Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ nuốt phải dị vật: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh

Trẻ hóc, nuốt phải dị vật đang là mối quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ cần nắm rõ nguyên nhân, hậu quả và phòng ngừa tình trạng này.

Ở Việt Nam đã ghi nhận không ít các trường hợp trẻ gặp nguy hiểm, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng chỉ vì hóc, nuốt phải dị vật do sự sơ ý của cha mẹ. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi Trần Chí T. (tỉnh Quảng Ngãi) đã được các bác sĩ tại BV Đà Nẵng gắp ra khỏi phế quản một dị vật là tụ điện trở ti vi.

Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của tình trạng này, cũng để đưa ra những cảnh báo đối với các bậc phụ huynh, PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Vũ Duy Quýnh, khoa Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh Thái Bình.

Chủ yếu do sự bất cẩn của cha mẹ

BS Quýnh cho biết, thông thường, có hai loại dị vật mà trẻ hay nuốt phải, là dị vật đường ăn và dị vật đường thở. Dị vật đường thở có mức độ nguy hiểm hơn, nhưng nguy cơ xảy ra lại thấp hơn so với dị vật đường ăn.

Trẻ nuốt phải dị vật: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh - Ảnh 1Trẻ nuốt dị vật sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Ảnh minh họa


Cũng theo BS Quýnh, nguyên nhân cơ bản khiến trẻ nuốt phải dị vật chính là thói quen ngậm đồ vật, đồ chơi hay thói quen vừa cười đùa vừa ăn, uống… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc này lại là việc cha mẹ để cho trẻ em chơi với các đồ vật nhỏ, trơn… trong khi không để ý, trông nom và theo dõi. Thậm chí, có nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan, không cảnh giác với những triệu chứng trẻ nuốt dị vật dẫn đến gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

“Dị vật mà trẻ nhỏ hay nuốt phải thường rất đa dạng, cơ bản như kim băng, đồ chơi mảnh có tính trơn, nắp bút, đồng xu, khuyên tai, huy hiệu và các loại hạt…. Ngoài ra, đồ chơi điện tử hiện nay được bày bán nhiều nên trẻ có thể nuốt phải pin điện tử. Loại pin này cực nguy hiểm, khi vào bên trong, giải phóng ra NaOH và KOH có thể gây bỏng thực quản của trẻ.”, BS Quýnh nho biết.

Triệu chứng cho thấy trẻ bị mắc dị vật

Theo BS Quýnh, thông thường, khi thấy trẻ nuốt phải dị vật, các mẹ không nên quá vội vàng, luống cuống và dùng tay vỗ vai hay ngực trẻ khiến cho dị vật càng xuống sâu, đồng thời không được quát tháo, khiến trẻ thêm hoảng hốt. Cần phải quan sát để nhận biết các triệu chứng của trẻ nuốt dị vật.

Theo đó, khi nuốt phải dị vật, có thể xảy ra 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn đầu, sau khi nuốt vào, trẻ thường có biểu hiện khạc, nhổ, hoặc móc họng, tìm mọi cách đẩy dị vật ra.

Giai đoạn 2: Trẻ có biểu hiện viêm nhiễm, sốt, không ăn uống được, kèm theo chảy đờm, nước rãi.

Giai đoạn 3: Sốt cao, nhiễm trùng nặng, người có biểu hiện gầy đi vì không ăn uống được.

Giai đoạn 4: Giai đoạn biến chứng, gây áp xe thực quản, trung thất. Lúc này trẻ cần được đi cấp cứu kịp thời để không ảnh hưởng đến tính mạng.

Trẻ có thể tử vong do nuốt dị vật

Theo BS Quýnh, nước Mỹ đã thống kê mỗi năm có khoảng 1500 trường hợp trẻ tử vong do nuốt phải dị vật. Tại Việt Nam, khó có thể ước tính được tỷ lệ nuốt dị vật ở trẻ em, nhưng nó xảy ra khá phổ biến.

“Bình thường, ở những giai đoạn đầu, việc nuốt dị vật sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp nguy hiểm thường xảy ra ở giai đoạn sau, khi cha mẹ không can thiệp kịp thời, gây nên biến chứng như áp xe thực quản, áp xe trung thất, thực quản bị nhiễm trùng nặng dẫn đến thủng thực quản. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để phẫu thuật. Nếu không, bệnh nhi có thể sẽ tử vong.”, BS Quýnh nói.

Phòng ngừa trẻ nuốt dị vật

Để tránh nguy cơ trẻ hóc, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:

- Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.

- Rèn ngay thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.

- Ngoài ra, phụ huynh không nên cho trẻ nô nghịch, cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.

- Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương, nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm...

- Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.

Theo Phương Hà - Đời sống và Pháp luật

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X