Hotline 24/7
08983-08983

Tự nặn nhọt cho con, mẹ khiến con phải nhập viện khẩn cấp

Chỉ vì chủ quan và thiếu hiểu biết mà người mẹ đã khiến con mình đối diện với nguy hiểm chỉ vì... một cái nhọt.

Nhập viện cấp cứu vì nặn nhọt

Trên mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện của một người mẹ trẻ tên A.Q.N. Theo chia sẻ của tài khoản này thì con trai chị bỗng dưng mọc một nốt nhọt ở đùi. Chị  chủ quan nghĩ con mọc mụn do trời nóng ăn nhiều hoa quả nóng nên đã dùng tay nặn nhọt cho con.

Mặc dù đã sát trùng cẩn thận nhưng cái nhọt vẫn không thấy lặn đi. Thậm chí sau đó cháu bé còn bị sốt cao, phát ban toàn thân. Cháu bé sau đó đã phải nhập viện khẩn cấp vì bội nhiễm khiến người mẹ vô cùng ân hận. Chị không ngờ rằng chỉ vì một nốt mụn nhỏ mà con trai chị suýt nữa gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Hình ảnh người mẹ trẻ chia sẻ về việc con trai nhập viện chỉ vì sự chủ quan của chính mình.

Sau khi câu chuyện của chị A.Q.N. được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ giật mình vì chính họ cũng từng chủ quan coi mụn, nhọt là chuyện rất bình thường ở trẻ nhỏ và việc nặn mụn nhọt có thể nguy hiểm đến thế.

Trên thực tế tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thường xuyên điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi bị biến chứng do bị mụn nhọt. Có trường hợp bệnh nhi 1,5 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao và phát ban đỏ toàn thân. Nguyên nhân là bé có một mụn nhỏ ở khuỷu tay, sau khi mẹ nặn mụn ra, trẻ sốt cao, mệt mỏi, nôn trớ...

Khi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bé xuất hiện tình trạng khó thở tăng dần, hình ảnh chụp phổi cho thấy bé bị tràn mủ màng phổi và màng tim do vi khuẩn vào máu và gây bệnh ở phổi. Bé phải mổ dẫn lưu mủ ra khỏi màng phổi và điều trị tích cực, sức khỏe mới được cải thiện.

Một trường hợp khác, bệnh nhi 5 tuổi có ổ viêm vùng cổ. Trước đó mẹ bé tự đi xin “cao dán” không rõ tên gọi, nguồn gốc về dán nhọt cho con. 3 ngày sau bệnh không những không thuyên giảm mà vùng da bị mụn còn lan rộng, sưng nề to lên, chảy mủ. Khi nhập viện, cháu đã bị nhiễm trùng máu rất nặng, tràn mủ màng phổi, màng tim và phải nằm viện điều trị tích cực trong thời gian dài.

Các nốt mụn nhọt nguy hiểm thế nào?

Tự nặn mụn, nhọt cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo BS Đỗ Thiện Hải - Bệnh viện Nhi Trung ương, mụn nhọt là bệnh nhiễm trùng ngoài da và tổ chức dưới da do vi khuẩn gây nên. Đây là bệnh thường gặp ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em.

Bình thường trên da cũng có một số loài vi khuẩn sinh sống nhưng không gây bệnh và cơ thể có thể tự có phản ứng chống lại được vi khuẩn gây bệnh.  Nếu vệ sinh da không tốt, gây ngứa ngáy, gãi nhiều gây trầy xước hoặc viêm da thì vi khuẩn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể qua nơi tổn thương và gây bệnh, trong đó có mụn nhọt.

Nếu cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch tốt thì có thể tạo ra vỏ bọc khu trú vùng tổn thương có vi khuẩn và tạo ra mụn nhọt nhỏ. Nếu cơ thể suy yếu hoặc chích nặn mụn quá mạnh, quá sớm sẽ làm vỡ vỏ bọc, vi khuẩn từ đó có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu.

Nếu vi khuẩn vào máu sẽ đi khắp cơ thể và có thể gây bệnh ở bất kỳ cơ quan nào như phổi, tim, gan, mạch máu… Khi các cơ quan này bị nhiễm khuẩn thì có thể gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời tại những cơ sở y tế có đủ điều kiện.

Một số biến chứng thường gặp: Viêm phổi do tụ cầu, Tràn mủ màng tim, Viêm mủ màng phổi.

Cách xử trí đúng khi trẻ bị mụn, nhọt

Theo BS Đỗ Thiện Hải, khi bị mụn nhọt trên da, trước hết cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể, đặc biệt là vùng da có mụn nhọt bằng các chất có khả năng sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh... Sau đó lau khô và có thể dùng cồn iod bôi lên vùng da có mụn nhọt. Nếu sau 1 - 2 ngày mà tình trạng bệnh không thuyên giảm thì nên đi khám tại cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh.

Mụn bị vỡ cần được xử lý đúng cách.

Nếu mụn nhọt to lên nhanh, vùng viêm lan rộng cần điều trị kháng sinh đường tiêm tại cơ sở y tế. Các mụn nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ và đã hình thành ổ mủ mới nên chích nặn.

Không nên tự ý nặn mụn nhọt hoặc dán các loại cao dán không rõ nguồn gốc vì dễ gây viêm loét rộng ra, gây nhiễm trùng máu. Cần đặc biệt lưu ý với những mụn nhọt vùng mũi, miệng, thường được gọi là đinh râu. Đây là vùng có mạch máu nối thông với các mạch máu trong sọ não. Nếu nặn non làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập có thể gây biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra BS hải cũng khuyến cáo, muốn có khả năng chống lại bệnh tật tốt thì cần cơ thể khỏe mạnh, nhất là đối với trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ tốt. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống cho trẻ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp làm giảm tối thiểu số lượng vi khuẩn trên da và hạn chế nguy cơ gây bệnh. Để phòng tránh các viêm nhiễm ngoài da, cha mẹ cần chú ý không để trẻ bị côn trùng đốt gây ngứa, không để trẻ gãi gây trầy xước da để giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Theo Đời Sống Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X