Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh: Làm sao để phát hiện đột quỵ tái phát?

Chiều 8/11, TS.BS Trương Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, BV Nhân dân 115 giải đáp về bệnh đột quỵ, nhất là vấn đề phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh.


Cứ mỗi 3 phút trôi qua thì đột quỵ cướp đi 1 sinh mạng và cứ mỗi 45 giây thì trên thế giới lại có ít nhất 1 người mắc mới.

Nhất là khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột như những tháng cuối năm. Theo các nghiên cứu và con số thống kê cho thấy, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 30%.

Mới đây, tại chương trình “Tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp, phòng ngừa đột quỵ” do Bệnh viện Nhân Dân 115 tổ chức diễn ra ngày 29/9, TS.BS Trương Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não đã chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích về phòng ngừa và xử trí khi bị đột quỵ.

>> Muốn ngăn ngừa đột quỵ, hãy thay đổi 6 yếu tố nguy cơ này

Chiều 8/11, TS.BS Trương Lê Tuấn Anh sẽ tiếp tục giải đáp câu hỏi của quý cô bác xung quanh căn bệnh nguy hiểm này.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
FB Ng. Trà My

Thưa BS,

Tôi nghe nói đến "Cơn thiếu máu não thoáng qua" cụ thể là thế nào? Làm sao phân biệt nó với các tình trạng khác như hạ đường huyết, hạ canxi? Ai dễ bị cơn thiếu máu não thoáng qua? Mong BS tư vấn giúp!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào bạn Trà My,

Cơn thoáng thiếu máu não là tình trạng thiếu máu não có hồi phục. Bệnh nhân đột ngột xuất hiện các triệu chứng giống như một cơn đột quỵ thật sự như yếu hoặc tê 1/2 người, méo miệng, nói đớ, nhìn đôi, đi đứng mất thăng bằng. Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng thời gian 24 giờ.

Cơn thoáng thiếu máu não xảy ra trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu hoặc bệnh tim như rung nhĩ, hẹp van 2 lá, còn lỗ bầu dục sẽ tăng nguy cơ bị cơn thoáng thiếu máu não.

Còn hạ đường huyết xảy ra trên bệnh nhân đái tháo đường đang dùng thuốc hạ đường huyết hoặc do nhịn ăn kéo dài, biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, có thể ù tai, vã mồ hôi, hồi hộp, chỉ cần uống ly nước đường hoặc ăn kẹo sẽ cải thiện các triệu chứng này.

Khi hạ canxi, bệnh nhân có biểu hiện co quắp 2 bàn tay, thở nhanh, hổn hển, bệnh thường xảy ra ở người trẻ, trong khi cơn thiếu máu não thường xảy ra ở người lớn tuổi, trên 40 tuổi.


Nguyễn Lộc - lacphong...@gmail.com

Chào chương trình tư vấn,

Cho em hỏi thăm, em  27 tuổi, em bị xuất huyết não năm 23 tuổi, hiện giờ đã đi lắt nhắt được nhưng tay chưa cử động được các ngón linh hoạt. Hiện trạng các cơ của em ở bắp tay và cổ chân bị co cứng nên gây khó khăn trong việc tập luyện và đi lại.

Em biết đến loại thuốc Dysport giúp hỗ trợ các cơ, vì nhà em ở xa nên nhờ BS tư vấn giúp để em có thể dùng được loại thuốc này hay không?

Em có nguy cơ đột quỵ lần nữa không? Nếu có thì em cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ này? Mong BS sớm phản hồi giúp em.

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào em Lộc,

Tình trạng co cứng cơ sau đột quỵ có thể được điều trị với kỹ thuật chích Dysport mỗi 6 tháng, được thực hiện tại khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV ĐH Y dược, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân Gia định, BV Ngoại thần kinh Quốc tế.

Thuốc Dysport là độc tố botulinum, có công dụng làm liệt cơ bị co cứng, cơ nào co thì chích vào cơ đó, giúp làm mềm chi, tăng tính linh hoạt của chi bị yếu liệt.

Em có nguy cơ đột quỵ tái phát nên em cần phải được theo dõi và tái khám với các BS chuyên về đột quỵ để giúp tư vấn và kiểm soát các yếu tố nguy cơ này.



