Hotline 24/7
08983-08983

Truyền hình trực tuyến: Ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim với TS.BS Trần Chí Cường

Rất nhiều câu hỏi chi tiết xung quanh căn bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim đã được TS.BS Trần Chí Cường tư vấn vào lúc 14g30 ngày 8/8/2018. Mời bạn đọc cùng theo dõi, tương tác với chương trình để nhận những phần quà hấp dẫn.




TS.BS Trần Chí Cường và MC Hồng Mơ tại trường quay
Trong cuộc trò chuyện hôm nay, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp Thần kinh TPHCM, người được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong cấp cứu đột quỵ sẽ tư vấn, giải đáp các thắc mắc của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước xung quanh các vấn đề về đột quỵ, nhồi máu cơ tim như:

- Ai là người cần tầm soát đột quỵ?
- Cấp cứu đột quỵ như thế nào để không bỏ lỡ thời gian vàng?
- Đột quỵ và cơn đau tim, phân biệt thế nào?
- Cảnh báo đột quỵ sau nhồi máu cơ tim?
- Nếu người bệnh ở quá xa TPHCM như các tỉnh miền Tây thì cần đến đâu để điều trị đột quỵ?

TS.BS Trần Chí Cường:
- Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

- Giám đốc chuyên môn BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

+ Tóm tắt quá trình học tập và công tác:
- Tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa - Đại học Y Cần Thơ năm 2000
- Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 1 - Ngoại Thần kinh - Đại học Y Dược TPHCM năm 2004
- Chứng chỉ chuyên sâu (tương đương Thạc sĩ) - Can thiệp mạch máu thần kinh - Đại học Mahidol (Thái Lan), Đại học Bicetre (Pháp) năm 2007
- Tiến sĩ Y khoa năm 2012
- Kinh nghiệm: Khoa Phẫu thuật thần kinh - BV Chợ Rẫy, Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu thần kinh - BV ĐH Y Dược TPHCM
- Thành viên Hội can thiệp thần kinh thế giới (WFITN) và Hội can thiệp đột quỵ Á - Úc (AAFITN)

Mời độc giả tham gia chương trình tương tác truyền hình trực tuyến

Khán giả tương tác với chương trình:
1. Like Fanpage AloBacsi
2. Share link sự kiện của chương trình.
3. Trả lời câu hỏi của chương trình chính xác và nhanh nhất.

Câu hỏi tương tác 01:

Theo bạn, có mấy dạng đột quỵ?

A- Nhồi máu não do cục máu đông

B- Xuất huyết não

C- Cả 2 đáp án

Đáp án đúng là C, cả 2 nguyên nhân trên, trong đó, đột quỵ dạng nhồi máu não do cục máu đông chiếm 85% và xuất huyết não chiếm 15%.

Chúc mừng bạn có facebook Anna Nguyễn đã chiến thắng trong câu số 1 của chương trình.

Câu hỏi tương tác 02:

Giải pháp chính để điều hoà huyết áp, phòng chống các biến chứng của bệnh tim mạch, tiểu đường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ do cục máu đông?

A- Thăm khám sức khoẻ định kỳ

B- Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn mặn, đồ chiên xào

C- Kiểm soát cholesterol

D, Thực hiện chế độ nghỉ ngơi, thể dục, lối sống lành mạnh

E- Sử dụng các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hỗ trợ ổn định huyết áp, phòng ngừa đột quỵ như NattoEnzym hàng ngày

F- Tất cả các đáp án trên

Đáp án đúng là: F

Chúc mừng bạn có facebook Mỹ Hạnh đã chiến thắng trong câu số 2 của chương trình.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM đã dành thời gian giải đáp rất nhiều thắc mắc của bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng chương trình này.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN

MC Hồng Mơ: Cấp cứu hàng ngàn ca đột quỵ, tai biến mạch máu não, ông đánh giá thế nào về tình trạng bệnh này ở Việt Nam?


TS.BS Trần Chí Cường: Đầu tiên rất cảm ơn AloBacsi đã tổ chức buổi giao lưu để tôi có cơ hội được trao đổi với bạn đọc về cách điều trị, phòng ngừa đột quỵ. Đột quỵ là vấn đề lớn, xã hội ngày càng quan tâm, ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Bộ Y tế 1 năm có 200.000 người mắc. Điều đáng nói là số lượng đột quỵ hằng năm gia tăng theo lượng tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam. Với những năm trước đây, cấp cứu đột quỵ không quá sức tưởng tượng như bây giờ, hơn nữa khuynh hướng đang ngày càng trẻ hóa.

Đột quỵ không loại trừ ai cả. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chia tay nhiều đồng nghiệp trên dưới 40 tuổi cũng bị đột quỵ ở độ tuổi sung sức, còn nhiều cống hiến cho y học và cuộc sống.

MC: Ca cấp cứu nào BS nhớ nhất? Cảm giác của BS mỗi lần nhận được điện thoại cấp cứu bệnh nhân lúc nửa đêm?

TS.BS Trần Chí Cường: Hơn 12 năm triển khai cấp cứu điều trị đột qụy. Đến nay tôi đã cấp cứu và điều trị hơn 5.000 trường hợp được cấp cứu và điều trị.

Trong đó có nhiều trường hợp rất đặc biệt. Chẳng hạn như có một bệnh nhân bị đột quỵ rơi vào hôn mê sâu, bệnh viện đều đã "trả về". Tuy nhiên khi nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm, người nhà đã mang hồ sơ đến cho tôi và mong rằng có thêm được cơ hội cứu sống người bệnh.

Thấy người nhà mang hy vọng "còn nước còn tát", tôi cũng chia sẻ nếu thử đụng (nhéo) người bệnh mà có phản ứng như quơ tay, co duỗi thì việc cứu sống còn có khả năng. Thật may mắn, khi vừa nhéo thì tay lập tức có phản ứng. Vậy là tôi điều trị, đến nay người bệnh đã có thể quay trở lại sinh hoạt với đời sống. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là sau đó người bệnh lại hút thuốc.

