Hotline 24/7
08983-08983

Từ bàn nhậu đến mặt đường: câu chuyện về văn hoá, ý thức, niềm vui và trách nhiệm

Từ bàn nhậu đến mặt đường cách nhau một quãng dài mang tên "ý thức".

Từ khi nào mà nhậu nhẹt lại trở nên quan trọng đến thế?

Bạn mới gia nhập công ty, bạn phải nhậu ra mắt. Bạn sắp nghỉ việc, bạn phải nhậu chia tay. Mới được thăng chức: nhậu. Chuyển sang bộ phận khác: nhậu. Khó khăn lắm mới triệu tập được một cuộc họp nghiêm túc để bàn bạc về đường hướng phát triển của công ty, nhưng con người ta có thể viện mọi lí do để đi nhậu.

Người ta hay nói “rượu vào thì lời ra”, có một cách hiểu rằng khi con người ta say, họ nói ra những lời không nên nói. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa tích cực hơn: cứ phải có chút men xúc tác thì con người mới “cởi mở” với nhau hơn. Vậy nên người ta hay phá vỡ bầu không khí căng thẳng của những buổi gặp gỡ ban đầu sau tiếng “dô” thần thánh. Nhiều người cảm thấy dễ giao tiếp hơn khi có chút men trong người. Từ đó mà nhậu nhẹt trở thành một “nghệ thuật giao tiếp, làm quen và kết bạn”.

Từ bàn nhậu đến mặt đường: câu chuyện về văn hoá, ý thức, niềm vui và trách nhiệm - Ảnh 1.

Đâu chỉ dừng lại ở quan hệ chiến hữu, bạn bè, rượu bia len lỏi vào dòng chảy kinh doanh, trở thành chất xúc tác trên thương trường. “Tửu lượng” lại hoá thành một kĩ năng cần có ở doanh nhân mà bạn có thể ghi vào cho đẹp CV đấy!

Kiếm được đối tác mới: nhậu. Bàn bạc về dự án: nhậu. Chốt hợp đồng: lại nhậu. Hoàn thành xuất sắc dự án: nhậu ăn mừng. Dự án đổ bể: nhậu “giải đen”. Tôi có cảm giác như mọi người coi công việc là phụ, kiếm cớ dắt nhau lên bàn ăn là chính.

Những quyết định có hơi men thường là quyết định không tỉnh táo. Có phải chăng chính vì vậy nên người ta mới lôi công việc lên bàn ăn, thay vì thương thảo trong một căn phòng nghiêm túc có điều hoà, máy chiếu? Phải chăng năng lực của doanh nghiệp bạn còn nhiều vấn đề cần thảo luận thêm, nhưng bạn muốn chốt nhanh cái hợp đồng này để đủ doanh số quý, còn cách nào tuyệt vời hơn là lôi đối tác đi “nhậu” để trong lúc chén chú chén anh hăng máu, người ta hạ bút kí “bừa” cho bạn?

Chúng ta đang có một cái nhìn sai lệch về nhậu nhẹt. Đồng ý là con người ta có thể làm quen và cảm thấy gắn kết hơn trên bàn ăn. Nhưng nên phân định rạch ròi: công việc là công việc. Và công việc nên được giải quyết trên bàn làm việc.

Đằng sau nhậu nhẹt là những tai hoạ từ việc con người ta không còn giữ được trạng thái tỉnh táo, nhất là khi tham gia giao thông

Từ bàn nhậu đến mặt đường: câu chuyện về văn hoá, ý thức, niềm vui và trách nhiệm - Ảnh 2.

Tôi nhớ mãi ngày tôi 7 tuổi, lần đầu được tháo hai bánh phụ phía sau xe đạp và tự mình điều khiển một “phương tiện giao thông” đúng nghĩa, trở thành một “người tham gia giao thông” đầy trách nhiệm. Xen kẽ vào những tiếng cười khanh khách đầy thích thú của một đứa trẻ lần đầu tiên được lái xe vẫn là lời dặn dò ân cần của bố: “Đi cẩn thận đừng đâm vào người khác”.

Tại sao lại là “đừng đâm vào người khác”, chẳng nhẽ khi va chạm xảy ra, bố không lo cho con gái của bố, mà chỉ sợ người khác bị thương sao? Không phải, hơn ai hết, cha mẹ chúng ta biết rõ, khi va chạm xảy ra, họ có thể chăm sóc chúng ta khi ốm đau, nhưng nếu có một người khác cũng bị thương, đó không còn là chuyện trong gia đình nữa rồi. Kinh khủng hơn nỗi đau thể xác đó chính là cảm giác dằn vặt. Tôi có thể gãy chân và được gia đình chăm lo cho đến khi bình phục. Nhưng nếu người tôi đâm phải không bao giờ có thể đi lại được nữa, chuyện đó sẽ dằn vặt tôi cả đời.

