Hotline 24/7
08983-08983

Trị sao chứng đau dạ dày tái phát nhiều lần?

4 tháng nay, trong túi xách của tôi lúc nào cũng phải để sẵn thuốc đau dạ dày. Cứ vài hôm là bị một đợt, làm đủ mọi cách cũng không hết…

Lần đầu bị đau, tôi có đi bác sĩ gần nhà và được kê thuốc đau dạ dày thông dụng, uống thuốc xong hết đau. 1 tuần sau, tôi bắt đầu bị đau lại nên ra nhà thuốc mua tiếp đợt nữa bởi đó là những loại có thể mua không cần toa. Nhưng tình trạng bệnh tái đi tái lại đã diễn ra suốt 4 tháng nay, tôi đã thử uống thêm nghệ, mật ong, chia nhỏ bữa ăn… nhưng không khỏi.

Đau dạ dày là chuyện vặt ai cũng bị nhưng bị như tôi thì khó chịu quá. Phải chăng cơ địa tôi có vấn đề? Tôi nên làm gì, mong bác sĩ cho lời khuyên?

(Nguyễn Văn Bình, nam, 40 tuổi, quận 1, TP HCM)

BS.CK2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất (TPHCM):

Chào anh, đau dạ dày (đau bao tử) là từ ngữ thường gọi để diễn tả tình trạng viêm loét niêm mạc vùng dạ dày, tá tràng; còn gọi là bệnh viêm dạ dày. Đây là bệnh lý thường gặp và có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp điều trị nội khoa (thuốc uống), ngoại khoa (phẫu thuật cắt ổ loét nếu tình trạng viêm loét đã ở giai đoạn nặng), song song với việc điều chỉnh lối sống.

Cụ thể, song song với các biện pháp can thiệp y khoa, anh cần ăn đúng giờ, giảm các gia vị chua - cay, kiêng rượu bia, tập luyện thể thao thường xuyên hơn, giảm stress…

Tình trạng căng thẳng, ăn uống thất thường, rượu bia, uống các thuốc giảm đau nonsteroid (NSAIDs) là các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm dạ dày và làm giảm tỉ lệ điều trị thành công của bệnh.

Dù viêm dạ dày rất thường gặp và đa số các trường hợp không khó giải quyết nhưng bệnh có thể diễn tiến nặng nếu không được điều trị phù hợp. Đó có thể là những biến chứng như xuất huyết tiêu hóa do ổ loét xâm lấn vào mạch máu, ung thư dạ dày…

Trường hợp của anh, anh đã bị đau dạ dày tái đi tái lại nhiều lần trong suốt 4 tháng, không thể xem thường. Như tôi đã nói, việc điều trị không phù hợp, can thiệp chậm trễ sẽ tăng nguy cơ các biến chứng.

Anh nên ngừng việc tự mua thuốc uống và đến khám chuyên khoa tiêu hóa, nội soi dạ dày tá tràng, làm Clo-test để chẩn đoán chính xác viêm trợt hay viêm loét niêm mạc dạ dày tá tràng, có nhiễm HP (Helicobacter pylori) hay không. Từ đó, anh sẽ được điều trị bằng phác đồ thích hợp.

Theo Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X