MC: Trong cấp cứu đột quỵ, vì sao nói “thời gian là não”? Vai trò của 3 giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ có ý nghĩa như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường: Thời gian là não nghĩa là người ta tiết kiệm từng giây, từng phút trong cấp cứu đột quỵ vì cứ 1 phút trôi qua có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Chúng ta nhân lên 1-2 giờ thì coi như não "tan nát".

Đặc biệt, nếu việc đột quỵ này nằm ngay trung khu thần kinh của não, ví dụ như ngay tại vùng hô hấp thì chỉ cần 4 phút trôi qua là não đã tổn thương rất nặng, thậm chí là tử vong ngay sau đó. Chính vì vậy, việc sơ cứu ban đầu mang ý nghĩa rất quan trọng. Cách đây vài ngày, tôi đã điều trị cho 1 trường hợp bị đột quỵ khi còn trẻ. Người bệnh cũng ở thành phố lớn, khoảng cách từ nhà đến bệnh viện tuyến tỉnh chỉ tốn vài phút, tuy nhiên người bệnh bị đột quỵ sau khi vừa ăn cơm xong nên có khả năng bị hít sặc đồ ăn vào phổi. Khi người bệnh đến bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, không kiểm soát được, sau đó bệnh nhân bị viêm phổi hít rất nặng do thức ăn. Việc này khó phòng tránh trên những bệnh nhân đột quỵ sau khi ăn.

Thời gian là não còn thể hiện ở chỗ mạch máu bị tắc nghẽn nếu không được khai thông trong 6 giờ đầu thì việc tổn thương não là nghiêm trọng, nguy cơ tàn phế và tử vong rất cao, ngay cả khi trong điều kiện tốt nhất, chúng ta cứu sống được bệnh nhân nhưng khả năng di chứng để lại khá cao. Việc cấp cứu càng trễ thì tiên lượng càng nặng. Thậm chí, có trường hợp khai thông mạch máu hoàn toàn nhưng vẫn tử vong do tổn thương não quá nặng. Do đó, thời gian chính là não.

Trong đột quỵ, không phải cứ có tiền là cứu được mà cần có đội ngũ y bác sĩ, trang bị máy móc hiện tại, phương tiện vận chuyển, sự hỗ trợ của cộng đồng đúng cách... thì mới có thể cứu được bệnh nhân.

MC: Kỹ thuật, quy trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ của Việt Nam so với thế giới như thế nào?

TS.BS Trần Chí Cường:

So về công nghệ thì Việt Nam đã có những kỹ thuật đặc biệt, tôi cũng từng đi báo cáo rất nhiều nơi trên thế giới. Đó là kỹ thuật can thiệp cấp cứu bằng DSA, nghĩa là đưa những ống thông từ mạch máu ở đùi lên não, nếu mạch máu não bị nghẽn thì tìm cách khai thông, nếu vỡ thì tìm cách cầm máu lại. Đồng nghiệp chúng tôi cũng hay nói với nhau, bác sĩ can thiệp DSA cũng giống như người thợ sửa ống nước, chỗ nào bể thì hàn gắn, chỗ nào nghẹt thì thông ra. Đó là những công nghệ mới nhất mà Việt Nam thực hiện đã ngang bằng với thế giới.

Tuy nhiên, cái chúng ta chưa ngang bằng đó là việc phát triển hệ thống truyền thông trong đột quỵ. Hơn 90% bệnh nhân đột quỵ được sơ cứu không đúng cách và được chuyển đến bệnh viện quá muộn sau "thời gian vàng" 6 giờ. Vì vậy, tỷ lệ tử vong do đột quỵ của chúng ta có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với thế giới. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển. Do đó, việc nhận biết đột quỵ trong cộng đồng mang ý nghĩa rất lớn.

Áp lực hơn nữa là mặc dù chúng ta thực hiện được những kỹ thuật cao cấp nhưng lại không đồng đều giữa các bệnh viện, nhất là các ở vùng sâu, vùng xa... Trong tương lai chúng tôi sẽ còn làm việc nhiều hơn nữa để chuyển giao công nghệ.

MC: Thưa BS, có mấy dạng đột quỵ? Khi nào thì làm DSA, khi nào thì dùng thuốc tiêu sợi huyết?

TS.BS Trần Chí Cường: Để biết cách điều trị thì đầu tiên chúng ta cần lướt qua về cách sơ cứu và nhận biết đột quỵ. FAST là khẩu hiệu chuẩn trên thế giới để cảnh báo các dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể


+F: Face khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Hãy bảo người đó cười nhe răng và quan sát khuôn mặt.

+A: Arm yếu tay chân. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. Hãy bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.

+S: Speech giọng nói. Người bị đột quỵ thường bị nói khó, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là khi nói các từ khó. Ví dụ như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.

 

Nếu 3 triệu chứng trên xuất hiện trên cùng lúc, trên cùng một người mà trước đó khỏe mạnh thì nên nghĩ ngay đến đột quỵ. Đừng nhầm lẫn với trúng gió rồi xử trí theo cách dân gian như cạo gió, chích lễ, vắt chanh vào miệng… mà bỏ qua thời gian vàng cấp cứu đột quỵ.

 

Lúc này, chúng ta cần gọi cấp cứu và đến ngay bệnh viện có cấp cứu, điều trị đột quỵ gần nhất. Song song đó, trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C như sau:

 

A (Airway - Đường thở): Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả). Người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, đầu cao khoảng 30⁰ hoặc tư thé đầu nghiêng bên nếu bệnh nhân có buồn nôn và nôn để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng hít vào phổi. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì hoặc uống bất kỳ một loại thuốc nào khi nghi ngờ đột quỵ não.

 

B (Blood - Máu): Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.

 

C (Circulation - Tuần hoàn): Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương.

 

Khi đến bệnh viện, dựa vào tình trạng, các chẩn đoán hình ảnh… của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí tốt nhất, làm DSA hay dùng thuốc tiêu sợi huyết.


