Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường giao lưu “Đột quỵ mùa lạnh: Làm sao phòng tránh?”

Rất nhiều yếu tố vào mùa lạnh khiến cơ thể dễ bị đột quỵ, do đó để giúp bạn đọc hiểu và nắm rõ những nguyên nhân cũng như biện pháp phòng tránh căn bệnh này, TS.BS Trần Chí Cường đã nhận lời mời giao lưu trên AloBacsi chủ đề trên.

TS Trần Chí Cường được xem là bàn tay vàng trong ngoại thần kinh - tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵTS Trần Chí Cường được xem là bàn tay vàng trong ngoại thần kinh - tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵ

Những ngày cuối cùng của năm, miền Bắc và miền Trung đang phải đối mặt cơn rét buốt khi nhiệt độ có nơi xuống đến 0 độ C, còn miền Nam lại hứng chịu khí lạnh bất thường khiến những bệnh liên quan đến thời tiết bùng phát, đặc biệt là đột quỵ - tai biến mạch máu não.

Theo thống kê của các bệnh viện cho thấy, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% - 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại số các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiền sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

Do đó, để mọi người phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TPHCM đã nhận lời mời của AloBacsi giao lưu về vấn đề “Đột quỵ mùa lạnh: Làm sao phòng tránh?”.
Nội dung tư vấn của TS.BS Trần Chí Cường:
- Phúc Nguyên - phuccafe...@gmail.com

Thưa BS Trần Chí Cường,

Tại sao mùa lạnh lại dễ bị đột quỵ hơn mùa nóng? Và phương pháp mới nhất hiện nay để tầm soát đột quỵ ở Việt Nam là gì, thực hiện ở BV nào? Trong việc điều trị bệnh đột quỵ thì có tiến bộ nào mới không? Rất mong được BS chia sẻ!

TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn Phúc Nguyên,

Thông thường khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh là bệnh nhân đột quỵ tăng theo do biến đổi thời tiết đột ngột. Khi trời nóng, mạch trong cơ thể có khuynh hướng giãn ra, khi trời lạnh thì mạch có khuynh hướng co lại làm gia tăng cục bộ lưu lượng máu lên não.

Nếu bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp kèm theo sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ (xuất huyết não).
Đối với những bệnh nhân có bệnh lí tim mạch, khi thời tiết chuyển mùa cũng có gây ra những thay đổi đáng kể, huyết áp có khuynh hướng gia tăng, nhịp tim có thể thay đổi, nếu bệnh nhân có sẵn các bệnh về nhịp tim hoặc suy tim, bệnh có thể chuyển biến nặng hơn.

Hoặc trong tình trạng thời tiết quá lạnh sẽ dẫn đến việc hình thành cục máu đông dễ dàng hơn và dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ (nhồi máu não).

Hiện nay tại nước ta chưa có chiến lược tầm so‎át đột quỵ trong cộng đồng, vì việc tầm soát đòi hỏi tốn nhiều chi phí. Việc tầm soát chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hoặc cho bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, hoặc có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua để điều trị phòng ngừa, tránh tái phát.

Phương pháp mới nhất trong điều trị đột quỵ hiện nay:

- Xuất huyết não: can thiệp nội mạch cầm máu, loại bỏ dị dạng mạch máu, các ống thông siêu nhỏ sẽ được BS đưa từ động mạch đùi lên đến động mạch não để xử lí trong lòng mạch thay cho các cuộc phẫu thuật lớn.

- Nhồi máu não: trong thời gian trước 4h30, nếu bệnh nhân bị tắc động mạch nhỏ sẽ được BS bơm thuốc tan máu đông để tái thông lại mạch máu bị tắc.Trong thời gian sau 4g30-6g hoặc tắc động mạch lớn, việc dùng thuốc tan máu đông thường không hiệu quả, trong trường hợp này can thiệp nội mạch sẽ thực hiện việc lấy cục máu đông ra khỏi cơ thể bằng cách BS đưa từ động mạch đùi lên đến động mạch não để xử lí trong lòng mạch, kéo/hút cục máu đông ra ngoài.

