Hotline 24/7
08983-08983

Trình làng vắc-xin Ebola dạng xông hít

Các nhà nghiên cứu vừa tiết lộ một loại vắc-xin chống virus Ebola có thể xông hít được. Trong các cuộc thử nghiệm, loại vắc-xin mới này đã bảo vệ các con khỉ trong hơn 150 ngày.


virus Ebola, bệnh Ebola, vắc-xin, dạng xông hít

Theo WHO, chủng Ebola Zaire đang gây ra đợt dịch Ebola bùng phát lớn nhất và nghiêm trọng nhất, kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên năm 1976. Ảnh: Alamy

Theo các nhà nghiên cứu, vắc-xin dạng xông hít sẽ dễ vận chuyển và phân phối hơn nhiều so với các loại vắc-xin tiêm truyền thống, đặc biệt ở những khu vực châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Ebola hiện tại.

Tạp chí Molecular Pharmaceutics đưa tin, loại vắc-xin có khả năng sử dụng qua đường hô hấp đã chứng minh có thể bảo vệ dài hạn các động vật linh trưởng không phải con người trước virus Ebola nguy hiểm.

GS Maria Croyle đến từ Trường Dược, Đại học Texas cùng TS Gary Kobinger thuộc Phòng thí nghiệm vi trùng học quốc gia Mỹ và các cộng sự sẽ có bài thuyết trình về sáng chế này tại Đại hội - Triển lãm thường niên 2014 của Hiệp hội dược sĩ Mỹ (AAPS), cuộc tụ họp lớn nhất thế giới của các chuyên gia dược.

Virus Ebola là một mầm bệnh gây tử vong cao, đang lây lan ở người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của một cá nhân nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Ebola hiện tại ở Tây Phi là đợt dịch bùng phát lớn nhất và nghiêm trọng nhất, kể từ khi virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên năm 1976.

Với tỉ lệ gây tử vong hiện cao tới 70%, WHO tuyên bố, dịch Ebola đang gây ra tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, gây quan ngại quốc tế.

Hơn 7 năm qua, nhóm của bà Croyle và ông Jonsson-Schmunk đã phát triển một công thức vắc-xin dạng xông hít, giúp cải thiện khả năng sống sót của các động vật linh trưởng không phải con người được chủng ngừa từ 67% lên 100% khi cho chúng phơi nhiễm 1.000 đơn vị mầm bệnh Ebola Zaire 150 ngày sau khi dùng vắc-xin. Trong thống kê, sự cải thiện này rất đáng kể, vì chỉ 50% các động vật linh trưởng được tiêm vắc-xin có thể vượt qua thách thức này.

Bệnh Ebola đã gây ra các đợt dịch bùng phát với tỉ lệ tử vong dao động từ 25% - 90% ở châu Phi và châu Á. Các nhà nghiên cứu lưu ý, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ về vốn hiểu biết đối với các đặc điểm sinh vật học của virus Ebola, nhưng hiện vẫn chưa có vắc-xin hoặc thuốc chữa trị bệnh Ebola nào được phê chuẩn sử dụng rộng rãi.

"Hiện nhu cầu về một loại vắc-xin không chỉ ngăn chặn được sự truyền nhiễm Ebola liên tục từ người sang người, mà còn hỗ trợ việc kiểm soát sự bùng phát dịch trong tương lai, rất cấp thiết. Lợi thế chính của hệ thống vắc-xin của chúng tôi so với các vắc-xin đang phát triển khác trong thử nghiệm lâm sàng là hiệu quả bảo vệ lâu dài chỉ sau một liều xông hít duy nhất. Điều này rất quan trọng, vì tuổi thọ của các loài vắc-xin đang kiểm nghiệm khác không hoàn toàn được đánh giá cao", nhà nghiên cứu Croyle cho biết thêm.

Bước nghiên cứu tiếp theo của bà Croyle và các cộng sự là tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, nhằm kiểm chứng tác dụng vắc-xin của họ ở người. Họ cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn nữa các dữ liệu sơ bộ thu được về dùng vắc-xin dưới dạng màng mỏng đặt phía dưới lưỡi của động vật linh trưởng không phải con người. Công trình này đã nhận được tài trợ từ Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ.

AloBacsi.vn
Theo Tuấn Anh - VietNamNet/ Daily Mail

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X