Hồ Thị Xuân Hương - xuanhuong...@gmail.com

BS cho em hỏi,

Gần đây em bị đau nửa đầu. Đôi khi đau nguyên đầu. Khi nằm rồi đứng dậy thấy hoa mắt chóng mặt.

Vậy cho em hỏi em bị bệnh gì vậy ạ? Nếu em đến cơ sở y tế thì xét nghiệm gì, có cần chụp MRI không? Xin cảm ơn BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Xuân Hương thân mến,

Đau đầu là triệu chứng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân cơ năng (không tìm ra được nguyên nhân), nhưng cũng có những nguyên nhân là bệnh thực thể (dị dạng mạch máu não, u não, vẹo vách ngăn, viêm xoang…). Do đó, em nên đi khám để được đánh giá thêm bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, để BS hỏi bệnh sử kỹ càng.

Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính (CT não) hoặc MRI, DSA…


Đào Trung Thọ, 34 tuổi - Gò Vấp

Bác sĩ cho em hỏi,

Khoảng 3-4 ngày gần đây em thường xuyên có triệu chứng như sau: buổi sáng thức dậy thì khỏe mạnh, bình thường, nhưng khi chạy xe (xe máy) mấy km từ nhà đến chỗ làm là thường bị đau đầu, người vã mồ hôi, buồn nôn, hai mây mắt sụp xuống (đặc biệt là mắt trái) - trạng thái như bị say rượu.

Nhưng nếu ngồi xe hơi mà ngủ được hoặc nhắm mắt lại thì không bị như trên (mở mắt theo dõi đường thì cũng bị).

Với triệu chứng như trên, có phải em bị rối loạn tiền đình không hay bệnh gì khác ạ? Cách chữa trị và nghỉ ngơi như thế nào ạ? Cảm ơn BS.

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào bạn Thọ,

Qua những mô tả của bạn, tôi nghĩ đến khả năng bạn bị rối loạn thần kinh thực vật, tuy nhiên bạn cần phải đến BV để BS thăm khám và làm các nghiệm pháp (bàn xoay), xét nghiệm máu (chức năng tuyến thượng thận (cortison, cathecholamin), chức năng tuyến giáp) để được chẩn đoán xác định và có hướng điều trị phù hợp.


Đặng Thị Xuyến - maidang...@gmail.com

Thưa bác sĩ Tuấn Anh,

Tôi chụp cắt lớp biết bị nang vách trong suốt kích thước 52×14mm ở giữa đầu và tôi bị đau đầu rất nhiều, cho hỏi bệnh này có nguy hiểm không?

Tôi cũng lo lắng vì nghe nói mùa lạnh dễ bị đột quỵ, nhất là người bị đau đầu nhiều, vậy tôi có thể bị đột quỵ không? Làm cách nào để phòng ngừa ạ? Xin cảm ơn BS tư vấn!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào bạn Xuyến,

“Nang vách trong suốt” là một tổn thương lành tính, ít gặp, ít gây ra triệu chứng và không cần điều trị. Nó lại càng không liên quan tới đột quỵ.

Còn tình trạng đau đầu của bạn chỉ cần uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamol (khi đau). Một số trường hợp không giảm đau với thuốc giảm đau thông thường thì cần BS chuyên khoa thần kinh kê đơn thuốc (topiramax, levetiracetam...).


Võ Kham Ly, 50 tuổi - Tiền Giang

BS cho tôi hỏi,

Trước đây mấy năm tôi có đi khám và BS chẩn đoán tôi bị rối loạn tiền đình, rồi tới bây giờ tôi chưa đi khám lại. Lâu lâu bị chóng mặt tôi hay mua thuốc liều uống hoặc vào BS tư chích thuốc.

Mới gần đây, tôi bị chóng mặt và phải lâu trong ngày tôi mới ngồi dậy được, uống thuốc và đi chích thì giờ tôi khỏe hơn nhiều.

Có điều hổm rày ở da đầu tôi có cảm giác tê rần rần như cảm giác nổi da gà, dấu hiệu này không diễn ra suốt. Tôi băn khoăn không biết biểu hiện đó như thế nào? BS tư vấn giúp tôi.

Hiện tại tôi dùng vitamin B6 + thuốc hoạt huyết mua ở quầy thuốc Tây và tôi uống thường xuyên, nếu ngừng thuốc mấy ngày hoặc lo lắng việc gì là tôi lại chóng mặt.