Đây là những phương pháp hiện đại nhất đã được thực hiện ở nước ta tại các BV lớn trong cả nước: BV Bạch Mai, BV 108, BV 103, BV Trung ương Huế, BV đa khoa Đà Nẵng, BV Bình Định, BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Nhân dân Gia Định, BV 175, BV Nguyễn Tri Phương, BV Cấp cứu Trưng Vương, BV ĐH Y Dược TPHCM, BV ĐH Y Cần Thơ… và nhiều BV khác đang đào tạo và triển khai phương pháp này.
- Trần Minh Chương, 32 tuổi, Quận 8, TPHCM

Kính thưa bác sĩ,

Để tầm soát bệnh đột quỵ não, định kỳ bao lâu nên chụp CT scan, MRI não và các xét nghiệm khác 1 lần? Chụp như vậy có hại cho sức khỏe không ạ?

Khi thấy có các dấu hiệu đột quỵ não, do nhà xa hoặc chờ xe cấp cứu đến sợ quá lâu ta có nên chủ động đến bệnh viện liền không? Việc tự di chuyển, đi lại như vậy có nguy hiểm gì không? Xin cảm ơn.

TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn,

Hiện nay tại nước ta chưa có chiến lược tầm so‎át đột quỵ trong cộng đồng, vì việc tầm soát đòi hỏi tốn nhiều chi phí. Việc tầm soát chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hoặc cho bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, hoặc có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua để điều trị phòng ngừa, tránh tái phát.

Về mặt sức khỏe cộng đồng, việc tầm soát kém hiệu quả hơn việc giữ gìn sức khỏe hàng ngày để giảm nguy cơ đột quỵ. Ví dụ: bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, chống béo phì, chế độ ăn uống lành mạnh, điều trị tốt các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường có ‎ý nghĩa thực tế hơn… Các yếu tố nguy cơ trên đã được chứng minh là liên hệ trực tiếp/ gián tiếp, hoặc làm đột quỵ nặng hơn. Việc phòng tránh phải mang tính chất lâu dài, hơn là việc tầm soát tại một thời điểm rồi không quan tâm đến các yếu tố nguy cơ.

Khi thấy có dấu hiệu đột quỵ não, tùy theo tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân và sự hợp tác, ý thức của người bệnh mà chúng ta có thể tự đưa bệnh nhân đến BV hay bắt buộc phải chờ xe cứu thương trong tình huống bệnh nhân hôn mê, không hợp tác hoặc cần các phương tiện hồi sức cấp cứu.

Trong trường hợp đột quỵ nhẹ (bệnh nhân còn hiểu biết, hợp tác được), người nhà nên đưa bệnh nhân đến BV trong thời gian nhanh nhất. L‎ý tưởng nhất là đến được BV đột quỵ hoặc BV có thể xử l‎í được đột quỵ với các phương tiện trang thiết bị đầy đủ. Bởi vì thời gian là điều kiện cần thiết để BS quyết định điều trị phù hợp và giảm nguy cơ tử vong và thương tật, di chứng về sau.
- Trần Phú Nghĩa,  090910…- Thủ Đức, TPHCM

Chào BS Cường,

Ba em hiện nay 51 tuổi, nặng 80kg và đang phải uống thuốc huyết áp. Em lo trong tương lai gần thì ba em có khả năng bị đột quỵ do tuổi đã cao.

Tìm hiểu trên mạng em thấy thuốc tiêm Actilyse có tác dụng khá tốt đối với người bị đột quỵ với giá dao động khoảng 11 triệu đồng.

Theo BS em có nên mua sẵn và dùng ngay tại nhà trong lúc chờ xe cấp cứu đến nếu ba em bị đột quỵ? Em cũng đã tìm hiểu khá kỹ về cách tiêm cũng như liều lượng tiêm (10ml tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch).

