Hotline 24/7
08983-08983

TS Trần Chí Cường giao lưu “1001 thắc mắc về đột quỵ mùa Tết”

Từ 9g - 11g sáng 21/1, TS Trần Chí Cường có mặt tại VP AloBacsi giải đáp trực tiếp các thắc mắc nóng về phát hiện, xử lý cấp cứu các ca đột quỵ, tai biến mạch máu não.

TS. BS Trần Chí Cường được xem là bàn tay vàng trong ngoại thần kinh - tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵ

Thông thường, vào dịp Tết, số lượng bệnh nhân vào cấp cứu do tai biến mạch máu não ở bệnh viện đều tăng. Có rất nhiều gia đình mất Tết vì chủ quan với việc phòng tránh đột quỵ.

Tết là cơ hội để gia đình, anh em, bạn bè tụ họp, tiệc tùng và chúc tụng nhau một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Và cũng trong dịp này, do phải đi lại nhiều trong thời tiết giá lạnh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng thất thường nên nhịp sinh học của nhiều người bị đảo lộn, gây ra nhiều bệnh tật. Đặc biệt với những người có tiền sử tiểu đường, tim mạch hay huyết áp cao, việc ăn chơi xả láng không kiêng kị là nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ trong thời gian này.

Do đó, để người dân phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này, TS. BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TPHCM đã nhận lời mời của AloBacsi giao lưu về vấn đề “1001 thắc mắc về đột quỵ mùa Tết” thời gian từ 9g - 11g sáng ngày 21/1.

Bạn đọc thắc mắc về: Cách xử lý khi bị cao huyết áp trong ngày Tết? Dấu hiệu và cách phòng ngừa đột quỵ? Khi bị đột quỵ thì nên xử lý rao sao? Ngày Tết bị đột quỵ thì đến Trung tâm cấp cứu nào? Những món ăn nào người bị cao huyết áp cần tránh? hãy gửi cho AloBacsi để được TS Trần Chí Cường trực tiếp giải đáp.

Đột quỵ là bệnh đứng thứ ba gây tử vong và tàn phế nhiều nhất, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Hiện nay trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ (tại Mỹ là khoảng 700.000 người), riêng tại Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ/năm.

Trung bình trên toàn cầu hiện nay mỗi 45 giây trôi qua có một người bị đột quỵ và cứ 3 phút có một người tử vong do đột quỵ. Đáng chú ý là tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới.

Mời bạn cùng theo dõi các chia sẻ quý giá:

TS.BS Trần Chí Cường còn gửi tặng bạn đọc AloBacsi 1.000 cuốn chuyên đề về đột quỵ do báo Khoa học Phổ thông ấn hành. Trong đó, tập hợp đầy đủ các bài viết cảnh báo nguy cơ, cách xử lý, những tiến bộ trong điều trị đột quỵ. Mời bạn đọc liên lạc với AloBacsi để nhận ấn phẩm này.


NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

- Bạn đọc Hoàng Văn Cường - 65 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM


Chào TS Trần Chí Cường, tôi nghe nói đột quỵ thường dễ xảy ra vào mùa Tết vì đây là thời điểm gió lạnh làm thay đổi nhịp sinh học của mỗi người. Nếu vậy thì chỉ những nơi thời tiết thay đổi mới phải lo thôi phải không BS? Vì tôi ở TPHCM nóng quanh năm mà. Chân thành cảm ơn TS.


TS.BS Trần Chí Cường:


Chào bác Cường,


Đột quỵ thường xảy ra khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh vì cơ thể xảy ra tình trạng co mạch ngoại biên làm gia tăng tạm thời lưu lượng máu lên não, làm cho các mạch máu có điểm yếu (phình mạch, dị dạng mạch, mạch máu bị xơ vữa…) rất dễ bị tổn thương dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ. Đa phần là kèm theo những cơn tăng huyết áp, stress.


Ở nước ta thời tiết thay đổi lại trùng vào dịp Tết do đó nếu chúng ta không giữ gìn sức khỏe tốt, uống nhiều rượu bia, thức đêm, không uống thuốc đầy đủ sẽ tăng nguy cơ gặp những sự cố về sức khỏe trong những ngày Tết. Riêng ở TPHCM mặc dù thời tiết nóng quanh năm nhưng trong dịp Tết thời tiết cũng chuyển lạnh, do đó chúng ta không nên chủ quan phòng ngừa.

