Hotline 24/7
08983-08983

Túi mật có nốt tăng âm kèm bóng cản 16mm có nguy hiểm không?

Câu hỏi

Thưa BS, Túi mật có nốt tăng âm kèm bóng cản kích thước 16mm, lúc phát hiện năm 2014 là 10mm. Như vậy có nguy hiểm không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Đối với siêu âm, một cấu trúc tăng âm trong lòng túi mật kèm theo bóng cản âm và di chuyển theo tư thế bệnh nhân được chẩn đoán là sỏi túi mật.

Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi. Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật. Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi.

Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm… Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng.

Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:

- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.

- Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.

- Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.

- Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ. 

Như vậy, hiện tại sỏi túi mật của em không lớn lắm, chỉ có 1 sỏi, không triệu chứng thì có thể chưa cần phải mổ, mà nên theo dõi định kỳ hàng năm.

Chú ý lại cách ăn uống, cần ăn uống hạn chế dầu mỡ và các chất nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, da mỡ động vật, các món chiên xào... tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá, nên tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày tùy theo khả năng và tẩy giun định kỳ.

Thân mến.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X