Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng giải đáp thắc mắc về bệnh viêm gan

Trước dồn dập các thắc mắc về bệnh lý gan mật, AloBacsi mời TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - BV Nhân dân 115 giao lưu trả lời trực tiếp cùng bạn đọc.

Viêm gan là bệnh do virus viêm gan gây ra. Giai đoạn đầu, viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng. Hầu hết người mắc bệnh chỉ phát hiện ra bệnh sau khi đã diễn tiến đến giai đoạn nặng. Đa số các trường hợp viêm gan được chẩn đoán trong những lần khám sức khỏe định kỳ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - BV Nhân dân 115

Có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D và E. Mỗi loại có tính chất và khả năng gây bệnh khác nhau, do đó các triệu chứng và phương pháp điều trị của viêm gan rất đa dạng.

Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - BV Nhân dân 115: triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm gan virus chủ yếu gồm sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da và củng mạc mắt vàng. Với các trường hợp nhiễm virus mạn tính, các triệu chứng thường không điển hình. Rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.

Nhận lời mời của AloBacsi.vn, 14g30 chiều 4/7, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng sẽ giải đáp thắc mắc các của bạn đọc về bệnh viêm gan.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các bệnh Tiêu hóa - Gan - Mật. Bà là gương mặt thân quen, xuất hiện trên nhiều phương tiên truyền thông như: Đài truyền hình TPHCM, Đài truyền hình Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài VOH, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Sức khỏe và Đời sống,..


Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về cho địa chỉ email: kbol@alobacsi.vn hoặc tuvan@alobacsi.vn để được TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trực tiếp trả lời thắc mắc.

Nội dung buổi tư vấn của BS Tuyết Phượng với bạn đọc AloBacsi:


1. Hồng Phúc - Quảng Ngãi

BS Phượng ơi, trong các loại viêm gan A, B và C thì loại nào nguy hiểm nhất? Có thể chích ngừa để phòng ngừa 3 loại viêm gan này không ạ?

Cơ chế lây bệnh của 3 loại này khác nhau, xin kính nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em. Vì trong nhà chồng em, bố chồng em bị viêm gan C, chị chồng của em bị viêm gan B.

Người bị viêm gan có cần kiêng cữ gì không ạ? Bao nhiêu % người bị viêm gan sẽ thành ung thư gan ạ? Có cách nào tốt nhất để ngăn chặn bệnh tiến triển không ạ?

Em muốn tìm hiểu để có thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Em cũng muốn biết rõ để bảo vệ các thành viên trong gia đình. Em đã có lần được gặp bác sĩ và rất thích phong cách giản dị, ân cần của chị. Trân trọng cảm ơn và kính chúc chị cùng gia đình sức khỏe.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Hồng Phúc thân mến,

Trong 3 loại viêm gan A, B, C viêm gan A thường gây bệnh cấp tính, không để lại di chứng về sau.

Viêm gan B, C nguy hiểm vì có thể gây tổn thương gan cấp trong giai đoạn cấp tính có thể gây nguy hiểm tính mạng, đồng thời nhiễm viêm gan B, C có thể diễn tiến mạn tính trong thời gian dài đưa đến biến chứng xơ gan, ung thư gan sau này.

Hiện tại, chúng ta có thể chích ngừa, phòng ngừa viêm gan A, B.

Viêm gan C hiện chưa có thuốc chủng ngừa.

Cơ chế lây bệnh của viêm gan A là nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn uống chung.

Cơ chế lây bệnh của viêm gan B và C qua 3 đường: đường máu và những vật phẩm có dính máu, đường tình dục, đường mẹ truyền cho con. Viêm gan B và C không lây qua đường tiếp xúc thông thường như: ăn chung, uống chung, bắt tay…

Người bị viêm gan cần kiêng cữ rượu, bia, những thực phẩm có chứa nhiều hóa chất phẩm màu không an toàn cho cơ thể. Đồng thời, cũng nên hạn chế không ăn quá nhiều chất béo, nội tạng, thịt có màu đỏ.

Người bị viêm gan B và C có nguy cơ diễn tiến xơ gan và ung thư gan (viêm gan siêu vi C 80% sẽ đưa đến xơ gan và ung thư gan sau này).

Cách tốt nhất để ngăn bệnh tiến triển là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng. Những người đã bị nhiễm virus B và C phải khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng hoặc khi có triệu chứng bất thường nếu chưa có chỉ định điều trị đặc trị, nếu được chỉ định điều trị đặc trị phải tuân theo y lệnh của thầy thuốc, bác sĩ.


Hoàng Ân - annguyen…@gmail.com

Tôi bị viêm gan B mạn, tôi luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm. Mỗi lần đi kiểm tra chức năng gan hay siêu âm kiểm tra gan là hồi hộp lắm bác sĩ à. Xin hỏi BS Phượng, thông thường viêm gan B mạn thì bao lâu sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan và ung thư gan?

Chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian tư vấn cho chúng tôi. Kính chúc sức khỏe chị cùng các đồng nghiệp.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào bạn Hoàng Ân,

Viêm gan siêu B mạn tính có 2 dạng: dạng hoạt động và dạng không hoạt động.