- Bạn đọc Trần Minh Quang Vinh - 42 tuổi, Tây Ninh

TS Cường ơi, tôi đọc trên AloBacsi thấy có thông tin “Thời tiết lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp, vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao”. Tôi bị cao huyết áp 5 năm nay rồi, hiện tại vẫn đang uống thuốc. Vậy xin hỏi TS, năm nay tôi về nhà tổ làm Tết với dòng họ ngoài Bắc thì cần chú ý gì để huyết áp không vượt ngưỡng? Xin cảm ơn TS!

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào anh Quang Vinh,

Về nguyên nhân đột quỵ liên quan đến thời tiết, anh có thể tham khảo ở phần trả lời câu hỏi trên.

Riêng trường hợp của anh năm nay 42 tuổi, cao huyết áp đã 5 năm sẽ được xếp vào đối tượng cao huyết áp người trẻ. Anh nên khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp (hẹp động mạch thận các hội chứng bệnh gây tăng huyết áp cần loại trừ và điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp và điều trị). Vì thông thường bệnh tăng huyết áp xảy ra ở người lớn tuổi.

Trường hợp anh đang uống thuốc huyết áp và sống ở TPHCM trong dịp tết về Bắc sẽ thay đổi thời tiết nhiều. Do đó anh cần theo dõi huyết áp tốt hơn: đo huyết áp trong những ngày đầu 2 lần/ ngày. Đo tại nhà, nếu được. Nếu huyết áp có khuynh hướng tăng cao hơn, anh cần đi khám bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc, giữ mức huyết áp dưới 140 mmHg. Nên chuẩn bị thuốc đầy đủ, tránh ngưng thuốc đột ngột.

- Bạn đọc Nguyễn Văn Tài - tainguyencoop…@gmail.com


Chào BS,


Em năm nay 28 tuổi, giới tính nam. Em bị biểu hiện này cách đây mấy ngày. Lúc trên đường em chạy xe máy vào mùa lạnh em có cảm giác lạnh, sau đó em chụp mũ vào bịt tai chạy được khoảng 300m em có cảm giác trong người muốn ngất đi.


Em đã đến bệnh viện đo huyết áp và kiểm tra nhiệt độ thì bác sĩ bảo bình thường. Khi em về có uống Hoạt huyết dưỡng não thì thấy đỡ nhưng khi ra đường chạy xe máy thì em lại bị trở lại chứng đó.


Em xin hỏi bác sĩ là biểu hiện của em là bị bệnh gì và cách điều trị nó thế nào? Em bị chứng đó liên quan gì đến não không? Em xin cảm ơn BS.


TS.BS Trần Chí Cường:




Chào em Tài,


Những triệu chứng như em mô tả có khả năng là do bị lạnh quá mức. Khi di chuyển trên đường cần giữ ấm tốt, cũng đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đặc biệt là các cháu bé ngồi trước xe do bố mẹ chở đi đã bị ngất. Thậm chí có trường hợp đã tử vong do lạnh, do đó BS khuyên em cần giữ ấm thật tốt khi chạy xe ngoài đường.


Nếu vẫn còn những triệu chứng ngất, đặc biệt là xảy ra lúc không bị lạnh kèm theo mất ý thức, tê tay chân, em nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh để loại trừ những nguyên nhân gây ngất do hệ thần kinh. Việc sử dụng Hoạt huyết dưỡng não không có tác dụng trong việc điều trị ngất, em nhé.



- Bạn đọc Trịnh Thị Hà - 26 tuổi, Quảng Nam

Chào bác sĩ Trần Chí Cường,

Bố tôi bị bệnh cao huyết áp, tôi nghe nói bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não. Vậy cho tôi hỏi có cách nào để ngăn ngừa biến chứng này không? Trân trọng cảm ơn BS!

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn Hà,

Bệnh cao huyết áp có thể gây rất nhiều biến chứng: thiếu máu cơ tim, dày buồng tim, tổn thương thận, xơ vữa mạch, xuất huyết võng mạc mắt… nhưng nguy hiểm nhất là có thể gây đột quỵ, xuất huyết não.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp tăng huyết áp là có thể điều trị được. Việc điều trị cần phối hợp tốt giữa bác sĩ với bệnh nhân. Cần phải chỉnh liều trong thời gian đầu, khi liều thuốc đã phù hợp thì bệnh nhân phải tuân thủ tốt, tránh ngưng thuốc đột ngột, có những quan niệm sai lần khi huyết áp ổn thì người bệnh thường ngưng thuốc hay tự ý giảm liều làm huyết áp tăng đột ngột trở lại, có thể gây sự cố nguy hiểm.

Ngoài ra, cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, giảm ngọt để phòng tránh bệnh tiểu đường… để có thể giữ được sức khỏe tốt.


