Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường: Không khuyến cáo đặt stent nội sọ “đại trà” vì nguy cơ biến chứng rất cao

Chiều 4/11, tại Hội thảo quốc tế về đột quỵ diễn ra tại Cần Thơ, TS.BS Trần Chí Cường đã có bài báo cáo về “Chỉ định đặt stent điều trị đột quỵ do hẹp động mạch lớn nội sọ” được giới chuyên gia thần kinh - đột quỵ trong và ngoài nước đánh giá rất cao về mặt chuyên môn.

Bài báo cáo đề cập đến những vấn đề hẹp động mạch nội sọ trong trường hợp có biến chứng, đã bị đột quỵ và sau khi can thiệp thành công lấy huyết khối nhưng sau đó lại đột quỵ tái phát do bệnh nhân có bệnh lý nền hẹp động mạch nội sọ.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, quan niệm thông thường từ trước đến nay liên quan đến hẹp động mạch nội sọ, các bác sĩ thường điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc. Từ năm 2005 đến nay, chỉ định điều trị tái thông bằng stent được chấp thuận, việc chỉ định điều trị hẹp động mạch nội sọ chủ yếu là do các động mạch lớn có đường kính trên 5mm và điều trị nội khoa không đáp ứng, bệnh nhân có những triệu chứng đột quỵ tái phát.

Kể từ khi nghiên cứu Sammpris được thực hiện và báo cáo kết quả, đã có rất nhiều nghi ngờ về hiệu quả của stent động mạch nội sọ cũng như nỗi lo trong vấn đề về trường hợp bệnh nhân đang khỏe mạnh bình thường, tình cờ phát hiện hẹp động mạch nội sọ trên 70% thì bác sĩ có nên điều trị tái thông hay không?

Với mục tiêu của nghiên cứu Sammpris, người ta đưa vào tất cả trường hợp bệnh nhân có hẹp động mạch nội sọ, mức độ hẹp trên 70% và không có triệu chứng.

Mục tiêu của chúng ta là điều trị dự phòng đột quỵ trong những trường hợp hẹp động mạch nội sọ. Tuy nhiên, thứ nhất là chỉ định khá rộng, thứ hai là việc thực hiện của nghiên cứu Sammpris tại các nước châu Âu và Mỹ, nơi mà việc hẹp động mạch nội sọ chiếm tỷ lệ rất thấp và ngược lại hoàn toàn với bệnh lý mạch máu não của các nước châu Á.

Trong khi đó tại Việt Nam, phần lớn là những bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ hoặc có huyết khối cấp. Đối với những bệnh nhân trên 60 tuổi, có hơn 50% bệnh nhân có bệnh lý nền, chẳng hạn như xơ vữa hoặc hẹp động mạch nội sọ kèm theo huyết khối.

Sau khi nghiên cứu Sammpris được thực hiện thì việc điều trị hẹp động mạch nội sọ có khuynh hướng nghiêng về điều trị nội khoa hơn. Tuy nhiên, với những vấn đề điều trị nội khoa tối ưu, TS.BS Trần Chí Cường cho rằng chúng ta không thể nào giải quyết được một số lượng lớn bệnh nhân đáp ứng những yêu cầu ở trên.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM kiêm Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ

Tại hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường đã đặt ra hàng loạt các vấn đề cho các bác sĩ thần kinh - đột quỵ về việc điều trị đột quỵ do hẹp động mạch lớn ở nội sọ.

Trong những trường hợp hẹp động mạch nội sọ mức độ nặng hoặc tắc gần hoàn toàn thì việc điều trị nội khoa có đảm bảo bệnh nhân không bị đột quỵ tái phát hay không, kể cả trong trường hợp điều trị Aspirin trong vòng thời gian dài, bệnh nhân phải uống thuốc hằng ngày và nguy cơ đột quỵ tái phát từ khoảng 20 - 25%?

Việc hẹp các động mạch lớn như các động mạch cảnh trong, các động mạch thân nền, động mạch não giữa thì tưới máu não có đủ đáp ứng cho bệnh nhân hoạt động?