Những người nhiễm viêm gan B mạn tính thể không hoạt động thì tỷ lệ diễn biến xơ gan, ung thư gan thấp, tuy nhiên cũng cần phải theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng.

Chỉ 20% những người nhiễm viêm gan B mạn tính ở dạng hoạt động cần điều trị đặc trị để ngừa diễn tiến xơ gan và chẩn đoán sớm nguy cơ ung thư gan.


- Trịnh Thị Thu Hoài - 47 tuổi, Đồng Nai

Tôi có một số thắc mắc về bệnh xơ gan xin được BS tư vấn:

Vì sao mẹ chồng tôi không hút thuốc, không uống rượu, cũng không bị viêm gan B,C nhưng mới đây vẫn phát hiện bà bị xơ gan giai đoạn 2. Gia đình chúng tôi rất sốc, thưa bác sĩ.

Vì sao lại thế ạ? Bà ăn uống rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Vì sao bị xơ gan?

Xin được hỏi BS xơ gan là gì? Các nguyên nhân dẫn đến xơ gan. Khi gan bị xơ thì có những biểu hiện như thế nào và nếu không nhận biết hoặc không điều trị kịp thời gây biến chứng gì? Cách nào phòng ngừa được căn bệnh này thưa BS? Một bệnh nhân xơ gan cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt thế nào, thưa bác sĩ?

Gia đình chúng tôi xin cảm ơn bác sĩ và cảm ơn Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi luôn đồng hành chia sẻ những kiến thức quý giá, giúp chúng tôi giải đáp nhiều thắc mắc không biết hỏi ai. Trân kính,

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào chị Thu Hoài,

Nguyên nhân xơ gan ở nước ta hiện nay ngoài rượu còn do siêu vi B, C. Siêu vi B và C lây qua đường máu, đường vợ chồng và đường mẹ truyền cho con. Do giai đoạn đầu thường không có triệu chứng người bệnh không được chẩn đoán để theo dõi và điều trị, khi có triệu chứng rõ ràng thường đã diễn tiến xơ gan.

Tuy nhiên, hiện nay với những phương pháp điều trị tiên tiến xơ gan vẫn có thể được theo dõi, làm chậm diễn tiến bệnh, hạn chế biến chứng cuối cùng của bệnh gan. Vì vậy, chị cũng đừng quá lo lắng nên tập trung điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Xơ gan là tình trạng gan bị xơ hóa không thực hiện được các chức năng bình thường của gan. Gan là một cơ gan lớn nhất và quan trọng nhất cơ thể đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.

Vì vậy, khi bị xơ gan sẽ ảnh hưởng nhiều chức năng trong cơ thể. Nguyên nhân gây xơ gan ở nước ta gặp nhiều nhất là rượu bia, viêm gan siêu vi B và C, viêm gan do thuốc, viêm gan tự miễn, viêm gan do các bệnh lý đường mật.

Xơ gan thường giai đoạn đầu bệnh nhân ít có triệu chứng rõ ràng, chỉ cảm thấy mệt, ăn uống khó tiêu, đến giai đoạn trễ hơn sẽ có vàng da, vàng mắt, bụng to, phù chân, chẩn đoán giai đoạn càng trễ việc điều trị càng kém hiệu quả.

Xơ gan có thể gây ra các biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, nhiễm trùng, suy thận…

Chúc chị sức khỏe!

- Phan Văn Linh, 32 tuổi - ĐT: 0963 934…

Hôm nọ tôi đọc được một bài viết có thông tin rằng cả gia đình có 5 người bị bệnh ung thư gan, hầu hết con cái đều lần lượt qua đời ở tuổi 30-40.

Tôi muốn hỏi BS là tại sao có gia đình cả nhà đều bị ung thư gan như vậy ạ? Vậy ung thư gan có thể do di truyền phải không ạ? Nếu trong anh em, có người chết vì ung thư gan, thì khả năng người đó sẽ bị ung thư gan ạ?

Có thể phòng tránh ung thư gan bằng cách nào? Thưa bác sĩ, vì sao ung thư gan là chết nhanh hơn các loại ung thư khác? Nếu ung thư gan phát hiện sớm thì tỷ lệ sống sót có cao không ạ? Các xét nghiệm tầm soát ung thư gan?

Xin lỗi bác sĩ vì tôi tham lam hỏi nhiều, nhưng mong bác sĩ giúp trả lời cho tôi với. Cảm ơn bác sĩ và chương trình AloBacsi nhiều thật nhiều.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em Linh,

Ở nước ta tỷ lệ nhiễm siêu vi B khá cao (20% dân số), điều quan trọng đường lây nhiễm siêu vi B ở nước ta đa số là từ mẹ truyền cho con. Chính vì vậy, có những gia đình tất cả anh chị em cùng bị nhiễm viêm gan siêu vi B và đêu có nguy cơ xơ gan, ung thư gan do siêu vi B.

Hiện nay, chúng ta đã có thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi B vì vậy tất cả mọi người đều nên làm xét nghiệm tầm soát và chích ngừa viêm gan siêu vi B nếu chưa bị nhiễm.

