Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Đừng để chết người vì sơ cứu đột quỵ sai cách

Khi bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại bệnh nhân đến càng trễ thì khả năng thành công càng thấp và nguy cơ tử vong càng cao.

Hiện nay phần lớn người dân chưa có kiến thức sơ cứu ban đầu dẫn đến xử trí sai lầm, gây hậu quả nặng nề về sau cho bệnh nhân bị đột quỵ. Nhiều gia đình đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến muộn giải thích hồn nhiên rằng, nghe nói đột quỵ không được di chuyển nên để nằm yên một chỗ tại nhà và sử dụng những phương thức dân gian như cho sử dụng An cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu... mà không đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay, đến khi đưa bệnh nhân đến viện thì đa số đã muộn, quá cơ hội vàng để can thiệp.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115) về chủ đề này.


TS.BS Nguyễn Huy Thắng

Thưa BS, đột quỵ là gì? Và đột quỵ thường xảy ra trong giai đoạn tuổi nào?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não có 2 thể.

Thể thứ nhất, khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ hoặc các huyết khối từ tim di chuyển lên làm tắc mạch máu não. Hiện tượng tắc mạch não xảy ra do một vùng vi mô não bị thiếu máu và gây ra hoại tử vi mô não, gây ra các triệu chứng, thường gặp nhất ở bệnh nhân đột quỵ là liệt nửa người, méo miệng và không nói được

Thể thứ 2 nguy hiểm hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn là xuất huyết não do thành mạch chịu áp lực quá lớn gây ra vỡ mạch máu, nguyên nhân thường gặp nhất là do cao huyết áp không được kiểm soát đúng mức.

Đây là 2 thể chính của đột quỵ và cả 2 thể này đều liên quan tới lứa tuổi, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng cao, tuổi thường gặp nhất của đột quỵ từ 60-70.

Chúng tôi thấy đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, theo bác sĩ nguyên nhân vì sao?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Tuổi thường gặp nhất của đột quỵ trung bình 60-70 tuổi. Người ta thấy rằng, tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng lớn. Bởi khi tuổi càng lớn nguy cơ bệnh nhân bị tăng huyết áp nhiều, đái tháo đường nhiều, các bệnh tim mạch cũng vậy. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.

Tuy nhiên, gần đây số bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ cũng khá thường gặp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là việc sử dụng các loại thuốc gây nghiện, đặc biệt là thuốc lá vì thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ. Tiếp đó là việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Chưa kể cuộc sống hiện đại, mức độ stress cũng cao hơn, làm tăng tần suất mắc bệnh đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ hơn.



Bệnh nhân đột quỵ được chăm sóc tại Khoa Bệnh lý mạch máu não - BV Nhân dân 115

Hiện nay có thống kê nào về số ca tử vong hoặc có di chứng do đột quỵ không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2008 cho thấy trong tổng số các nguyên nhân tử vong do các bệnh lý chung thì đột quỵ đứng hàng đầu, tỉ lệ tử vong nam giới 18%, và nữ giới 23% trong tổng số tất cả các nguyên nhân tử vong do các bệnh lý khác.

Đó là số liệu năm 2008, còn số liệu năm 2019 có sự thay đổi nào không?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Số liệu năm 2019 cũng không thay đổi gì nhiều, nhưng điều chúng ta quan tâm di chứng sau đột quỵ đó là tàn phế, là gánh nặng thứ 2 của đột quỵ. Tức là người ta định nghĩa tàn phế là một bệnh nhân sau đột quỵ không thể quay trở lại công việc trước đây của họ, một người bác sĩ sau khi đột quỵ thì không thể quay lại làm bác sĩ và được xem là tàn phế chức năng vận động có ý nghĩa.

Theo thống kê của Hội đột quỵ Hoa Kỳ, khoảng trên 70% các bệnh nhân sau khi đột quỵ không thể quay trở lại công việc trước đây.

