Hotline 24/7
08983-08983

Từ chối dùng kháng sinh hậu quả khôn lường...

Trước sự tuyên truyền mạnh mẽ về hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh, thì một số bà mẹ trở nên thận trọng khi dùng loại thuốc này bằng cách “anti” - từ chối không dùng, ngay cả khi được bác sĩ kê đơn cho con mình.

Từ chối dùng kháng sinh vì sợ độc

Bé Trần V.A. (18 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến phòng khám trong tình trạng quấy khóc suốt đêm và sốt trên 39oC. Khám cho bé, bác sĩ thấy màng nhĩ căng phồng, ứ mủ bên trong, kết luận: Bé bị viêm tai giữa cấp hai bên. Mẹ của bé kể, cách đây 2 ngày chị đã đưa bé đi khám ở nơi khác, cũng được chẩn đoán như vậy và bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng sinh cho uống, nhưng gia đình cho rằng kháng sinh chính là thuốc độc, nên quyết định không cho bé uống mà đi khám nơi khác với hy vọng sẽ có chỉ định điều trị khác, không dùng kháng sinh…

Theo hướng dẫn điều trị chuẩn trên thế giới, trẻ dưới 2 tuổi bị viêm tai giữa cấp 2 bên nặng (sốt trên 39oC, đau đớn nhiều, quấy khóc) là chỉ định dùng kháng sinh. Chính vì vậy, trong trường hợp của bé V.A, bác sĩ đã chỉ định kháng sinh là hợp lý. Bởi thuốc sẽ giúp bệnh nhi giảm sốt, giảm đau khi quá trình viêm bị khống chế và làm giảm nguy cơ thủng màng nhĩ chảy mủ cho bé.

Tuy nhiên, vì sự “phản ứng tiêu cực” với kháng sinh của phụ huynh đã khiến bé không được điều trị bệnh từ sớm. Trong ca bệnh này, bác sĩ đã phải dành 30 phút để giải thích về lợi ích và nguy hại của kháng sinh, cố gắng làm sao để thuyết phục phụ huynh sử dụng kháng sinh cho con. Nhưng người mẹ lắng nghe trong sự nghi hoặc và dè dặt. Bác sĩ cũng không dám chắc rằng khi về nhà, bé có được mẹ cho uống kháng sinh điều trị bệnh, hay lại tìm đến một phòng khám khác, với hy vọng con mình không phải dùng kháng sinh?

Từ chối dùng kháng sinh  hậu quả khôn lường...Khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Kháng sinh sẽ an toàn nếu được dùng đúng

Hiện nay, các thông tin trên mạng bị nhiễu loạn. Người đọc lại thiếu kiến thức để lọc lựa thông tin chuẩn xác, nên tin theo những lời kêu gọi hoặc tẩy chay các sản phẩm y tế đã được thế giới công nhận. Từ phong trào antivaccine tới anti kháng sinh...

Mặc dù kháng sinh được coi là “con dao hai lưỡi”, nhưng bản chất của “dao” không hề xấu nếu được sử dụng đúng..

Trong thực hành lâm sàng khám chữa bệnh, tôi thường gặp các câu hỏi của các bà mẹ, rằng: Dùng kháng sinh liệu con em có bị làm sao không? Câu trả lời là: Dùng  bất cứ thứ gì đều có hai mặt. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh, cơ thể người bệnh và các thuốc dùng cùng (nếu có)… để cân nhắc việc có dùng kháng sinh hay không? Khi dùng thì chọn loại kháng sinh nào an toàn và hiệu quả với người bệnh.

Trong trường hợp con bạn bị bệnh, nếu dùng kháng sinh mà “được” nhiều hơn thì bác sĩ sẽ kê đơn. Còn nếu “mất” nhiều hơn thì bác sĩ sẽ cân nhắc không kê kháng sinh hoặc hướng dẫn sang một phương pháp điều trị khác.

Vậy khi dùng kháng sinh đúng sẽ “được” gì? Vi khuẩn gây bệnh bị tiêu diệt, bệnh tật được đẩy lùi, sức khỏe của em bé phục hồi trở lại. Có những bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi; viêm màng não; nhiễm khuẩn huyết… nếu không dùng kháng sinh đứa trẻ sẽ tử vong. Viêm tai giữa cấp nặng nếu không được dùng kháng sinh để điều trị, đứa trẻ tiếp tục đau đớn, sốt cao, màng nhĩ thủng, tiết mủ liên tục… có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến khả năng nghe sau này. Nguy hiểm hơn có thể biến  chứng viêm xương chũm,  áp-xe não, viêm  màng não hay viêm tắc tĩnh mạch não…

Những nguy cơ khi dùng kháng sinh

Khi đưa bất kỳ thứ gì, kể cả thuốc bổ hay thức ăn, con người luôn luôn có thể chịu những ảnh hưởng tức thời và dài hạn.

Ảnh hưởng tức thời là phản ứng dị ứng kháng sinh, cũng giống như dị ứng thức ăn - điều này  tùy thuộc cơ địa của trẻ và thường không được biết trước (nếu trẻ chưa dùng kháng sinh đó bao giờ), tuy nhiên điều này là hiếm. Ngoài ra, con bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy liên quan tới kháng sinh. Một số loại kháng sinh có các độc lực lên gan, thận, dây chằng khớp… nhưng cũng là nhất thời và thường tự phục hồi sau khi ngưng thuốc. Chính vì thế trước khi sử dụng kháng sinh cho trẻ,  các bác sĩ cũng đã có những cân nhắc và lựa chọn các kháng sinh an toàn, ít tác dụng phụ nhất cho trẻ.

Một số loại kháng sinh có thể để lại hậu quả lâu dài, như gây điếc hay gây độc cho thận đối với kháng sinh  nhóm amino glycosid (gentamycin, tobramycin…) hoặc ảnh hưởng đến hệ xương răng của trẻ (tetracyclin). Tất nhiên các bác sĩ sẽ không chọn các thuốc này trong chữa các bệnh thông thường, chỉ những tình huống đặc biệt, cân nhắc giữa sự sống và cái chết của bệnh nhi mà không còn lựa chọn nào khác... mới dùng.

Khuyến cáo của thầy thuốc

Bạn tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh cho con, tuyệt đối không nghe ai khuyên dùng kháng sinh nếu người đó không phải là bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho con của bạn. Nếu bác sĩ kê đơn kháng sinh cho con, cố gắng trao đổi với bác sĩ để hiểu được bản chất bệnh tật và việc dùng thuốc an toàn. Đừng ngần ngại hỗ trợ bác sĩ thực hiện các khảo sát cần thiết để phân biệt tác nhân gây bệnh như: xét nghiệm máu hoặc các biện pháp cận lâm sàng như: chụp, chiếu…

Theo BS Trần Công - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X