MC: Đột quỵ đến đột ngột, vậy có dấu hiệu nào để nhận biết không? Tại sao một người bình thường lại bị đột quỵ mà không có dấu hiệu báo trước?


TS.BS Trần Chí Cường: Trong một số trường hợp đột quỵ xảy ra bất thình lình, đa phần là xuất huyết não. Nghĩa là bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội, lơ mơ, hôn mê, bất tỉnh thì đó là những trường hợp xuất huyết não nặng gây tỷ lệ tử vong cao. Còn 80% bệnh nhân bị đột quỵ nằm trong dạng thiếu máu não (tắc nghẽn mạch máu não) thì đa số có triệu chứng báo trước như tê yếu tay chân, mắt mờ... như tôi đã trình bày ở trên.


Tôi cũng bổ sung thêm về các phương pháp điều trị đột quỵ mà MC Hồng Mơ đã nói ở trên.

Theo y học hiện đại, có 2 phương pháp điều trị tắc nghẽn mạch máu não. Một là tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rtPA), đây là thuốc chỉ được thực hiện tại bệnh viện sau khi đã được thăm khám, chụp CT, loại trừ xuất huyết sau đó đánh giá thời gian. Nếu bệnh nhân đến trước 4,5 giờ thì bác sĩ sẽ chích thuốc làm tan máu đông vào mạch máu và thuốc đó chạy trong cơ thể, gặp cục máu đông chỗ nào nó sẽ làm tan chỗ đó. Tuy nhiên, thuốc này không phải ai cũng được sử dụng mà cần có bảng loại trừ như bệnh nhân có bị xuất huyết tiêu hóa không, có nhỏ cơ tim cấp hay không, có chấn thương nặng trong mấy tuần vừa qua hay không và loại thuốc này có nguy cơ gây xuất huyết não.


Hai là can thiệp nội mạch DSA dành cho người bệnh đến muộn hoặc có tắc mạch máu lớn như động mạch cảnh trong, động mạch thân nền, động mạch đốt sống, những động mạch đường kính trên 20mm. Kỹ thuật này là bác sĩ sẽ đưa ống thông từ đùi lên tới não tìm nơi tắc để kéo cục máu đông ra ngoài.


MC: Đột quỵ có di truyền không? Gia đình có người bị tai biến, vậy tôi có nguy cơ bị tai biến hay không?

TS.BS Trần Chí Cường:
Đây có lẽ là câu hỏi được cộng đồng quan tâm nhiều nhất.

Về mặt di truyền thì chưa có chứng minh gen nào gây đột quỵ. Tuy nhiên, nếu lối sống trong gia đình có người hút thuốc lá, kể cả thụ động, nghiện rượu bia, ít vận động... thì vẫn có những trường hợp mang yếu tố gia đình. Hoặc những người bệnh có tiền căn tiểu đường, trong gia đình có bố mẹ mắc bệnh tiểu đường thì con cái có khả năng mắc phải căn bệnh này, và đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gây đột quỵ.

Tôi cũng xin nói thêm, đột quỵ gồm 2 dạng là tắc nghẽn mạch máu thì đã có thuốc tan máu đông, đường tĩnh mạch, can thiệp dụng cụ lấy huyết khối. Còn trong vỡ mạch máu thì có nhiều nguyên nhân như tăng huyết áp, nếu huyết áp càng cao thì nguy cơ xuất huyết não càng cao, uống thuốc chống đông lâu dài hoặc có tiền căn bệnh lý chảy máu (rối loạn đông máu) thì làm gia tăng mức độ xuất huyết cũng như tăng tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết não. Đặc biệt 2 nhóm nguyên nhân của người trẻ là dị dạng mạch máu não và phình mạch máu não thì cũng bằng can thiệp nội mạch DSA đó, chúng tôi sẽ đưa dụng cụ như lò xo, stent, chất keo để đưa vào mạch máu vỡ để cầm máu. Đây đều là những công nghệ mới nhất để điều trị xuất huyết não được nhắc đến trong thời gian gần đây.

MC: Độ tuổi nào dễ bị đột quỵ nhất? Người trẻ có bị không? Tại sao bệnh đột quỵ ngày càng nhiều?

TS.BS Trần Chí Cường: Về lý thuyết thì càng lớn tuổi nguy cơ mắc đột quỵ càng cao và ngưỡng là trên 60 tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Nếu chúng ta thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia nhiều, béo phì, ít vận động, đường huyết cao, ô nhiễm môi trường, khói bụi, hóa chất, thức ăn độc hại, stress... thì sẽ làm tỷ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Nói thế này cho dễ hiểu, nếu chúng ta chỉ mới 30 tuổi nhưng ngày nào cũng sử dụng rượu bia, thuốc lá thì chắc chắn sức khỏe sẽ giảm sút. Điều này không ai có thể ngăn cản được ngoại trừ chính bản thân chúng ta. Đây đều là những yếu tố có thể cải thiện được.

Điều không ngăn cản được đó chính là dị tật của mạch máu não. Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều trường hợp ở những em bé mới sanh nhưng đã có dị dạng mạch máu đã vỡ rồi.

Điều này cho thấy rất khó để lượng giá được độ tuổi nào dễ xảy ra đột quỵ. Bởi ở người lớn tuổi thì do vấn đề lão hóa còn người trẻ thì do dị tật mạch máu não và nhiều yếu tố khác.

Mặt khác, bệnh đột quỵ ngày càng nhiều một phần là do các phương tiện chẩn đoán tân tiến, gia tăng tỷ lệ chẩn đoán. Cách đây 10 năm chúng ta chưa đáp ứng được điều này, chỉ chẩn đoán qua lâm sàng, nghi ngờ dị dạng mạch máu, phình mạch máu não hay tắc nghẽn... chứ không được chứng minh qua hình ảnh như bây giờ.

MC: Bệnh nguy hiểm như vậy, có cách phòng tránh không?

