Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường tư vấn “Phòng ngừa và tầm soát đột quỵ ở người trẻ”

Câu chuyện về người vận động viên phong trào 24 tuổi V.V.T đang chạy Marathon tại TPHCM bị đột tử ở km thứ 18 của hành trình vào ngày 13/1 làm dấy lên nỗi hoang mang và lo lắng của nhiều người trẻ. Điều lo lắng nhất là, tại sao một người trẻ, đang khỏe mạnh như vậy lại có thể bị đột tử bất ngờ?

TS.BS Trần Chí Cường là chuyên gia tư vấn "quen mặt" cho độc giả AloBacsi
Thực tế thời gian trước đây căn bệnh này thường chỉ gặp ở độ tuổi “xế chiều”, tuy nhiên, lối sống hiện đại đã khiến căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.
Thống kê của Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đây cho thấy, cứ 6 người thì có một người có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp, một nửa trong số đó tử vong. Tỷ lệ ở những người trẻ và trung niên đang gia tăng mạnh mẽ và chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Vậy đột quỵ là gì mà nó có thể gây tử vong "ngay tức thời"?
Làm sao phòng ngừa đột quỵ ở những người trẻ tuổi?
Đối tượng nào nên tầm soát đột quỵ?
Có bao nhiêu cách tầm soát đột quỵ?
Khi nào nên chụp MRI, khi nào nên chụp CT mạch máu não?
Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về căn bệnh này, AloBacsi sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tiếp với chủ đề: “Phòng ngừa và tầm soát đột quỵ ở người trẻ” vào lúc 14g, ngày 20/1/2019. Khách mời của chương trình là TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp Thần kinh TPHCM, Trưởng Đơn vị Can thiệp Thần kinh Đại học Y dược TPHCM, Thành viên Ban chấp hành Hội Can thiệp Thần kinh Á - Úc và là Thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới.
Ông được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong ngoại thần kinh, cứu sống rất nhiều người bị đột quỵ, kể cả người nổi tiếng hay chính trị gia. TS.BS Trần Chí Cường còn là tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵ.


FB Minh Nhật

BS cho tôi hỏi,

Người lao động chân tay và lao động trí óc thì nhóm nào dễ bị đột quỵ hơn? Ngành nghề nào cần ưu tiên tầm soát đột quỵ? Bao lâu nên đi tầm soát một lần? Tầm soát đột quỵ ở người khỏe mạnh có khác gì so với những người có nguy cơ như tiểu đường, tim mạch, huyết áp? Cám ơn BS!
TS.BS Trần Chí Cường:
Chào bạn Minh Nhật,
Nhóm ngành nghề nào dễ mắc đột quỵ? Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Hiện không có thống kê nào cho thấy nghề nào dễ mắc đột quỵ, tuy nhiên điều chắc chắn những người có nguy cơ hoặc có lối sống không lành mạnh thì dễ gặp phải căn bệnh này.
Chẳng hạn, 1 người làm nông nhưng có lỗi sống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá, không béo phì, tiểu đường, huyết áp… thì chắc hẳn sức khỏe của họ sẽ tốt hơn hẳn so với 1 người làm văn phòng nhưng có các thói quen xấu như hút thuốc, rượu bia…Tại gia đình tôi, cũng như người sống dưới quê, làm nông nhưng ông nội tôi đã hơn 100 tuổi, không bị tiểu đường, huyết áp, minh mẫn, có thể đi bộ đến 10 tầng lầu không vấn đề gì cả.
Chúng ta nên chú trọng đến thói quen gây đột quỵ hơn là quan tâm việc ngành nghề nào dễ bị đột quỵ. Đó là: hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều, béo phì, ít vận động… đều là những “tâm điểm” gây đột quỵ.
Tầm soát đột quỵ không đòi hỏi ngành nghề nào, tuy nhiên nếu chúng ta có nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ và chúng ta cần làm ngay nếu có các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua như: đột nhiên yếu tay chân, méo miệng… sau đó tự hết trong vòng 24 giờ.
Chúng ta nên đi khám với bác sĩ Thần kinh, qua các xét nghiệm bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Nếu chụp mạch máu não bị hẹp hay phình thì cần theo dõi định kỳ, còn nếu bình thường thì 3 năm sau, hoặc nếu dưới 50 tuổi thì 5 năm sau mới cần tái khám.
Tôi xin lưu ý, nếu bạn dưới 40 tuổi đi khám các kết quả bình thường nhưng sau đó về “xả láng”, ngày hút 1 gói thuốc, uống rượu bia 5-7 lon… thì nguy cơ đột quỵ sẽ còn gia tăng. Do đó, chúng ta không nên chủ quan.
Nói tóm lại, ở người khỏe mạnh, không cần theo dõi thường xuyên, có thể 5 năm/ lần. Còn những người có bệnh như cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường… thì cần theo dõi thường xuyên. Tôi nhấn mạnh theo dõi chứ không phải tầm soát thường xuyên.
Huỳnh Văn Chương - TPHCM
Thưa bác sĩ,