- Bạn đọc Trần Hà Vân - vangia…@
gmail.com


Xin chào AloBacsi,


Tôi muốn nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi cho TS Cường ạ,


Gần đây tôi đọc nhiều bài báo thấy người trẻ khoảng 20-30 cũng bị đột quỵ, vì sao lại bị đột quỵ ở lứa tuổi này vậy TS? Điều này làm tôi rất hoang mang vì không biết độ tuổi nào dễ bị đột quỵ, có phải trẻ em cũng bị hay không? Cách nào phòng chống đột quỵ khi tuổi còn quá trẻ? Ngoài bệnh tim mạch thì còn những loại bệnh nào dẫn đến đột quỵ? Chân thành cảm ơn TS đã giải đáp.

TS.BS Trần Chí Cường:


Hà Vân thân mến,


Đột quỵ vẫn có thể xảy ra ở người trẻ, đôi khi là ở trẻ em. BS đã từng điều trị cho những trường hợp đột quỵ trẻ em dưới 10 tuổi. Nhóm bệnh nhân này thường có bệnh sẵn: dị dạng mạch máu não bẩm sinh, các thông nối động tĩnh mạch trong bào thai…


Nói chung, đột quỵ ở người trẻ thường có nguyên nhân do bệnh lý mạch máu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây với các yếu tố tác động xấu từ môi trường ô nhiễm, thức ăn, lối sống sinh hoạt uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá nhiều, ít vận động, căng thẳng quá mức... làm cho bệnh đột quỵ ở người trẻ dưới 40 tuổi tăng cao hơn trước.


Biện pháp phòng tránh nói chung đã được biết đến rất nhiều, tuy vậy việc thực hiện chưa được rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ ít tiếp cận các kênh truyền thông sức khỏe và tự tin vào sức khỏe của mình.


Việc phòng tránh cơ bản phải lâu dài và kiên trì thực hiện mặc dù rất đơn giản:

- Không hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá thụ động

- Giữ môi trường sống tốt, tránh tiếp xúc các hóa chất độc hại, đặc biệt là xăng, dầu, các chất chứa chì

- Không uống rượu bia thường xuyên

- Tập thể dục mỗi ngày tối thiểu 30 phút

- Kiểm soát cân nặng tránh thừa cân, béo phì

- Chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc

- Không sử dụng thuốc kích thích, không sử dụng thuốc ngừa thai bừa bãi

- Đo huyết áp tối thiểu  1 tháng/lân hoặc nhiều hơn nếu trong gia đình có bố mẹ bị tăng huyết áp lúc trẻ tuổi hoặc từng có người đột quỵ lúc trẻ


Ngoài ra, nên đi khám BS chuyên khoa Thần kinh - Đột quỵ khi huyết áp cao hơn 140 mmHg hay có những triệu chứng đau đầu dữ dội kéo dài, tê yếu tay chân thoáng qua, ngất xỉu, mất ý thức từng cơn, động kinh, co giật tay chân… Vì có rất nhiều trường hợp bệnh nhân động kinh là do dị dạng mạch máu não khi dị dạng này căng quá mức có thể vỡ ra làm bệnh nhân động kinh đột quỵ. Tuy nhiên, tỷ lệ dị dạng mạch máu não trên người bình thường chưa quá 1% dân số. Do đó, ý nghĩa trong cộng đồng nếu không có các triệu chứng bất thường như kể trên thì chúng ta không cần phải quá mức lo lắng.



- Đặng Huy - bodiviHuy…@
gmai.com

Em chào BS Cường ạ,

Em tên Huy, ở Đắk Lắk, năm nay 36 tuổi. Trên em mùa này cũng lạnh lắm BS, mà em thì thường xuyên tắm nước lạnh vào buổi trưa hoặc chiều khi mặt trời chưa lặn. Em thấy tắm nước lạnh thấy khỏe khoắn mà cơ thể cũng thoải mái hơn nữa. Nhưng dạo trước em nghe thấy thông tin bảo tắm nước lạnh vào mùa đông dễ bị đột quỵ, điều này có đúng không thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào em,

Việc tắm nước lạnh hay nóng thường là do thói quen, tuy nhiên điều cơ bản là tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ giữa cơ thể chúng ta và môi trường. Ví dụ, cơ thể đang nóng, có nhiều mồ hôi thì việc lạnh đột ngột có thể dễ gây nhiễm bệnh.