Cảm ơn BS!
TS.BS Trần Chí Cường
Phú Nghĩa thân mến,

Thuốc Actilyse là thuốc đặc trị làm tan cục máu đông, chỉ được sử dụng trong BV bởi các BS chuyên khoa vì bệnh nhân sẽ bị tăng nguy cơ xuất huyết hoặc tử vong do biến chứng xuất huyết. Kể cả trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ tắc mạch máu não, việc quyết định điều trị cũng tùy từng ca.

Ví dụ: Không thể điều trị thuốc này khi bệnh nhân đang có dấu hiệu xuất huyết hoặc mới phẫu thuật…
Hơn nữa, thuốc này chỉ sử dụng cho trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ tắc mạch máu não đã được chứng minh và loại trừ đột quỵ xuất huyết não (sau chụp CT). Việc điều trị tại nhà sẽ không an toàn, thậm chí có thể gây nguy hại cho bệnh nhân.
- Hùng Dũng - 56 tuổi, Q.12, TPHCM
Chào BS Trần Chí Cường,
Cho tôi hỏi, lâu nay tôi thường nghe người bị cao huyết áp và mỡ máu thì dễ bị tai biến mạch máu não. Nay tôi lại được nghe người bệnh tiểu đường nguy cơ tai biến còn cao hơn, có phải không BS?
Vậy tai biến ở người bệnh tiểu đường và người cao huyết áp có khác gì nhau? Phòng ngừa và điều trị có khác nhau không? Cảm ơn BS, chúc BS năm mới nhiều thành công!
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn,
Bệnh tiểu đường đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ thông qua việc làm tổn thương mạch máu. Mức đường càng cao, càng khó kiểm soát trong thời gian càng dài thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Không thể so sánh nguy cơ đột quỵ cao thấp giữa tiểu đường và tăng huyết áp một cách chung chung vì tùy theo từng bệnh nhân cụ thể, nguy cơ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ của mỗi bệnh. Nhưng nói chung cả 2 bệnh này đều là yếu tố nguy cơ cao của bệnh đột quỵ. Nếu có cùng cả 2 bệnh, nguy cơ sẽ càng cao hơn.


