Hotline 24/7
08983-08983

Từ bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non đến chữa trị theo mẹo dân gian

Các bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám mắt cho một trẻ sinh non để phòng bệnh võng mạc.

Bệnh lý võng mạc xuất hiện nhiều ở trẻ sinh non

Theo các chuyên gia y tế, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) chiếm tỷ lệ người mắc ngày càng tăng cao và tồn tại ở các quốc gia phát triển khiến ngành y tế quan tâm. Tại BV Nhi Đồng 1, TPHCM (BV NĐ 1), thống kê của các bác sĩ từ năm 2004 đến nay cho thấy, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị gần 25.000 trẻ mắc ROP. Số lượng trẻ mắc bệnh này đến khám và điều trị ngày càng tăng cao, từ 2.000 ca trong năm 2012 tăng hơn 4.000 ca trong năm 2017. Một số ca nặng có thể gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa ngày một tăng, gần 100 ca mỗi năm.

ThS.BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa sơ sinh BV NĐ 1, bệnh võng mạc có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất và tỷ lệ di chứng khiếm thị cao nhất ở trẻ sinh non dưới 28 tuần tuổi thai, cân nặng lúc sanh dưới 1500gr. “Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc lúc cháu bé được đủ tháng. Ở trẻ sinh non, quá trình này chưa hoàn thành nên khi được sinh ra, nếu các mạch máu phát triển bình thường trẻ sẽ không mắc bệnh, còn phát triển bất bình thường trẻ sẽ mắc bệnh”, bác sĩ Mậu cho biết nguyên nhân gây bệnh.

Căn bệnh này ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện bằng mắt thường và chỉ đến khi có biểu hiện bên ngoài thì đã muộn. Nhiều trẻ được người nhà đưa đến bệnh viện chuyên khoa khi thấy trẻ phản xạ kém với ánh sáng, tuy nhiên lúc này đã muộn. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ROP tùy vào tổn thương và mức độ nặng của bệnh. Tốt nhất để việc điều trị dễ dàng nên đưa trẻ đi khám mắt cho trẻ thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ để phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách.

“Không phải tất cả trẻ đẻ non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Những trẻ sinh non dưới 32 tuần và cân nặng lúc sanh dưới 2000 gram, trẻ thở oxy kéo dài, thiếu máu, truyền máu... cần khám mắt tầm soát để phát hiện ROP. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.

Điều trị bằng kỹ thuật laser quang đông sẽ giúp cải thiện thị lực cho rất nhiều trẻ ROP, với tỷ lệ thành công hơn 90%. Ngoài ra, kỹ thuật tiêm nội nhãn chất ức chế tế bào nội mạch anti-VEGF và phẫu thuật bong võng mạc cũng đã và đang được áp dụng nhằm trả lại ánh sáng cho trẻ. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất vẫn là việc dự phòng sinh non và chăm sóc tốt cho trẻ sinh non”, bác sĩ Mậu khuyến cáo.

Nguy cơ hỏng mắt, mù lòa… khi chữa bệnh bằng mẹo dân gian

Theo thông tin từ BV Thủ Đức TPHCM (BVTĐ), cháu P.H.A. (15 ngày tuổi) được người nhà đưa vào BVTĐ với tình trạng mắt tiết nhiều chất vàng nhầy, loét giác mạc rộng. Người nhà nạn nhân thấy cháu A. chảy ghèn trắng ở mắt nên đã nhỏ chanh để tự điều trị mà không đi khám, dẫn đến tình trạng giác mạc bị loét nghiêm trọng.

Các bác sĩ Khoa Mắt BVTĐ cho biết, trường hợp cháu A. rất may người nhà đã kịp đưa cháu đến bệnh viện điều trị, nếu không tiềm ẩn rủi ro hỏng mắt, mù lòa. Bởi, vắt chanh vào mắt là một hành động vô cùng nguy hiểm vì trong chanh có chứa acid citric, còn giác mạc của chúng ta là một cấu trúc vô cùng nhạy cảm. “Nhỏ chanh vào mắt cũng như nhỏ acid lên da, nhẹ thì kích ứng, nặng thì có thể gây bỏng giác mạc. Khi mắt đang bị viêm nhiễm, nhỏ chanh vào thì bệnh sẽ nặng thêm. Với mẹo vắt chanh trên, người bệnh có thể bị hỏng mắt, thậm chí mù lòa...” một bác sĩ BVTĐ cho biết.

Bên cạnh việc vắt chanh vào mắt, một số bà mẹ còn dùng sữa mẹ chữa bệnh đau mắt cho trẻ. Theo đó, sữa mẹ có rất nhiều kháng thể, là nguồn dinh dưỡng quý giá của trẻ. Tuy nhiên, sữa mẹ chỉ có tác dụng khi được hấp thu qua đường tiêu hóa. Việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, và nếu trẻ đang có tình trạng viêm nhiễm ở mắt thì điều này càng làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.

Ngoài ra, ở vùng quê nhiều bà mẹ, người nhà trẻ truyền tai nhau áp dụng việc đắp thịt nhái… để điều trị đau mắt nhưng đây lại là điều kiện khiến nhiễm kí sinh trùng. Khi đắp thịt nhái lên mắt hoặc ăn thịt nhái chưa nấu chín, nhiều khả năng có thể bị nhiễm sán. Trường hợp dụi mắt khi dị vật không may rơi vào cũng sẽ gây ra nhiều tổn thương cho mắt. Nếu dị vật cứng như cát, mảnh sỏi, mảnh thủy tinh, dụi mắt khiến các dị vật này càng chà xát mạnh lên bề mặt, gây xước giác mạc và tạo đường cho vi khuẩn, nấm xâm nhập. Dị vật là côn trùng, dụi mắt khiến chúng tăng tiết nhiều độc tố. Đặc biệt là dịch tiết của kiến ba khoang có thể làm bỏng giác mạc, mù lòa… Ngoài ra, việc lăn trứng gà vào vùng mắt cũng gây nguy hại…", BS Huy Anh khuyến cáo.

Theo Kim Đồng - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X