Việc lạnh đột ngột làm cơ thể co mạch ngoại biên, gây gia tăng tạm thời lưu lượng máu đến các cơ quan sâu và lên não. Có nhiều trường hợp, đột quỵ xảy ra lúc đang tắm, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Thông thường, việc dội nước lạnh đột ngột vào cơ thể thường là gây phản ứng khó chịu. Do đó, đối với người lớn tuổi thường không chịu được nhưng đối với người trẻ hoặc do thói quen thì việc phản ứng của cơ thể ít hơn nhiệt độ nước tắm. Tốt nhất là gần với nhiệt độ trong phòng là 25 độ và phù hợp với sinh lý cơ thể là không quá 37 độ, sẽ giảm được phản ứng gây sốc do nhiệt.

 


- Bạn đọc Thanh Bình - binhthanh23…@gmail.com

Xin hỏi AloBacsi, nếu trong thời gian nghỉ Tết gia đình có người bị đột quỵ thì nên đưa đến cơ sở y tế nào ạ? Có phải đưa đến phòng cấp cứu của bất cứ bệnh viện nào cũng được hay phải đưa đến Trung tâm cấp cứu đột quỵ? Ở các tỉnh thành ở Việt Nam thì có những Trung tâm cấp cứu đột quỵ nào? Mong BS tư vấn giúp cho người dân chúng em?

TS.BS Trần Chí Cường:

Thanh Bình thân mến,

Trong ngày nghỉ Tết tất cả các bệnh viện đều có BS trực cấp cứu. Khi xảy ra sự cố về sức khỏe hay đột quỵ thường nên đến cơ quan y tế gần nhất nhưng tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ là đến được cơ quan y tế nào có thể chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Phương tiện máy móc cơ bản để có thể chẩn đoán được đột quỵ là máy CT-Scan (chụp cắt lớp vi tính).

Hiện nay ở nước ta chưa có bệnh viện riêng cho đột quỵ, tuy nhiên hầu hết các bệnh viện tỉnh đều có thể chẩn đoán và điều trị được đột quỵ trong giai đoạn đầu. Vấn đề là chúng ta phải có kiến thức nhận biết những dấu hiệu của bệnh đột quỵ tại nhà.

Các dấu hiệu nhận biết một người đang bị đột quỵ khẩu hiệu F.A.S.T:

F: Face (khuôn mặt): Quan sát khuôn mặt người bị đột quỵ sẽ bị méo một bên, mất nếp nhăn trán, méo miệng. Hãy bảo người đó há miệng và quan sát.

A: Arm: Yếu liệt tay chân: Người bị đột quỵ sẽ bị yếu hoặc liệt hoàn toàn tay chân thường là cùng 1 bên của cơ thể (bên trái hay bên phải). Hãy bảo người đó đưa hai tay lên và so sánh. Người đột quỵ sẽ yếu tay 1 bên không đưa lên được hay đưa lên yếu hơn bên lành.

S: Speech (giọng nói): Người đột quỵ thường nói khó, nói đớ hay không nói được. Hãy bảo người đó nói những từ đơn giản hoặc nói tên của mình, địa chỉ nhà ở, số điện thoại. Người đột quỵ thường không trả lời được hoặc nói khó nghe.

T: Time (Thời gian): Nếu một người có đồng thời 3 dấu hiệu trên thì gần như chắc chắn người đó đang bị đột quỵ. Trong trường hợp này thời gian là vô cùng quý giá với bệnh nhân. Hãy đưa bệnh nhân đến nơi có thể điều trị được đột quỵ gần nhất.

Thời gian tốt nhất để cứu bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 4 giờ đầu với tắc nghẽn mạch máu nhỏ, trong vòng 6 giờ đầu với đột quỵ nặng tắc nghẽn mạch máu lớn.

Sơ cứu hợp lý, tránh những quan niệm sai lầm làm mất đi “THỜI GIAN VÀNG” trong điều trị đột quỵ. Đặc biệt là đột quỵ tắc nghẽn mạch máu.

Sơ cứu hợp lý: Nguyên tắc đơn giản trong cộng đồng là 3 bước A-B-C.

A: Đường thở: Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả).

B: Máu: Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.

C: Tuần hoàn: Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương. Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, chúng ta không khuyến cáo trong cộng động thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.

Hiện nay, ở khu vực phía Bắc có các bệnh viện: Bệnh viện 108, BV Bạch Mai, Bệnh viện 103.

Khu vực miền Trung: BV Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Bình Định.

Khu vực TPHCM: BV 115, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Gia Định, BV Trưng Vương, BV Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện 175.

Khu vực miền Tây: BV Đại học Y Cần Thơ.

Trên đây là các bệnh viện đã triển khai can thiệp trong lòng mạch (DSA) lấy cục máu đông trong đột quỵ cấp do tắc mạch máu não lớn.

Người đột quỵ thường được nhận diện lầm là “trúng gió”.  (Làm sao phân biệt trúng gió với đột quỵ, AloBacsi?)