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào chị,

BS không biết chị đã mãn kinh chưa? Các triệu chứng của chị có thể liên quan đến tiền mãn kinh/ mãn kinh. Nếu tình trạng chóng mặt kéo dài và xuất hiện thêm các triệu chứng mới, chị nên đến khám sớm chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân.

Thân mến!


Cúc Phạm - hongcuc...@gmail.com

Xin chào BS,

Xin BS giải đáp giúp em, ba em bị tai biến khoảng 4 tháng, răng đau. Em dẫn đến phòng mạch làm răng, BS phòng răng bảo chích thuốc tê lấy tuỷ, nhưng chỉ thử xem có phù hợp với thuốc không rồi 3 hôm sau lại lấy tủy.

Khi chích thuốc tê xong, về nhà, ba em bị chảy nước miếng, khó nuốt. Và dần đến ngày thứ ba là không nuốt được, không nói được, chụp CT BS nói không phải do tai biến.

Giờ ba em phải điều trị như thế nào để lưỡi hết cứng ạ?

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào bạn Cúc,

Không loại trừ các triệu chứng khó nuốt và chảy nước miếng nằm trong bệnh cảnh đột quỵ tái phát, do đó người nhà cần đưa bác đến chuyên khoa thần kinh để được khám lâm sàng, chẩn đoán xác định.

Trường hợp này kỹ thuật CT khó xác định có tái phát đột quỵ hay không, do đó, có thể cần chụp MRI.


Trần Hương Nguyên - trhgn...@gmail.com

Dạ chào BS ạ,

Mẹ con 61 tuổi bị xe quẹt từ phía sau, BS chẩn đoán bị tổn thương ổ của não (xuất huyết liềm não, liều tiểu não, bể quanh cuốn não).

Tính từ ngày bị tai nạn đến nay đã 7 ngày nhưng hiện tại mẹ có thể nói chuyện bình thường, dìu đi vệ sinh được tuy nhiên sau mỗi lần đi thì xuất mồ hôi lạnh, đau đầu liên tục suốt đêm ngày lúc ít, lúc nhiều, lúc dữ dội không thể chịu được.

BS cho con hỏi tình trạng đau đầu này phải kéo dài đến bao lâu? Có biện pháp nào giảm đau đầu không? Và ban đêm bị đau không ngủ được thì có thể dùng thuốc ngủ kèm theo không?

Mong BS trả lời sớm để giúp mẹ con sớm hồi phục. Con chân thành cảm ơn.

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Triệu chứng đau đầu thường gặp sau xuất huyết não và cần có thời gian để lượng máu trên hấp thu và triệu chứng sẽ giảm theo thời gian. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đau đầu thì cần được điều trị với các thuốc giảm đau thích hợp được kê toa bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Do đó, mặc dù bệnh nhân đã có thể nói chuyện bình thường và đi lại được nhưng vẫn cần được đưa đến tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh.


Phan Tú - trong...@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi vào giấc ngủ dễ nhưng không sâu, khoảng 2-3 giờ sáng vì hay mơ và bị tê tay. Tình trạng này kéo dài hơn chục năm rồi. Hiện nay tôi bị đau nửa đầu bên trái giật giật trên đỉnh đầu và sau ót nhiều.

Tôi dự định đi khám những không biết khám ở đâu và bệnh lí gì? Xin được từ vấn. Mong được hồi âm sớm!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào anh,

Với triệu chứng đau đầu theo mô tả của anh và các dấu hiệu đi kèm, anh nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại các BV (Nhân dân 115, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Chợ Rẫy, ĐHYD, Nhân dân Gia Định…) để tìm nguyên nhân đau đầu và có điều trị thích hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.


Nguyễn Thị Hương - thuyhuong...@gmail.com

Chào BS,

Chồng tôi 57 tuổi bị đột quỵ cách đây hơn 3 tháng, nằm ở Viện 108, đã thông huyết khối, hiện nay đi lại được rồi nhưng trí nhớ giảm nhiều và nói được rất ít.

Xin hỏi BS cách điều trị và uống thuốc? Và miền Bắc vào mùa đông thì chồng tôi có cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày để mau hồi phục không? Rất mong nhận được ý kiến của BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào chị,

Tất cả các bệnh nhân đột quỵ cần được theo dõi, điều trị suốt đời để giảm nguy cơ tái phát. Sau đột quỵ, khả năng phục hồi của bệnh nhân cao nhất là trong 3 tháng đầu, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn phục hồi tiếp tục trong 2 năm tiếp theo, sau đó khả năng phục hồi gần như không đáng kể. Do đó, bệnh nhân cần được tiếp tục tập vật lý trị liệu về ngôn ngữ, tập vận động.

