Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc "lộ rõ ý đồ bá chủ sông Mekong"

Trung Quốc đang tỏ rõ quyền kiểm soát và sử dụng thực sự đối với sông Mekong khi nước này mở chiến dịch ngoại giao để gắn kết với những quốc gia bị ảnh hưởng ở hạ lưu.

Theo The Nation Multimedia, tình hình trở nên rõ ràng hơn sau khi Bắc Kinh liên lạc với 5 nước khác dọc sông Mekong là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Về mặt tự nhiên, khoảng một nửa của gần 5.000km chiều dài của sông Mekong dưới chủ quyền của Trung Quốc. Dòng sông này chảy qua 3 tỉnh của Trung Quốc trước khi tiến về phía nam tới vùng tam giác phía Nam Việt Nam.

Không hề thổi phồng khi nói rằng Trung Quốc sử dụng dòng sông này hơn toàn bộ 5 quốc gia còn lại. Trong khi Trung Quốc đã xây dựng 5 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông trong 2 thập kỷ qua, chưa kể còn nhiều đập khác cũng đã được nước này lên kế hoạch, những quốc gia ở hạ lưu như Lào cũng đang xây dựng 2 dự án và các nước khác cũng cần bơm nước phục vụ hoạt động nông nghiệp .


Một góc sông Mekong. Ảnh: Nation Multimedia

Một góc sông Mekong. Ảnh: Nation Multimedia

Trong khi Trung Quốc hối hả phát quang các ghềnh, đá ngầm, mảnh đất hoang để tạo điều kiện cho giao thông trên sông hơn 15 năm trước, các nước khác ở hạ lưu hiếm khi sử dụng sông Mekong cho mục đích giao thông vận tải.

Các đoàn thuyền của Trung Quốc thường xuyên vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa các cảng phía nam nước này với cảng Chiang Saen – Thái Lan. Trong khi đó Thái Lan, Lào và Myanamar chỉ dùng thuyền nhỏ để đi lại trong phạm vi địa phương.

Giới chuyên gia cho rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây lên đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, đặc biệt là khi cả nhiều con đập trong số đó đều là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông.

Sông Mekong cũng nằm trong chiến lược phát triển của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Cuối những năm 1980, Bắc Kinh lần đầu tiên ủy quyền cho giới chức tỉnh Tây Nam để gắn kết với các quốc gia trong lòng chảo Mekong. Và Bắc Kinh đã theo đuổi con đường đó cho tới nay. Khi nền kinh tế của Bắc Kinh đã vươn tới vị trí số 2 thế giới, quyền lực chính trị của nước này cũng nâng lên.

Bắc Kinh tiếp cận Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) khi nhóm này họp thượng đỉnh đầu tiên ở Phnom Penh năm 2002. Nguồn tài chính phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng của GMS ban đầu đến từ các ngân hàng của Nhật nhưng sau đó Trung Quốc nhanh chóng tìm cách chen chân vị trí này.

Tuyến đường hàng hải lòng chảo Mekong chủ yếu do Ủy ban sông Mekong (MRC) điều hành. Các quy tắc của MRC vẫn còn dang dở nhưng chúng chỉ áp dụng cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong khi đó, các nước ở thượng nguồn Trung Quốc và Myanmar có đối thoại với các đối tác trong khu vực nhưng lại tự do hơn khi sử dụng con sông.

Không có cơ chế nào cho toàn bộ các quốc gia Mekong để thảo luận các ảnh hưởng của các dự án phát triển rầm rộ của Trung Quốc. GMS chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, trong khi MRC không bao gồm Trung Quốc.

Cũng không có cơ hội nào cho 6 quốc gia liên quan thảo luận về những vấn đề như hậy quả của kế hoạch phát triển của Trung Quốc đối với môi trường, hay các vấn đề xã hội và an ninh liên quan như buôn người hay buôn lậu.

Bắc Kinh bắt đầu khởi xướng một diễn đàn mới mang tên Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong vào năm 2014. Lancang (Lan Thương) là tên Trung Quốc gọi dòng sông Mekong. Mặc dù cùng là một dòng sông, nhưng Trung Quốc nhất quyết phải lấy tên ghép giữa cách gọi của mình và tên do 5 nước còn lại gọi để sử dụng cho diễn đàn này. Qua đó đã đủ hiểu sự áp đặt của nền kinh tế số 2 thế giới với diễn đàn do họ tự lập ra này.

Động thái của Trung Quốc diễn ra quá nhanh khiến các nước khác trong lòng chảo Mekong chưa kịp xử lý. Và hồi tháng 11/2015, hội nghị bộ trưởng Lancang-Mekong đầu tiên diễn ra Tại trung Quốc. Bắc Kinh kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong tuần này để thiết lập cơ chế hợp tác mới. Một quan chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng mọi vấn đề có thể được thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Lancang-Mekong, trong đó có môi trường và các vấn đề xã hội khác dọc sông Mekong.

Trung Quốc từ lâu đã biết các dự án phát triển của mình, xây dựng đập ồ ạt trên sông Mekong, là một vấn đề lớn trong khu vực. Hồi tuần trước, nước này tuyên bố sẽ xả nước từ một đập ở tỉnh Vân Nam xuống hạ lưu sông Mekong đến ngày 10/4 để cứu hạn ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là động thái hiếm thấy của nền kinh tế số 2 thế giới. Nhưng thực ra nó sẽ không xảy ra nếu Việt Nam không lên tiếng đề nghị hồi tuần trước, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Lancang-Mekong. Phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc xả nước từ con đập tại nhà máy thủy điện ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, để giúp vượt qua hạn hán tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Đỗ Quyên - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X