Người dân chúng ta hiện nay thường lầm tưởng rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, nếu không sẽ dẫn đến những nguy hiểm thì có đúng không?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Theo tôi suy nghĩ đó là sai, bởi vì khi bệnh nhân bị đột quỵ thì động tác đầu tiên của chúng ta đó là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế có khả năng chữa được và gần nơi mình nhất.

Với các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc, chúng tôi có thuật ngữ: “Time is brain” tức là “thời gian là tế bào não” và nếu như chúng ta trì hoãn cứ 1 phút thì 2 triệu tế bào não sẽ chết và không thể phục hồi được.

Nếu như chúng ta quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, như vậy chúng ta đã vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể chữa được cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến càng trễ thì khả năng thành công càng thấp và nguy cơ tử vong càng cao.

Như vậy theo tôi, khi người nhà phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột hoặc bệnh nhân có thể nói đớ, nói không rõ chữ... ngay lập tức chúng ta đưa ngay đến bệnh viện có đủ khả năng điều trị đột quỵ cấp và gần chúng ta nhất.

Hiện nay có một số biện pháp người ta cho là hữu hiệu chữa đột quỵ như cho uống An cung ngưu hoàng, nặn đầu ngón tay lấy máu hoặc lấy máu ở dái tai... thật ra những phương pháp này có tác dụng hay không? Nếu như lạm dụng và không đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng gì?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Đối với chúng tôi, các biện pháp trên hoàn toàn không có tính khoa học và chúng tôi thường khuyến cáo bệnh nhân không nên làm những điều đó. Bởi vì, thứ nhất một số bệnh nhân bị đột quỵ, chức năng nuốt bị ảnh hưởng và nếu như chúng ta cố tình cho bệnh nhân uống các loại thuốc ví dụ như An cung ngưu hoàng hoặc những loại thuốc nào khác không rõ nguồn gốc vô tình chúng ta có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, do thức ăn, do thuốc rơi vào phổi. Còn những biện pháp đâm kim đầu ngón tay, dái tai... đó là biện pháp hoàn toàn phản khoa học, vô tình làm trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng của bệnh nhân.

Đối với chúng tôi, ngay khi đo huyết áp cho bệnh nhân đột quỵ xong chúng ta không cần làm gì cả, bởi vì khi chúng ta giảm huyết áp đột ngột (rất nhiều nhỏ thuốc Adalat vào lưỡi để hạ huyết áp nhanh chóng) có thể ảnh hưởng lên sự tưới máu trên não và gây chết các tế bào não nhiều hơn.

Như tôi nói ban đầu, khi chúng ta phát hiện các bệnh nhân đột quỵ, việc quan trọng nhất chúng ta nên làm là nhanh chóng di chuyển đưa bệnh nhân đến bệnh viện cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không phải làm gì cả.


Bác sĩ có thể chia sẻ các bước sơ cứu bệnh nhân đột quỵ, chăm sóc bệnh nhân như thế nào để bệnh nhân không mất thời gian vàng?

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Điều đầu tiên chúng ta cần nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ, các dấu hiệu người ta thấy rằng gần như trên 90% các bệnh nhân đều có yếu hoặc liệt nửa người. Như vậy nếu như chúng ta thấy một bệnh nhân đột ngột yếu nửa người hoặc méo miệng hoặc rối loạn ngôn ngữ (cụ thể là lời nói không còn nghe rõ được),… những triệu chứng này được xem là những triệu chứng đáng tin cậy để nghi ngờ đây là bệnh nhân đột quỵ.

- Nếu như chúng ta phát hiện bản thân chúng ta hoặc người nhà chúng ta hoặc những người gần đó có những triệu chứng này, nên gọi ngay xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng những phương tiện phù hợp nhất

- Nếu trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng bất kỳ hình thức nào như nhỏ Adalat dưới lưỡi, đâm kim vào ngón tay/dái tai... là những biện pháp bất lợi cho bệnh nhân, trì hoãn giờ vàng để bác sĩ có thể cấp cứu và điều trị tái thông cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.

Cảm ơn BS rất nhiều!

TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Bệnh viện Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X