Hôm trước tôi mới đọc được tin 1 vận động viên bị đột tử khi đang chạy Marathon. Xin hỏi bác sĩ, đột tử có phải đột quỵ không? Vì tôi thấy mỗi trang ghi mỗi kiểu, 2 căn bệnh này có phải là một không ạ? Tại sao một người khỏe mạnh, còn rất trẻ lại bị đột quỵ thưa bác sĩ? Nguyên nhân do đâu?
TS.BS Trần Chí Cường:
Chào bạn Chương,
Trường hợp bị đột tử khi đang vận động như bạn nêu có thể được coi là đột quỵ, nhưng cần xác định đây là đột quỵ tim hay đột quỵ não.
Nếu vận động viên này đang chạy, tự nhiên ngã xuống và sau đó ngưng tim, hôn mê sâu thì rất có khả năng là đột quỵ do tim. Có thể bệnh nhân đã có rối loạn nhịp tim sẵn hay bệnh lý cơ tim phì đại, bệnh tim bẩm sinh, khi bệnh nhân vận động quá sức, tim không làm việc được và đột ngột ngừng đập, toàn bộ hệ thống tuần hoàn của cơ thể ứ trệ hoàn toàn dẫn đến tử vong. Đa số những trường hợp đang vận động mà tử vong, hoặc tử vong trong khi ngủ là do đột quỵ tim.
Cũng có khả năng vận động viên này đột quỵ não nếu khi ngã xuống bệnh nhân vẫn còn nhận thức (co tay chân được, mở mắt, nói đớ, liệt nửa bên người…). Đột quỵ não ở một người trẻ, khỏe mạnh thì đa phần là do dị dạng mạch máu não (bẩm sinh), khi vận động quá mức, huyết áp tăng cao, thúc đẩy mạch máu não vỡ ra. Ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể chẩn đoán dị dạng mạch máu não bằng cách chụp MRI.

Trần Việt Tín - tintran5759…@gmail.com

Bác sĩ Cường ơi,

Có phải vận động mạch mà chưa có chuẩn bị kỹ càng hoặc thỉnh thoảng mới vận động thì dễ bị đột quỵ không ạ? Em thỉnh thoảng có đi tập tạ, tham gia các cuộc thi chạy do công ty tổ chức nên cũng lo lắng.

Với những người tập thể dục cường độ cao, hoặc các vận động viên thì cần làm gì để bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn Việt Tín,

Ở một người ít vận động mà đột ngột vận động mạnh, gắng sức thường sẽ có cảm giác mệt, khó thở, có thể ngất xỉu do hoạt động của tim không đáp ứng kịp nhu cầu của cơ thể. Do đó, từ trạng thái vận động ít phải tăng cường dần dần qua vận động nhiều, nên có chế độ tập thể dục thường xuyên tùy theo sức khỏe của mình, nếu tham gia thi đấu cần chú trọng việc khởi động kỹ càng. Dù là thi đấu, bạn cũng không nên cố gắng quá sức để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.



Trần Thanh Bình - binhttt@...vn

Xin cho biết có thể khảo sát mạch máu não ở đâu? Chân thành cảm ơn.

TS.BS Trần Chí Cường:

Bạn Bình thân mến,

Chúng ta có thể khảo sát mạch máu não tại các bệnh viện có trang bị máy cộng hưởng từ 3 tesla, hoặc tối thiểu là 1.5 tesla, và phương pháp này được đánh giá là không xâm lấn. Trong ngành y, việc khảo sát mạch máu não không được khuyến cáo thực hiện đại trà mà chỉ dành cho những người có nguy cơ cao bị đột quỵ.

Về lý thuyết thì với máy MRI 3 tesla chúng ta có thể khảo sát mạch máu não mà không cần phải chụp DSA xâm lấn.

Theo tôi được biết, các cơ sở y tế sau có trang bị máy MRI 3 tesla: phía bắc có BV Bạch Mai, BV quân đội 108, phía nam có BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Tân Hưng (quận 7). Đặc biệt, chúng ta có máy MRI 3 tesla hiện đại nhất với rất nhiều chức năng đang ở BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, có thể chụp được mạch máu não và bó sợi thần kinh mà không cần tiêm thuốc tương phản. Đây là một tin vui lớn cho bệnh nhân ở khu vực miền Tây.