Nhiều trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ phía bên trái, bệnh nhân có thể đi đứng, sinh hoạt được nhưng những kỹ năng cao cấp như kỹ năng tính toán, nói, viết hoặc tư duy của bệnh nhân giảm hẳn rõ rệt thì việc tái thông động mạch có giúp ích được gì cho bệnh nhân?

Đặc điểm về hình ảnh học, giải phẫu học của vị trí hẹp có ảnh hưởng gì đến kết quả điều trị không? Ví dụ như: Động mạch gần tắc hoàn toàn hoặc những mảng xơ vữa không ổn định…

Nguy cơ rủi ro tái thông như thế nào, tỷ lệ biến chứng diễn ra trong lúc đặt stent là bao nhiêu phần trăm? Vấn đề tái hẹp sau khi đặt stent như thế nào, nguy cơ đột quỵ sau khi tái hẹp ra sao?

Khi bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ trên 70%, bệnh nhân điều trị nội khoa, sau đó bệnh nhân đột quỵ thì nguy cơ tổn thương trong tàn phế của bệnh nhân đó như thế nào? Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại thì bệnh nhân có còn cơ hội để can thiệp hay không?

Nếu các bác sĩ nội khoa đặt ngược lại vấn đề, các bác sĩ can thiệp có bảo toàn được tính mạng của bệnh nhân hay không thì chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?

“Đó là những vấn đề chúng ta cần phải quan tâm” - TS. BS Trần Chí Cường cho biết - “Rất khó để quyết định điều trị một trường hợp tái thông”.

Hội thảo không chỉ có những bài báo cáo "khô khan" mà phần trao đổi thú vị của các chuyên gia cũng tạo nên không khí vui vẻ, thoải mái

Trên thực tế, thực trạng thiếu máu não mãn tính của bệnh nhân hoàn toàn có thể cân - đo - đong - đếm được bằng SPECT-CT. Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Chí Cường, đây là một trong những vấn đề hết sức khó khăn cần phải cân nhắc. Bởi, ngay cả trong trường hợp thực hiện điều trị cho bệnh nhân hàng ngày thì cũng không dám chắc rằng sẽ can thiệp an toàn cho bệnh nhân. Đặc biệt là đột quỵ ở vị trí hẹp tại các nơi mạch máu chia đôi, các bác sĩ có mạnh dạn để làm hay không?

Đưa ra những vấn đề này, TS. BS Trần Chí Cường hy vọng rằng các bác sĩ can thiệp thần kinh - đột quỵ cần phải suy nghĩ cho bệnh nhân trước khi đưa ra quyết định sử dụng phương pháp điều trị nào đó.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, chắc chắn một điều rằng, các bác sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm không bao giờ mạnh dạn giải thích việc điều trị đặt stent cho bệnh nhân. Việc này đòi hỏi bác sĩ tay nghề cao, dày dạn kinh nghiệm.

Một vấn đề nữa mà TS. BS Trần Chí Cường đề cập đến đó là giá tiền, chi phí điều trị cho bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ khá lớn, làm sao chọn lựa được tốt nhất chỉ định hẹp động mạch nội sọ cho bệnh nhân?

Vì vậy, TS. BS Trần Chí Cường đã chia sẻ chỉ định được rất nhiều nơi trên thế giới ủng hộ đó là: “Thứ nhất, đường kính mạch máu dự định đặt stent phải có đường kính trên 2mm. Đó là điều bắt buộc. Chúng ta đặt cho những mạch máu nhỏ dưới 2mm thì gần như không hiệu quả và nguy cơ tai biến sẽ cao hơn. Đồng thời, nguy cơ tái hẹp cho những mạch máu nhỏ cũng rất cao. Tỷ lệ hẹp trên 70%.

Vấn đề cốt lõi, bệnh nhân có triệu chứng hẹp 70% mà chúng ta phát hiện tình cờ thì cũng không nên đặt vấn đề can thiệp. Thay vào đó, phải theo dõi bệnh nhân điều trị nội khoa tối ưu, không khuyến cáo can thiệp trong những trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ 70% mà phát hiện tình cờ không triệu chứng.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc vấn đề “không triệu chứng”, chúng ta cần khai thác bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ thiếu máu não thoáng qua hay không, có huyết khối hay không, có những vấn đề liên quan đến thiếu máu não hay không. Nếu nghi ngờ hẹp động mạch 70% không triệu chứng, có thể chụp SPECT-CT cho bệnh nhân, từ đó đánh giá được lưu lượng máu não của bệnh nhân có đủ hay không.