TS.BS Trần Chí Cường: Việc phòng ngừa đột quỵ về mặt lý thuyết là khá đơn giản nhưng lại khó thực hiện. Nói đơn giản nghĩa là sao? Giống như các yếu tố nguy cơ mà tôi đã trình bày, nếu bạn hút thuốc, béo phì, bác sĩ khuyên nên ăn kiêng, vận động nhiều hơn, bỏ thuốc lá sẽ tốt cho sức khỏe... nhưng thực sự mấy ai làm được điều này. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, nếu chúng ta loại bỏ được thuốc lá ra khỏi cộng đồng thì tỷ lệ đột quỵ chắc chắn giảm đi rất nhiều.

Hơn nữa, để phòng ngừa đột quỵ chúng ta nên tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, giảm ăn mặn để kiểm soát tốt huyết áp, tránh những thuốc gây nghiện - nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ..

MC: Đột quỵ có chữa được không? Nếu chữa được thì khả năng hồi phục là bao nhiêu?

TS.BS Trần Chí Cường: Đột quỵ có thể chữa được nhưng không phải 100%. Việc hiệu quả của điều trị còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố sau đây: Thứ nhất là bệnh nền tảng của người bệnh (xuất huyết não hay tắc nghẽn mạch máu não), mạch máu bị tắc nghẽn, vỡ lớn hay nhỏ vì nếu càng lớn thì nguy cơ tử vong càng cao. Thứ 2 là việc điều trị đó có trong thời gian vàng hay không (khuyến cáo tốt nhất là trước 6 giờ, càng về sau thì hiệu quả điều trị càng giảm dần)...

Nói tóm lại, bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể phòng tránh, tầm soát và điều trị tốt được. Quan trọng là có sự phối hợp chặt chẽ từ cộng đồng, nhân viên y tế cũng như hệ thống ban ngành (giao thông), chăm sóc của người thân trong gia đình...

MC: Làm sao giúp người bệnh sớm phục hồi và tránh được việc người bệnh trầm cảm sau tai biến?

TS.BS Trần Chí Cường: Khoảng 30% bệnh nhân sau đột quỵ gặp tổn thương tâm lý, đa số là ở người lớn tuổi. Chẳng hạn như người già thường ở nhà 1 mình, không ai chăm sóc sẽ dễ tạo nên áp lực, lo lắng và bị trầm cảm.

Đối tượng thứ 2 là nhân viên công chức hoặc những người trong độ tuổi lao động, có việc làm ổn định. Bởi chỉ mới vài ngày trước vẫn được sinh hoạt, làm việc bình thường, thậm chí xe đưa rước tận nơi nhưng khi sau đột quỵ thì gần như yếu liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt cá nhân dẫn đến chán nản, cáu gắt...

Do đó, chúng ta phải có chiến lược điều trị tâm lý và phục hồi chức năng đi kèm với can thiệp cấp cứu và uống thuốc. Gia đình cũng là một phần rất quan trọng trong việc phòng ngừa trầm cảm cho người bệnh đột quỵ, nhất là khi chăm sóc cần nói chuyện, giao tiếp thường xuyên hơn với người bệnh...

Ngoài ra, dự phòng tái phát cũng là một trong những yếu tố phòng ngừa đột quỵ lần 2. Để làm được điều này, trước nhất là phải tìm được nguyên nhân gây đột quỵ rồi sau đó mới điều trị phòng ngừa tái phát. Ví dụ như người bệnh tăng huyết áp bị đột quỵ thì cần phải điều trị tốt bệnh tăng huyết áp bởi nếu không tiếp tục điều trị thì nguy cơ xuất huyết não tái phát là rất cao. Hay bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu cao phải duy trì mức đường huyết tốt nhất, hạ mỡ máu, có béo phì thì phải giảm cân. Đối với đột quỵ ở người trẻ, nếu chúng ta chẩn đoán có dị dạng trong hệ thống mạch máu não thì cần xử lý triệt để vì đây là nguy cơ gây tái phát đột quỵ rất lớn.

MC: Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cho là giúp ngăn ngừa đột quỵ, có thật sự hiệu quả?

TS.BS Trần Chí Cường: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều TPCN, được tuyến truyền giúp phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, điều tiên quyết là chúng ta phải phòng ngừa được các yếu tố nguy cơ mà tôi đã nói ở trên. Nếu thật sự khỏe mạnh thì vẫn có thể sử dụng thêm TPCN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng minh, thống kê có hiệu quả, tránh những loại TTPCN truyền miệng, không rõ nguồn gốc...

MC: Chúng tôi được biết, ông đang xây dựng bệnh viện đột quỵ, tim mạch tại Cần Thơ. Đâu là động lực để ông dồn sức xây dựng bệnh viện này?

TS.BS Trần Chí Cường: Sau 10 năm trải nghiệm việc cấp cứu cũng như chuyển giao công nghệ trong việc phát triển hệ thống cấp cứu đột quỵ cho TPHCM, một số tỉnh ở BV phía Bắc... tôi thấy rằng nếu chỉ ngồi tại TPHCM thì con số bệnh nhân ở miền Tây đến trễ sau 6 giờ không chỉ dừng ở con số 97% mà lên đến 100%.

Theo kinh nghiệm của tôi chưa thấy có bệnh nhân nào ở Cà Mau mà đến được TPHCM để tôi cấp cứu và điều trị cả. Nói vậy không phải Cà Mau không có người đột quỵ. Trung bình mỗi một thành phố có 1 triệu dân thì một năm bệnh viện tuyến tỉnh cứu đến 1.000 người bị đột quỵ. Con số này tôi đã đi khắp các tỉnh miền Tây để thống kê.

Lấy ví dụ như ở quê hương tôi - Đồng Tháp, tại BVĐK Sa Đéc là 800 trường hợp cấp cứu đột quỵ/ năm, Vĩnh Long 1.000 trường hợp/năm, An Giang 3.000 trường hợp/ năm và Cần Thơ chắc chắn không dưới con số này... Tính chung một con số thống kê thì 13 tỉnh miền Tây một năm không dưới 10.000 trường hợp bị đột quỵ. Đây chỉ là con số tối thiểu.

