Hotline 24/7
08983-08983

TS Vũ Thu Hương: Mẹ mong con trượt đại học năm tới?

“Sang năm con thi Đại học, tớ đã nói thẳng với con: Mẹ mong con trượt ĐH năm sau. Có thể ai cũng giật mình nhưng tớ không quan tâm con đỗ năm nào, vào ĐH năm nào”.

Sự việc gian lận trong chấm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia vẫn chưa có hồi kết khi hàng loạt bài thi điểm cao bất thường đang dần bị phơi bày ở nhiều địa phương. Sau Hà Giang, Bộ GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo rà soát, thanh tra quy trình chấm thi và điểm bài thi tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Sơn La.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, có nên tạm hoãn kỳ xét tuyển ĐH để thanh kiểm tra toàn bộ điểm thi. Điều này đã và đang gây hoang mang cho bậc phụ huynh và các thí sinh thi một cách công tâm và thực lực.

Là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS Vũ Thu Hương đã bày tỏ nhiều quan điểm về gian lận chấm thi kỳ thi THPT vvừa qua tại Hà Giang. Trong đó, đáng lưu ý là những câu chuyện thực tế đến kinh ngạc từ giảng đường ĐH mà chị chứng kiến.

“Năm kia, khi tiếp nhận học sinh K66, đó là năm đầu tiên thi theo hình thức 2 trong 1, tớ thật sự hoảng sợ khi sinh viên đỗ vào khoa tớ (điểm cực cao) lại có sự hiểu biết kinh hoàng.

Các em không hề biết nhà Trần có ông nào không phải là vua mà lại là anh hùng dân tộc (khi tớ yêu cầu kể ra 1 ông thì các em lúng túng và gãi đầu). Vua nhà Nguyễn được các em liệt kê có cả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi.

Ngay cả những kiến thức sơ giản như sông, núi, hồ ao, các em cũng không hề biết chứ đứng nói đến thứ xa xôi hơn.” - TS Thu Hương chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Mới đây nhất, TS Thu Hương đã chia sẻ một bài viết đầy xúc động dành cho cô con gái của mình khi chuẩn bị bước vào một kỳ thi ĐH sắp tới. Bài viết nêu quan điểm về cách dạy con tính chủ động, độc lập trong cuộc sống.

Hơn nữa, nhìn từ sự việc gian lận điểm từ các kỳ thi và bệnh thành tích trong học tập, TS Thu Hương đã đưa ra một cái nhìn mới, một cái nhìn tích cực mà trái với những suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh thời nay là “Con mình phải đạt kết quả học tập giỏi và đỗ đại học bằng mọi giá”.

Mục tiêu theo đuổi của chị là: “Dạy con học sống tốt, hi sinh hoàn toàn sự sĩ diện của bản thân”.

TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Đh Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: FB)

Xin trích nguyên văn bài viết của TS Vũ Thu Hương:

Mẹ mong con trượt đại học năm tới?

Cũng phải nói ngay từ đầu, con gái tớ có 1 điều ko may mắn là mẹ nó cực kì yếu ớt, bệnh tật đầy mình. Năm 6 tuổi, cháu đã có lần ôm lấy mẹ và hét ầm lên: “Bố ơi, cứu lấy mẹ”. Điều đó là thiệt thòi cực lớn nhưng cũng lại là 1 lí do để tớ dạy con đặc biệt. Không nói về chuyện khác, riêng chuyện học hành, tớ lựa chọn cho con những thứ mà hầu như ko ai lựa cả.

Đang ở Đức, visa vẫn còn hạn, còn có khả năng kéo dài thoải mái, tớ cho con về Việt Nam năm 6 tuổi, cái tuổi chuẩn bị đi học tiểu học. Lý do đơn giản: Con là người Việt, con cần phải học tiếng Việt, văn hóa Việt vì theo tớ, đó là gốc của con, một cô bé người Việt.

Mùng 1/9/2006 cả nhà về đến VN thì mùng 3/9 cháu đi khai giảng và mùng 5/9 cháu vào lớp học bài đầu tiên (Trường cháu là dân lập nên khai giảng chệch ngày). Vào lớp, tiếng Việt còn ko sõi, cháu bắt đầu từ đầu khi các bạn khác đã học trước khá nhiều. Đã vậy, tớ ko cho cô giáo giao bài tập cho con. Tớ làm đủ cách và cuối cùng cô cũng phải chấp nhận là riêng cháu sẽ ko có bài tập về nhà mà chỉ có bài tập cuối tuần.

Không quan tâm đến điểm số, tớ chỉ tập trung dạy con tự giác dạy sớm, chuẩn bị mọi thứ để đi học. Tớ dạy con trách nhiệm đi học. Câu cửa miệng tớ nói với nó là “Việc học là việc của con, không phải của mẹ”.

Là giảng viên đại học, tớ đủ sức dạy con rất nhiều kiến thức nhưng từ lớp 1 cho đến nay, tớ chưa bao giờ giảng cho con 1 câu nào. Điều tớ muốn là con phải tự tìm hiểu kiến thức qua trường lớp, sách vở và cô giáo nói là đúng, con phải nghe cô.

Tớ đã dạy để cháu tự giác mở sách ra làm bài tập cuối tuần không cần nhắc nhở. Nhiều hôm cháu quên, cháu còn tự thức dậy lúc 5h sáng để làm cho xong.

Điểm số của con, lời cô giáo chê bai con,…. tớ biết nhưng bỏ ngoài tai. Tớ ko bao giờ chuẩn bị đồ dùng cho con, ko mặc quần áo hay đút cơm cho con khi con đã quá tuổi lên 5. Thậm chí, tớ ko chải đầu cho con từ lúc đó. Chuyện con tớ có mái tóc bê bết và rối bù lúc tiểu học không còn là việc xa lạ nữa. Nhưng dần dần, cô gái của tớ biết mọi thứ việc.