Vào mùa đông bệnh nhân cần được giữ ấm, vận động trước khi ra khỏi giường và ra khỏi nhà cùng với việc thay đổi lối sống để làm giảm các yếu tố nguy cơ đột quỵ như ăn lạt, giảm dầu mỡ, bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, uống nhiều nước… như tất cả các ngày còn lại trong năm.


Hoang Anh - hoanga...@gmail.com

Chào BS,

Bố tôi mới bị đột quỵ, nhồi máu bán cầu não phải, tuy không ảnh hưởng nhiều đến tay chân (suy giảm khả năng vận động tay trái), nhưng những biểu hiện về thần kinh là khá rõ rệt.

Ông có những hành động không hiểu lý do, không tự chủ được suy nghĩ bản thân, hay khi đi dạo trong bệnh viện về thì không thể nào nhớ được phòng bệnh của mình ở đâu dù con cháu đã hướng dẫn đưa đi rất nhiều.

BS cho hỏi sau khi ra viện bố tôi phải điều trị thế nào và liệu quá trình cải thiện có được như cũ không?

Và xin hỏi thêm là đột quỵ có di truyền không ạ? Cảm ơn BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Mức độ hồi phục sau đột quỵ đối với các di chứng cả về vận động và không vận đông như rối loạn trí nhớ, ngôn ngữ, hành vi… phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, thể tích vùng não bị tổn thương, tuổi, điều trị thuốc cũng như vật lý trị liệu và chăm sóc hằng ngày.

Hầu hết các bệnh nhân sẽ để lại các khiếm khuyết ở mức độ nhất định. Để cải thiện các di chứng bệnh nhân cần được điều trị đầy đủ và tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ đột quỵ.

Đột quỵ không có tính di truyền nhưng nếu trong nhà có người đột quỵ thì đây là yếu tố thuận lợi vì người trong một nhà sẽ có chế độ ăn uống, sinh hoạt giống nhau, dẫn đến nguy cơ đột quỵ giống nhau.

 
Thu Trang - lienbui...@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do bị lạnh có thể tự khỏi được không? Và khả năng tự khỏi là bao nhiêu % ạ?

Người bị liệt dây thần kinh số 7 thì nguy cơ đột quỵ cao đúng không ạ? Em nên phòng tránh thế nào? Em cảm ơn BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Thu Trang thân mến,

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh không làm tăng nguy cơ đột quỵ. Triệu chứng méo miệng và mắt nhắm không kín do liệt 7 ngoại biên gây ra có thể dần cải thiện với các bài tập vật lý trị liệu dành riêng cho liệt cơ vùng mặt.

Lưu ý, nếu mới bị trong tuần đầu thì bạn nên đến BS chuyên khoa thần kinh để khám và uống thuốc thích hợp nhằm cải thiện triệu chứng nhanh chóng.


Tạ Nguyễn Hoàng Chung - tachung...@gmail.com

BS ơi,

Em bị chóng mặt đã hơn 3 tháng nay, đi khám bệnh viện thì BS chẩn đoán bị hội chứng tiền đình và cho thuốc uống Piracetam và tiêm các loại vitamin khác nhưng không đỡ.

Đầu óc em bây giờ kiểu như mệt mỏi, hay chếnh choáng, chóng mặt nhưng chỉ nhè nhẹ khó chịu thôi.

Tiền sử em bị suy nhược thần kinh hồi năm 19 tuổi do căng thẳng ôn thi, trước khi bị chóng mặt này em cũng có thời gian stress, căng thẳng kéo dài... Hiện tại xét nghiệm máu, đo huyết áp, đo lưu huyết não bình thường.

Không biết em bị bệnh gì và nên dùng thuốc gì ạ?Em cảm ơn BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào em,

Chóng mặt có thể nằm trong bệnh cảnh tổn thương não hoặc do nguyên nhân từ ngoại biên. Để được chẩn đoán xác định, em cần được làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu để có điều trị thích hợp cho từng nguyên nhân.