Mạch máu dài trên 15mm thì việc đặt stent rất là khó khăn vì nguy cơ tai biến rất cao. Về giải phẫu bệnh nhân, có thể can thiệp nếu bệnh nhân không quá nặng về tình trạng nội khoa cơ bản.”
TS.BS Trần Chí Cường cũng lưu ý rằng, đây là một kỹ thuật làm chương trình chứ không phải cấp cứu do đó cần chỉ định điều trị bệnh nhân hết sức cẩn thận. Trong quá trình điều trị, điều tối quan trọng đó là các bác sĩ nội khoa muốn can thiệp bệnh nhân cần chuẩn bị trước 3 ngày. Sau khi điều trị, phải kiểm soát huyết áp của bệnh nhân, không nên dùng thuốc chống đông lâu dài… cũng như không khuyến cáo đặt stent nội sọ “đại trà” vì nguy cơ biến chứng rất cao.

“Chỉ cần đặt stent sai vị trí hoặc khi chúng ta chuẩn bị cho bệnh nhân không tốt thì sẽ gây ra tai biến, biến chứng. Tuy nhiên, đây cũng là một cứu cánh khi chúng ta điều trị tái thông mà sau đó bệnh nhân tái phát hoặc trong những trường hợp chúng ta điều trị nội khoa thất bại thì chúng ta có thể xin phép điều trị stent cho bệnh nhân vì đó là lựa chọn duy nhất.” - TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Trong bài báo cáo của mình, TS.BS Trần Chí Cường cũng đưa ra một số trường hợp lâm sàng minh họa về việc điều trị đột quỵ hẹp động mạch lớn nội sọ, được giới bác sĩ đột quỵ trong và ngoài nước đánh giá rất cao về mặt chuyên môn.


Hội thảo quốc tế và Đào tạo Y khoa liên tục CME với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ - và xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây” mang đến cơ hội học tập, lĩnh hội kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ bác sĩ thần kinh - đột quỵ Việt Nam được tổ chức tại Cần Thơ, ngày 4/11.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia gạo cội trong ngành đột quỵ - tim mạch trên thế giới và tại Việt Nam như GS Karel Ter Brugge - “cha đẻ” ngành can thiệp thần kinh thế giới, Tổng biên tập tạp chí Hội Can thiệp Thần kinh thế giới, Nguyên Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới; GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017; GS.TS Phạm Minh Thông - người khai sinh ra ngành can thiệp thần kinh tại Việt Nam - Chủ tịch Hội Điện quang Y học hạt nhân Việt Nam, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM…

Hội thảo do Hội Y học TPHCM, Chi Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Đại học Y dược Cần Thơ, Công ty TNHH Y tế Việt Cường và Công ty Siemens Healthineers Việt Nam đồng phối hợp tổ chức.


TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ:

- Tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa - Đại học Y Cần Thơ - 2000
- Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 1- Ngoại Thần kinh - Đại học Y Dược TPHCM 2004
- Chứng chỉ chuyên sâu (tương đương thạc sĩ) - Can thiệp mạch máu thần kinh - Đại học Mahidol – Thái Lan, đại học Bicetre – Pháp - 2007
- Tiến Sĩ Y Khoa 2012
Kinh Nghiệm:
- Khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc - Đồng Tháp
- Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ sở 1
- Phòng khám Đột quị Thần kinh - Bác sĩ Trần Chí Cường

“Tài năng của Cường (TS.BS Trần Chí Cường - PV) được giới y khoa thế giới phát hiện từ rất sớm. Đây là một bác sĩ rất hiếm có. Ở anh hội tụ những tố chất quý giá của một chuyên gia y tế bậc cao: Tay nghề giỏi, ham học hỏi, thích chia sẻ - tâm huyết và rất hết lòng với người bệnh.” - TS.BS Huỳnh Hồng Châu - BV Đại học Y Dược TPHCM.


Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X