Ung thư gan là một loại ung thư có tính ác cao. Thời gian đưa đến tử vong ngắn. Tuy nhiên, ngày nay ung thư gan đã có nhiều phương pháp điều trị tiên tiến giúp kéo dài thời gian sống như: phẫu thuật, đốt u gan bằng sóng cao tần, bơm hóa chất điều trị ung thư gan… Với những phương pháp điều trị này, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm việc điều trị ung thư gan cũng đem đến hiệu quả khá cao.

Chúng ta có thể tầm soát ung thư gan bằng các xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư gan, siêu âm gan, CT gan… Đặc biệt, các phương pháp tầm soát này cần phải thực hiện định kỳ ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ (người nhiễm virus viêm gan B, C, người uống rượu…).

Đôi điều chia sẻ cùng bạn.


- Trương Minh Mỹ - Chương Mỹ, Hà Nội

Thân gửi AloBacsi,

Đọc thấy AloBacsi chuẩn bị giao lưu với TS Tuyết Phượng về bệnh viêm gan, mừng quá, cho phép  tôi gửi câu hỏi nhờ BS Phượng tư vấn giúp.

Con gái tôi 29 tuổi, đã lập gia đình cách đây 3 năm, hiện có một bé trai kháu khỉnh 2.5 tuổi. Trong một lần đi khám BS bảo con bé bị viêm gan B virus đang hoạt động (gia đình tôi không có ai bị bệnh này cả), từ đó gia đình chồng con bé cấm tiệt không cho gần con, mọi hoạt động trong gia đình đều không cho con bé làm cùng vì bệnh này lây nhiễm. Kể cả ăn uống cũng thế, con tôi phải ăn riêng, uống riêng. Tủi thân nên cháu nó đến khóc cùng tôi. Tôi cũng hoang mang lắm, không hiểu vì sao gia đình không có ai bị mà cháu nó phải gánh lấy căn bệnh này?

Xin hỏi BS liệu có đúng căn bệnh này lây nhiễm đến mức này mà gia đình xui gia lại như thế với con tôi? Bây giờ cháu nó phải giải thích thế nào về căn bệnh này để gia đình chồng có thể hiểu và thông cảm thưa BS?

Xin hỏi BS bệnh của con tôi có chữa khỏi được không? Có được ăn uống, sinh hoạt và gần gũi mọi người không? Tôi cũng nghe bảo viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan nên rất lo lắng. Tìm hiểu thông tin trên mạng nhiều quá nên cũng không biết cái nào đúng, cái nào sai. Mong nhận được sự tư vấn của BS Phượng.

Cảm ơn AloBacsi, cảm ơn BS Phượng nhiều lắm.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Thưa bác Minh Mỹ,

Viêm gan siêu vi B chỉ lây qua 3 đường: đường máu, đường tình dục, đường mẹ truyền cho con, không lây qua các đường tiếp xúc thông thường như ăn uống, chăm sóc con…

Trường hợp của con bác nên tầm soát tình trạng nhiễm siêu vi B của chồng và cháu trai. Những hành động chăm sóc thông thường không lây nhiễm cần giải thích cho gia đình chồng hiểu để không quá lo lắng và gây bi quan cho người bệnh.

Chỉ 20% những người nhiễm siêu vi B mới có nguy cơ đưa đến xơ gan, ung thư gan. Đa số những người nhiễm siêu vi B vẫn sinh hoạt khỏe mạnh, làm việc bình thường cho đến tuổi già mà không bị biến chứng gì. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe tốt những người nhiễm siêu vi B cần theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa.


- Lê Thị Vân - Tuy Hoà

Thưa BS,

Em là nữ, 21 tuổi, xét nghiệm viêm gan B dương tính. Kết quả xét nghiệm HBV DNA taqman tháng 6 là 2480640000 và 9.40 log10. Được cho dùng thuốc Tenofovir stada 300mg và Hepa nic extra 3 ngày rồi ạ.

Sau khi dùng thuốc em cảm thấy cơ thể mệt mỏi, và khó chịu, đau nhẹ ở dạ dày, đi ngoài phân màu đen và vữa ạ. Cho em hỏi bệnh tình em thế nào thưa BS? Có nguy hiểm không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em Vân,

Xét nghiệm HBV DNA taqman 2480640000 và 9.40 log10 nói lên tình trạng virus viêm gan siêu vi B cao, nếu men gan tăng cao thì em là dạng nhiễm siêu vi B hoạt động có chỉ định điều trị đặc trị (tenofovir stada 300mg).

Tuy nhiên, nếu cơ thể em vẫn mệt mỏi, khó chịu, đau ở vùng dạ dày và đi tiêu phân đen em cần tầm soát bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, theo bác sĩ em phải đi khám lại để có chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.


- Do Thi Hue - dothing…@gmail.com

Chào BS,

Nhà em có người bệnh nhiễm virut Hp, bệnh này em nghe nói dễ lây cho người khác vậy xin hỏi em và con em được 2 tuổi thường hay tiếp xúc ăn uống chung với người bị nhiễm virut Hp có bị lây nhiễm cao không? Hiện tại người này đang uống thuốc điều trị được 3 ngày rồi ạ.