Và 10.000 bệnh nhân đó, nếu chúng ta lấy tỷ lệ tử vong trung bình tốt nhất trên thế giới (nghĩa là tỷ lệ tử vong ở các nước tiên tiến) 10-30% thì chỉ riêng các tỉnh miền Tây chúng ta đã mất hàng ngàn con người vì đột quỵ. Nếu đợi đến TPHCM thì chúng ta sẽ không cứu được con số đó.

Chính vì vậy, phải nghĩ đến phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ. Bằng hành động cụ thể, chúng tôi phải đi đến tận nơi, xây bệnh viện cấp cứu đột quỵ cho bệnh nhân. Đây là mô hình được các nước trên thế giới đã thực hiện.

Điều tôi mơ ước là cứ 2 giờ đi xe chúng ta sẽ có một bệnh viện cấp cứu can thiệp tốt đột quỵ. Như vậy sẽ giảm được tỷ lệ tử vong, thương tật và giảm gánh nặng cho BHYT.

Bước đi đầu tiên của chúng tôi đó là xây dựng bệnh viện cấp cứu đột quỵ tại Cần Thơ, rất may là bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các đối tác về máy móc thiết bị hay truyền thông từ AloBacsi trong việc xây dựng.

Hy vọng rằng với sự ra đời của BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ thì sẽ không còn bất cứ xe cấp cứu nào cần phải chuyển bệnh nhân từ Cần Thơ lên TPHCM.

PHẦN GIẢI ĐÁP CÂU HỎI CỦA ĐỘC GIẢ:

Trương Huy Thành - Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội

Chào BS, tôi hiện đang sinh sống ở Hà Nội. 10 năm trước ông nội tôi mất vì đột quỵ. Rồi cách đây 1 tháng, bố tôi cũng bị đột quỵ, may mắn là lần này phát hiện và cấp cứu kịp thời nên được cứu sống. Hiện nay bố tôi đang điều trị và tập phục hồi theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, có điều làm tôi lo lắng là ông nội đã bị đột quỵ rồi đến bố cũng mắc phải căn bệnh này. V

Vậy xin hỏi BS, đột quỵ có phải là bệnh di truyền? Người có tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ - có thể phòng ngừa được không? Nếu có, nên tầm soát như thế nào để ngăn ngừa căn bệnh này không ập đến? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Chí Cường:

Anh Thành thân mến,

Rất cảm ơn anh đã quan tâm đến chương trình, dù ở rất xa TPHCM.

Theo như anh nói, gia đình đã có người đột quỵ. BS khuyên anh nên tìm nguyên nhân đột quỵ của người ông, người bố trong gia đình. Nếu như anh có những nguy cơ thì anh có thể khám chuyên khoa Nội thần kinh đôt quỵ tầm soát bằng xét nghiệm máu, chụp cận lâm sàng xem có dị dạng mạch máu hay không hoặc siêu âm mạch cảnh để tìm yếu tố nguy cơ cho mình. Nếu lỡ có bị đột quỵ thì cần tìm nguyên nhân để kiểm soát và điều trị.

Đến nay chưa có chứng minh nào cho thấy đột quỵ có di truyền. Tuy nhiên, một số trường hợp bị dị tật mạch máu não, người cha bị và người con cũng có thể bị.


Bùi Nam Trung - TPHCM

Kính chào BS Cường,

Dạo này tôi hay nghe thấy từ đột quỵ, nào là đi tắm đêm cũng đột quỵ, ăn nhiều muối cũng có khả năng gây đột quỵ. Mà tôi lại mắc bệnh cao huyết áp - một trong những bệnh hay liên quan đến đột quỵ,  nên tôi cũng thấy bị áp lực, lo lắng mơ hồ.

Xin BS cho biết các xét nghiệm, kỹ thuật nào giúp chẩn đoán đột quỵ? CT, MRI, siêu âm? Xét nghiệm máu có phát hiện nguy cơ đột quỵ không thưa BS?

Nếu tắm đêm là nguy cơ đột quỵ, nhưng tôi thường hay đi làm về khuya, không thể không tắm, vậy tắm thế nào để không bị đột quỵ? Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

TS.BS Trần Chí Cường:

Nam Trung thân mến,

Đây là câu hỏi rất thường gặp.

Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó nhiều nhất là tăng huyết áp. Nếu huyết áp cao mà kèm theo ăn mặn thì nguy cơ đột quỵ lại càng nhiều. Bệnh nhân cần giảm tối thiểu lượng muối trong bữa ăn chứ không phải kiêng tuyệt đối. Một số thức ăn như mắm, kho quẹt, cà pháo… cũng nên hạn chế. Nếu mỡ máu cao, đường huyết cao thì cần được điều trị.

Về phương pháp tầm soát thì siêu âm doppler động mạch cảnh, tốn 300.000 đồng để tầm soát giúp tránh nguy cơ đột quỵ. BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ sẽ có đầy đủ phương tiện tầm soát bệnh này.

Tắm ban đêm nhưng nếu không uống rượu thì không nguy hiểm nhưng nếu tắm đêm bằng nước lạnh dễ nhiễm lạnh, cảm ho. Một số trường hợp bị đột quỵ khi tắm đêm là do tắm nước lạnh dẫn đến co mạch đột ngột và đột quỵ. Do đó, nên tắm bằng nước ấm, nhiệt độ nước tắm lý tưởng là nhiệt độ gần với cơ thể chúng ta.


Như Hoài - hoainiemqk…@gmail.com

Mẹ tôi 68 tuổi, khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, đang đi bộ bỗng thấy choáng, ngã xuống đất, được đưa về nhà nhưng lúc này bà không ngồi dậy được, chân tay run, miệng méo, nói đơ.

