Hotline 24/7
08983-08983

Truy tìm "thủ phạm" gây bùng phát dịch sởi: Ngủ quên trên con số?

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TPHCM ghi nhận 2.634 ca mắc sởi, tăng gần 1.000 ca so với cả năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi gia đình có bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur (Bộ Y tế) - cảnh báo sởi có tốc độ lây nhiễm "chóng mặt", đứng "top" đầu trong các bệnh lý. Chỉ cần một người sống trong cộng đồng mắc sởi, nếu những người sống xung quanh không được tiêm chủng thì gần như 100% bị lây nhiễm.

Chính vì mối nguy cơ này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát tình hình điều tra, giám sát phòng chống dịch sởi tại "điểm nóng" TPHCM và cùng mổ xẻ nguyên nhân, truy tìm thủ phạm.

Phải tiêm theo kiểu "bắt nhầm hơn bỏ sót"

Là một quận vùng ven của TP, quận 8 nổi lên là "điểm nóng" bùng phát dịch sởi. Năm 2018 quận này có 81 ca mắc sởi, nhưng chỉ hai tháng đầu năm 2019 số ca mắc sởi gần gấp 3 lần với 216 ca.

Trước thông tin tỉ lệ tiêm sởi - rubella mũi 1 năm 2018 trên toàn TP đạt 95%, bà Tiến vẫn băn khoăn: "Các anh nói đạt tỉ lệ tiêm chủng 95% nhưng con số đó liệu có đúng không, sát với thực tế chưa và liệu còn bỏ sót ai không?".

Tiếp lời bà Tiến, ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - truy vấn: "Tôi rất băn khoăn bởi cứ điều tra ra ca mắc sởi lại thuộc diện chưa tiêm, bỏ sót. Do đó, con số báo cáo 95% chưa chắc là thực tế, cái này phải làm rõ".

Trả lời nghi vấn trên, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho rằng số liệu tỉ lệ tiêm sởi mũi 1 đạt 95% đơn vị đều dựa trên phần mềm quản lý để báo cáo.

Ông lý giải giả thiết hiện TP có 100.000 trẻ, còn 5% trẻ chưa tiêm tức là 5.000 trẻ và cộng dồn của 4 năm thì có tới 20.000 trẻ chưa tiêm. Do đó, số ca mắc tại TP trong hai năm gần đây với 4.000 trẻ là "chưa thấm vào đâu" so với con số 20.000 trẻ chưa tiêm hiện nay.

Chúng tôi ngủ quên trên con số đạt được mà quên tiêm vét số lượng chưa tiêm còn lại. Đây là lỗ hổng chúng tôi nhìn ra được và đang quyết tâm trong năm 2019 sẽ lấp được lỗ hổng này.

Ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM




Tại sao sởi lại mắc ở trẻ dưới 9 tháng và tại sao lại có xu hướng mắc ở các bà mẹ? Tự đặt ra câu hỏi này, bà Tiến cho rằng nguyên nhân do lúc 9-12 tháng trẻ không được tiêm nhắc lại và "các cháu 30 tuổi" mắc là trước đây không được tiêm. Do đó, khi lấy chồng sinh con trong người không có kháng thể từ văcxin nên lây sởi từ con.

"Nguyên nhân là không tiêm và tiêm không đúng lịch. Thế nên bây giờ thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót, phải có chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ thường trú, nhập cư, tạm trú, kể cả không được quản lý...

Không cần mẫu mã, phần mềm gì cả, cứ túm được cháu nào trong diện là tiêm chứ văcxin không thiếu" - Bộ trưởng Tiến nói.

Quy trách nhiệm cho từng đơn vị

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - cảnh báo hiện nay tiêm sởi còn có một lỗ hổng quá lớn cần phải "trám", nếu không bùng phát dịch là hiểm họa trước mắt.

Lỗ hổng mà bác sĩ Khanh nhắc tới là hiện tượng trẻ không tiêm mũi sởi lúc 9 tháng, mà chờ tiêm dịch vụ.

"Tôi thấy cần phải mở rộng chương trình tiêm chủng. Đó là ở những nơi tiêm dịch vụ phải tham gia tiêm sởi lúc 9 tháng. Lỗ hổng thứ hai là trẻ tiêm mũi 3 trong 1 lúc 12 tháng được "huấn luyện" tới 5-6 tuổi mới tiêm, trong thời gian này trẻ bị mắc bệnh luôn rồi" - bác sĩ Khanh lý giải.

Về vấn đề quản lý dịch vụ và lịch tiêm chủng mà bác sĩ Khanh đề cập, ông Trần Đắc Phu nói ngay hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Sở Y tế TP. Do đó, nếu các điểm tiêm chủng dịch vụ làm không đúng thì đơn vị có quyền rút giấy phép, chứ không phải muốn làm sao thì làm!?

Ngoài các yếu tố trên, ông Phu nhấn mạnh điều quan trọng còn nằm ở khâu điều tra kêu gọi từng hộ dân ra tiêm chủng. Thế nhưng các địa phương chủ yếu lại dựa vào số liệu biến động dân cư từ các đơn vị khác.

"Không điều tra được đến từng hộ dân thì thất bại dù có phần mềm quản lý. Không thể cứ tuyên truyền theo kiểu nhà nào có trẻ chưa tiêm thì mang đi tiêm được. Tôi thấy cần phải có truy trách nhiệm cho từng người, từng đơn vị cụ thể khi có trẻ mắc bệnh" - ông Phu nói.

Đồng quan điểm, bà Tiến cho rằng sở dĩ trẻ bị nhiễm bệnh có nguyên nhân "hệ thống" từ ông bà, cha mẹ đến chính quyền địa phương. Do đó cần phải có truy trách nhiệm từ chính quyền, nhân viên y tế đến gia đình, họ phải cùng cam kết thực hiện. "Nếu lỗi thuộc về nhân viên y tế thì phải thừa nhận, khắc phục ngay" - bà Tiến nói.

Khẳng định tiêm chủng là hoạt động ưu tiên số 1 của y tế công cộng, bà Tiến gợi mở Sở Y tế TP cần đổi mới tư duy, có biện pháp phòng bệnh lâu dài: "Tôi đề nghị tuần nào cũng phải tổ chức tiêm chứ không tiêm theo đợt, theo chương trình để đáp ứng nhu cầu người dân tiêm chủng tốt nhất" - bà Tiến nói.

Trên 139.000 trẻ không tiêm chủng

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay tổng số trẻ cần tiêm văcxin sởi - rubella trên toàn TP là 295.637, trong đó số trẻ ở trường học là 222.222 và ở cộng đồng là 73.415.

Đến nay, số trẻ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung văcxin sởi - rubella là 156.623 (chiếm 53%). Tổng số trẻ không tiêm chủng trong chiến dịch là 139.005 trẻ (47%).

Qua điều tra xác định các đối tượng này nằm trong diện được tiêm ít nhất một mũi; hoãn hoặc vắng tiêm, chống chỉ định và trẻ không đồng ý tiêm, cũng không cung cấp tiền sử tiêm.

Theo Hoàng Lộc - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X