Hotline 24/7
08983-08983

Tự sinh con tại nhà, không cắt dây rốn: Thuận tự nhiên hay đi ngược với văn minh?

Mới đây, chuyện một sản phụ ở Hưng Yên chia sẻ trên một diễn đàn về việc mang thai và tự sinh con tại nhà theo phương pháp “liên sinh”, thuận tự nhiên khiến nhiều người hồ nghi.

Trước đó, cũng với lý do “thuận tự nhiên”, đã có trào lưu “anti vaccine” (chống lại, không dùng vaccine). Rất nhiều chuyên gia y tế lên tiếng về những lập luận này và đều khẳng định: Phản khoa học.


Hướng dẫn người nhà sản phụ cách “ấp” trẻ sơ sinh non tháng bằng phương pháp “da kề da” tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: V.Thu

Hướng dẫn người nhà sản phụ cách “ấp” trẻ sơ sinh non tháng bằng phương pháp “da kề da” tại BV Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: V.Thu

Sinh con tại nhà phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế

Bà mẹ ở Hưng Yên cho biết, đứa con thứ hai của chị được chào đời tại nhà, không cắt dây rốn, không tiêm ngừa vaccine, da kề da suốt 4 giờ đồng hồ, trẻ tự tìm “ti” mẹ. 6 ngày sau, rốn tự rụng. Theo TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, thực tế cũng có những cuộc đẻ rơi, hoặc sinh con tại nhà không kiểm soát được, em bé chào đời, mẹ khoẻ mạnh là một sự may mắn. Còn đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) khuyến cáo, mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để chăm sóc theo đúng quy trình chuyên môn. Theo đó, việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con.

Ngoài sự an toàn cho mẹ, cuộc đẻ còn phải an toàn cho con. Sự an toàn đó không chỉ dừng lại ở việc đứa trẻ chào đời mà còn phải đảm bảo chỉ số sống rất cao. “Đứa bé dù có thể ra đời nhưng nếu chỉ số sống trí tuệ, thể lực… không cao thì trẻ cũng không thông minh, khoẻ mạnh như đứa trẻ khác…”, TS Nguyễn Duy Ánh nói.

Đối với chia sẻ của người mẹ ở Hưng Yên trên, sinh con “thuận tự nhiên” là không cắt rốn mà thay vào đó là rốn tự rụng (sau 6 ngày). Phản hồi về ý kiến này, các chuyên gia y tế, việc chậm cắt dây rốn sau khi trẻ chào đời có lợi ích to lớn cho sức khỏe của mẹ và bé. Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh cho thấy, trong phút đầu tiên sau sinh, lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ sơ sinh khoảng 80ml và có thể lên tới 100ml trong 3 phút sau sinh. Lượng máu thêm này có thể cung cấp một lượng sắt tương ứng 40-50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt của cơ thể (khoảng 75mg/kg cân nặng) có thể giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu. Năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, nên kẹp cắt dây rốn muộn (khi dây rốn ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai) cho tất cả các trường hợp đẻ thường để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Năm 2014, trong Quyết định số 4673/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã chính thức yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện kẹp dây rốn muộn theo khuyến cáo của WHO.

Như vậy, dây rốn sẽ được kẹp cắt sau khi ngừng đập hoặc 1-3 phút sau sổ thai, áp dụng việc kết nối trẻ và bánh rau hàng tiếng đồng hồ trở ra sau sinh và để rốn tự rụng như bà mẹ ở Hưng Yên là không còn ý nghĩa. Thậm chí, theo BS Trương Hữu Khanh (BV Nhi Đồng 1, TPHCM), bánh rau giống như thịt cá, để ngoài môi trường là "ổ" cho vi trùng phát triển, nằm gần bé sơ sinh thì sẽ dễ uốn ván rốn, nhiễm trùng huyết, viêm màng não chữa không kịp sẽ chết và có thể lớn lên có nhiều di chứng.

Không nên nhẹ dạ mà “thử”

Ngoài ra, theo BS Hữu Khanh, chuyện trẻ “tự tìm ti” như chia sẻ của bà mẹ ở Hưng Yên là không an toàn mà phải hướng trẻ về phía ti mẹ, trẻ không tự tìm được thì sẽ đói, hạ đường huyết, nếu không cấp cứu được rất nguy hiểm. Trong Hướng dẫn số 4673 trên đây, Bộ Y tế cũng khuyến cáo mẹ hỗ trợ cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn.