Do em tôi ở nhà không biết là đột quỵ nên tưởng trúng gió nên ra sức cạo. Sau được đưa vào bệnh viện thì nghe nói vì qua giờ vàng nên hiện tại mẹ tôi bị liệt, di chứng nặng. Giờ sự tình đã lỡ như vậy, chúng tôi có thể làm gì để cứu mẹ trở lại như xưa. 68 tuổi - chưa phải là già, chúng tôi rất cần mẹ và rất tha thiết mong làm sao để mẹ được trở lại như xưa.

Nhiều người khuyên mua thuốc tiêu sợi huyết điều trị đột quỵ giúp làm giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ. Xin nhờ BS giải thích thêm giúp tôi về loại thuốc này? Có nên đề nghị với bác sĩ cho mẹ tôi được dùng thuốc này?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chị Như Hoài thân mến,

Đây là một trường hợp khá điển hình của tình trạng đột quỵ mà không được nhận biết, xử lý điều trị trong thời gian vàng.

Xin chia sẻ với chị, trong tương lai gần chúng ta sẽ cố gắng vận động cộng đồng tham dự những buổi giao lưu nhiều hơn để có thể nhận biết bệnh và lên phương án cứu chữa được tốt hơn.

Quay lại trường hợp của mẹ chị, theo tôi nên đưa người bệnh đến bệnh viện để được chụp MRI, đánh giá có tắc nghẽn hay vỡ mạch máu não không và tìm hướng xử lý. Tất nhiên, việc được điều trị
sẽ giúp tế bào não phục hồi tốt hơn không điều trị. Đã có những trường hợp mặc dù đến muộn nhưng sau can thiệp thấy được hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Hoặc một số trường hợp bệnh nhân có rung nhĩ, rối loạn nhịp tim và hình thành cục máu đông. Sau khi điều trị tốt rung nhĩ thì dự phòng được tái phát đột quỵ. Do đó, việc điều trị tốt nhất cho mẹ chị hiện nay là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.

Với thắc mắc có nên điều trị thuốc tan máu đông hay không thì tôi xin trả lời ngay là KHÔNG. Tại thời điểm này không phải là đột quỵ cấp. Thuốc tan máu đông chỉ sử dụng khi ở bệnh viện, có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, và nó chỉ giải quyết được cục máu đông có kích thước nhỏ, bệnh nhân đến trước 4,5 giờ chứ không phải cho trường hợp đột quỵ mãn tính hay đến muộn như trường hợp của mẹ chị.

Tuy nhiên, chị không nên đánh mất hy vọng và nên đưa mẹ đến điều trị để dự phòng tái phát được tốt hơn.


Huỳnh Minh Hiếu - Đà Lạt, Lâm Đồng

Tôi bị tiểu đường type 2 đã 15 năm nay và đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tôi nghe nói tiểu đường khi bị đột quỵ rất nguy hiểm? Xin hỏi BS vì sao tiểu đường lại dẫn tới đột quỵ? Cấp cứu và phương pháp điều trị đột quỵ trên bệnh nhân tiểu đường có gì khác so với các nguyên  nhân khác?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào anh Minh Hiếu,

Đối với người bệnh tiểu đường, tổn thương mạch máu rất nghiêm trọng. Mức đường càng cao tổn thương càng nhiều, mạch máu ở đâu thì tổn thương ở đó. Nghĩa là các biến chứng của tiểu đường bao gồm trên hệ thống mạch máu, như mắt (bong võng mạc, mờ mắt), tổn thương thận, tim (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), nguy hiểm và đáng sợ nhất là đột quỵ. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải điều trị, kiểm soát đường huyết thật tốt và loại trừ các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, bỏ thuốc lá…

Người bệnh tiểu đường bị đột quỵ khó điều trị hơn so với bệnh nhân thông thường vì sức đề kháng của cơ thể kém, rất dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường có thể có tổn thương đa cơ quan nên việc điều trị đột quỵ sẽ khó hơn. Tuy nhiên, đó là những vấn đề lý thuyết, ngoài ra còn tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ như tôi đã nói ở trên được kiểm soát trong giới hạn bình thường thì cũng không cần quá lo lắng anh nhé!


Vương Chi - chivuong...@gmail.com

Bác sĩ có thể cho biết về những tiến bộ y học hiện nay trong điều trị đột quỵ? Có bao nhiêu phương pháp điều trị đột quỵ? Những ưu và nhược điểm của các phương pháp này là gì thưa bác sĩ? Phương pháp nào tối ưu nhất?

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn Vương Chi,

Các phương pháp mới nhất trong điều trị đột quỵ hiện nay là can thiệp cấp cứu trong lòng mạch và điều trị tan máu đông trong thời gian vàng.
Đối với điều trị tan máu đông được thực hiện trên thế giới khoảng 20 năm rồi. Việc này được chứng minh có hiệu quả nếu bệnh nhân có tắc nghẽn mạch máu nhỏ.

10 năm trở lại đây, công nghệ can thiệp trong lòng mạch ngày càng chiếm ưu thế và khẳng định tính hiệu quả khi bệnh nhân tắc nghẽn mạch máu lớn.

Đây là các công nghệ mới nhất mà Việt Nam đã thực hiện được. Tuy nhiên, điều áp lực lớn nhất chính là việc triển khai công nghệ chưa đồng đều tại các bệnh viện.


Nguyễn Văn Thoại

Tôi 54 tuổi, bị mỡ máu cao 6 năm nay. Tôi ăn kiêng, ăn nhiều rau củ quả và đi bộ mỗi ngày 40 phút (7 ngày/tuần) nhưng mỡ máu không giảm. BS tư vấn giúp vì sao ai cũng bảo mỡ máu cao tăng nguy cơ đột quỵ? Làm sao phòng ngừa đột quỵ ở những người bị mỡ máu?

TS.BS Trần Chí Cường:

Anh Thoại thân mến,

Đôi khi chúng ta có nỗi lo quá mức. Chẳng hạn như mỡ máu bình thường là 200mg/dL, khi xét nghiệm cho kết quả là 201, 210 hay 250mg/dL... được bác sĩ đánh giá mỡ máu cao. Tuy nhiên, mức cao bao nhiêu thì mới mang lại ý nghĩa quan trọng và cần phải điều trị gấp, đó là điều do bác sĩ lâm sàng đánh giá.