Những quan niệm xử trí sai lầm, không cơ sở là: cạo gió, nặn chanh vô miệng, cắt lễ đều không giúp gì được cho bệnh nhân mà làm mất thêm thời gian cứu chữa.




- Bạn đọc Quốc Duy - TPHCM


TS Cường ơi, em hay đọc bài tư vấn của bác trên AloBacsi lắm. Bố em bị cao huyết áp, em nghe nói căn bệnh này rất dễ bị đột quỵ nên rất lo lắng.


Nhân dịp BS có buổi tư vấn, em xin phép được hỏi bác là khi có người bị đột quỵ thì cách xử lý nào là hợp lý và an toàn nhất cho người bệnh, để đảm bảo được tính mạng và khả năng để lại biến chứng là thấp nhất ạ? Em chân thành cảm ơn bác đã giải đáp giúp em.


Em kính chúc bác và gia đình một năm mới luôn vui khỏe, chúc AloBacsi năm mới thành công hơn nữa.


TS.BS Trần Chí Cường:


Chào bạn Quốc Duy,


Xin gửi lời cảm ơn đến bạn và cũng kính chúc gia đình bạn sức khỏe nhân dịp năm mới!


Bệnh cao huyết áp có thể gây rất nhiều biến chứng: thiếu máu cơ tim, dày buồng tim, tổn thương thận, xơ vữa mạch, xuất huyết võng mạc mắt… nhưng nguy hiểm nhất là có thể gây đột quỵ, xuất huyết não.


Tuy nhiên, đa số các trường hợp tăng huyết áp là có thể điều trị được. Việc điều trị cần phối hợp tốt giữa bác sĩ với bệnh nhân. Cần phải chỉnh liều trong thời gian đầu, khi liều thuốc đã phù hợp thì bệnh nhân phải tuân thủ tốt, tránh ngưng thuốc đột ngột, có những quan niệm sai lần khi huyết áp ổn thì người bệnh thường ngưng thuốc hay tự ý giảm liều làm huyết áp tăng đột ngột trở lại, có thể gây sự cố nguy hiểm.


Ngoài ra, cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì, giảm ngọt để phòng tránh bệnh tiểu đường… để có thể giữ được sức khỏe tốt.


Trường hợp khi có người bị đột quỵ, trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C như sau:


A (Airway - Đường thở): Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả).


B (Blood - Máu): Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.


C (Circulation - Tuần hoàn): Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương.


Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, chúng ta không khuyến cáo trong cộng động thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.


Hiện nay ở nước ta chưa có bệnh viện riêng cho đột quỵ, tuy nhiên hầu hết các bệnh viện tỉnh đều có thể chẩn đoán và điều trị được đột quỵ trong giai đoạn đầu. Vấn đề là chúng ta phải có kiến thức nhận biết những dấu hiệu của bệnh đột quỵ tại nhà.


Khu vực phía Bắc có các bệnh viện: Bệnh viện 108, BV Bạch Mai, Bệnh viện 103.


Khu vực miền Trung: BV Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Bình Định.


Khu vực TPHCM: BV 115, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Gia Định, BV Trưng Vương, BV Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện 175.


Khu vực miền Tây: BV Đại học Y Cần Thơ.


Trên đây là các bệnh viện đã triển khai can thiệp trong lòng mạch (DSA) lấy cục máu đông trong đột quỵ cấp do tắc mạch máu não lớn.


Đôi điều chia sẻ cùng bạn.




- Bạn đọc Mộng Thị Thu Trang - 32 tuổi, trangthudaklak…@gmail.com

Xin chào các bác sĩ. Gia đình có người bị huyết áp cao nên tôi rất quan tâm đến những phương pháp phòng chống đột quỵ tai biến. Tôi cũng tìm thấy một bài thuốc nghe bảo là chỉ dùng 1 lần là không bị đột quỵ.

Dùng các nguyên liệu thuốc Bắc gồm hạnh nhân 10g, chi tử 10g, đào nhân 10g, nếp 10 hột, tiêu 10 hột. Sau đó, giã nhuyễn tất cả và trộn đều. Buổi tối trước khi ngủ, lấy lòng trắng một quả trứng gà trộn thêm vào, sau đó đắp vào lòng bàn chân, lấy vải bó lại. Nam đắp bên chân trái, nữ đắp chân phải mới hiệu quả.

Ngoài ra, còn có thông tin khi đã đắp thuốc mà bị tai biến giật méo miệng, lưỡi co rút không nói được thì lấy kim châm hai dái tai, nặn máu ra. Chỉ ít phút sau sẽ trở lại bình thường. Còn nếu bị tai biến co giật chân, tay thì lấy kim châm mười đầu ngón tay, nặn máu ra là khỏi.