Cho em hỏi thêm đó là tay em có dính chì hoặc thiếc hàn, em đụng chạm vào người bé và cầm đồ ăn cho cháu ăn, vậy bé có bị ảnh hưởng gì không? Xin BS tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Vi trùng Hp lây nhiễm qua đường tiêu hóa, nếu ăn uống chung với người có vi trùng Hp vẫn có thể bị lây nhiễm.

Chì hàn là những kim loại không an toàn cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em nên khi chăm sóc bé em nên rửa tay sạch trước khi cho bé ăn để không bị ảnh hưởng cho bé.


- Tran Lam - TPHCM

Em ăn cơm 3 tiếng trước khi làm các xét nghiệm AST, ALT, GGT, Creatinin máu. Kết quả chỉ số giảm một nửa so với 2.5 tháng trước.

Em đang mang thai 21 tuần, chỉ uống thuốc Elevit vitamin tổng hợp và dầu cá, chưa uống thuốc về gan. Thức ăn có làm sai lệch kết quả xét nghiệm không ạ? Vì sao em không uống thuốc mà men lại hạ nhanh vậy? Cám ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Tran Lam thân mến,

Xét nghiệm máu sau ăn 3 tiếng thường không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Chỉ số men gan em giảm so với 2.5 tháng trước có thể là do em không còn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ làm tăng men gan (các loại thuốc giảm đau, chất có cồn, hóa chất, phẩm màu…).

Tuy nhiên, em cũng nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa để tìm thêm các nguyên nhân gây tổn thương gan khác. Ví dụ như viêm gan siêu vi B, C.


- Đoàn Anh Cương - Quảng Bình

Chào AloBacsi,

Em là nam, dạo gần đây em thường đau bụng âm ỉ khó chịuở hố chậu phải và mạn sườn phải, mệt mỏi, cảm giác nóng trong cơ thể.Em đi đại tiện phân nát không thành khuôn, đầu phân nhỏ vón cục cuối phân thì nát, phân có nhầy.

Lâu lâu em đau bụng là bị tiêu chảy, đi ngoài toàn nhầy, phân có thức ăn chưa tiêu hóa hết, thỉnh thoảng có nhầy máu. Cảm giác sôi bụng, người thì lâu lâu nổi mẩn ngứa rất khó chịu.Em stress, lo lắng và thấy đau đầu, sụt cân, ốm yếu.

Em đi khám bác sĩ ở Quảng Bình thì BS cho chụp X-quang đại tràng chẩn đoán viêm đại tràng co thắt. Về uống thuốc không đỡ thì em ra Hà Nội khám tại BV Bạch Mai thì BS cho nội soi dạ dày và đại tràng. Kết quả dạ dày bị viêm niêm mạc và soi đại tràng thì bị trĩ nội độ 1 và chẩn đoán bị viêm niêm mạc dạ dày và IBS.

Mong BS tư vấn ạ. Liệu em có bị bệnh gì ở ruột non không ạ?Em đi siêu âm kết quả bình thường. Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Em Cương thân mến,

Tất cả những triệu chứng rối loạn đi cầu, đau bụng của em đã được bệnh viện chẩn đoán, nội soi dạ dày đại tràng vì vậy có thể tạm thời yên tâm những nguyên nhân nguy hiểm do bệnh lý ở đại tràng. Tổn thương ở ruột non cũng có thể có nhưng tỷ lệ ít hơn. Nếu đã được bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán và hướng dẫn điều trị em nên theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, em cần tham vấn với bác sĩ chuyên khoa để tầm soát sâu hơn về các bệnh lý tiêu hóa gan mật. Đặc biệt, khi những triệu chứng của em gây ảnh hưởng đến tổng trạng như sụt cân, thiếu máu, phân có máu…


- Phan Huy - Ninh Bình

Xin hỏi BS Phượng,

Người bệnh có tiền sử viêm gan B thì Anti HBs bao nhiêu là tốt nhất, nếu trị số đó thấp cần điều trị thế nào để nâng trị số Anti HBs lên cho thích hợp ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào bác Huy,

Người nhiễm siêu vi B cấp tính có thể khỏi bệnh và tạo được kháng thể. Anti HBs >10IU/l là chỉ số có thể bảo vệ được cơ thể khỏi nhiễm siêu vi B.


- Lê Ngọc Nhi - chuotn...@gmail.com

Chào BS, em năm nay 27 tuổi, lúc trước cơ thể em bình thường.

Hiện trạng bệnh em đã kéo dài hơn 1 tháng, hay bị đau quanh bụng, đi ngoài 1 ngày đến 4 - 5 lần. Em cũng đi khám và nằm viện lại bệnh viện tư được vài ngày, có nội soi dạ dày BS bảo em bị viêm dạ dày nhẹ, cho thuốc và men vi sinh uống nhưng vẫn đau bụng và đi ngoài phân sống ngày 2 - 3 lần.

Thấy vậy em đi CT bụng thì kết quả bình thường, xét nghiệm máu cũng bình thường, xét nghiệm phân cũng chỉ chẩn đoán em bị rối loạn tiêu hóa và bị nhiễm trùng đường ruột.