Lời dặn của cha mẹ không bao giờ là thừa. Một chiếc xe đạp mini có thể chẳng gây ra được xây xát gì lớn. Nhưng khi chúng ta lái xe máy, ô tô, những phương tiện đắt hơn, nhanh hơn, sức sát thương cao hơn, đó lại là một câu chuyện rất khác.

“Lái xe phải tập trung vào”. Tôi nhớ mãi những lời dặn của bố, ngay từ khi mới chỉ tập toẹ đạp chiếc xe đạp mini bé xíu, tự nhủ lòng mình: sau này có đi xe máy hay ô tô, khi lái xe có thể lơ đãng đôi chút nhưng khi bản thân không thể tỉnh táo, tập trung, tuyệt đối tôi sẽ không trèo lên xe, thậm chí là đi bộ ra đường. Bởi tham gia giao thông có trách nhiệm không phải chỉ là chuyện bạn đi từ nhà tới cơ quan, mà còn liên quan đến cuộc sống của rất nhiều người. “Mặt bàn” với “mặt đường” chỉ cách nhau một quãng gọi là “ý thức” thôi bạn ạ. Hãy trở thành một “nhậu thủ” có ý thức để không ai phải buồn vì cuộc vui của bạn.

Từ bàn nhậu đến mặt đường: câu chuyện về văn hoá, ý thức, niềm vui và trách nhiệm - Ảnh 3.

Cao cả hơn thú vui, đó là trách nhiệm

Bố tôi từng nghiện thuốc lá nặng cho đến khi mẹ mang bầu chị gái, ông bỏ thuốc và mua một cây đàn ghi ta, xin sách vở về tự học đánh đàn. Bố cũng thích tụ tập, chén chú chén anh với những người bạn trong hội cựu chiến binh. Cho đến khi ông phải tự mình cùng các chú các bác đi thu nhặt những mảnh thi thể còn sót lại của một người bạn trong hội bị tai nạn tàu hoả khi cố phóng qua đường ray với hơi thở nồng nặc mùi rượu, ông không đụng đến dù chỉ một giọt bia. Bố xin “cáo lui” khỏi những buổi tụ tập họ hàng, mặc kệ người ta đàm tiếu: “thằng này sống bạc, chẳng giao lưu gì với anh em họ hàng”. Bố tôi chia sẻ quan điểm thẳng thắn: “Giao lưu, có nhiều cách để giao lưu, đâu nhất thiết phải uống rượu. Nhỡ đâu uống vào, mình có chuyện gì, “chén chú chén anh” có chăm lo được cho vợ con mình sau này không, hay chỉ quanh quẩn giúp đỡ “hậu sự” rồi lại giải tán, ai về nhà nấy?”

Nhiều người tìm đến rượu bia, chất kích thích để cho “vui” nhưng họ không hề biết rằng: niềm vui của mình có khi lại là nỗi lo toan, trăn trở của người khác. Bạn stress vì công việc và muốn uống vài li để “giải sầu”. Nhưng bạn đâu biết rằng mẹ bạn, vợ bạn sẽ còn stress gấp trăm lần khi nghe từ bên kia điện thoại những tiếng lè nhè: “Con/anh đi uống vài chén với đồng nghiệp”. Sự tự tin và tửu lượng của bạn không khiến những người thân yêu được an tâm hơn. Có chút men vào người rồi, bỗng nhiên bạn thấy lâng lâng, đi nhanh hơn, gió mát hơn, tâm hồn thấy sảng khoái, yêu đời, bao nhiêu lo toan về deadlines, KPI tan biến hết. Uống rượu vào và phóng nhanh vượt ẩu, thấy mát nhỉ? Ở nhà, có những người đang nóng ruột chờ bạn về.

Ta say, rồi ta sẽ tỉnh. Nhưng những nạn nhân của tai nạn giao thông xuất phát từ việc sử dụng rượu bia khi lái xe, liệu họ có thể tỉnh lại được không?

Từ bàn nhậu đến mặt đường: câu chuyện về văn hoá, ý thức, niềm vui và trách nhiệm - Ảnh 4.

Người phụ nữ gây ra vụ tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh, Tp. HCM ngày 21/10/2018, chị có thể đã có một bữa liên hoan vui vẻ với bạn bè. Nhưng người con gái nằm dưới gầm xe của chị đã vĩnh viễn không kịp trở về nhà đoàn tụ bên gia đình.

Ta nâng chén vì bạn bè, vì các mối quan hệ, vì lợi ích, vì cơ hội, vì sự nghiệp của ta.

Nhưng có bao giờ ta nâng chén cho những người nằm xuống?

Theo Tri thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X