Hotline 24/7
08983-08983

Truyền Ethanol nguyên chất vào dạ dày bệnh nhân nghi uống rượu cồn công nghiệp

Một người đàn ông uống rượu không rõ nguồn gốc nghi là rượu cồn công nghiệp Methanol đã phải nhập viện cấp cứu. Dù được cứu qua cơn nguy kịch nhưng đến nay theo các bác sĩ bệnh nhân tiên lượng xấu.

Mẫu rượu cồn công nghiệp bệnh nhân M., uống và phải nhập viện - Ảnh: CTV

Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) vừa cấp cứu bệnh nhân D.V.M (37 tuổi, ngụ đường Tô Hiến Thành, Q.10) do uống rượu cồn công nghiệp Methanol.

Trước đó từ 11h đến 14h ngày 28/1 anh M., uống với một người bạn bằng loại rượu mua ngoài không rõ nguồn gốc. Loại rượu này sau khi mua về được ngâm chung vào bình rượu được tặng trước đó. Sáng 29/1 anh M., vẫn sinh hoạt làm việc bình thường.

Tuy nhiên khoảng 21h tối cùng này anh M., kêu mệt, khó thở, nôn ói và nhập viện cấp cứu vào rạng sáng 30/1.

Theo Bệnh viện Nhân dân 115 thời điểm nhập viện bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, mê, tụt huyết áp. Đặc biệt pH máu bệnh nhân hạ thấp, kèm tổn thương gan thận, mê sâu, đe dọa sự sống.

Ngay lúc này bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy chuyển khoa hồi sức tích cực - chống độc.

Kết quả xét nghiệm độc chất trong máu cho thấy nồng độ Methanol trong máu của bệnh nhân sau 36 giờ uống rượu là 54,1 mg/dl, vượt xa so với nồng độ tử vong là 40 mg/dl.

Với các biểu hiện nêu trên cùng kết quả phân tích các bác sĩ cho rằng bệnh nhân bị ngộ độc rượu Methanol và điều trị theo phát đồ ngộ độc Methanol.

Cụ thể được vận mạch nâng huyết áp, lọc máu liên tục để loại trừ methanol và truyền ethanol nguyên chất 96% vào dạ dày bệnh nhân.

Tuy nhiên đến nay tình trạng bệnh nhân không cải thiện nhiều, tiên lượng xấu.

Bệnh nhân D.V.M (37 tuổi, ngụ đường Tô Hiến Thành, Q.10) nhập viện cấp cứu do uống phải rượu cồn công nghiệp Methanol - Ảnh: CTV

Liên quan đến sự việc này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đến bệnh viện để xác định nguyên, truy xuất nguồn gốc rượu bệnh nhân uống bị ngộ độc.

Ngộ độc rượu Methanol (còn gọi là rượu làm từ cồn công nghiệp) gần đây khá lo ngại. Điển hình mới nhất là vụ ngộ độc vào ngày 10/1 bệnh nhân N.V.N (quê Quảng Trị).

Với tình cảnh "thập tử nhất sinh", bệnh nhân này may mắn được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bằng phương pháp điều trị "sáng tạo" bằng cách sử dùng Ethanol trong15 lon bia, kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực.

TS.BS Huỳnh Văn Ân - Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), kiêm Phó chủ tịch Hội hồi sức tích cực chống độc TPHCM cho biết rượu Methanol được làm từ gỗ rất độc. Trên lý thuyết không ai sử dụng Methanol làm rượu để uống, chỉ sử dụng trong các ngành công nghiệp.

"Cơ chế của việc điều trị ngộ độc loại rượu này là tranh chấp, giải quyết. Do đó bác sĩ sẽ dùng Ethanol cho vào cơ thể để gan giải quyết Ethanol liên kết, từ đó cơ thể có thời gian loại trừ Methanol hoặc phải lấy ra bằng phương pháp lọc máu, điều trị hỗ trợ" - TS.BS Huỳnh Văn Ân nói.

Ngộ độc rượu vẫn là nguy cơ lớn


Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) tại hội nghị tổng kết công tác ATTT 2018 vừa qua.

Ông Phong cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm tính đến cuối tháng 10/2018 cả nước xảy ra 91 vụ khiến 2.710 người bị ngộ độc, có 15 người tử vong.

So với cùng kỳ năm 2017, ngộ độc thực phẩm giảm đáng kể cả số vụ, số người bị ngộ độc và số người tử vong. Tuy vậy ngộ độc rượu vẫn là nguy cơ lớn khi năm 2017 tỉ lệ tử vong rất cao bởi các loại rượu ngâm các loại rễ rừng không rõ nguồn gốc, ngộ độc do nấm độc.

Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X