- Hoài An - Quảng Ngãi
Chào BS Cường,
BS cho em hỏi bệnh tai biến mạch máu não hay đột quỵ có chữa khỏi được không ạ? Người bị huyết áp thấp có nguy cơ đột quỵ không, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ gồm 2 dạng là xuất huyết não và nhồi máu não. Tùy theo từng dạng và từng nguyên nhân cụ thể mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Nguyên tắc điều trị là tìm nguyên nhân, điều trị triệt để nguyên nhân nếu được và phòng tránh tái phát.
Vật lí trị liệu và phục hồi chức năng tái hội nhập cuộc sống cho bệnh nhân càng sớm càng tốt đó là mục tiêu chung. Do đó, có trường hợp đột quỵ có thể chữa được, và bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Có trường hợp không chữa được hoặc để lại di chứng nặng.
Người bị huyết áp thấp vẫn có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu não, tuy nhiên, khả năng thấp hơn so với người bị huyết áp cao dễ dẫn đến xuất huyết não nếu huyết áp từ 180mmHg trở lên.
- Nguyễn Minh Quốc - bạn đọc hỏi qua FB
Chào AloBacsi,
Em có ông anh ở Quảng Nam vừa bị xuất huyết não, điều trị ở Đà Nẵng. Giờ anh ấy đã khỏe nhưng BS yêu cầu vào Sài Gòn chụp DSA. Em có tìm hiểu qua mạng về kỹ thuật này nhưng vẫn không hiểu được tại sao lại có thể đưa ống từ bẹn lên não? Liệu trên đường đi nó có gây ra xây xước gì không?
Nếu không chụp DSA thì có cách nào khác để khảo sát nguy cơ đột quỵ tái diễn của anh em không, thưa BS?
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn,
DSA là chữ viết tắt của: Digital Subtraction Angiography có nghĩa là chụp mạch máu xóa nền. Hiện nay hệ thống máy chụp DSA ngày càng phổ biến và các phương pháp can thiệp trong lòng mạch máu sử dụng máy DSA ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Sau 12 năm triển khai kỹ thuật này tại khu vực phía Nam - TPHCM các BS đã cứu sống hàng nghìn trường hợp bệnh mạch máu não - đột quỵ. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn các BS sẽ luồn các ống thông theo đường động mạch đùi đi đến các mạch máu trên não hoặc các cơ quan khác để điều trị các nơi tắc nghẽn hoặc mạch máu bị vỡ mà không cần phải phẫu thuật như trước đây.
Đặc biệt với phương pháp can thiệp DSA các BS có thể xử lý những bệnh lý phức tạp mà các phương pháp điều trị khác không thực hiện được. Đặc biệt là trong xử lý đột quỵ hiện nay. Phương pháp can thiệp DSA có thể lấy cục máu đông trên não trong khoảng "thời gian vàng" cho các tắc nghẽn mạch máu lớn.
DSA sử dụng tia X để tạo hình ảnh do đó về mặt lý thuyết sẽ có hại đến sức khỏe nếu bệnh nhân và BS tiếp xúc tia X thường xuyên và kéo dài, do đó nếu không có chỉ định thì thông thường các BS không sử dụng DSA cho bệnh nhân. Đối với BS làm thủ thuật DSA về lâu dài phải chịu nguy cơ ung thư, bệnh lý võng mạc, nguy cơ vô sinh cao hơn những người ít tiếp xúc tia X.
Nguy cơ tổn thương do trầy xước mạch máu là có, tuy nhiên, với BS được đào tạo xác suất gây sự cố thấp hơn nhiều so với nguy cơ diễn tiến tự nhiên của bệnh nếu không thực hiện thủ thuật DSA.
Ngoài phương pháp này, việc chẩn đoán có thể dùng các kỹ thuật chẩn đoán khác thay thế như: CT, MRI, có thể cần bơm thuốc tương phản để xem các cấu trúc mạch máu rõ hơn.

TS Tran Chi Cuong - GLTT phong ngua dot quy - alobacsi

- Trần Văn Năm, 38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội
Thưa các bác sĩ,

Ba tôi bị tai biến lần 2 cách đây 2 năm, lần đầu bị nhẹ, lần sau thì nặng hơn. Hiện giờ ba tôi bị liệt tay phải, méo miệng, đi lại khập khiễng. Cho tôi hỏi, hiện trạng của ba tôi có thể phục hồi như bình thường được không? Để được như vậy thì điều trị như thề nào? Cảm ơn các bác sĩ!
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn,

Bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 thường nặng hơn lần đầu do tổn thương là cộng gộp. Tốt nhất, bạn nên đưa người nhà đi tầm soát nguyên nhân gây đột quỵ để được điều trị tốt hơn. Việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương trên não hiện tại. Thông thường nếu đã bị 2 lần rất khó có thể phục hồi lại hoàn toàn như chưa từng bị đột quỵ.

- Thu Ngọc - Cần Thơ

Kính chào BS Cường và AloBacsi,

Mẹ em 63 tuổi, bị cao huyết áp đã 10 năm nay và thường xuyên uống thuốc BHYT. 1 tháng trước, mẹ em bị té từ trên giường xuống và bị tai biến không đi lại, nói năng được. Uống thuốc, bấm huyệt hay châm cứu đều không đỡ.

