Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng tư vấn bệnh tiêu hóa

Sáng nay 5/1, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, BV Nhân dân 115 gặp lại bạn đọc AloBacsi để giải đáp các câu hỏi về bệnh tiêu hóa.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115

Vì sao bệnh dạ dày cứ tái đi tái lại hoài, uống thuốc trị Hp gặp tác dụng phụ phải làm sao, táo bón kéo dài điều trị thế nào… là những băn khoăn bạn đọc thường gửi về hỏi AloBacsi. Tuần này, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 sẽ tư vấn với quý bạn đọc để giải đáp những thắc mắc xung quanh bệnh tiêu hóa.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các bệnh Tiêu hóa - Gan - Mật. Bà là gương mặt thân quen, xuất hiện trên nhiều phương tiên truyền thông như: Đài truyền hình TPHCM, Đài truyền hình Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài VOH, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Sức khỏe và Đời sống,..
 

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP

- Tien Pham - thetien…@gmail.com
 
Chào BS,
 
Tôi 32 tuổi, khoảng 8 tháng trở lại đây tôi có biểu hiện nôn, buồn nôn, đi ngoài phân lúc bón, lúc lỏng (rất it khi rắn), phân rất nhỏ và nát...
 
Thi thoảng tôi có uống rượu và cứ uống rượu lại đau bụng đi ngoài, nhiều lúc cảm giác buồn đi ngoài nhưng đi lại không có gì...
 
Vậy xin hỏi tôi bị biểu hiện của bệnh gì? Có phải đại tràng không? Xin cảm ơn BS.
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào bạn,
 
Triệu chứng nôn, buồn nôn, đi ngoài phân lúc bón, lúc lỏng (rất it khi rắn), phân rất nhỏ và nát chứng tỏ bạn có tình trạng rối loạn tiêu hóa cả dạ dày và vùng đại tràng. Nguyên nhân thường gặp có thể là cơ năng hoặc thực thể. Những bệnh l‎í cơ năng thường do chế độ ăn, chế độ làm việc căng thẳng hoặc mất ngủ. Trong trường hợp này các khảo sát về hình ảnh học thường không ghi nhận bất thường.
 
Việc điều trị bên cạnh những loại thuốc để cân bằng lại hoạt động đường tiêu hóa, chúng ta cũng cần phải lưu ‎ý đến vấn đề thay đổi lối sống, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp l‎í, dinh dưỡng phù hợp, hạn chế rượu bia, các chất kích thích thức ăn có nhiều gia vị, không nên ăn quá no cũng đừng nhịn đói quá lâu.
 
Giờ ăn nên cách giờ đi ngủ từ 3-4 tiếng. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này kéo dài, có khuynh hướng nặng lên hoặc kèm theo những triệu chứng báo động như: sốt, sụt cân, đi cầu phân có máu, ói máu, nuốt nghẹn… bạn cần phải khám và điều trị ck Tiêu hóa để có chẩn đoán cụ thể và hướng xử trí hiệu quả.
 
Khi uống rượu bia bạn có triệu chứng đau bụng đi ngoài kèm cảm giác buồn ói vì rượu bia là chất kích thích, sẽ làm rối loạn vận động đường ruột, tăng co thắt gây những triệu chứng trên. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đường tiêu hóa, vì vậy không nên sử dụng quá nhiều rượu bia và chất kích thích.
 
- Bông Béo - bongdua…@gmail.com
 
Chào AloBacsi,
 
Các BS cho em hỏi một vài vấn đề về phẫu thật nội soi tạo hình ống đứng dạ dày.
 
Em năm nay 20 tuổi bị béo phì cấp độ hai. Em đã dùng mọi biện pháp ăn kiêng, tập gym hay uống thuốc giảm cân mà không có tác dụng.
 
Em nghe nói có biện pháp thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình ống đứng dạ dày cho ng bị béo phì. Mong các BS có thể giải đáp cho em một vài vấn đề như sau:
 
- Có những BV nào tại Hà Nội thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình ống đứng dạ dày?
 
- Tổng chi phí cho loại phẫu thuật này là bao nhiêu, gồm tổng chi phí phẫu thuật, thuốc men là bao nhiêu?
 
