Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường: “Từ chết đến bị thương” chỉ vì đột quỵ

Đột quỵ không chừa một ai, từ diễn viên, chính trị gia, nhà soạn nhạc đến nhà bác học hay người nông dân. Thậm chí, kể cả bác sĩ cũng tử vong vì đột quỵ.

Đột quỵ đã trở thành nỗi lo của toàn nhân loại khi mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ, mỗi 3 phút trôi qua lại cướp đi sinh mạng của 1 người. Đây là căn bệnh chỉ đứng sau tim mạch, ung thư nhưng lại là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Và tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới.

Đây là những con số cụ thể được TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cung cấp với gần 400 bác sĩ, dược sĩ, khách tham dự buổi hội thảo với chủ đề “Việt Nam hợp tác Nhật Bản giúp người dân phòng ngừa đột quỵ” do nhãn hàng NattoEnzym của Dược Hậu Giang phối hợp cùng công ty JBSL tổ chức vào sáng ngày 8/6 tại TPHCM.

Hơn 120 phút của buổi hội thảo có lẽ không quá dài so với một đời người nhưng có 120 phút này đủ để thay đổi những kiến thức sai lệch về căn bệnh đột quỵ, từ đó sẽ kịp thời cứu thêm hàng trăm ngàn sinh mạng khác. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, buổi hội thảo đã diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ như người thân trò chuyện trong gia đình. Diễn giả hỏi, khách tham dự đáp, cùng nhau chia sẻ kiến thức.

Gần 400 khách mời thu nhận được nhiều thông tin bổ ích từ hội thảo

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, đột quỵ là căn bệnh diễn ra rất bất ngờ, không chừa một ai, từ diễn viên, chính trị gia, nhà soạn nhạc đến nhà bác học hay người nông dân. Thậm chí, kể cả bác sĩ cũng tử vong vì đột quỵ.

Phân tích chuyên môn của BS Cường chỉ ra, xã hội công nghiệp đang khiến con người đối mặt với hàng loạt nguy cơ gây đột quỵ từ thức ăn mặn, thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động, thường xuyên căng thẳng do môi trường công việc.

Bên cạnh đó, việc không kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, béo phì, huyết áp cũng trở thành tác nhân gây đột quỵ. Chẳng hạn như, với nhiều người bệnh chủ quan để huyết áp lên đến 200mmHg dễ gây xuất huyết não hay chỉ số đường huyết mấp mé 135mg/dL thì cần phải tập luyện, kiểm soát chế độ dinh dưỡng hơn nữa để tránh biến chứng đột quỵ.

Mặt khác, nguy cơ đột quỵ còn tăng dần theo doanh thu, lợi nhuận của các công ty rượu bia, thuốc lá. Điều này đã được cảnh báo mạnh mẽ khi đột quỵ đang dần dịch chuyển qua giới trẻ, nhiều người trong độ tuổi lao động lâm vào tình cảnh thập tử nhất sinh do căn bệnh này gây ra.

Có hai loại đột quỵ: nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu) chiếm 80% và xuất huyết não (vỡ mạch máu) chiếm 20%. BS Cường hóm hỉnh nói, một khi mắc đột quỵ, người bệnh chỉ “từ chết đến bị thương”. Sự nguy hiểm của đột quỵ ở chỗ là 1/3 trường hợp gây ảnh hưởng nhẹ lên bệnh nhân, 1/3 trường hợp gây tàn phế nặng và 1/3 trường hợp gây tử vong.

Chính vì đột quỵ xảy ra đột ngột, các triệu chứng dễ lầm tưởng với bệnh khác nên nhiều người thường bỏ qua. Tuy nhiên, BS Cường chỉ ra, khi có các triệu chứng bất thường như cơn chóng mặt, tê yếu tay chân, nói khó, mờ mắt… dù chỉ thoáng qua thì không nên chủ quan bởi đến 30% số người có các triệu chứng trên có nguy cơ bị nhồi máu não do hẹp động mạch cảnh ở cổ.