Vậy BS cho em hỏi em cần phải làm gì để cải thiện tình hình cho mẹ em? Mong BS giúp đỡ, xin cám ơn nhiều.
TS.BS Trần Chí Cường
Chào em Thu Ngọc,
BS khuyên em nên đưa mẹ đến khám để các BS có thể làm chẩn đoán hình ảnh CT, hoặc MRI đánh giá tổng thể tổn thương não và tìm nguyên nhân gây đột quỵ sau đó sẽ điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể. Việc kiểm soát huyết áp phải thật tốt. Châm cứu hay bấm huyệt chỉ hỗ trợ thêm, không có ý nghĩa nhiều trong điều trị nguyên nhân.

- Lê Thanh Đức - Tiền Giang

Bác sĩ ơi,

Tôi nghe nói bệnh đột quỵ dễ tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc là khi tắm. Do công việc nên tôi thường tắm trễ, sau 11 giờ. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi biết chi tiết, nên tắm như thế nào để tránh bị đột quỵ? Cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Trần Chí Cường
Bạn Đức thân mến,
Bệnh đột quỵ thường xảy ra khi cơ thể có những thay đổi đột ngột. Khi tắm, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột theo nhiệt độ của nước. Nếu khoảng chênh lệch này lớn có thể gây tình trạng sốc nhiệt, nhất là trong trường hợp tắm nước lạnh về đêm. Do đó, thông thường chúng ta không nên tắm quá khuya và nhiệt độ nước quá lạnh. Tốt nhất nhiệt độ nước là tương đương nhiệt độ cơ thể, khoảng 37 độ C.
- Tiến Lộc - loctiendang…@gmail.com
Thưa BS Cường,
3 hôm trước, bố tôi bị đột quỵ do xuất huyết não, đang điều trị tại khoa nội thần kinh. Từ khi xảy ra đột quỵ vẫn tỉnh táo nhưng nói chuyện ú ớ, không nghe rõ, bị sốt nhẹ (37,8 độ).

Xin hỏi BS bố tôi có sao không? Điều trị bao lâu mới hết bệnh? Có cần cho bố tập vật lý trị liệu hay châm cứu, bấm huyệt gì không ạ?
Mong BS tư vấn sớm giúp tôi. Hiện bố nói không rõ từ, miệng bị méo 1 bên. Xin cám ơn BS rất nhiều.
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn Lộc,
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ gồm 2 dạng là xuất huyết não và nhồi máu não. Tùy theo từng dạng và từng nguyên nhân cụ thể mà sẽ có cách điều trị khác nhau.

Nguyên tắc điều trị là tìm nguyên nhân, điều trị triệt để nguyên nhân nếu được và phòng tránh tái phát. Vật lí trị liệu và phục hồi chức năng tái hội nhập cuộc sống cho bệnh nhân càng sớm càng tốt đó là mục tiêu chung. Do đó, có trường hợp đột quỵ có thể chữa được, và bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Có trường hợp không chữa được hoặc để lại di chứng nặng.

Châm cứu hay bấm huyệt chỉ hỗ trợ thêm, không có‎ ý nghĩa nhiều trong điều trị nguyên nhân.

Trường hợp bố của bạn cần được đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết não, có thể là: tăng huyết áp, hút thuốc lá lâu năm, tiểu đường khó kiểm soát, uống thuốc chống đông máu và nguy cơ dị dạng mạch máu não, phình mạch…
- Bùi Thị Hồng - Ninh Bình
Chào bác sĩ,
Có phải cha bị tai biến thì tỉ lệ con gái bị di truyền là cao hơn? Nếu bị tai biến thì nam thường bị liệt nửa người bên trái,còn nữ thường bị bên phải?
Mỗi sáng uống 1 ly nước lọc 500ml, uống nước hãm gừng và uống chè xanh thường xuyên thì có giúp ngăn ngừa đột quỵ không? Cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn Hồng,
Không có yếu tố di truyền trong bệnh đột quỵ. Việc liệt bên phải hay bên trái cũng không khác biệt giữa nam và nữ.
Tuy nhiên, một số bệnh lí là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể di truyền: bệnh máu khó đông, tan máu bẩm sinh (thalassemia) có thể gây tăng nguy cơ đột quỵ trong gia đình.
Mỗi sáng uống 1 ly nước lọc 500ml, uống nước hãm gừng và uống chè xanh thường xuyên không trực tiếp ngăn ngừa đột quỵ, tuy nhiên việc uống nhiều nước có lợi cho sức khỏe.