Khẳng định chuyện tự sinh con tại nhà cho “thuận tự nhiên” như chia sẻ của bà mẹ tại Hưng Yên là chuyện “tào lao”, BS Hữu Khanh và nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo các bà mẹ khác không nên nhẹ dạ mà thử. Còn theo TS Nguyễn Duy Ánh, tại một số nước như Anh, Pháp, Mỹ… các bà mẹ có sinh tại nhà. Những gia đình muốn sinh con tại nhà sẽ đăng ký với bệnh viện, đến ngày dự sinh hoặc có dấu hiệu báo, gia đình sẽ thông báo cho bệnh viện, bệnh viện sẽ chủ động chuẩn bị phòng đẻ tại nhà, một ê-kíp y tế sẽ giám sát, hỗ trợ sản phụ chứ không phải là sản phụ tự đẻ một mình. Bản thân sản phụ cũng phải được học các lớp tiền sản, có kiến thức về cách sinh đẻ này.

Cũng tự sinh con tại nhà, mới đây, một sản phụ 21 tuổi (người dân tộc Dao, ở Bảo Thắng, Lào Cai) đã phải nhập viện lúc 4g sáng trong tình trạng tầng sinh môn phù nề, chảy nhiều máu, đầu em bé đã lộ ra ngoài âm hộ. Theo lời kể của gia đình, trong lúc đỡ đẻ cho con dâu, thấy con đẻ khó nên mẹ chồng đã tự ý lấy dao cậy tầng sinh môn khiến đầu trẻ bị tổn thương, rách dài 7cm, sâu 4cm. May mắn sản phụ đưa đến BVĐK huyện Bảo Thắng cấp cứu kịp thời do chỉ cách viện 30 phút đi xe. Bác sĩ đã khâu phục hồi, rất may tổn thương không quá sâu và cháu bé may mắn không bị nhiễm trùng, sức khoẻ hồi phục tốt, vết thương khô dần, được xuất viện ngày 7/3.

Tại một số địa phương ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây tỷ lệ đẻ tại nhà khoảng 60-70%, nay đã giảm xuống còn 30-35%. Dù tỷ lệ còn cao, nhưng điều này có nghĩa là người dân đã dần thay đổi nhận thức, hành vi của mình, tìm đến cơ sở y tế để được đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Tại nhiều diễn đàn y tế thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng vì những nỗ lực cải thiện tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, nhờ những biện pháp tuyên truyền, vận động, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, giúp người dân đến các cơ sở y tế để được theo dõi, quản lý thai nghén và sinh con, thay vì tự sinh con tại nhà, được người nhà không có chuyên môn y tế đỡ đẻ.

Liên quan đến vụ việc ở Hưng Yên, trong khuyến cáo mới đây, bên cạnh những cảnh báo về nguy cơ khi sinh con tại nhà, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén… nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ.

Cách đây không lâu, cũng theo lý thuyết “thuận tự nhiên”, không ít bà mẹ đã ủng hộ trào lưu “anti vaccine” - chống lại việc tiêm vaccine vì lo ngại các biến chứng của nó. Là người đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền nhiễm nhi, BS Trương Hữu Khanh hiểu rất rõ vai trò của vaccine - thành quả của khoa học, tiến bộ. Do đó, chống lại vaccine tức là chống lại khoa học, văn minh. Trên thực tế, hơn 80% trẻ mắc các bệnh về viêm não, ho gà… nằm tại BV Nhi Đồng 1 đều không được gia đình tiêm vaccine từ nhỏ. Điều này cũng xảy ra tương tự tại BV Nhi Trung ương. Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chính trào lưu này đã gây ra hậu quả nhỡn tiền rất lớn. Đó là sự xuất hiện trở lại của những căn bệnh chỉ có cách đây vài chục năm như: Ho gà ở phía Bắc, dịch sởi ở trẻ dưới 9 tháng, bạch hầu ở Quảng Nam, Bình Phước…

Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X