- Mất khoảng bao nhiêu lâu để phục hồi sau phẫu thuật?
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào em,
 
Phẫu thật nội soi tạo hình ống đứng dạ dày là kỹ thuật can thiệp thực hiện qua nội soi nhằm mục đích giảm cân. Kỹ thuật được chỉ định trong 1 số trường hợp:
 
- Người > 18 tuổi và < 65 tuổi
 
- Béo phì với tỷ lệ BMI > 37 hoặc > 32 nhưng phải kèm theo các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường…
 
Em 20 tuổi bị béo phì cấp độ hai chưa nên chỉ định sử dụng kỹ thuật này.
 
Kỹ thuật này có thể thực hiện ở BV Việt Đức (HN), nếu quan tâm, em liên hệ trực tiếp BV Việt Đức để được tư vấn cụ thể hơn (chi phí, chống chỉ định, hiệu quả, và các tác dụng không mong muốn sau đó…).

- Chin Sulb - chinsul…@gmail.com
 
Tôi đang điều trị bệnh viêm gan B nhưng dạo gần đây tôi bị nổi mụn khắp vùng mặt, nóng, ngứa nữa? Xin hỏi có phải do thuốc không, thưa BS?
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào bạn,
 
Bất kỳ một loại thuốc nào, kể cả thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng… đều có thể có những tác dụng không mong muốn. Điều trị viêm gan B là điều trị không được tự ‎ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của BS.
 
Nếu bạn uống thuốc có những dấu hiệu bất thường như: nổi mụn khắp vùng mặt, nóng, ngứa… Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường này có thể là triệu chứng của 1 bệnh lí khác kèm theo hoặc dấu hiệu của bệnh đang diễn tiến. Vì vậy bạn phải đến BS đang điều trị cho bạn để có hướng xử trí cụ thể.


- Trí Dũng - 08995…- Cần Thơ
 
Chào Alobacsi,
 
Vì em làm kỹ thuật bên sản xuất rượu nên phải thường xuyên tiếp xúc tay chân và hít nồng độ rượu rất cao khi chưa pha loãng. Em rất hạn chế uống bia rượu.
 
Em lại có tiền sử bệnh viêm gan B giai đoạn cửa sổ 2 năm nay, chỉ theo dõi không cần điều trị.
BS cho em hỏi em nếu em làm công việc này lâu dài có ảnh hưởng nặng thêm bệnh tình của em không hay em phải sớm tìm công việc khác ạ?

 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Bạn Dũng thân mến,
 
Viêm gan siêu vi B của bạn là bệnh mạn tính, thường diễn tiến ở 2 dạng. Dạng hoạt động và dạng không hoạt động.

Trường hợp của bạn viêm gan siêu vi B không hoạt động, tuy nhiên bệnh vẫn có thể diễn tiếbn thành dạng hoạt động. Đặc biệt khi có thêm các yếu tố khác làm tổn thương gan.

Việc tiếp xúc tay chân và hít nồng độ rượu rất cao tuy rằng mức độ gây ảnh hưởng trực tiếp cho gan rất ít. Tuy nhiên bạn cũng nên có những biện pháp bảo hộ lao động như: mang khẩu trang, mang găng tay, mang ủng…

Điều quan trọng nhất là bạn cần kiểm tra sức sức khỏe, đặc biệt là kiểm tra gan định kì mỗi 3-6 tháng hoặc khi có triệu chứng bất thường như: sụt cân, ăn uống kém, đau vùng gan, vàng da, vàng mắt…
 
- Hoàng Nguyễn - hoang…@gmail.com
 
Thưa BS,
 
Cháu mổ ruột thừa nội soi được 2 tuần. Cháu đi siêu âm lại thì vùng hố chậu phải có ổ dịch có hồi âm d#18×25mm, thâm nhiễm nhẹ xung quanh. BS cho thuốc về uống. Vậy có nguy hiểm không ạ?
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Một số biến chứng sau mổ ruột thừa có thể gặp như: tụ dịch, nhiễm trùng vết mổ, áp xe, dò…Vì vậy khi có vùng tụ dịch bạn phải được khám và theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của BS.