Nếu chúng ta chỉ bị mỡ máu cao hơn một chút mà không có yếu tố nguy cơ nào khác... thì không có ý nghĩa trong điều trị. Trường hợp ngược lại, chẳng hạn bình thường mỡ máu của chúng ta là 200mg/dL nhưng hiện tại lên đến 400, 500 hay 600mg/dL thì việc điều trị cần khẩn cấp. Lúc này, chúng ta hãy nhanh chóng thay đổi chế độ ăn, trong đó không ăn đêm là quan trọng nhất, ăn nhiều rau, giảm lượng tinh bột, mỡ động vật, nghĩa là không ăn nội tạng (gan, mật trứng)... và tập thể dục. Ngoài ra nếu có tình trạng thừa cân thì phải giảm cân, kiểm soát cân nặng tốt nhất. Do đó, việc điều trị mỡ máu là hoàn toàn khả thi.

Một số yếu tố nguy hiểm hơn mỡ máu là thừa cân, béo phì, hút thuốc lá không, rượu bia nhiều... Nếu chúng ta chỉ chú ý đến mỡ máu mà quên mất việc kiêng cữ, kiểm soát bệnh... thì việc phòng tránh mỡ máu là vô nghĩa trong bức tranh phòng ngừa đột quỵ.


Một bạn đọc là nam giới, 40 tuổi hỏi:

Tôi thường xuyên xây xẩm, chóng mặt nhưng bị xong rồi hết nên tôi thường lướt cho qua. Nhưng mới đây, do áp lực công việc căng thẳng (stress) và thường nhậu với đối tác trong công việc nên tôi vừa bị đột quỵ nhồi máu não nhẹ. Thật sự hú hồn, vì tôi không bao giờ tưởng tượng rằng ở tuổi 40 như mình có thể mắc bệnh này.

Mong BS có thể giải thích nguyên nhân và các phòng tránh nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi & trung niên? Cảm ơn BS rất nhiều.

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào anh,

Đối với cộng đồng thì không nghĩ 40 tuổi có thể bị đột quỵ nhưng với bác sĩ thì chúng tôi gặp hằng ngày, thậm chí có trường hợp mắc phải căn bệnh này khi mới 20 tuổi.

Do đó, việc phòng tránh là bất kể mọi thời điểm, lúc nào ý thức cũng cần nhớ nguy cơ của đột quỵ để phòng tránh tốt nhất.

Anh đã có tiền căn đột quỵ nhẹ, vậy anh cần cắt giảm các buổi "hẹn hò" với bia rượu, thuốc lá... Đó là những yếu tố nguy cơ trực tiếp gây đột quỵ. Nếu chúng ta uống bia rượu lượng lớn sẽ gây tổn thương não, mạch máu qua cơ chế hình thành cục máu đông trong lòng mạch. Cục máu đông này có thể trôi lên não gây tắc nghẽn mạch máu não.

Theo thông tin cung cấp, bác sĩ khuyên anh nên tìm đánh giá lại yếu tố nguy cơ đột quỵ của mình, những gì có thể phòng tránh được thì hãy tiến hành ngay và sau đó đi khám bác sĩ để tìm thêm yếu tố nguy cơ khác như: rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, mỡ máu, đường huyết... thì mới có liệu trình cụ thể để điều trị đột quỵ trong tương lai.

Chúc anh sức khỏe.


Bùi Nhiễu - 68 tuổi, quận 12, TPHCM

Chào BS, tôi bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, đang uống thuốc điều trị theo toa của BS ở bệnh viện thì có thể dùng các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ có thành phần Nattokinase Nhật Bản được hay không? Bác sĩ đánh giá thế nào về các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ từ Nattokinase được chứng nhận từ Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay?

TS.BS Trần Chí Cường:

Bác Nhiễu thân mến,

Trong góc độ khoa học, Nattokinase Nhật Bản đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có hiệu quả.

Nếu không có rối loạn đông máu, máu chảy không đông, máu chống đông… thì hoàn toàn có thể dùng thêm Nattokinase để phòng ngừa đột quỵ. Vì Nattokinase Nhật Bản được bào chế từ đậu nành lên men - món ăn nghìn năm ngừa đột quỵ mà người Nhật Bản dùng lâu nay.

Tuy nhiên, đây không phải là thuốc điều trị mà là sản phẩm hỗ trợ trong liệu trình điều trị đột quỵ bác nhé!

Thùy Linh - Bạn đọc hỏi qua Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

BS Cường ơi,

Bác của cháu bị nhồi máu não nhưng hiện tại hay nghe tiếng ve kêu trong tai, không đi lại được nên việc sinh hoạt nhờ vào con cháu. Dạo gần đây, đột nhiên bác hay buồn bã, khép mình, ít trò chuyện (mặc dù trước đây bác rất hay nói, hòa đồng), hay cáu kỉnh với người chăm sóc, từ chối uống thuốc và bỏ cả vật lý trị liệu.

Cháu nghe nói sau đột quỵ, người bệnh dễ bị trầm cảm. Xin hỏi BS có cách nào để cải thiện tâm lý cho người sau đột quỵ không ạ? Vì cháu sợ nếu để lâu dễ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, hơn nữa còn tạo cơ hội cho đột quỵ tái phát.

 
Chào BS, tôi bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, đang uống thuốc điều trị theo toa của BS ở bệnh viện thì có thể dùng các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ có thành phần Nattokinase Nhật Bản được hay không? Bác sĩ đánh giá thế nào về các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ từ Nattokinase được chứng nhận từ Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay?

TS.BS Trần Chí Cường:

Thùy Linh thân mến,

Sau đột quỵ, rất nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc xáo trộn tâm lý. Vì vậy, việc đầu tiên là chúng ta phải gần gũi, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn và luôn luôn có sự chia sẻ, tương tác, trò chuyện với người bệnh mỗi ngày. Điều quan trọng là giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm, hỗ trợ về chức năng thần kinh... Do đó, em có thể đưa bệnh nhân đến chuyên khoa Thần kinh để được tư vấn kỹ hơn, kê toa thuốc hỗ trợ cho người bệnh nhé!