Đặng Phong - sngph...@gmail.com

Kính thưa BS,

Em 28 tuổi, quê ở Long Xuyên, An Giang. Mấy năm nay em thường hay bị chao đảo như muốn ngất xỉu nhưng khi đi khám thì không ra bệnh, xét nghiệm tổng quát kết quả bình thường.

Và thế là em luôn ám ảnh sợ bị ngất xỉu hoa mắt, không dám đi xa nhà cũng không thể đi làm được bất cứ việc gì, đi khám ở Khoa tâm thần được chẩn đoán bị rối loạn lo âu. Uống thuốc gần 1 năm mấy nhưng vẫn không giảm được, lúc nào cũng hồi hộp sợ bị ngất xỉu làm cho mất hết tự tin của một người bình thường.

Vậy xin BS tư vấn giúp em thoát khỏi tình trạng này.

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào em,

Qua mô tả của em, BS nghĩ đến các bệnh: rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật… Em cần đến chuyên khoa thần kinh khám để xác định chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.


FB Thu Nguyễn

BS cho em hỏi,

Mẹ em bị chứng choáng, mất thăng bằng, đã uống thuốc Hoạt huyết dưỡng não và thuốc bổ não rồi mà không hết hẳn, vẫn cứ lên cơn choáng đổ mồ hôi và mất thăng bằng thì làm thế nào ạ?

Trường hợp mẹ em thì nên phòng tránh tai biến như thế nào, em sợ mẹ bị tai biến lắm BS. Mà nếu mẹ em bị tai biến thì em nên sơ cứu sao cho đúng? Mong BS trả lời giúp em ạ. Em xin cảm ơn!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào em,

Tai biến mạch máu não xảy ra trên các đối tượng có yếu tố nguy cơ tim mạch. Các yếu tố nguy cơ này BS đã từng tư vấn, bạn tìm đọc nhé.


Khi tai biến mạch máu não xảy ra, em không cần sơ cứu gì, chỉ cần cho bệnh nhân nằm nghỉ, và đưa bệnh nhân nhanh chóng đến các trung tâm đột quỵ có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.

 
FB Khanh N

Chào AloBacsi,

Mình muốn biết não có bị tắc nghẽn hoặc tổn thương thì có thể đi MRI hay sao ạ? CT hay MRI sẽ tốt hơn vậy ạ? Cảm ơn BS!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào bạn Khanh,

Đa số tổn thương não thường có triệu chứng, và các triệu chứng thường xảy ra trên các đối tượng có nguy cơ tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, béo phì, ít vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ.

Một số người trẻ (thường dưới 40 tuổi) thường có một số nguy cơ riêng: còn lỗ PFO, thông liên thất, thông liên nhĩ, phình vách thất, phình vách nhĩ, sa van 2 lá, bệnh di truyền Cadasil, MoyaMoya, viêm động mạch Takayasu…

CTscan hay MRI, mỗi kỹ thuật đều có những ưu và nhược điểm riêng. Và tùy theo từng trường hợp mà BS chuyên khoa sẽ cho bạn chụp CTscan hay MRI sọ não.

 
Đỗ Thị Phương Thảo - methao...@gmail.com

BS cho em hỏi,

Ba em mới bị nhồi máu não cách đây 9 ngày và đã được thông mạch máu não ở giờ thứ 6 tại BV Nhân dân 115 TPHCM.

Hiện tại ba em đã xuất viện và tiếp xúc được, đi đứng có lúc phải cần người đỡ và thường hay buồn ngủ, cũng hay còn mệt, không biết dấu hiệu như vậy có ổn không, thưa BS?

Xin cảm ơn!

TS.BS Trương Lê Tuấn Anh

Chào Phương Thảo,

Ba của em bị nhồi máu não cách đây 9 ngày, tức là còn trong giai đoạn bán cấp, diễn tiến sắp tới còn tùy thuộc vào vị trí, kích thước của ổ tổn thương não mới xảy ra cũng như các yếu tố nguy cơ kèm theo.

Hiện tại ba của em có thể tiếp xúc được, đi đứng có lúc phải cần người giúp đỡ và thường hay buồn ngủ, thỉnh thoảng còn mệt. Do đó, ba em cần được theo dõi, và được đưa đi tái khám đúng hẹn hay khi có bất thường (như đau đầu, nôn ói, nhìn mờ, tri giác xấu hơn...) để BS có hướng xử trí kịp thời.

Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X