- Hoàng Đan - Hà Nội
Kính thưa BS,
Bố em năm nay 67 tuổi, bị đột quỵ đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu 10 ngày nay. Tình hình hiện tại: liệt nửa người, nói khó nghe, ngủ ít, hay rên rỉ.
Trước đó năm 2014 bố em đã đột quỵ 1 lần và may mắn phát hiện sớm nên đã điều trị khỏi. Nay do thời tiết trở lạnh, bố đi tắm bị ngã nên đột quỵ ạ.

Em muốn hỏi BS gia đình em nên làm gì để bệnh tình của bố nhanh khỏi và hồi phục ạ?
TS.BS Trần Chí Cường
Hoàng Đan thân mến,
Người nhà có thể giúp bệnh nhân đột quỵ ổn định tâm lí, tập vận động phục hồi chức năng, chăm sóc nâng đỡ. Việc điều trị đột quỵ tùy thuộc rất nhiều vào nguyên nhân của bệnh. Phương pháp chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân và nguyên nhân có điều trị được hay không.
Trường hợp bị đột quỵ lần 2 nên kiểm tra đánh giá tổng thể bằng CT, MRI, kể cả việc đánh giá hệ mạch máu não và tim mạch, điều trị tối đa các yếu tố nguy cơ để phòng tránh tái phát, có thể làm bệnh nặng hơn.
- Khánh Hiền - Gia Lai
Chào AloBacsi,
Cho em hỏi là tập vật lý trị liệu cho người bệnh đột quỵ nên thực hiện vào lúc nào? Người nhà em đã được cấp cứu, còn đang nằm viện, bị yếu 1 bên người. Có phải càng sớm càng tốt không, vì em nghe nói phải đợi khỏe, xuất viện mới nên tập? Và phải tập trong bao lâu thì dừng ạ?
TS.BS Trần Chí Cường
Chào em Khánh Hiền,
Vật lý trị liệu cho người bệnh đột quỵ nên thực hiện càng sớm càng tốt để tránh teo cơ, cứng khớp và sớm phục hồi chức năng. Tuy nhiên, việc tập luyện trong thời gian đầu, lúc bệnh đang nặng thường khó khăn và đòi hỏi người tập phải có chuyên môn.
Việc tập luyện tại nhà nên được thực hiện bởi chính bệnh nhân sẽ hiệu quả hơn trong việc phục hồi lại chức năng vận động.
- Bách Hạ - Đồng Hới, Quảng Bình
Cháu chào BS,
Mẹ cháu 62 tuổi, có thói quen ăn mặn. 1 năm trước đi khám tổng quát phát hiện huyết áp cao và ngày nào cũng phải uống thuốc. BS có khuyên mẹ nên ăn lạt lại nhưng mẹ chỉ nêm nếm giảm xuống chút xíu ạ.
BS cho cháu hỏi liệu mẹ cháu có nguy cơ bị đột quỵ do ăn mặn và cao huyết áp không ạ? Cháu nên làm gì để phòng ngừa đột quỵ cho mẹ, nhất là trong mùa đông ạ?
Cháu xin cám ơn BS Cường và AloBacsi. Chúc BS năm mới vui vẻ, hạnh phúc ạ.
TS.BS Trần Chí Cường
Chào bạn,
Thói quen ăn mặn (nhiều muối) là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp hoặc khó kiểm soát huyết áp. Việc tiết chế ăn uống giảm mặn giúp kiểm soát huyết áp dễ dàng hơn và tốt hơn, từ đó giảm được nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp.
Trong mùa lạnh, việc điều trị huyết áp cần theo dõi chặt chẽ hơn, đôi khi cần phải gia tăng liều thuốc để huyết áp đạt mức ổn định, bình thường. Tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể, giữ ấm thường xuyên, không tắm nước lạnh và tắm quá khuya, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Trần Song Thành - Nam Định
Chào bác sĩ,
Tôi thường xuyên uống nhiều bia rựơu, tôi ngủ hay hay bị "bóng đè", tâm thức vẫn biết nhưng chân tay kông cử động được, tỉnh dậy rất mệt. Tôi muốn hỏi đây có phải là triệu chứng của đột quỵ không? Cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Trần Chí Cường
Chào anh Thành,
Việc uống nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và tổn thương não, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần. Do đó, muốn giảm nguy cơ đột quỵ anh nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia. Việc “bóng đè” không ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ cũng như không phải là triệu chứng của đột quỵ.
Triệu chứng báo trước thông thường của đột quỵ là yếu tay chân cùng bên, nói khó, miệng méo, tối sầm mắt, chóng mặt, té ngã… các triệu chứng này có thể xảy ra một vài giây/ vài phút sau đó trở lại bình thường (cơn thiếu máu não thoáng qua), hoặc bệnh nhân đau đầu dữ dội, đau đầu kéo dài không liên quan đến mệt mỏi, mất ngủ như thông thường, uống thuốc giảm đau khó kiểm soát hoặc không hiệu quả.
FB Mây Lang Thang:
Thưa BS, chi phí can thiệp đặt stent động mạch cảnh trong là bao nhiêu?