Đọc mà thấy ham quá BS ạ. Tôi có nên làm theo bài thuốc này không thưa BS? Nếu không thể đắp thì có cách nào phòng chống đột quỵ cho những người có bệnh lý huyết áp, tim mạch không BS?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn,

Thực tế, trong cộng đồng, có nhiều thông tin truyền miệng có những loại thuốc uống một lần để phòng ngừa đột quỵ. Thậm chí, có nhiều thông tin lúc bệnh nhân đột quỵ cũng có những loại thuốc uống tan máu đông… Giá mỗi viên có khi lên tới hàng triệu đồng. Đây là những thông tin cần kiểm chứng lại. Tránh tiền mất, tật mang cho người bệnh.

Hiện nay, không có loại thuốc nào uống 1 lần mà phòng ngừa được đột quỵ.

Không có loại thuốc nào uống vào 1 liều mà có thể làm tan được cục máu đông.

Việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ hiện nay không có gì là bí ẩn hay khó hiểu.

Theo các chứng cứ y khoa hiện tại:

- Thuốc tan máu đông chỉ được sử dụng trong bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa và chỉ dành cho đột quỵ tắc nghẽn mạch máu não có kích thước nhỏ. Tên thuốc là rTPA, giá tiền của thuốc thường trên 10 triệu đồng. Không có dạng uống. Thuốc này chống chỉ định tuyệt đối khi bệnh nhân đang có tình trạng xuất huyết, tất nhiên là không dùng được cho bệnh nhân xuất huyết não. Nếu nhìn góc độ cộng đồng, 1 viên thuốc dùng được cho tất cả các loại đột quỵ thì không có cơ sở.

- Đối với các trường hợp tắc nghẽn động mạch lớn, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ rất phức tạp mới lấy được cục máu đông ra. Kể cả những thuốc rTPA cũng không mang lại hiệu quả huống chi các thuốc thực phẩm chức năng chưa được nghiên cứu.

- Việc phục hồi sau đột quỵ 1 phần la do diễn tiến tự nhiên của tế bào não, 1 phần là do các thuốc điều trị đã được thế giới công nhận như: thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin, Plavix…) có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của máu đông. Các thuốc khác có thể giúp hỗ trợ dinh dưỡng cho tế bào não nhưng quan trọng nhất là phải tìm nguyên nhân gây đột quỵ trên từng trường hợp và điều trị triệt để nguyên nhân mới giúp được bệnh nhân phục hồi, tránh đột quỵ tái phát.

- Các thuốc đông y như bạn đã trình bày ở trên thường thiếu các dữ liệu nghiên cứu, do đó chúng ta cần cân nhắc kĩ trước khi áp dụng.

Thân mến,

- Bạn đọc Cấn Thị Hoa - Lào Cai


Thưa TS Trần Chí Cường, tại sao tiểu đường có thể dẫn đến đột quỵ? Có cách nào phòng ngừa đột quỵ cho người bị tiểu đường, nên ăn uống, tập luyện ra sao?


TS.BS Trần Chí Cường:


Chào chị,


Bệnh tiểu đường gây rất nhiều hậu quả trong đó có đột quỵ. Lượng đường trong máu càng cao càng gây nhiều hậu quả xấu: tổn thương hệ mạch máu gây xơ vữa mạch làm tổn hại đến các cơ quan tim, não, thận, mắt, mạch máu ngoại biên, tay chân, có thể gây suy giảm hệ miễn dịch làm vết thương chậm lành.


Người bị bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt nhất mức đường huyết nên dưới 140 mg%, không để thừa cân, béo phì, không hút thuốc lá, ăn kiêng: giảm thức ăn có chứa đường (cơm, bánh ngọt, sữa có đường…), giảm mỡ, giảm chất béo, không ăn đêm, tập thể dục cụ thể là tối thiểu 30 phút mỗi ngày, phải vận động đủ lực (ra mồ hôi)...


Có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường được điều trị khỏi bệnh, ngưng thuốc hoàn toàn nhờ vào việc uống thuốc và tuân thủ tốt chế độ ăn kiêng, tập luyện, tinh thần lạc quan.



- Bạn đọc tên Ngọc - 0987654…

Chào bác sĩ, ba em năm nay 57 tuổi. Bị nghiện thuốc lá, và do tính chất công việc nên cũng hay nhậu nhẹt. Sau có ba em bị đột quỵ loại nhẹ, chỉ bị đau đầu và liệt nhẹ 1 bên tay, trị liệu 1 thời gian thì bình thường và đi làm lại. Có giảm bớt nhậu nhẹt và thuốc lá.