Em yêu cầu nọi soi đại tràng thì BS bảo bệnh của em không cần nọi soi, cho em ra viện và cho thuốc uống nhưng em không thấy gì là khả quan. Ăn gì thì đi ra đó, phân có lúc lỏng có khi đặc nhưng không thành khuôn, bã, có chất nhầy bám như dịch mũi, mùi tanh.

Bây giờ làm tinh thần em càng ngày càng suy sụp lo âu, mong BS AloBacsi chuyển thắc mắc của em đến BS Tuyết Phượng của BV Nhân dân 115 tư vấn giúp em ạ. Em nên đi khám ở đâu và chiệu chứng của em là bệnh gì, đi nội soi đại tràng ở đâu, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của em không?

Em chân thành cảm ơn AloBacsi và BS Phượng ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Em Ngọc Nhi thân mến,

Các triệu chứng của em có thể hướng về bệnh lý đường tiêu hóa, tuy nhiên một vài thể bệnh tiêu hóa chức năng có thể làm kéo dài nhưng không nguy hiểm tính mạng.

Nếu chưa an tâm về tình trạng bệnh em có thể nội soi đại tràng, hiện tại khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115 có khám và chỉ định nội soi đại tràng, em có thể liên hệ.


- Lâm Tuyết Ngân - lamtuyet…@gmail.com

AloBacsi ơi, cho em hỏi nếu bị viêm dạ dày tá tràng mà ăn không đúng cách ăn những thực phẩm không nên sẽ gây ra những triệu chứng và nguy hiểm như thế nào? Em xin cảm ơn.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Tuyết Ngân thân mến,

Chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng viêm dạ dày tá tràng, vì thế bệnh nhân nên tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

- Ăn uống điều độ, không ăn quá no cũng đừng nhịn đói quá lâu.

- Giờ ăn tối nên cách giờ đi ngủ từ 3-4 tiếng, không nên ăn quá khuya.

- Hạn chế các chất kích thích như: rượu bia, thực phẩm có gas, thực phẩm nhiều gia vị.

- Đừng ăn quá mặn, quá nhiều chất béo.

- Ngoài ra, cũng cần phải sắp xếp công việc làm đừng để căng thẳng thần kinh quá mức cũng ảnh hưởng đến dạ dày.

- Ha Kim - hakim…@gmail.com

BS cho em hỏi em có ngậm kẹo cay con tàu, em ngậm được 1 tiếng thì đi test hơi thở Hp thì độ chính xác có cao không ạ? Vì em nghe BS bảo không uống thuốc bao tử với kháng sinh hoặc ăn uống trước lúc test?

Em làm theo đúng nhưng chỉ ngậm kẹo thì kết quả có chính xác không với chẩn đoán em hết Hp và còn bị trào ngược thì tim em vẫn đập đánh trống ngực mỗi lần đi lại hay lau nhà mặc dù siêu âm tim đều bình thường ạ?

Em muốn hỏi thêm là bị bao tử Hp, trào ngược dạ dày có được ăn cua không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Điều kiện làm test hơi thở để chẩn đoán Hp bệnh nhân phải ngưng kháng sinh và các thuốc ức chế tiết axit 2-4 tuần, phải nhịn đói 4 tiếng trước khi làm xét nghiệm.

Trào ngược dạ dày thực quản có nhiều triệu chứng gián tiếp như hồi hộp đánh trống ngực, đau ngực, ho, khàn tiếng… Thời gian điều trị phải từ 4-8 tuần mới có hiệu quả.

Trào ngược dạ dày, nhiễm Hp vẫn có thể ăn cua được nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


- Nguyễn Thị Bích Liên - ntb…@gmail.com

Xin chào BS,

Em năm nay 31 tuổi, cách đây 10 năm em có mắc bệnh viêm dạ dày. Năm 2008 em đi khám và mua thuốc tại BV ĐH Y Dược TPHCM uống và hết bệnh được khoảng một thời gian thì tái phát. Tôi tiếp tục đi khám tại Trung tâm Hòa Hỏa được chẩn đoán là viêm hang vị.

Đến năm 2013 thì dạ dày bị lại, triệu chứng là ợ hơi, buổi sáng hay muốn nôn, mệt mỏi trong người. Mỗi lần mấy triệu chứng đó xuất hiện thì bị tăng huyết áp (bị tăng huyết áp trong khoảng 1 năm) và phải nằm viện điều trị vài lần.

Đến tháng 1/2017 em đi khám tại BV Trung tâm An Giang được bác sĩ chỉ định thuốc uống (chỉ là các loại thuốc điều trị dạ dày không có thuốc điều trị huyết áp) thì bệnh thuyên giảm huyết áp trở lại bình thường (theo dõi huyết áp 3 lần/ngày, em bắt đầu theo dõi huyết áp từ tháng 1/2017 đến nay).