TS.BS Trần Chí Cường

Chào em,
Chi phí phẫu thuật đặt stent khoảng 40-100 triệu đồng, tùy theo số vật liệu được sử dụng, chất liệu stent, số lượng mạch máu bị hẹp... và các chi phí khác như viện phí, thuốc men, tùy theo từng bệnh viện.

- Trang Nguyễn - trangnguyen…@gmail.com

Kính gửi BS,

Người nhà tôi đã được điều trị tại BV Chợ Rẫy cách nay 1 tháng. BV kết luận chị ấy bị xuất huyết khoang dưới nhện độ 1 - phình mạch máu não đã đặt coil.

Kính nhờ BS tư vấn giúp: nguyên nhân dẫn đến bệnh trên là gì? Chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn về bệnh này. Xin được BS tư vấn giúp.

Trân trọng,

TS.BS Trần Chí Cường

Chào bạn Trang,

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phình mạch máu não: dị dạng mạch máu bẩm sinh, tăng huyết áp, tiểu đường… do đó, sau khi phình mạch máu xảy ra ở bệnh nhân, chúng ta khó kết luận được nguyên nhân chính xác là do đâu.

Đối với túi phình ở bệnh nhân trẻ tuổi, thường là do dị dạng mạch máu bẩm sinh. Còn đối với bệnh nhân lớn tuổi, chẳng hạn từ 60 tuổi trở lên, túi phình vỡ thường do hậu quả của các bệnh lý: tăng huyết áp, tiểu đường... làm tổn thương thành mạch máu.

Trường hợp chị của bạn đã được điều trị thành mạch máu não rồi, tiếp theo cần theo dõi và kiểm tra lại sau 1 năm để loại trừ các yếu tố nguy cơ khác để có thể tạo túi phình mới.
Thân mến,

Buổi giao lưu dự kiến chỉ 1 tiếng rưỡi bởi TS.BS Trần Chí Cường vô cùng bận rộn, thế nhưng bạn đọc AloBacsi đã "níu chân" BS Cường suốt 3 tiếng đồng hồ.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS Trần Chí Cường đã dành trọn một buổi chiều để giải đáp tường tận câu hỏi của bạn đọc về bệnh đột quỵ.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X