“Lúc này, người bệnh cần đến cơ sở y tế được thăm khám, chụp động mạch cảnh chỉ tốn 300.000 đồng nhưng có thể nhận biết được 70% lượng máu lên não có lưu thông tốt không, để từ đó hướng xử trí kịp thời” - BS Cường khuyến cáo.

Ngoài ra, tình trạng xuất hiện cục máu đông cũng là nguyên nhân của nhiều ca tai biến mạch máu não. Cục máu đông xuất hiện do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, trong đó rối loạn nhịp tim là “tội đồ” hàng đầu.

Khi xuất hiện tại não, cục máu đông sẽ gây tắc nghẽn dòng máu, làm cho việc lưu thông máu bị gián đoạn, gây ra thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não) và nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng. Do đó, theo BS Cường cách tốt nhất để phát hiện cục máu đông do rối loạn nhịp tim là đo điện tâm đồ.

Trong buổi hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp Thần kinh TPHCM đưa ra rất nhiều trường hợp điển hình bị đột quỵ đã được ông cứu chữa. Trong đó, ông là vị bác sĩ đã
Trong buổi hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch hội Can thiệp Thần kinh TPHCM đưa ra rất nhiều trường hợp điển hình bị đột quỵ đã được ông cứu chữa. Trong đó, ông là vị bác sĩ đã "lôi" được cục máu đông gây đột quỵ dài nhất Việt Nam cứu người bệnh từ cửa tử trở về.

Mốc thời gian cấp cứu đột quỵ tốt nhất là trước 6 giờ. Tuy nhiên, một điều đáng buồn hiện nay là có đến 97% bệnh nhân đột quỵ chuyển đến bệnh viện muộn sau 6 giờ phát bệnh, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị, cho dù chúng ta có đủ trang thiết bị hiện đại.

Trường hợp xuất huyết não có thể can thiệp nội mạch cầm máu, loại bỏ dị dạng mạch máu. Trường hợp nhồi máu não, khi được đưa đến bệnh viện thời gian trước 4 giờ 30 phút, nếu bệnh nhân bị tắc động mạch nhỏ sẽ được bác sĩ bơm thuốc tan máu đông để tái thông lại mạch máu bị tắc, nếu đến sau thời gian trên đến 6 giờ hoặc tắc động mạch lớn sẽ được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông.

Đột quỵ 1 lần thì có đến hơn 50% sẽ tái phát lần tiếp theo. Do đó, việc điều trị và phòng ngừa sau đột quỵ là rất quan trọng, cần sự phối hợp của các chuyên khoa để kiểm soát yếu tố nguy cơ, tìm nguyên nhân và điều trị, tập vật lý trị liệu…

“Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ cũng là mối quan tâm hàng đầu của người nhà và bệnh nhân, có thể phối hợp cùng liệu trình điều trị chính, dùng trong giai đoạn phòng ngừa và hỗ trợ phục hồi chức năng thần kinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đây không phải là thuốc đặc trị, khi lựa chọn thực phẩm chức năng cần cân nhắc cơ sở sản xuất uy tín, không nghe lời đồn thổi và có sự tư vấn của bác sĩ điều trị” - BS Cường đưa ra lời khuyên.

Để nhận biết một bệnh nhân đột quỵ, ta dùng các dấu hiệu khá đơn giản như sau: Dùng khẩu hiệu FAST:
 
F: Face (khuôn mặt). Khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Bảo người đó cười nhe răng và quan sát khuôn mặt.
 
A: Arm (yếu tay chân). Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. à Bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.
 
S: Speech (giọng nói). Người bị đột quỵ thường bị nói khó, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là khi nói các từ khó. Ví dụ như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.
 
T: Time (thời gian). Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì thời gian là não (time is brain), hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến “trung tâm đột quỵ gần nhất”. Đây là khẩu hiệu chung cho các nước trong vấn đề chẩn đoán và điều trị đột quỵ.



Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X