Hotline 24/7
08983-08983

Từ nhỏ, trẻ phải được "rèn giũa" nết ăn nét ở

Học chữ, học làm, học thành tài mới khó chứ ăn thì có khó gì, tưởng thế mà không phải thế. Câu nói các cụ muôn đời vẫn là chân lý: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Trong thời đại người ta giáo dục con cái chỉ chăm chăm chú ý vào kiến thức chuyên môn, vào bằng cấp, học vị thì việc rèn giũa nết ăn nét ở thường ngày xem ra có phần xao lãng.

Tôi có ông anh đã về hưu, tư Tết mới được gặp nhau, anh em hàn huyên, anh tâm sự: "Nghĩ nó chán cô ạ, tôi sai sách mất rồi, có mỗi đứa con gái, cứ nghĩ để vợ chồng cháu nó ở với mình cho nhà ấm cúng. Ai ngờ con mình thì ổn nhưng cái nết ăn nết ở của thằng con rể không thể chấp nhận được. Biết thế này cho nó ở riêng ngay thì đỡ mệt đầu".

Ông anh tôi trước nay xởi lởi dễ tính. Trong họ ngoài nhà với ai anh cũng vui vẻ đồng thuận, chắc giờ phải làm sao anh mới chán nản bức bối thế.

Ông anh tâm sự thằng con rể đến ở nhà bố mẹ vợ mà cả năm cả tháng không dọn nổi bữa cơm. Mẹ nấu dọn xong gọi xuống “đá đòn”. Ăn xong cắp đít đứng dậy. Anh bảo cái nết ăn của nó anh không thể chấp nhận được, đi về nó mặc kệ chẳng bao giờ biết thưa gửi chào hỏi bố mẹ một câu. Lúc mới còn cố, giờ cứ thấy nó cúi gằm mặt xuống bát cơm chứ nhất định không chịu bê lên là anh đã thấy không muốn ăn rồi. Ai đời thức ăn gắp từ đĩa vẩy thẳng lên miệng chẳng ý tứ gì. Ăn cá thì cứ rỉa miếng ngon rồi cho đũa vào miệng xong lại chọc xuống thức ăn thì ai mà nuốt được.

Ở gần nhà tôi có một cô bé thế hệ 2000. Cháu rất xinh, nghe nói ở trường cũng học khá, vậy mà cháu chưa từng biết chào hỏi hàng xóm láng giềng lấy một câu. Sáng đi học gặp các bà trong khu phố cháu cứ lừ lừ đi qua, trưa về gặp bác hàng xóm ngay sát nhà cháu cũng mặc kệ. Thậm chí có người sang chơi đến tận nhà cũng chưa từng được cháu chào hỏi.

Thế hệ 8x đổ về trước nết ăn nết ở đa phần được dạy bảo và ảnh hưởng theo nếp cũ nên nếp sinh hoạt ý tứ và gần gũi hơn gấp nhiều lần thế hệ 9x trở lại đây. Cũng có thể do lối sống và sinh hoạt trước kia hàng xóm láng giềng chỉ là trong phạm vi làng xã, khu phố. Bao nhiêu năm vẫn những hộ dân ấy, đầu phố và cuối phố biết tường tận về nhau, lại được ảnh hưởng từ ông bà cha mẹ về lối sống tình cảm, quan tâm đến hàng xóm láng giềng và răn dạy về lễ nghĩa khi gặp người lớn phải chào hỏi, nên đa phần người thế hệ trước “mau mồm mau miệng” chào hỏi.

Dù bạn là ai, đi đến bất cứ nơi đâu, chỉ cần một lời chào và nụ cười nở sẵn trên môi, bạn sẽ thấy con đường bớt xa và người lạ cũng trở nên thân thiện. Trong rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần nở một nụ cười, một lời chào thân thiện là đã thay đổi được cái nhìn của người đối diện.

Lắm lúc nghĩ thôi đại khái đi mà sống chứ cứ theo nếp ngày xưa mà áp đặt vào tuổi trẻ thì cũng quá. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già, nhưng mà thấy lắm cậu ấm cô chiêu cũng chướng tai gai mắt.

Ở nhà biết hiếu kính ông bà cha mẹ, ăn nói ý tứ, ra đường gặp người lớn biết chào hỏi vui vẻ mới là người có văn hóa

Chị bạn kể chuyện dâu mới nhà chị ấy. Cả nhà ông bà bố mẹ và hai vợ chồng cô dâu mới. Bữa cơm bao giờ chồng cô cũng phải nhắc mời ông bà, bố mẹ ăn cơm không thì cô lại quên. Đã thế thêm cái tội vô duyên không ý tứ, nhà quê ăn uống giản đơn có đĩa cá rán hai con rô phi to thêm đĩa đậu phụ và món canh. Cô bé hăm hai hăm ba chứ bảo lên năm lên ba gì. Cơm không ăn. Ngồi ăn lèo phát hết con rưỡi cá rán rồi cắp đít đứng dậy chẳng chào hỏi ai.

Trước đây, chúng ta đã sống một thời gian rất dài trong thời bao cấp thiếu thốn đói khổ. Con người lúc bấy giờ nâng niu trân quý từng hạt gạo, lá rau, trân trọng từng miếng cơm manh áo. Thời đó cha mẹ rèn giũa con cái khá cẩn thận bởi cuộc sống không có quá nhiều điều phải quan tâm và chi phối.

Vẫn biết mỗi thời mỗi khác nhưng suy cho cùng ra nét văn hóa của một con người thì vẫn toát ra từ nét ăn nết ở. Ở nhà biết hiếu kính ông bà cha mẹ, ăn nói ý tứ, ra đường gặp người lớn biết chào hỏi vui vẻ mới là người có văn hóa. Học rộng tài cao đẹp đẽ đến mấy mà ăn không nên đọi, nói không nên nhời, gặp người già không biết hiếu kính thưa gửi, gặp trẻ em không biết nhường nhịn tôn trọng thì cũng chẳng để làm gì.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X