Phần lớn trường hợp các ổ dịch này sẽ tự hấp thu, nhưng nếu có các triêu chứng như đau, đau nhiều, rối loạn tiêu-tiểu, sốt cao… bạn phải đi khám lại ngay.

- Bạn đọc Dang - thoadang…@gmail.com

Thưa BS Phượng,
 
Em năm nay 35 tuổi. Em bị viêm dạ dày 15 năm. Em nội soi 7 lần, kết quả viêm xung huyết hang vị Hp âm tính.

Em bị ợ hơi nhiều, chán ăn, cổ như vướng cái gì. Hơi thở nóng và người cũng nóng ran.8 tháng nay bệnh tái phát chữa mãi vẫn không bớt.

BS cho em hỏi bệnh em vậy có nặng lắm không,có chữa hết được không? Cảm ơn BS nhiều.
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào bạn,
 
Triệu chứng ợ hơi nhiều, chán ăn, cổ như vướng cái gì. Hơi thở nóng và người cũng nóng ran, những triệu chứng này kéo dài 8 tháng, bệnh hay tái phát chữa mãi vẫn không bớt, thường gặp trong bệnh lí trào ngược dạ dày thực quản. Đây là một bệnh chiếm từ 15-20% dân số, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, những người làm việc căng thẳng, chế độ ăn không điều độ, mất ngủ.

Việc điều trị phải hết sức kiên nhẫn, thời gian điều trị trung bình là từ 4-8 tuần. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc cải thiện các triệu chứng, còn cần phải lưu ‎ý thay đổi các thói quen làm cho bệnh có khuynh hướng nặng lên như: ăn quá no, nhịn đói quá lâu, ăn nhiều chất chua - cay - béo. Tối ngủ nên nằm đầu cao để hạn chế tình trạng trào ngược xảy ra vào ban đêm.
 
- Nguyen Vo - nguyenvo…@gmail.com
Chào AloBacsi,
 
Em đi nội soi bị viêm xung huyết hang vị mức độ nhiều không có Hp.
 
Em uống thuốc đã 3 tuần nay, nhưng không thấy đỡ, lúc không đau lúc đau rêm rêm nguyên ngày, có khi buồn nôn.
 
Vị trí đau trên thượng vị và dưới sườn bên trái và phải. Em sụt cân 2kg. Từ khi uống thuốc đi tiểu màu vàng nhạt.
 
Vậy cho em hỏi bệnh em trị hết không và những biểu hiện trên có phải ung thư dạ dày không? Em rất lo lắng, mong BS tư vấn giúp em, em cảm ơn BS!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào em,
 
Những triệu chứng đau trên thượng vị và dưới sườn bên trái và phải thường gặp trong bệnh lí dạ dày, tá tràng, tuy nhiên cũng có thể gặp trong một vài bệnh lí khác như: bệnh lí tụy, gan, mật, ruột non…
 
Kết quả nội soi viêm xung huyết hang vị mức độ nhiều chỉ là hình ảnh đại thể trong trường hợp của em, bệnh kéo dài đáp ứng điều trị kém, lại kèm sụt cân, thay đổi màu nước tiểu, em cần được thăm khám và tầm soát sâu thêm, có thể phải sinh thiết niêm mạc dạ dày, tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc loạn sản, nghịch sản là một yếu tố nguy cơ phải theo dõi để ngăn ngừa ung thư hóa.
 
Một người có triệu chứng của dạ dày kéo dài lại kèm theo những triệu chứng báo động như: sụt cân, thiếu máu, cần tầm soát và phát hiện sớm ung thư dạ dày.


- Đức Dũng - 093542… - Đà Nẵng
 
Chào BS,
 
Em 35 tuổi. Em thường bị đi lỏng từ 2-4 lần vào buổi sáng. Vừa ngủ dậy em đi phân bình thường. Nhưng ăn sáng xong là em đi lỏng 2-3 lần. Chỉ trong buổi sáng thôi ạ.
 