Lớp 3, tớ chuyển con từ trường dân lập sang công lập. Tớ muốn con va chạm nhiều hơn để sống tốt trong 1 tập thể lớn hơn. Khi lớp kia đang là học sinh giỏi nhất, chuyển sang lớp đông hơn, con sẽ phải tự chiến đấu khá nhiều. Tự dưng chui vào 1 lớp đông gấp 3, 4 lần lớp cũ, cô giáo xa cách và đầu gấu hơn, bạn bè ghê gớm, thích bắt nạt, con tớ khóc ròng rã.

Thuê nhà gần trường, tớ để con tự đi bộ đến trường. Mấy ngày đầu con ko chịu đi học, tớ thuê 1 bạn sinh viên hàng ngày đến đưa con đi học và giao hẹn “bao giờ con tự đi được thì mẹ cho chị ấy nghỉ”. Hết 1 tháng, con tự xin mẹ cho chị sinh viên kia nghỉ vì con đã đi học 1 mình được rồi. Và con tớ bắt đầu sự học độc lập từ lúc đó.

Lên cấp 2, tớ chọn cho con trường gần nhà. Vẫn ko bao giờ mắng mỏ vụ điểm cao thấp, tớ chỉ mắng khi con không hoàn thành bài tập cô giao, không chỉn chu sách vở,… Con gái tớ được đánh giá là 1 bé có tố chất nhưng tớ cũng không hướng con theo chuyên chọn. Tớ đã thấy sự học lệch nghiêm trọng trong các lớp này. Vì thế, mặc dù con muốn theo lớp chuyên nhưng tớ vẫn hướng con về trường gần nhà.

Năm kia con thi lên 10, tớ vẫn yêu cầu con (từ nhỏ đến lớn và mãi sau này), đã thi cử là học nghiêm chỉnh, học đủ, không học tủ, không bỏ môn phụ và tuyệt đối không quay cóp. Đến giờ, cháu nhà tớ vẫn tự hào là đứa duy nhất trong lớp không quay cóp kể cả môn Giáo dục công dân.

Thi xong, con bảo tớ: “mẹ ơi, mẹ có buồn khi điểm thi của con không cao lắm không?”, tớ đã trả lời con thế này:

- Mẹ tự hào vì con học đều, không quay cóp, không học tủ. Mẹ tự hào vì lượng kiến thức con có trong đầu. Mẹ chưa bao giờ và mãi mãi ko coi trọng điểm số. Con không học ôn luyện, không học tủ, mà con được điểm thế này là đã xứng đáng được thưởng rồi.

Cháu nhà tớ sau khi thi xong là đi làm thêm ngay, học từ sự vất vả trong cuộc sống. Cháu trưởng thành và ngoan ngoãn là mục tiêu của tớ. Điều tớ hài lòng nhất là cháu học thực sự đều và kiến thức nằm trong đầu chứ không phải HỌC ĐỂ THI. Chính vì vậy, năm ngoái cháu đã có thể gia sư cho các em học lớp 9 (mặc dù bây giờ mới lên lớp 11) và kết quả là 1 trong 2 em học sinh đã đạt điểm 9 môn Văn.

Năm nay vào lớp 12, con bắt đầu thực hiện ước mơ của mình là được trở thành người chăm sóc sinh vật. Con đi thư viện hang ngày vào tất cả các thời gian rỗi. Ngoài sách giáo khoa, con tìm kiếm thông tin bằng các sách khác.

Hôm trước con có khoe với tớ về 1 cuốn sách dạy tiếng Đức đã được xuất bản cách đây 30 năm, giấy vàng khè. Con cũng tự chiến đấu với những môn không phải thế mạnh như Vật lý một cách kiên cường mặc dù đôi lúc cũng nản. Tớ vẫn kiên nhẫn với con đường không đặt nặng điểm số, hào hứng chờ đợi những chướng ngại vật trên con đường con đi để ngóng con vượt qua vẻ vang.

Sang năm con thi Đại học, tớ đã nói thẳng với con: Mẹ mong con trượt ĐH năm sau. Có thể ai cũng giật mình nhưng tớ không quan tâm con đỗ năm nào, vào ĐH năm nào. Tớ quan tâm đến con nhận được bài học gì trong đời, tính cách con thế nào, con đã sẵn sàng để trưởng thành hay chưa.

Nếu ai đó cười con tớ trượt đại học thì họ cũng chỉ có thể cười 1 năm. Sau 10 năm, không ai nhớ đến điều đó nữa.Nhưng cú thất bại đó sẽ là bài học tuyệt vời để con trưởng thành.

Khi nghe tớ nói vậy, con nói con sẽ cố gắng để… mẹ thất vọng. Con sẽ cố để thi đỗ ĐH nhưng nếu không đỗ, con cũng hiểu là sẽ có mẹ bên cạnh để tiếp tục cố gắng thử sức lại lần nữa.

Tuy nhiên, dạy con như vậy cũng ko phải là tớ ko chạnh lòng khi đọc những status khoe điểm của con. (Tớ là con người mà, tớ cũng biết buồn và tự ái chứ) Cũng có nhiều lần, tớ bị mọi người xung quanh trách vì đã không cho cháu theo lớp luyện, không cho cháu học tủ, học thuộc đáp án, không cho cháu học lệch để dành thời gian cho môn thi. Nhưng tớ đã quyết và tớ sẽ theo đến cùng mục tiêu: “Dạy con học sống tốt, hi sinh hoàn toàn sự sĩ diện của bản thân”.

Và tớ hi vọng con tớ sẽ cảm ơn mẹ nó sau này. 

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.

Theo N.H - Thế giới trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X