong trường học còn rất hạn chế.

Việc xác định tần suất và mức độ CPTTT của học sinh tại các trường tiểu học do PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM và các cộng sự thực hiện là cần thiết, giúp gia đình và giáo viên có định hướng trong giáo dục và sự quan tâm đúng mức đến trẻ em CPTTT.

Đề tài cũng ghi nhận tần suất CPTTT của học sinh tiểu học tại TPHCM ở nam cao gấp 1,7 lần so với nữ. Điều này phù hợp với các nghiên cứu khác, y văn cũng ghi nhận CPTTT xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Lý giải điều này, một số tác giả cho rằng hệ thần kinh trung ương ở nam nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn nữ với những điều bất lợi và các mối nguy của CPTTT. Ngoài ra, một số thể của CPTTT do nhiễm sắc thể X dễ gãy. Nam giới chỉ có duy nhất một nhiễm sắc thể X nên tần suất CPTTT liên quan nhiễm sắc thể X dễ gãy xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.

Tỷ lệ nguyên nhân CPTTT do di truyền tại TPHCM là 11%, cao hơn khi so sánh với các nghiên cứu ở nước khác. Điều này cho thấy công tác tư vấn tiền sản và khám sàng lọc hội chứng down chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một số loài chân đốt y học mới phát hiện ở khu vực Tây Nam bộ

ThS Đoàn Bình Minh


ThS Đoàn Bình Minh, đến từ Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM cập nhật với hội nghị những thông tin mới nhất về công tác khảo sát một số loài ve ở khu vực Tây Nam Bộ.

Ve (Ixodoidea) là một trong các loài chân đốt truyền bệnh quan trọng cho cả người và động vật. Ở người, ve có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như làm tê liệt, nhiễm độc, kích ứng và dị ứng, lây truyền một số bệnh nguy hiểm…

Khu vực Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành phố, có hệ động - thực vật rất đa dạng và phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập nước, nhiều kênh rạch, sông suối, ao hồ, khí hậu nóng ẩm, tập quán sinh hoạt, canh tác của người dân tạo điều kiện cho các loài ve phát triển. Do đó, sự phân bố và thành phần các loài ve rất đa dạng và phong phú.

  ThS Đoàn Bình Minh cho biết đã thu thập được 7 loài ve, thuộc 5 giống, 2 họ trong 2 đợt điều tra cắt ngang từ tháng 7 - 10/2015 và tháng 3 - 4/2016.


Hiện tại chưa có chương trình phòng chống các bệnh do ve truyền, do đó, nghiên cứu này là cơ sở cho việc giám sát diễn biến các loài ve là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống các bệnh do ve truyền.

Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X