Như vậy là em bị gì? Trước đây em có nhiễm vi khuẩn Hp nhưng em chưa khám lại. Mong BS tư vấn giúp!
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Triệu chứng thường bị đi lỏng từ 2-4 lần vào buổi sáng, vừa ngủ dậy đi phân bình thường nhưng ăn sáng xong đi lỏng 2-3 lần, chỉ trong buổi sáng nếu không kèm theo các triệu chứng nghi ngờ khác như sụt cân, thiếu máu, đi cầu ra máu thường đây chỉ là một biểu hiện rối loạn chức năng đường tiêu hóa gọi là hội chứng ruột kích thích.
 
Trong hội chứng này, chức năng đường tiêu hóa hoàn toàn bình thường, tổng trạng người bệnh không thay đổi, vẫn khỏe mạnh và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, đặc biệt gây bất tiện cho công việc, trong giao tiếp. Việc diều trị phải song song 2 biện pháp:
 
- Dùng một số thuốc để điều hòa lại chức năng đường tiêu hóa
 
- Ổn định cuộc sống, tránh stress, tăng cường tập thể dục nâng cao sức đề kháng cơ thể.
 
Vi khuẩn Hp sống ở niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến viêm dạ dày, loét dạ dày và một tỉ lệ nhỏ có nguy cơ ung thư dạ dày… Hp lây truyền qua đường ăn uống.
 
Chẩn đoán nhiễm Hp thường bằng 2 kỹ thuật: kỹ thuật can thiệp qua nội soi và kỹ thuật không can thiệp bằng test hơi thở. Em có thể đi kiểm tra lại để xác định còn nhiễm Hp hay không. Để có kết quả chính xác, em phải ngưng các loại thuốc kháng sinh, thuốc ức chế tiết axit dạ dày trong vòng 2 tuần, nhịn đói trước khi làm kỹ thuật.

- Nguyễn Quốc Văn - nguyenquoc…@...edu.vn
 
Chào BS Phượng,
 
Em vô tình phát hiện viêm gan B mãn tính vào 10/2017.
 
Xét nghiệm men gan ALT 143, AST 62, GGT 86. Định lượng nồng độ virut cao 9,89.10^8 copies/ml. BS BV Chợ Rẫy cho toa (Tenofovir, Silymarin, Vihacaps) uống và hẹn 3 tháng sau định lượng lại.
 
Nhưng vì quá trông xem việc điều trị có đáp ứng không nên sau 2 tháng dùng thuốc em đến BV dưới tỉnh xét nghiệm và định lượng thử thì có kết quả: men gan ALT 49, AST 28, GGT 67 và định lượng bằng phương phát Multi color real-time PCR dùng taqman probe thì cho kết quả dưới ngưỡng phát hiện, dưới 15 IU/ml. BS ở tỉnh nói kết quả tốt.
 
Vậy cho em hỏi có khi nào nồng độ virut xuống nhanh vậy không? Phương pháp định lượng của BV tỉnh như vậy đáng tin cậy không?
Trường hợp như em thì sau bao lâu có thể chuyển về âm tính ạ?
 
Nói thêm là lúc phát bệnh em hay mệt mỏi, chán ăn, chưa bị vàng da hay các biểu hiện khác, lúc khám ở BV Chợ Rẫy qua siêu âm BS bảo gan tốt, chưa bị tổn thương nên trong ăn uống BS chỉ kêu kiêng rượu bia, thuốc lá và đồ uống có gas...
 
Em chân thành cảm ơn.
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Quốc Văn thân mến,
 
Với những thông tin về kết quả xét nghiệm của em, nếu thời gian bệnh của em trên 6 tháng thì đây là viêm gan siêu vi B mạn hoạt động. Điều trị nhằm các mục đích: giảm tổn thương gan (đánh giá bằng xét nghiệm giảm men gan), giảm lượng virus (đánh giá bằng xét nghiệm định lượng nồng độ virus), tuy nhiên mục đích cuối cùng của điều trị là làm sao giảm tối thiểu nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan sau này.
 
Với các loại thuốc hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam không tiêu diệt được hoàn toàn virus viêm gan B mà chỉ khống chế virus trong máu ở mức thấp nhất (dưới 15 IU/ml), khi virus ở ngưỡng này, nguy cơ xơ gan, ung thư gan rất thấp nhưng cũng không triệt tiêu được hoàn toàn.
 