Phương Nguyễn - Bạn đọc hỏi qua Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời


Nhờ BS Cường tư vấn giúp tôi cách chăm sóc người thân bị đột quỵ? Dinh dưỡng và các bài tập thể dục. Xin bác sĩ giúp luôn về những sai lầm cần tránh? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Chí Cường:

Chào bạn,

Đối với việc chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ thì yếu tố gia đình rất quan trọng, trong đó người trực tiếp chăm sóc đóng vai trò then chốt, bao gồm nhắc nhở người bệnh uống thuốc, tập vật lý trị liệu...

Sai lầm lớn nhất thường gặp khi chăm sóc người bệnh đột quỵ đó là cáu gắt, có hành động ứng xử không phù hợp, hoặc tạo áp lực quá làm bệnh chán nản, buồn rầu... Thậm chí, nhiều bệnh nhân đột quỵ còn có tâm lý muốn tự tử để giảm gánh nặng cho con cháu, gia đình và xã hội.
Do đó, chúng ta cần có sự ứng xử khéo kéo, tránh tạo áp lực quá lớn cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bạn cần khuyên bệnh nhân đi khám bác sĩ thường xuyên, uống thuốc đúng chỉ định, tập vật lý trị liệu và luôn hướng đến những điều tốt đẹp khi phục hồi sau đột quỵ.

Không nên để bệnh nhân hoang mang, môi trường sống vui vẻ, thân thiện, nói chuyện tạo cảm giác việc đột quỵ này rất bình thường, nó có thể xảy ra và việc phục hồi là có thể (cho dù cơ hội phục hồi là có hay không vì không ai có thể nói chính xác khả năng là bao nhiêu).

Do đó, chúng ta cần nhìn vào mặt tốt của vấn đề, đừng đánh mất hy vọng bởi việc kiên trì luyện tập, điều trị vẫn tốt hơn là không làm gì cả.


Trần Nguyễn Minh Tâm - 47 tuổi, TPHCM


BS cho tôi hỏi về chuyện này hơi tế nhị chút xíu. Bà xã tôi bị đột quỵ não cách đây 2 năm, hiện tại sức khỏe hơi yếu nhưng nhìn chung vẫn làm chủ sinh hoạt cá nhân, không phụ thuộc vào người khác. Từ lúc bà xã bệnh, tôi kiêng hoàn toàn“chuyện ấy”. Tuy nhiên, gần đây sức khỏe vợ tôi đã tốt hơn. Chúng tôi có thể làm chuyện ấy như xưa?  “Yêu nhau” như vậy có làm đột quỵ tái phát? Làm sao để an toàn cho vợ tôi. Xin hỏi BS, sau đột quỵ cần kiêng “chuyện ấy” bao lâu? Cảm ơn BS nhiều lắm. Vợ chồng tôi mới đến tuổi tứ tuần thôi.


TS.BS Trần Chí Cường:

Anh Minh Tâm thân mến,

Đây là vấn đề cũng nên chia sẻ trên cộng đồng để tránh việc căng thẳng quá mức về những quan hệ sinh hoạt vợ chồng sau đột quỵ.

Trên lý thuyết, trong thời gian bệnh nhân bị đột quỵ hoặc tuân theo liệu trình điều trị phức tạp và được bác sĩ tư vấn tránh những vận động quá sức thì nên kiêng cữ quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, khi trải qua giai đoạn này, người bệnh có thể đi đứng sinh hoạt, kiểm soát huyết áp tốt, chăm sóc bản thân thì việc sinh hoạt vợ chồng có thể duy trì, đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong đời sống.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải quan tâm tốt hơn đến việc phòng tránh thai. Nếu người phụ nữ đã từng bị đột quỵ và phải uống nhiều thuốc... sau đó mang thai thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, một số trường hợp còn tái phát đột quỵ. Chúng tôi đã gặp trường hợp tương tự như thế này và ghi nhận trong thời gian mang thai thì tỷ lệ đột quỵ tái phát tăng cao hơn phụ nữ bình thường.


Phạm Văn Út - huyện U Minh, Cà Mau

Chào BS, tôi ở Cà Mau cách TPHCM cả mấy trăm cây số. Nếu giả như người thân bị đột quỵ thì làm sao lên được thành phố trong thời gian vàng? Nếu không lên TPHCM thì có thể đến bệnh viện nào ở miền Tây để được cấp cứu và điều trị đột quỵ?


Chào anh Út,

Đây là câu hỏi thực sự rất khó để trả lời trong thời gian này. Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế thì đó là câu hỏi rất đau lòng. Chính vì những nỗi niềm như thế này nên tôi đã "lăn lộn" khắp trong và ngoài nước để vận động các nguồn thành lập bệnh viện đột quỵ tại miền Tây.

Trong thời gian bệnh viện chưa đi vào hoạt động (bệnh viện dự kiến khánh thành vào khoảng tháng 11/2018 - PV) thì việc cấp cứu đột quỵ vẫn có thể thực hiện ở các bệnh viện ở tỉnh lân cận như BV Đại học Y Dược Cần Thơ, BVĐK Trung ương Cần Thơ...

Tuy nhiên, khi bị đột quỵ tốt nhất là đến bệnh viện tuyến tỉnh trước, các bác sĩ sẽ sàng lọc, tư vấn chia sẻ chuyên môn và nếu điều trị bằng thuốc thì vẫn có thể can thiệp tại Cà Mau.

Đôi điều chia sẻ cùng anh!


Chương trình truyền hình trực tuyến này là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” do AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang tổ chức nhằm đẩy mạnh việc tư vấn phòng ngừa và ứng phó với các bệnh tim mạch, nội thần kinh, đặc biệt là đột quỵ.


Phương Nguyên
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X