Vậy BS cho em hỏi bệnh tăng huyết áp của em có phải ảnh hưởng từ bệnh dạ dày không? Làm sao để điều trị dứt điểm bệnh dạ dày? Bệnh tăng huyết áp của em có bị tái lại nữa không? (Hiện tại, đôi lúc dạ dày bị đau và khó chịu nhưng huyết áp vẫn bình thường).

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Bệnh dạ dày cũng như tình trạng tăng huyết áp triệu chứng liên quan nhiều đến yếu tố thần kinh, tâm lý, tâm trạng căng thẳng, lo âu, công việc nhiều áp lực. Do vậy em cần xác định phải điều chỉnh lối sống giảm áp lực, giảm lo lắng, phối hợp với theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì mới có hiệu quả.


- Bạn đọc tên Phụng - Quận 12, TPHCM

Em xin chào BS,

Dạo gần đây em có vài triệu chứng bệnh em nghi là viêm đại tràng. Em đọc thông tin thì có 2 loại soi thông thường và có thuốc tê. Vậy BS cho em hỏi lần đầu là BS sẽ khám sơ bộ cho em khi nào có nghi vấn mới nội soi hay cần phải nội sôi luôn ạ. Vì em là công nhân nên chi phí em có phần hơi e dè. Em cảm ơn BS ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em Phụng,

Triệu chứng bệnh lý tiêu hóa rất đa dạng, nhiều bệnh lý chỉ là những triệu chứng cơ năng vì vậy em cần được bác sĩ khám, nếu có chỉ định thì mới nội soi.

Hiện tại, có 2 hình thức nội soi: nội soi thông thường (chỉ gây tê tại chỗ) và nội soi gây mê.


- Trương Thị Thùy Linh, 46 tuổi - Tiền Giang

Chào BS,

Tôi có thắc mắc về tình trạng bệnh của mình mong BS giải đáp giúp tôi. Tôi có triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, thường xuyên cảm.Đi khám sức khỏe tổng quát tại TT Y khoa Hòa Hảo, BS chẩn đoán tôi bị nhiễm gan B, gan nhiễm mỡ.

Kết quả xét nghiệm: HBsAg (định tính) POS S/Co 4530 (Index <1; S/Co <1) Anti HBs (Định lượng) 0.26 (>= 10 mUI/ml). SGOT (AST) 20.51 ; ALT 19.04; Acid uric 5,77.

BS nói bệnh tôi nhẹ, nhưng cho toa thuốc: Livosil, Alcomet và Phil-argin, sử dụng hằng ngày và trong một tháng, 6 tháng sau tái khám.

Mong BS giải đáp chỉ số HBsAg và Anti HBs giúp tôi, chỉ số Anti HBs này có giúp tôi kháng lại virus HBV hay không, tình trạng bệnh của tôi hiện nay nặng hay nhẹ và có khả năng lây nhiễm cho người thân cao hay không? Chồng tôi có kết quả âm tính.

Tôi có nên dùng thêm các thực phẩm chức năng như giải độc gan Tuệ Linh (cà gai leo) hay Hewel không? Tôi sợ dùng không đúng chỉ định sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Cảm ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào chị Thùy Linh,

HbsAg dương tính chứng tỏ chị đã nhiễm viêm gan siêu vi B.

Anti HBs là kháng thể chứng tỏ cơ thể đã thải trừ hoặc miễn nhiễm với siêu vi B, nghĩa là những người đã nhiễm siêu vi B thì chỉ số này âm tính.

Tình trạng nhiễm siêu vi B của chị ở dạng không hoạt động nên chị cần theo dõi mỗi 3-6 tháng chưa chỉ định điều trị đặc trị.

Thực phẩm chức năng, các thuốc giải độc gan không có tác dụng trong điều trị virus viêm gan B, chỉ có tác dụng hỗ trợ.


- Vu Hoai - vuuh…@gmail.com

Em chào AloBacsi ạ,

AloBacsi cho em hỏi siêu âm có thể phát hiện bệnh cơ tuyến túi mật tỷ lệ chính xác bao nhiêu %? Mong BS tư vấn cách điều trị hiểu quả nhất. Cám ơn BS nhiều ạ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Vu Hoai thân mến,

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán khá chính xác tổn thương túi mật, tuy nhiên để xác định bản chất tổn thương là gì (u cơ, sỏi, nang…) cần phải kết hợp một số phương tiện chẩn đoán khác.


- Hoàng Kim- Bạc Liêu

Chào BS,

Em đi khám bệnh viện tỉnh nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết quả bị viêm sướt nhô cao hang vị mức độ vừa, viêm phình vị, clotest dương tính. BS cho em hỏi bệnh của em có nguy hiểm và có chữa khỏi được không?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Kết quả của em bị viêm sướt nhô cao hang vị mức độ vừa, viêm phình vị, clotest dương tính là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có nguy cơ tái phát và tái nhiễm.