Hôm nay ba em đang sinh hoạt bình thường thì bị ngất rồi ngã, sau vài phút thì tỉnh lại và nôn ói. Em nghĩ là đột quỵ lần 2 nên cho ông đi bệnh viện, bác sĩ sau khi xét nghiệm, X-quang xong bảo là bình thường và cho về. Không biết như thế liệu có ổn hay bình thường như bác sĩ ở viện nói không? Các bác sĩ cho em lời tư vấn với.

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào em,

Người 57 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia đã từng bị đột quỵ sẽ xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Việc phòng tránh trước tiên là phải thay đổi thói quen, nhận thức, quan tâm đến bệnh nhiều hơn: bỏ thuốc lá, không uống hoặc hạn chế bia rượu, chẩn đoán nguyên nhân gây đột quỵ và đánh giá các yếu tố nguy cơ: Huyết áp? Đường huyết? Mỡ máu?...

Cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu: siêu âm mạch cảnh loại trừ hẹp mạch cảnh, chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não tìm nguyên nhân và điều trị, phòng ngừa.

Vì rất nhiều trường hợp đột quỵ nhẹ không điều trị tốt, có thể tái phát hay đột quỵ trở nặng, rất khó điều trị. Em nên đưa người nhà đi khám để được bác sĩ tư vấn rõ hơn.


- Bạn đọc Đỗ Huy Thịnh - 0634875…

TS Cường ơi, em có 3 điều thắc mắc muốn hỏi như sau:

- Điều gì sẽ xảy ra sau khi một người bị đột quỵ?

- Điều gì xảy ra trong giai đoạn hồi phục của bệnh nhân đột quỵ?

- Những yếu tố nào tiên lượng khả năng hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ?

Chân thành cảm ơn TS đã dành thời gian giải đáp giúp em.


TS.BS Trần Chí Cường:


Huy Thịnh thân mến,


- Khi một người bị đột quỵ có nghĩa là tế bào não bị ngừng cung cấp oxy do mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ. Nếu vùng tế bào não nhỏ bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đột quỵ nhẹ. Nếu vùng tế bào não lớn, bệnh nhân sẽ có tình trạng đột quỵ nặng, thậm chí tử vong. Tương ứng với việc mạch máu bị sự cố là nhỏ hay lớn. Nếu do mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn hay bị vỡ, bệnh nhân có thể bị đột quỵ nhẹ. Nếu do mạch máu lớn bệnh nhân có thể đột quỵ nặng, tàn phế nặng hay tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn hay vỡ mạch đã được đề cập.


- Việc phục hồi của bệnh nhân tùy thuộc vào việc phục hồi của hệ tuần hoàn vùng não bị đột quỵ. Nếu tái thông mạch máu tắc kịp thời bệnh nhân có thể giảm được tàn phế và giảm được tỷ lệ tử vong. Nếu mạch máu chảy có kích thước nhỏ tự cầm thì bệnh nhân có thể phục hồi trở lại khi lượng máu chảy ra ngoài lòng mạch tan đi. Nếu mạch máu chảy có kích thước lớn bệnh nhân có thể không qua khỏi hay đòi hỏi phải có những kĩ thuật cầm máu đặc biệt mới có thể cứu sống bệnh nhân. Việc phục hồi cho những bệnh nhân này còn tùy thuộc vào thương tổn thần kinh nhiều hay ít.


Trong giai đoạn phục hồi của bệnh nhân đột quỵ đôi khi vẫn có thể bị đột quỵ lại nếu nguyên nhân đột quỵ lần trước chưa xử lý triệt để (huyết áp chưa kiểm soát tốt, đường huyết vẫn còn tăng cao, bệnh nhân vẫn hút thuốc lá, mạch máu dị dạng chưa được xử lý, mạch máu hẹp chưa được khai thông). Điều nhấn mạnh là đột quỵ có thể tái phát nhiều lần.


- Những yếu tố tiên lượng khả năng phục hồi hoàn toàn sau đột quỵ:


+ Nguyên nhân gây đột quỵ là nguyên nhân gì?

+ Loại đột quỵ xuất huyết hay nhồi máu?

+ Vị trí tổn thương của đột quỵ là vùng não nào?

+ Thời gian từ lúc xảy ra triệu chứng đến khi được điều trị là bao lâu?

+ Điều trị loại bỏ được nguyên nhân gây đột quỵ hay chỉ là điều trị tạm thời?

+ Các cơ quan khác của bệnh nhân có bị tổn thương kèm theo hay không? (tim mạch, hô hấp, chức năng gan - thận).


