Hotline 24/7
08983-08983

Trump ủng hộ Wakefield gieo rắc nỗi sợ vắcxin

Andrew Wakefield có thể là cái tên xa lạ, nhưng với những ai cổ động chích ngừa để phòng bệnh, ông như một “kẻ thù” khi đưa ra lý thuyết sai trái vắcxin gây bệnh tự kỷ.

Khoa học chính thống xác nhận vắcxin là vũ khí tốt nhất để phòng bệnh. Trong ảnh: khám sức khỏe và chích ngừa cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế phường.

Vì điều này, hàng triệu người tẩy chay chích ngừa khiến dịch bệnh bùng phát nhiều nơi trên thế giới.

Kẻ gieo rắc kinh hoàng

Năm 1998, Wakefield công bố một nghiên cứu cho rằng vắcxin MMR (ngừa bạch hầu, sởi, rubella), một trong những vắcxin an toàn nhất và được sử dụng nhiều nhất thế giới, gây bệnh tự kỷ.

Là bác sĩ Anh quốc, một trong những đất nước có nền y học hàng đầu thế giới và nghiên cứu lại công bố trong tạp chí danh tiếng The Lancet, nên phát hiện của Wakefield đã tạo ra một cơn địa chấn lớn làm lay chuyển phong trào chích ngừa thế giới.

Nhưng sau đó cộng đồng khoa học xác nhận nghiên cứu của Wakefield… hoàn toàn sai bét. Thật vậy, sau khi rà soát lại hàng triệu ca chích vắcxin MMR trên thế giới không ai tìm thấy bất kỳ sự liên hệ nào giữa chích ngừa và tự kỷ.

Thực tế, qua điều tra, người ta biết được Wakefield có kế hoạch sản xuất một vắcxin ngừa sởi đơn độc để cạnh tranh với MMR, vì thế ông ăn gian số liệu nghiên cứu, cố tình cho ra kết quả đã sắp đặt trước để làm công chúng hoang mang.

Sau phát hiện này, Wakefield bị tước bằng bác sĩ, loại bỏ khỏi nghiệp đoàn bác sĩ Anh quốc vì vi phạm đạo đức nghiêm trọng, còn nghiên cứu của ông thì bị tờ The Lancet gỡ bỏ hai năm sau đó.

Chẳng có gì ầm ĩ nếu chỉ dừng lại ở đây, nhưng mọi chuyện đã đi quá xa khi tại Anh quốc và nhiều nước trên thế giới dân tình tin những điều Wakefield nói là đúng. Không ông bố, bà mẹ nào lại không sợ con mình bị tự kỷ, căn bệnh cho đến nay y học chưa tìm được thuốc chữa. Bạch hầu, sởi hay rubella chưa thấy đâu, nhưng cho trẻ chích ngừa để chúng bị tự kỷ thì quá sợ, vì thế các ông bố, bà mẹ không mang trẻ chích ngừa là xong.

Hậu quả của phong trào tẩy chay này là tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng giảm xuống thê thảm, từ đó dịch bệnh sởi bùng phát ở Anh, Mỹ, Canada khiến hàng chục ngàn trẻ mắc bệnh, thậm chí có cả trẻ tử vong.

Năm 2015, do không còn đất sống ở Anh, Wakefield và vợ chuyển đến TP Austin bang Texas, Mỹ, sinh sống. Tại đây ông tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi vắcxin gây tự kỷ và được nhiều phụ huynh tin sái cổ không thèm đưa con đi chích ngừa.  Có trường học tỷ lệ học sinh bỏ chích ngừa lên đến… 40%. Nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Nhưng chính quyền TP Austin lo một, chính quyền bang Texas lo mười. Là một trong những bang có tỷ lệ chích ngừa nhiều nhất nước Mỹ (97,4%), nhưng từ ngày Wakefield chuyển đến sinh sống, số người tẩy chay vắcxin ở bang này đã tăng từ 2.300 người vào năm 2003, lên đến 44.000 người vào cuối năm qua. Chính quyền hết sức đau đầu vì Texas không khác gì… “một trái bom dịch bệnh định giờ” chỉ chực chờ nổ tung.

Trump ủng hộ, Wakefield càng lợi hại

Sống tại Mỹ, Wakefield không còn lo sợ bị giới khoa học và công chúng tẩy chay như ở Anh. Ông lập quỹ từ thiện, nói chuyện trên truyền hình và đặc biệt là làm phim để truyền bá mối liên hệ giữa vắcxin và tự kỷ. Nhưng nguy hiểm của nhà khoa học giả hiệu không chỉ ở đây mà ở chỗ ông được sự tiếp sức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chống vắcxin mạnh mẽ.

Năm 2012, phát biểu trên đài Fox, Trump khi đó còn là một doanh nhân, đã nói: “Tôi đã nhìn thấy những gia đình có đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng sau khi đưa con đi chích ngừa thì một tháng sau đứa trẻ lại trở bệnh”.

Trump cũng cho rằng vắcxin gây tự kỷ. Có lần ông nói: “Một người làm việc cho tôi có đứa con hai tuổi. Đứa bé này được đi chích ngừa, một tuần nó lên cơn sốt, bệnh rất nặng và giờ đây nó bị… tự kỷ”. 

Tin vào những điều này, Trump đã mời Wakefield đến thủ đô tham dự một buổi tiệc khiêu vũ hồi đầu năm. Sau sự kiện, Wakefield khoe với nhiều người ông đã có được sự “chống lưng mạnh mẽ” cho những nỗ lực truyền bá lý thuyết của mình.

Sự lợi hại của Wakefield đã được khẳng định. Những ngày này bang Minnesota đang biết đến trận dịch sởi lớn nhất trong vòng 30 năm qua, vì người dân bỏ chích ngừa, do lo ngại mối liên hệ giữa vắcxin và bệnh tự kỷ.

Từ giữa tháng qua đến nay, bang ghi nhận 44 ca sởi chủ yếu trong cộng đồng người Somali nhập cư. Họ cho biết có những nhà hoạt động chống chích ngừa, trong đó có cả Wakefield, đến gặp từng người kêu họ bỏ chích.

Chuyện nước Mỹ có liên quan đến Việt Nam, vì không ít phụ huynh cũng xôn xao chuyện tự kỷ và vắcxin. Trên một cộng đồng mạng bàn luận vắcxin, một “mẹ bĩm sữa” viết: “Không chích ngừa con chưa chắc chết, nhưng chích xong con bị tự kỷ thì bỏ chích cho xong (!?)”.

Phong trào nghi ngờ vắcxin lớn mạnh trong cộng đồng mạng Việt Nam, đã khiến giới y học chính thống lo ngại. Ngày 10.5 qua, fanpage BV Nhi Đồng TPHCM đưa lên một status: “Liên tiếp ba năm gần đây, ngành y tế liên tục chống chọi với dịch sởi, bởi nhiều ca nguy kịch do biến chứng đường hô hấp.

Đầu năm nay, dịch ho gà, bạch hầu bùng phát dữ dội sau nhiều năm yên ắng vắng bóng trên bản đồ bệnh tật. Nguyên nhân đến từ rất nhiều nguồn thông tin không chính thống, không rõ ràng với vô vàn lập luận vô căn cứ của hội chống vắcxin ngày càng lớn mạnh”.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nhờ chích ngừa mà 2,5 triệu người trên thế giới thoát khỏi tử vong vì bốn căn bệnh sởi, ho gà, uốn ván, bạch hầu. Nếu phong trào chích ngừa suy yếu, dịch bệnh bùng phát, ai sẽ nhận hậu quả?

Theo Dương Cầm - Thế giới Tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X