Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Đinh Vinh Quang giải đáp: Hay quên, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer

Làm sao để phân biệt tình trạng hay quên, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer? Có cách nào để tránh hay trì hoãn tình trạng này? TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về vấn đề này.

TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Trí nhớ của chúng ta được hình thành và lưu giữ như thế nào, được chia làm mấy loại, thưa BS?

Trí nhớ là chức năng nhận thức cho phép chúng ta ghi nhớ, lưu trữ và truy xuất những thông tin đã được học. Quá trình hình thành trí nhớ bao gồm ghi nhớ, củng cố, tái hiện và sự quên.

Trí nhớ của chúng ta trước khi có trí nhớ thì phải qua quá trình hình thành. Chúng ta biết rằng, khi gặp một sự việc, hiện tượng nào đó thì bộ não sẽ ghi nhớ các sự kiện và hiện tượng này. Sau đó là một quá trình lưu trữ và củng cố lại các thông tin đã gặp và nhắc nhớ sự việc, hiện tượng đã xảy ra. Và chúng sẽ lặp đi lặp lại như vậy tạo thành một quá trình ghi nhớ, được chuyển từ trí nhớ tạm thời thành trí nhớ dài hạn.

Khi chúng ta gợi nhớ về một vấn đề nào đó đã được gặp hoặc trải qua thì lúc này, trí nhớ sẽ được tái hiện lại sự việc đó. Đây là quá trình mà trí nhớ được hình thành và tạo thành trí nhớ.

Trí nhớ được chia làm 3 loại, bao gồm trí nhớ tức thì, ngắn hạn và dài hạn.

+ Trí nhớ tức thì: hay còn gọi là trí nhớ giác quan, là khả năng ghi nhận thông tin, được đánh giá qua những bài đánh giá như lặp lại một chuỗi số theo thứ tự xuôi và ngược

Trí nhớ ngắn hạn còn được gọi là trí nhớ công việc, được đánh giá qua quá trình mã hóa thông tin mới như danh sách các từ, một câu chuyện hay những hình vẽ.

+ Trí nhớ ngắn hạn được chia thành:

- Nhớ lại tự do: bệnh nhân được yêu cầu liệt kê lại những từ, hình ảnh, hoặc nội dung của câu chuyện càng nhiều càng tốt;

- Nhớ lại từng phần: người bệnh được yêu cầu nhớ lại một thành phần của câu chuyện như “hãy liệt kê tên con vật xuất hiện trong câu chuyện” hay “liệt kê các món ăn xuất hiện trong câu chuyện”;

- Trí nhớ nhận diện: người khám được yêu cầu tìm vật như tìm hình quả táo hay hình con sư tử trong những xấp hình.

+ Trí nhớ dài hạn: được lưu trữ trong một thời gian dài và được phân loại thành trí nhớ diễn đạt và trí nhớ không diễn đạt.Trí nhớ diễn đạt được đánh giá khi yêu cầu bệnh nhân kể ra những kiến thức có được qua học tập, giáo dục và trải nghiệm cá nhân. (Ví dụ qua học tập, chúng ta biết được Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc năm 1945 và qua trải nghiệm cá nhân, chúng ta nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, ngôi trường đã học).

Trí nhớ không diễn đạt liên quan đến những kiến thức học được qua công việc hằng ngày (ví dụ như học cách lái xe đạp, cách chơi một môn  thể thao).

2. Nhờ BS cho biết vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ nằm ở vị trí nào trên đầu, và nếu xảy ra va đập thì có nguy cơ ảnh hưởng đến trí nhớ ạ?

Khi có một sự va đập vào bộ não, nếu bị ảnh hưởng đến các vùng não của 2 bên thùy thái dương hoặc thùy trán (ở phía trước trán) thì sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta. Bởi những vùng này có các nơ-ron về thần kinh, lưu trữ các hiện tượng, sự kiện đã xảy ra và sau đó chuyển từ vùng hồi hải mã để tạo thành vùng trí nhớ dài hạn.

Khi những vùng thái dương hoặc vùng trán trước nhưng bị ảnh hưởng, bị va đập và làm cho các tế bào não bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ.

3. Nhiều người quan niệm lớn tuổi rồi, hay quên là đương nhiên. Vậy làm sao để nhận biết tình trạng hay quên này là bình thường hay là bệnh Alzheimer, thưa BS?

Khi không thể nhớ được các sự việc, hiện tượng mà chúng ta đã trải qua, đã chứng kiến, nếu như những rối loạn về trí nhớ này chỉ ảnh hưởng đến 1 giai đoạn ngắn hoặc ảnh hưởng ít đến công việc hằng ngày thì khi đó chưa phải là bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ.

Nhưng khi trí nhớ bị giảm sút nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và hành vi của chúng ta, quên mất các việc vừa xảy ra, hay khó khăn để tư duy được các việc sắp tới, lên kế hoạch sẽ làm những gì… hay không nhớ đường để đi về nhà thì đây là mức độ trí nhớ đã bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí có thể bạn đã mắc bệnh lý Alzheimer.

Như vậy, để phân biệt rối loạn trí nhớ thông thường và bệnh Alzheimer thì các bác sĩ sẽ thực hiện 1 số bài kiểm tra cho người bệnh, trong đó bệnh nhân trả lời các câu hoặc thực hiện một số yêu cầu. Qua đó, dựa vào chỉ số của các thang điểm, nếu như thang điểm đó thuộc kết quả là rối loạn trí nhớ thì bệnh nhân không mắc bệnh Alzheimer. Nếu như thang điểm này có các chỉ số để chẩn đoán rằng bạn đã bị Alzheimer thì lúc này bạn đã bị bệnh Alzheimer.

Vì vậy, bệnh nhân khi bị rối loạn về trí nhớ phải cảnh giác đến tình trạng bệnh lý mất trí nhớ do Alzheimer. Bệnh thường xuất hiện ở những người lớn tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi hoặc những người bệnh bị chấn thương đầu, chấn thương não trước đây hay người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh Alzheimer. Ngoài ra nếu bệnh nhân có các thói quen xấu như hút thuốc lá nhiều, bị các bệnh lý mãn tính (tim mạch, cao huyết áp, suy thận, suy gan…) thì những người này rất có khả năng bị bệnh Alzheimer.

Bên cạnh đó, bệnh Alzheimer bao gồm các đặc điểm sau:

- Ảnh hưởng đến công việc hoặc hoạt động sống hàng ngày.

- Chức năng hoạt động sống giảm hơn so với trước đây.

- Bệnh nhân quên không phải do sảng hoặc các bệnh lý tâm thần gây ra.

- Ghi nhận giảm chức năng nhận thức qua các thông tin của người bệnh hoặc người thân chăm sóc; và các test tầm soát  nhận thức hoặc khám chức năng nhận thức tại bệnh phòng.

Ảnh hưởng ít nhất 2 trong các chức năng nhận thức sau:

- Giảm khả năng học nhớ thông tin mới

- Giảm khả năng lý giải hoặc thực hiện các công việc phức tạp, khả năng đánh giá kém

- Giảm khả năng thị giác không gian

- Giảm chức năng ngôn ngữ

- Thay đổi cá tính hoặc hành vi tâm thần

(Còn tiếp)

Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X