- Nguyễn Minh Hà - Quảng Nam

Chào BS,

Em năm nay 25 tuổi,bị viêm gan B mà 2 năm nay do bận rộn công việc nên chưa đi xét nghiệm lại men gan. BS cho em hỏi là giờ em muốn xét nghiêm tình trạng men gan thì cần phải xét nghiệm những loại nào ạ. Cảm ơn BS!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Minh Hà thân mến,

Bạn cần phải làm thêm các xét nghiệm sau: HbeAg, Anti Hbe, AST, ALT, công thức máu, AFP, siêu âm bụng. Tùy thuộc vào các kết quả này bác sĩ sẽ chỉ định thêm nếu cần thiết. Tất cả các xét nghiệm này đều có thể thực hiện tại BV Nhân dân 115, chi phí không cao lắm.

- Mạnh Thắng - thang…@gmail.com

Tôi là Thắng, 32 tuổi, khoảng 3 tháng nay tôi bị sút gần 3kg, triệu chứng là buổi sáng ngay khi thức dậy hay khạc ra nước vàng lúc sẫm lúc nhạt, có hôm nửa đêm 2h bị tỉnh ngủ cũng khạc, (dịch khạc này để 1 lúc có kiến bâu vào).

Biểu hiện nữa là khi hít sâu hóp ngực tôi có cảm giác rát nhẹ trong ngực.

Hôm 28/6 tôi có đi xét nghiệm tiêu hóa và thấy hình ảnh ở thực quản có nhợt trắng và đại tràng có nhiều mạch máu nổi mẩn đỏ nhưng sao BS ghi kết quả là bình thường?

Các thông số xét nghiệm máu của tôi có bất thường không? Và nguyên nhân, mức độ nguy hiểm thế nào?

Một biểu hiện nữa là tôi bị són tiểu tức là khi đi tiểu xong sau đó 1 lúc làm gì đó như cúi xuống hoặc hắt xì hơi là bị són ra 2-3 giọt tiểu (có cảm giác tiểu còn sót nằm ở ngay dưới bao quy đầu). Tôi đã siêu âm tiền liệt tuyến BS bảo "kích thước không to, nhu mô đều".

Đơn thuốc BS đưa ra nhưng tôi đã đề nghị không diệt virus Hp+ vì cách đây 4 năm tôi đã bị viêm hang vị và điều trị khỏi hết virus Hp+ nhưng nay nó tái phát, tôi sợ tái phát lần nữa sẽ khó chữa nên không diệt virus Hp+.

Xin hỏi BS nếu cần khám chuyên khoa gan mật, nam khoa thì tôi nên khám ở đâu tại Hà Nội?Xin cảm ơn BS tư vấn.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào bạn Thắng,

Với những triệu chứng của bạn, bác sĩ nghĩ bạn nên tầm soát bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là tình trạng nhiễm vi trùng lao.

Tại Hà Nội tất cả các bệnh viện đa khoa đều có chuyên khoa về gan mật, nam khoa, bạn có thể liên hệ bệnh viện đa khoa theo tuyến BHYT hoặc ở gần nơi bạn sinh sống.


- Dương Ngô - ngothanh…@gmail.com

Chào BS,

Đợt vừa rồi mình có đi khám sức khoẻ và nhận được kết quả như sau: - GOT/ASAT: 42 - GPT/ALAT: 65 - Gama GT: 57 - Cyfra 21-1: 4,2 - H.Pylori : Dương tính. Mình có gửi kèm kết quả xét nghiệm để bác sĩ tiện kiểm tra.

Kính mong BS quan tâm và cho mình biết sức khoẻ hiện tại của mình để mình có phương án tốt hơn cho bản thân. Chân thành cảm ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Dương Ngô thân mến,

Các xét nghiệm của bạn có các vấn đề cần phải lưu ý:

- Men gan tăng vì vậy cần tầm soát các nguyên nhân làm tăng men gan. Tuy nhiên, bạn không bị nhiễm virus B, C cần lưu ý rượu bia, các loại thuốc giảm đau, các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

- Test H.Pylori dương tính bạn nên được tư vấn bởi BS chuyên khoa về tiêu hóa để chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán có giá trị hơn và chỉ định tiệt trừ nếu cần.


- Manh Phung - man…@yahoo.com.vn

Kính gửi AloBacsi,

- Ngày 9/5/2017 tôi có thực hiện khám và chữa bệnh tại BV (Hồ sơ theo file đính kèm)

- Được BS Đoàn Văn Long cùng các cộng sự khám và kết luận.

+ Trong quá trình uống thuốc thì tôi thấy không còn hiện tượng đau bụng buổi sáng và đi ngoài phân sống nữa.

+ Sau khi uống hết thuốc tôi lại thấy hiện tượng đau bụng và đi ngoài phân sống. Rất mong quý BS tư vấn tôi có phải khám hay uống thuốc nữa không? Hình ảnh phần bụng đau (Phần khoanh tròn đỏ).



TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào anh,

Anh bị dạ dày và đa polyp đại tràng, uống thuốc theo toa của bác sĩ có thuyên giảm nhưng chưa khỏi. Vì vậy, anh cần phải khám lại, trình bày những vấn đề còn tồn tại để bác sĩ điều chỉnh và lựa chọn các thuốc có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, tình trạng đa polyp đại tràng của anh cần phải theo dõi định kỳ.