Vì vậy, mặc dù hiệu quả điều trị khả quan, em vẫn phải tiếp tục điều trị, không được tự ý ngưng thuốc, trong quá trình điều trị vẫn theo dõi các biến chứng và các nguy cơ có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
 
- Thanh Phong - caohuu…@gmail.com
 
AloBacsi ơi,
 
Em 23 tuổi, 2 năm trước em bị tiêu chảy một khoảng thời gian rất dài và đi nội soi đại tràng ở BV ĐH Y dược, kết quả là bình thường, BS kết luận bị hội chứng ruột kích thích. Uống thuốc theo toa của BS thì có hiệu quả đáng kể, nhưng khi hết thuốc thì lại bị như cũ.
 
Mấy năm nay biểu hiện của em là sau khi ăn sáng no thì 30 phút sau bị đau bụng và tiêu chảy, lúc đầu phân rắn sau đó thì lỏng và có bọt nữa.
 
Em xin hỏi đại tràng của em liệu có bị viêm, em hay dùng men tiêu hóa và Smecta thì có đỡ hơn, dùng Smecta và men tiêu hóa thời gian dài như vậy có ảnh hưởng đến thận hay không?
Mong BS tư vấn giúp em, xin cảm ơn AloBacsi.
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng
 
Chào em Phong,
 
Trong hội chứng ruột kích thích, chức năng đường tiêu hóa hoàn toàn bình thường, tổng trạng người bệnh không thay đổi, vẫn khỏe mạnh và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, đặc biệt gây bất tiện cho công việc, trong giao tiếp. Việc diều trị phải song song 2 biện pháp:
 
- Dùng một số thuốc để điều hòa lại chức năng đường tiêu hóa
 
- Ổn định cuộc sống, tránh stress, tăng cường tập thể dục nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Dùng men tiêu hóa và Smecta là những loại thuốc để điều chỉnh lại các bất thường đường tiêu hóa. Thuốc giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, tuy nhiên khi bệnh đã ổn định, nên giảm và ngưng thuốc.
 
Trong trường hợp dùng thuốc, các triệu chứng vẫn không cải thiện, không nên cố gắng kéo dài sử dụng mà phải đi khám để BS có hướng điều trị hiệu quả hơn.

- Đặng Thành, 28 tuổi - Đà Nẵng

Chào BS,

Dạo này, vào buổi sáng tôi thường hay đi đại tiện 2 lần, lần đầu thì phân bình thường, nhưng lần sau cách khoảng 30 phút hoặc 1 giờ đồng hồ thì đi đại phân lỏng nhiều nước, kèm theo bọt.

Vậy BS cho hỏi là tôi bị chứng bệnh tiêu hoá gì ạ? Xin cảm ơn!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Thành,

Triệu chứng thường hay đi đại tiện 2 lần, lần đầu thì phân bình thường, nhưng lần sau cách khoảng 30 phút hoặc 1 giờ đồng hồ thì đi đại phân lỏng nhiều nước, kèm theo bọt thường đây chỉ là một biểu hiện rối loạn chức năng đường tiêu hóa gọi là hội chứng ruột kích thích.

Trong hội chứng này, chức năng đường tiêu hóa hoàn toàn bình thường, tổng trạng người bệnh không thay đổi, vẫn khỏe mạnh và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên bệnh này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, đặc biệt gây bất tiện cho công việc, trong giao tiếp. Việc điều trị phải song song 2 biện pháp:

- Dùng một số thuốc để điều hòa lại chức năng đường tiêu hóa

- Ổn định cuộc sống, tránh stress, tăng cường tập thể dục nâng cao sức đề kháng cơ thể.

Tuy nhiên trường hợp của bạn trong phân có kèm theo bọt, nếu đau bụng nhiều, ăn uống kém hoặc phân có máu, bạn phải làm thêm 1 số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lí thực thể về đại tràng như: nhiễm kí sinh trùng, lị trực trùng, lị amip… Trong một số trường hợp có thể chỉ định nội soi đại tràng để có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị cụ thể.


- Thanh Lâm - nguyenthanh…@gmail.com

BS cho em hỏi là mỗi lần em mắc đại tiện là đau bụng dữ dội và hết đau sau khi đi xong. Ngoài ra em cũng có bị bệnh trĩ nhưng đã lâu không điều trị.