Nếu đột quỵ do nguyên nhân có thể chẩn đoán, điều trị tốt trong thời gian vàng, vị trí tổn thương não là vùng không quan trọng, bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo (suy tim, suy hô hấp, suy gan thận) thì khả năng bệnh nhân phục hồi hoàn toàn là cao nhất. Có những trường hợp đột quỵ nặng do mạch máu lớn nhưng cứu chữa kịp thời, đúng phương pháp, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.


Theo thống kê chung, tỷ lệ đột quỵ gây tử vong, tàn phế nặng khoảng 30%, 30% là tàn phế trung bình, 30% là không để lại di chứng nếu được cứu chữa hợp lý.



- Bạn đọc Hoan Hỷ - cookihoa…@gmail.com

Thưa BS, thông thường bệnh nhân có được chọn phương pháp phẫu thuật sau khi có sự tư vấn của BS không? Hay phẫu thuật đột quỵ bắt buộc theo ý BS? Hiện nay có những phương pháp phẫu thuật đột quỵ nào an toàn và biến chứng thấp nhất?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn,

Hiện có nhiều phương pháp điều trị đột quỵ từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Nói chung, có các phương pháp sau:

- Dùng thuốc: Trong trường hợp khẩn cấp, đột quỵ trong 4,5 giờ đầu, do tắc nghẽn mạch máu nhỏ, việc điều trị thuốc tiêu sợi huyết rTPA đường tĩnh mạch là chỉ định hàng đầu được ứng dụng trên toàn thế giới, cũng như ở nước ta, nhiều bệnh viện đã ứng dụng. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể sử dụng được do cơ thể bệnh nhân đang có nơi chảy máu hay một số bệnh lý kèm theo làm gia tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng thuốc này. Việc này phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa và giải thích với gia đình các sự cố sau khi tiêm có thể xảy ra.

- Can thiệp nội mạch, cấp cứu đột quỵ: Sử dụng máy DSA. Ứng dụng trong 2 trường hợp đột quỵ:

+ Tắc nghẽn động mạch lớn, nội sọ. Bệnh nhân đến sớm trước 6 tiếng, không có các chống chỉ định thủ thuật can thiệp nội mạch DSA như là dị ứng thuốc cản quang, suy tim nặng, suy hô hấp nặng… các bác sĩ sẽ luồn các dụng cụ đi từ một vết chọc kim ở đùi đến mạch máu não bị tắc, dùng những dụng cụ chuyên dụng kéo mạch máu đông ra. Thủ thuật này đòi hỏi các máy móc hiện đại, bác sĩ được đào tạo can thiệp chuyên sâu. Đây là biện pháp hiệu quả nhất được khuyến cáo trên toàn thế giới từ năm 2015. Ở nước ta, cũng có nhiều BV thực hiện được phương pháp này.

+ Xuất huyết não, màng não do nguyên nhân mạch máu lớn. Thủ thuật can thiệp nội mạch DSA có vai trò cầm máu túi phình vỡ (đặt COILS, stent, bơm keo gây tắc mạch máu - cầm máu). Đây là phương pháp can thiệp hiện đại có thể xử lí được những vị trí nằm sâu trong não. Nếu không có phương pháp này thì các phương pháp khác không thể cứu được bệnh nhân.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị đột quỵ được ứng dụng trong các trường hợp sau:

+ Mở hộp sọ giải ép chống phù não quá mức trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu lớn đến muộn.

+ Phẫu thuật lấy máu bầm trong trường hợp xuất huyết não nội sọ gây chèn ép não lành.

+ Phẫu thuật kẹp mạch máu bị phình hay cắt bỏ dị dạng mạch máu trong trường hợp các mạch máu ở vị trí nông, kích thước nhỏ có thể tiếp cận được.

Vấn đề chọn lựa phương pháp điều trị nào thường do bác sĩ điều trị quyết định trên cơ sở đánh giá từng bệnh nhân. Có những phương pháp điều trị được khuyến cáo rõ ràng thì rất dễ giải thích cho người thân. Có những trường hợp khó không nằm trong khuyến cáo hay bệnh nhân có những bệnh lý kèm theo. Phương pháp điều trị chưa dự đoán được kết quả rõ ràng trong tình huống này. Việc quyết định điều trị sẽ cân nhắc dựa vào sự đồng thuận của người thân.

Về nguyên tắc, những phương pháp đã được khuyến cáo và ứng dụng rộng rãi thì người thân nên tôn trọng chỉ định và đồng ý theo chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp quyết định khó khăn, nguy cơ điều trị biến chứng cao cần giải thích kĩ trước khi thực hiện và người thân có quyền từ chối nếu không chấp nhận trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

 


- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;
Hotline: 08983 08983

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X