Hotline 24/7
08983-08983

"Trốn" chồng vì sắp mãn kinh

Cứ vài hôm lại thấy vợ kêu mệt, viện cớ trốn "chuyện ấy", chồng bà Lanh bực bội, ra vào đá thúng, đụng nia. Ông cho rằng bà giả bộ để được con cái quan tâm và bỏ bê chồng.

Mấy tháng gần đây, bà Lanh, 49 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội, thỉnh thoảng lại lên cơn sốt, thấy mặt nóng bừng, người xây xẩm, mệt mỏi. Chu kỳ kinh của bà cũng thất thường, có khi hai tháng mới thấy rồi sau đó lại bị rong mấy chục hôm liền. Bà thấy người mình yếu hẳn, nhưng chẳng dám đi khám.

Nhà bà vốn làm nghề nông. Chồng bà, thấy vợ lúc nào cũng uể oải, chẳng làm được gì, lại còn từ chối gần gũi chồng nên sinh cáu bẳn, bực bội. Ông hầu như chẳng bao giờ hỏi han sức khỏe của vợ hay đề xuất đưa vợ đi khám mà luôn nghĩ bà chỉ giả vờ để tránh "trách nhiệm" với chồng. Hễ lúc nào các con hay người thân hỏi thăm bà là ông lại tỏ ra bực bội: "Làm gì mà mệt với chả đau. Cứ làm bộ làm tịch, chướng cả mắt".

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động (Thái Hà, Hà Nội) cho biết, những triệu chứng như chóng mặt, bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn... mà bà Lanh gặp phải chính là biểu hiện của hội chứng tiền mãn kinh.

Theo bác sĩ, khi 45 - 50 tuổi, ở phụ nữ, hoạt động của các tuyến nội tiết bắt đầu suy yếu, lượng hoóc môn sinh dục (estrogen và progesteron) giảm dần, khả năng sinh sản giảm... Thời kỳ tiền mãn kinh ở mỗi người có thể kéo dài khác nhau, có khi chỉ 5 - 7 tháng, hoặc 1 -  2 năm hay lâu hơn, thậm chí có người kéo dài tới 10 năm.

Bà Dung cho biết, có tới 70 - 80% phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh bị rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, mất ngủ, giảm nhu cầu tình dục... nhưng đa số họ, nhất là những người ở nông thôn, thường chấp nhận sống chung với những trục trặc này mà không biết bác sĩ có thể giúp họ cải thiện. Điều đáng buồn là phần lớn các ông chồng có vợ như vậy lại không hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của bà xã để giúp bạn đời khắc phục, vượt qua.

Các ông thường chỉ quan tâm đến việc vợ không còn tha thiết với "chuyện ấy" nữa và coi đó là dấu hiệu chứng tỏ "nửa kia" của mình đã bước vào tuổi già. Họ không hiểu sự quan tâm, chăm sóc hằng ngày của mình hay những hành động vuốt ve, kéo dài khúc dạo đầu khi "yêu" sẽ giúp chị em rất nhiều mà chỉ biết đòi hỏi và tỏ ra bực tức khi không được đáp ứng.

Bà Dung cho biết, chính thực tế này khiến không ít cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Trường hợp của bà Thái, (Đống Đa, Hà Nội) khiến bác sĩ nhớ mãi. Suốt mấy tháng liền, đêm nào, cả khu tập thể nơi vợ chồng bà Thái sống cũng phải nghe tiếng chồng bà chửi rủa rồi tiếng các vật dụng trong nhà va đập kêu loảng xoảng. Mọi người còn nghe ông rít lên: "Cô định trốn đi đâu? Cô ra đây ngay, đừng để tôi bắt được thì không xong đâu".

Thì ra, bà Thái bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, chẳng còn ham muốn với chồng nữa. Ban đầu, bà vẫn cố chiều chồng, nhưng vì tình trạng "khô hạn" ở vùng kín nên bà cảm thấy đau, rát, dần dần đâm sợ "chuyện ấy" và luôn tìm cách trốn chồng. Lấy hết cớ mệt đến đang ngày "đèn đỏ" để sang ngủ cùng con gái nhưng bà vẫn bị ông lôi về phòng riêng. Cuối cùng, bà phải chui vào nhà vệ sinh khóa trái cửa lại... nên càng khiến ông điên tiết. Ông còn nghi vợ có bồ nên mới "trở chứng" như vậy.

BS Dung cho biết, người vợ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh ngoài những trục trặc về sinh lý, sức khỏe còn có những xáo trộn về tâm lý như hay lo âu, dễ cáu gắt, buồn bực nên nếu lại không được chồng cảm thông, chia sẻ thì gia đình rất dễ bất hòa.

Hiện nay, những vấn đề khó chịu của phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh hoàn toàn có thể khắc phục được. Ngoài chế độ ăn uống cân đối, đủ chất, kết hợp với tập thể dục đều đặn, chị em có thể dùng thuốc để cải thiện các rối loạn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.

Loại thuốc được sử dụng là một dạng nội tiết thay thế, phối hợp giữa oestrogen và progesteron (loại thiên nhiên, có cấu trúc hóa học gần giống oestrogen và progesteron do cơ thể tiết ra). Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, chị em không được sử dụng thuốc này mà phải có chỉ định của bác sĩ bởi có những trường hợp chống chỉ định (những người có tiền căn bị ung thư, có u bướu sẵn trong người). Bên cạnh đó, thuốc nội tiết tố là con dao hai lưỡi vì nó có tác động cả tốt lẫn xấu lên rất nhiều cơ quan nội tạng của cơ thể.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo Vương Linh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X