Vậy thì em có thể đang bị bệnh gì ạ? Em cảm ơn BS ạ!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào Thanh Lâm,

Triệu chứng đau bụng nhiều khi đại tiện và hết đau sau khi đi xong có thể gặp trong các trường hợp sau:

- Táo bón, phân quá cứng

- Tăng nhu động ruột quá mức khi đi đại tiện

- Có tổn thương ở vùng đại tràng hoặc vùng hậu môn, trực tràng như: trĩ, viêm loét đại - trực tràng, khối choán chỗ trong lòng đại - trực tràng

Vì vậy bạn cần phải khám để có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị hiệu quả.


- Xuân Lương - luong.trinh…@gmail.com

Chào BS,

Tôi có tiền sử bị viêm dạ dày hay tái phát, uống thuốc thì khỏi nhưng khi stress hay ăn sai thứ gì đó là lại bị đau. Hiện tại sau đợt thuốc chữa trị bênh đã ổn định.

Nay có nghe báo, mạng quảng cáo về thực phẩm chức năng Cumar Gold có tác dụng tốt trong bệnh viêm dạ dày và sản phẩm Bifina men vi sinh của Nhật tốt cho hội chứng ruột kích thích.

Tôi muốn hỏi BS 2 loại này có tốt cho bệnh dạ dày và đường ruột không? Và khi sử dụng theo liệu trình 3 tháng như khuyến cáo thì có tác dụng phụ gì không? Xin cám ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Xuân Lương thân mến,

Tất cả những trường hợp cơ thể hoạt động bình thường, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường gì, chỉ cần dinh dưỡng đầy đủ, hợp lí, làm việc khoa học, tập thể dục nâng cao sức đề kháng là phương pháp điều trị hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Tuy nhiên trong một số trường hợp có những rối loạn về tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng, chúng ta cũng có thể chỉ định một vài loại thuốc, thực phẩm chức năng nhưng phải theo sự chỉ định của BS.

Cumar Gold có thành phần chiết xuất từ nghệ, theo dân gian nghệ có vai trò hỗ trợ trong bảo vệ niêm mạc dạ dày, trong một số trường hợp niêm mạc dạ dày có vấn đề,có thể bổ sung thêm nghệ nhưng vẫn phải theo chỉ định của BS.

Men vi sinh giúp cân bằng hệ sinh thái trong đường ruột, ổn định tiêu hóa, tăng cường miễn dịch thường có nhiều trong các thực phẩm lên men như: sữa chua, dưa chua… trong một vài trường hợp cũng có thể bổ sung men vi sinh bằng đường uống như: sử dụng nhiều kháng sinh, bị loạn khuẩn ruột. Tuy nhiên, điều quan trọng là vẫn tuân theo chỉ định của BS.


- Huỳnh Quang Vinh - vinhnguyen…@gmail.com

Dạ chào BS,

Em có khám bệnh bên BV ĐH Y Dược, BS bảo em bị viêm dạ dày và em hay bị đau vùng dưới lồng ngực và dưới sườn trái. Em thấy người mệt mỏi xanh xao, mắt em có hơi vàng nhạt.

Khoảng 2 tháng trước em đi xét nghiệm BS bảo em không bị viêm gan B-C nhưng bị nốt phản âm nghi hemangioma.

Em muốn nhờ BS tư vấn dùm em là em đang có khả năng bị bệnh gì? Em định đi khám lại nhưng không biết nên khám chuyên sâu như thế nào (chụp MRI có được không ạ?).

Mong BS tư vấn dùm, em xin cảm ơn ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào Quang Vinh,

Em hay bị đau vùng dưới lồng ngực và dưới sườn trái là những triệu chứng thường gặp trong bệnh lí dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, em lại có thêm các triệu chứng mệt mỏi xanh xao, mắt vàng nhạt, khối choán chỗ ở gan, vì vậy em phải khẩn trương khám chuyên khoa gan để xác định chức năng gan có vấn đề gì hay không, khối choán chỗ bản chất là gì, u lành hay u ác.