- Nhật Trường - phamvan…@gmail.com

Kính gửi BS,

Hiện tại em 26 tuổi, có đi xét nghiệm và định lượng viêm gan B thì kết quả men gan không tăng hơn mức bình thường. Nhưng có sự xuất hiện kháng nguyên viêm gan B và định lượng viêm gan B với số lượng như file đính kèm.



Em đi khám và được BS kê toa như sau: Emtercavir 500mg 30 viên, B.D.D 7,5mg 60 viên, uống trong 1 tháng, mỗi ngày uống 1 lần vào buổi sáng. BS yêu cầu sau khi uống hết thuốc thì đi định lượng lại.

Vậy cho em hỏi với trường hợp của em có nên sử dụng B.D.D 7,5mg không và điều trị như trên đã hiệu quả và phù hợp với phác đồ điều trị viêm gan B chưa ạ?

Vì theo em được biết B.D.D đã bị cục quản lý dược đình chỉ từ 2015 nên sử dụng trong điều trị như toa thuốc này có ảnh hưởng đến sức khỏe và tiến trình điều trị không ạ?

Kính mong BS cho em xin lời khuyên và hướng điều trị hợp lý cũng như các thói quen sống hàng ngày nên và không nên để nhanh chóng khỏi bệnh. Em xin chân thành cảm ơn!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Trong 2 thuốc em được bác sĩ kê toa, Entercavir 0.5mg là thuốc đặc trị viêm gan virus B, nếu đã chỉ định điều trị cần phải uống liên tục và theo dõi định kỳ.

B.D.D chỉ là thuốc hỗ trợ, em có thể xin ý kiến bác sĩ điều trị nếu không muốn sử dụng.


- Tuấn Anh - tuananh…@gmail.com

BS cho cháu hỏi với kết quả xét nghiệm như vậy thì bệnh viêm gan B của cháu có nguy hiểm không? Khả năng khỏi bệnh có cao không? Xin cảm ơn BS.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào cháu,

Các kết quả xét nghiệm viêm gan B của cháu xác định cháu bị nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động, nguy cơ biến chứng không cao, có thể chưa cần điều trị đặc trị.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý cháu có xét nghiệm Bilirubin tăng hơn trị số bình thường cần phải tầm soát thêm các nguyên nhân khác. Cháu có thể khám ở các bệnh viện đa khoa hoặc nếu thuận tiện có thể liên hệ khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115.


- Bạn đọc Hoa - Hhoa…@gmai.com

Chào bác sĩ,

Em chích ngừa viêm gan A, B được 2 mũi, mũi 1 ngày 20/4/2017 mũi 2 20/5/2017 bác sĩ hẹn em chích mũi 3 ngày 20/11/2017 cho e hỏi vậy tháng 7 này em mang thai được không ạ có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em,

Em vẫn có thể mang thai vào tháng thứ 7 nhưng mũi chích thứ 3 phải hoãn lại đến khi nào em sanh xong thì kiểm tra lại và tiêm mũi thứ 3.


- Nguyễn Thị Hiền - Quảng Ninh

Chào bác sĩ!

Em 28 tuổi, hiện đã có 1 bé gái 3 tuổi, cách đây 6 tháng em đi khám sức khỏe để chuẩn bị sinh bé thứ 2 thì phát hiện dương tính với virus viêm gan B, em có làm thêm xét nghiệm HbeAg (nhanh), xét nghiệm đếm tải lượng virus, và xét nghiệm men gan cho kết quả như sau:

- HBsAg: dương tính

- HbeAg (nhanh): dương tính

- HBV-DNA định lượng: mẫu dương tính: 4.10x10^8 copies/ml

- GOT (AST): 27.93 u/L

- GPT (ALT): 32.94 u/L

Ngày 1/6/2017 em đi khám và phát hiện có thai em đã làm lại xét nghiệm men gan cho kết quả:

- GOT: 21.77

- GPT: 31.27

- Bilirubin-T: 7.19

- Bilirubin-D: 2.35

Với kết quả trên bác sĩ cho em hỏi tình trạng bệnh của em như thế nào? Là người lành mang bệnh hay viêm gan cấp, mãn tính?

Lúc có bầu bé thứ nhất em không đi xét nghiệm nên ko biết em đã bị nhiễm virus hay chưa, con em lúc sinh ra chỉ tiêm vacxin viêm gan B nhưng làm xét nghiệm cháu âm tính với virus viêm gan B, chồng em cũng âm tính với virus vg B.

Bác sĩ cho em hỏi trong quá trình mang thai lần này em cần phải làm những xét nghiệm nào? Tỷ lệ em lây cho con em có cao không? Em nên dùng thuốc gì và dùng vào thời điểm nào để giảm khả năng lây bệnh cho con? Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Chào em Hiền,

Với các kết quả xét nghiệm của em thì hiện tại em đã nhiễm virus viêm gan B đang hoạt động, do đó em cần khám bác sĩ chuyên khoa Gan mật có thể bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị tiệt trừ siêu vi nhằm mục đích: giảm nguy cơ gây tổn thương và những biến chứng nguy hiểm của siêu vi B cho em, giảm tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi.

Em bé sanh ra cần phải được chích ngừa viêm gan siêu vi B trong vòng 24g đầu tiên để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X