Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ say nắng có đáng lo?

Mùa hè nắng nóng, các bé chạy nhảy, chơi đùa rất dễ bị mất cân bằng thân nhiệt, đẫn đến say nóng, say nắng. Cha mẹ cần làm gì để bé vui hè khỏe mạnh.

Say nắng là gì?

Tre say nang co dang lo?

Thân nhiệt của một người được xem là ở mức an toàn thường nằm trong khoảng từ 36,5 độ C đến 37,5 độ C. Để giữ được sự bình ổn đó, cơ thể cần duy trì sự cân bằng liên tục giữa lượng nhiệt thu vào và mất đi thông qua trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não. 

Khi môi trường sống xung quanh quá nóng, nhất là vào mùa hè, cơ thể tỏa nhiệt kém hiệu quả. Nếu độ ẩm trong không khí cũng cao, mồ hôi khó bốc hơi kèm theo cơ bắp hoạt động nhiều sinh nhiệt, dễ dẫn đến tình trạng say nóng hay say nắng. 

Nói cách khác, say nắng, say nóng là phản ứng của cơ thể khi hoạt động, luyện tập thể lực hay làm việc trong môi trường nóng bức, nhiệt độ cao. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em, người già và những người hoạt động ngoài trời.

Dù say nắng ít được nói đến nhưng chuyên gia y tế cũng luôn đưa ra khuyến cáo không nên xem thường tình trạng này vì ở diễn tiến nặng, say nắng, say nóng vẫn có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tre say nang co dang lo?

Say nắng không loại trừ bất cứ ai

Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ như: giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. 

Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất, trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nắng nóng.

Vào những tháng hè, thời tiết nắng nóng kéo dài làm trẻ dễ bị say nắng. Trẻ tuổi học đường thường chơi đùa vô tư dưới sân trường ít bóng râm cũng dễ bị say nắng.

Triệu chứng và tác hại của say nắng 

Say nắng thường được thể hiện ở 2 cấp độ. Ở cấp độ nhẹ - trung bình thường có các biểu hiện gồm: nhức đầu, chóng mặt, tinh thần bất an, kích thích, tâm trạng bứt rứt, cảm giác mệt mỏi, vọp bẻ ở tay chân hay bụng, cơ thể vã mồ hôi hoặc lừ đừ như người mất nước.

Ở cấp độ diễn biến cao hơn đến nặng thường thấy những biểu hiện như: da nóng, ửng đỏ, sốt cao trên 40°C, người không có mồ hôi nhưng lại thở nhanh, tim đập dồn dập, ngất, lơ mơ, co giật, sốc, dễ dẫn đến tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời.

Tác hại thường thấy của say nắng là khi mất nước và các chất điện giải, cơ thể sẽ mất khả năng kiểm soát sự điều hòa nhiệt độ, dẫn đến sự rối loạn hoạt động của các cơ quan, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phương pháp sơ cứu và xử lý khi trẻ bị say nắng 

Lập tức di chuyển trẻ đến chỗ thoáng mát, đặt bé nằm ở tư thế chân kê cao. Cởi tất cả các lớp áo ngoài mà trẻ đang mặc ra. Tiến hành lau mát cho bé bằng nước mát hoặc nước lạnh, quạt cho trẻ đến khi thân nhiệt ở mức dưới 380C.

Nếu trẻ còn tỉnh, cho uống nước lạnh (có thể là nước đá nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh), mỗi lần cho bé uống cách nhau 15 phút, cứ như vậy cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như da nóng, ửng đỏ, sốt cao trên 40°C, không có mồ hôi, thở nhanh, tim đập dồn dập, ngất,  lơ mơ, co giật, sốc cần đưa bé vào bệnh viện cấp cứu.

Phòng tránh say nắng cho trẻ

Khi cần cho trẻ tập luyện ngoài trời nắng, trước đó vài ngày nên có thời gian cho bé ra nắng để cơ thể quen dần với tác động của nắng nóng.

Cho trẻ uống thêm nhiều nước khi phải học và luyện tập trong môi trường nóng bức. Cha mẹ nên tư vấn cho trẻ mặc áo ngắn tay hay quần shorts, vải mỏng mát, màu sáng, tươi tắn; chất liệu cotton.

Nên thay thế những chiếc mũ lưỡi trai, mũ vành nhỏ bằng mũ rộng vành. Hạn chế cho bé chơi hay tập luyện quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho bé ngừng ngay việc tập luyện và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.

Riêng đối với những trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì nên cho bé nghỉ giải lao hoặc nghỉ giữa giờ, uống nước sau một khoảng thời gian.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi Đồng TPHCM
Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X