Hemangioma là khối choán chỗ trong gan có bản chất là u mạch máu, đây là một tổn thương lành tính, không cần can thiệp gì, chỉ trong 1 số trường hợp quá lớn, có nguy cơ vỡ thì phải theo dõi.

Nhưng siêu âm chỉ gợi ý nhiều khả năng là hemangioma, em cần làm thêm 1 số xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác để có chẩn đoán chính xác hơn.


- Lê Ngọc Cần - ngoccan…@gmail.com

AloBacsi ơi,

Vợ em uống nhiều rượu, giờ nôn ra dịch vàng có vị đắng... Giờ phải làm sao BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào Ngọc Cần,

Tình trạng uống nhiều rượu và nôn ra dịch vàng có vị đắng sau đó là tổn thương trào ngược dịch mật do chất kích thích, tình trạng này có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, viêm đường mật, viêm tụy…

Tuy nhiên, em cần lưu ý rằng rượu có thể gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và lâu dài trên nhiều cơ quan khác nhau như gan, mật, tụy, dạ dày, thần kinh, tim mạch, vì vậy không nên uống quá nhiều rượu. Ngưỡng rượu an toàn cho phép ở người có sức khỏe bình thường:

+ Nam: 1 lon bia, hoặc100ml rượu vang, hoặc 40ml rượu mạnh trong ngày, có thể sử dụng 3-4 ngày/ tuần

+ Nữ: 1 lon bia, hoặc100ml rượu vang, hoặc 40ml rượu mạnh cách ngày

Điều này không có nghĩa là có thể không uống mỗi ngày nhưng cuối tuần lại uống số lượng cộng dồn của 7 ngày. Lúc này sẽ quá khả năng làm việc của gan, dẫn đến các nguy hại cho cơ thể.


- Tiến Nguyễn - tientrum…@gmail.com

Chào BS Phượng ạ,

Thưa BS, năm nay em 22 tuổi nặng có được 46 kg. Mặc dù em có ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng tập gym đều đặn mà vẫn không tăng cân được.

Nhờ BS tư vấn giúp em với ạ. Sang năm em có thi trường quân đội mà không đủ cân nặng. Em cảm ơn BS ạ!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn,

Để đạt được cân nặng lí tưởng, không quá gầy cũng không quá béo phì, chúng ta cần phải cân đối mức năng lượng thu vào và sinh ra. Trong những trường hợp không thể tăng cân được, có thể do 1 trong 3 nguyên nhân hoặc kết hợp các nguyên nhân sau:

- Ăn không đủ nhu cầu cơ thể

- Dinh dưỡng đủ nhu cầu cơ thể nhưng lại hoạt động quá mức làm tiêu hao quá nhiều năng lượng

- Ăn không đủ mà lại hoạt động quá mức

Ngoài ra, ở cơ thể con người còn cần lưu ý quá trình chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng bị rối loạn dẫn đến không hấp thu được các chất dinh dưỡng, không tăng cân được.

Vì vậy, bạn nên khám và tư vấn bởi BS chuyên khoa Dinh dưỡng hoặc Tiêu hóa để khảo sát nguyên nhân và can thiệp hợp lí.


- Bạn đọc Hoàng - hoang96…@gmail.com

Chào BS,

Em đang lo lắng về giun đũa chó. BS cho em hỏi là giun đũa chó với sán chó là 2 bệnh khác nhau phải không ạ? Loại nào nặng hơn thưa BS?

Câu hỏi nữa là 2 loại này có lây qua đường thở không ạ? Em đọc thấy nói là trứng của 2 loại này rất nhẹ nên có thể bay trong không khí, mình có thể dễ dàng hít phải trứng nó do bụi nên bị nhiễm, có đúng không ạ?

Với nữa là tay mình mà vuốt ve chó bị bệnh xong mà quên không rửa tay cầm thức ăn cho vào miệng luôn cũng bị nhiễm phải không ạ?

Mong BS giải đáp giúp em vì giờ em chưa đi xét nghiệm được.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn Hoàng,

Giun đũa chó và sán chó là từ dân gian chỉ tình trạng nhiễm toxocara. Đây là một loại giun kí sinh ở cơ thể chó mèo, người chỉ là sinh vật bị nhiễm lạc chỗ. Đa số trường hợp nhiễm toxocara thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc không gây nguy hại gì cho cơ thể.