Lê Văn Nam - levan…@gmail.com

Chào BS Cường,

Tôi bị liệt mặt đã 7 năm rồi, BS nói là do trời rét làm tác động đến dây thần kinh số 7. Xin hỏi nguy cơ đột quỵ của tôi có cao không ạ? Tôi nên phòng ngừa đột quỵ thế nào? Cảm ơn BS ạ!
Chào bạn Nam,

TS.BS Trần Chí Cường:

Nếu đơn thuần là liệt dây thần kinh số 7 thì nguy cơ của bạn cũng như những người bình thường. Tức là nếu có thêm yếu tố nguy cơ kèm theo như hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, ít vận động, huyết áp cao, mỡ máu cao… thì nguy cơ đột quỵ tăng. Còn bản thân việc liệt dây thần kinh số 7 không làm tăng nguy cơ đột quỵ, do đó bạn không cần quá lo lắng.

 

Đào Văn Quý - Nghệ An

Bác sĩ ơi,

Mấy năm trước tôi bị tai nạn giao thông, ngã đập đầu xuống đường. Đi kiểm tra chụp CT không có vấn đề gì, BS nói chỉ chấn thương nhẹ. Nhưng từ đó đến nay tôi bị đau đầu nhiều hơn so với trước tai nạn, uống Panadol thì thấy đỡ.

Vậy nguy cơ đột quỵ của tôi có cao không? Giờ nếu đi khám thì tôi cần khám những gì ạ?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn Quý,

Trước đây bạn bị tai nạn giao thông và hiện nay có đau đầu thì tôi khuyên bạn nên đến bệnh viện tuyến tỉnh, đề nghị được chụp MRI để loại trừ chấn thương cũ có thể để lại di chứng hoặc tìm tổn thương mới nếu có.

Nguy cơ đột quỵ của bạn cao hơn người bình thường, do đó bạn nên tầm soát kỹ lưỡng.

 

Đình Chúc - Ninh Bình

BS cho tôi hỏi,

Khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe định kỳ có tầm soát đột quỵ được không ạ? Và mình đến BV tỉnh được không hay phải đến các trung tâm đột quỵ tầm soát?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn Đình Chúc,

Việc khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe định kỳ thì bác sĩ không đặt ra vấn đề tầm soát đột quỵ, trừ khi bạn kể với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ thì bác sĩ mới cho làm các xét nghiệm tầm soát đột quỵ. Bạn có thể tầm soát đột quỵ ở các bệnh viện có máy chụp MRI.

 


FB Ngọc Nga

Xin chào BS Cường,

Em có thắc mắc là mẹ em hễ lo nghĩ chuyện gì nhiều thì lại đau đầu, thường phải uống paracetamol và nằm nghỉ thì đỡ. Như vậy mẹ em có dễ bị đột quỵ không ạ? Mẹ em nên tầm soát đột quỵ thế nào thưa BS?


Thông tin thêm: Huyết áp của mẹ em bị thấp, dễ trúng gió, hễ tập trung nhìn vật gì nhỏ như mũi kim hay đọc chữ cũng dễ đau đầu, chóng mặt.

TS.BS Trần Chí Cường:

Ngọc Nga thân mến,

Theo tôi thì mẹ bạn không nên lo lắng quá nhiều về đột quỵ vì khi đột quỵ xảy ra thường có triệu chứng đau đầu dữ dội, uống thuốc giảm đau không đỡ, còn mẹ bạn thuốc thuốc và nằm nghỉ thấy đỡ thì nguy cơ đột quỵ không cao.

Để an toàn thì mẹ bạn nên đến khám ở chuyên khoa Thần kinh (nội thần kinh, ngoại thần kinh) để BS khám và đánh giá xem có yếu tay, yếu chân hay không, các dây thần kinh sọ bình thường hay không. Nếu có bất thường hoặc yếu tố nguy cơ thì mới cần tầm soát đột quỵ.

Tuy nhiên, bạn cho biết mẹ bạn còn bị huyết áp thấp và “dễ trúng gió”, cần xác định đây có phải là cơn thiếu máu não thoáng qua hay không, nếu đúng thì khá nguy hiểm. Chẳng hạn nếu mẹ bạn có những cơn yếu tay yếu chân, nói khó, tê tay chân thoáng qua, chóng mặt thường xuyên, nôn ói thường xuyên, mất thăng bằng thì việc chụp MRI để kiểm tra là hợp lý.

(Còn tiếp)
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X