Tuy nhiên một vài trường hợp đặc biệt trên cơ địa suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, người già, trẻ em có thể gây ra những triệu chứng từ mức độ nhẹ như ngứa, tiêu chảy, đau bụng âm ỉ đến mức độ trầm trọng gây tổn thương các cơ quan như: gan, tim, não nguy hiểm cho tính mạng.

Toxocara lây qua đường ăn uống, tiếp xúc thường xuyên với chó mèo.

Để phòng bệnh, cần lưu ý các vấn đề sau:

- Vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi

- Tránh tiếp xúc quá thân cận với chó mèo

- Vệ sinh sạch sẽ chó mèo, không để chó mèo đi phân bừa bãi trong môi trường.


- Thạch Thị Trúc

Thưa BS,

Con xét nghiệm máu là bị giun đũa chó. Con đã dùng thuốc đều trị nhưng không khỏi. Con vẫn hay sưng mắt ngứa đầu và đau đầu và ngứa toàn thân. Con phải làm sao ạ? Xin cảm ơn BS!

Chào bạn,

Việc đánh giá điều trị giun đũa chó mèo hiệu quả chủ yếu dựa vào các cải thiện triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo là xét nghiệm kháng thể, chỉ có ý nghĩa xác định đã từng bị nhiễm, không trả lời được hiện tại còn hay hết bị nhiễm.

Tuy nhiên, các triệu chứng sưng mắt ngứa đầu và đau đầu và ngứa toàn thân có thể do nhiễm kí sinh trùng như giun đũa chó mèo nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác, vì vậy nếu điều trị không khỏi bệnh, bạn phải đi khám lại.


- Hoang Truong - hoangthi…@gmail.com

BS ơi,

Con ở Tánh Linh, Bình Thuận. Con xét nghiệm bị sán chó. BS ở đây con cho uống 2 viên zentel 200mg vào buổi sáng trong 10 ngày. Uống vậy tốt và có khỏi hẳn không ạ?


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn,

Với thông số xét nghiệm của bạn, anti toxocara IgG dương tính chỉ có ý nghĩa bạn đã từng bị nhiễm toxocara, không trả lời được hiện tại còn hay hết bị nhiễm.

2 viên zentel 200mg vào buổi sáng trong 10 ngày là một trong các phác đồ được chọn lựa để điều trị toxocara, tuy nhiên để đánh giá hiệu quả phải dựa vào lâm sàng và một số những thăm dò cận lâm sàng khác.


- Thao Nguyen - vythao…@gmail.com

Em chào BS,

BS có thể giải đáp giúp em được không ạ? Em xét nghiệm test nhanh HBsAg, HBeAg và HBsAb tất cả đều dương tính ạ. Cách đây 3 năm em đã tiêm đầy đủ vacxin viêm gan B ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng

Chào bạn,

Thông thường, xét nghiệm HBsAg (+) và HBsAb (-), nghĩa là bạn đang có tình trạng nhiễm virus viêm gan B.

Trường hợp thứ 2, HBsAg (-) và HBsAb (+), nghĩa là bạn không còn nhiễm virus viêm gan B và đã có kháng thể kháng virus B.

Trường hợp thứ 3 bạn có thể có HBsAg (-) và HBsAb (-), nghĩa là bạn không mắc bệnh viêm gan siêu vi B, cũng chưa có kháng thể để bảo vệ. Trong rường hợp này có thể xem xét chủng ngừa virus viêm gan B.

Tuy nhiên trong trường hợp của bạn lại có HBsAb (+) và HBsAb (+), đây là trường hợp rất ít xảy ra. Điều cần phải làm là phải xét nghiệm kiểm tra lại vì có thể có nhầm lẫn nào đó, hoặc khả năng rất hiếm là bạn có thể bị nhiễm 2 chủng khác nhau của virus viên gan B gây ra tình trạng này.

Do đó, bạn cần phải xét nghiệm lại trước khi có kết luận chính xác.

Thân mến,
 
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X