Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ ho khan kéo dài vì bị nhiễm giun

Cứ ngỡ con ho do thay đổi thời tiết, chị Nguyễn Minh L chỉ cho con dùng thuốc chữa hô hấp. Chỉ đến khi con xuất hiện tình trạng mẩn ngứa và những vết bầm thì mới đưa bé đi khám và tá hỏa vì con đã bị bệnh.

Trẻ nhiễm giun nặng thường dễ bị ngứa, nổi mề đay, ngứa hậu môn...
Trẻ nhiễm giun nặng thường dễ bị ngứa, nổi mề đay, ngứa hậu môn...

Thấy con chậm lớn, biếng ăn, đêm ngủ quấy khóc, chị Nguyễn Minh Loan chỉ nghĩ do cơ địa con gầy nên không quá để tâm. Thời gian gần đây, bé lại có thêm biểu hiện ho khan kéo dài, người mẩn ngứa. Cho rằng con bị bệnh đường hô hấp do đổi thời tiết, chị Loan dùng một số bài thuốc cho con uống, nhưng mãi không khỏi.

Tình trạng ho vẫn dai dẳng, con ngày càng ngứa và xuất hiện những vết bầm tím, chị Loan mới  cho con đi khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm giun móc nặng. Ấu trùng giun móc đã cư trú ở phổi gây ho, khó thở.

Theo chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I, trẻ nhỏ rất dễ bị mắc giun, sán qua đường thức ăn hoặc xâm nhập qua da khi bé sinh hoạt trong môi trường không đảm bảo vệ sinh. Khi bị nhiễm giun, cha mẹ có thể thấy trẻ có biểu hiện biếng ăn, đau bụng, không tăng cân, ngứa hậu môn. Trẻ nhiễm nặng có thể đi phân ra giun, giun ngoe nguẩy ở hậu môn, ho kéo dài, nổi mề đay hay có vết bầm ở da.

Đặc biệt, với thời tiết nóng ẩm hiện nay là môi trường thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng, giun sán.  Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa coi trọng việc phòng, tránh, tẩy giun cho trẻ nên rất nhiều bé bị nhiễm giun nặng. Nhất là ở những gia đình nuôi chó mèo, khu vực trồng hoa màu sử dụng phân tươi, gia đình hay cho trẻ bò dưới sàn bẩn, ăn bốc, không vệ sinh tay chân…

Đáng lo nhất, nhiều trẻ có thể bị lây nhiễm sán từ chó, mèo qua da nhưng sán không đi đến đường ruột mà khu trú tại các cơ quan khác trong cơ thể. Từ đó, gây ra bệnh khó chẩn đoán được.

Theo BS Khanh, trẻ mắc giun, sán dễ bị rối loạn tiêu hóa, chậm lớn, nặng hơn có thể gây thiếu máu, biến chứng ruột thừa, viêm ruột…lâu ngày dẫn tới tử vong. Thông thường, trẻ nhỏ thường dễ mắc giun móc, giun kim, giun đũa, giun tóc.

Riêng với giun móc, mỗi con có thể hút 0,1 - 0,4 ml máu/ngày. Lúc này các triệu chứng của thiếu máu sẽ xuất hiện như da xanh, hoa mắt, chóng mặt. Thiếu máu ngày một nặng, trẻ có thể tử vong.

Với trẻ bị nhiễm giun kim, trẻ có biểu hiện mất ngủ, bứt rứt, bồn chồn, ngứa hậu môn, nguyên nhân do giun cái về đêm thường ra ngoài hậu môn đẻ trứng. Những lúc ngứa hậu môn nếu soi đèn có thể phát hiện giun kim ở quanh hậu môn. Bệnh giun kim có thể gây nguy hiểm như viêm ruột thừa cấp do giun chui vào ruột thừa, giun đi lạc  vào thực quản, phổi, âm đạo, bàng quang... gây ra viêm nhiễm do giun kim mang theo vi khuẩn gây bệnh...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Thần kinh - Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng I
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Thần kinh - Nhiễm, BV Nhi Đồng I

Trẻ em bị nhiễm giun đũa chiếm từ 80 - 90%. Giun có thể sinh sản tới hàng trăm con trong ruột gây tắc ruột hoặc di chuyển vào đường mật gây áp-xe gan. Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vùng quanh rốn, nôn ra giun, đi ngoài ra giun, bụng ỏng, gầy yếu. Nếu trẻ đau bụng dữ dội và kéo dài thường là biến chứng của giun như giun chui đường mật, tắc ruột...

Bên cạnh đó, giun tóc cũng là loại kí sinh hay gặp ở trẻ. Nếu số lượng nhiễm ít, sẽ không có biểu hiện lâm sàng. Trường hợp nhiễm nhiều, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương nặng và luôn bị kích thích gây nên các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, hay một hội chứng giống lỵ.

Nhiễm giun tóc nhiều sẽ dẫn đến hội chứng thiếu máu. Những trẻ em bị nhiễm giun tóc, dẫn đến bị rối loạn giấc ngủ, nếu kéo dài sẽ dẫn đến bị rối loạn thần kinh gây chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ. Giun tóc ký sinh trong ruột thừa, hoặc chính chúng là tác nhân dẫn vi khuẩn vào gây nên tình trạng viêm ruột thừa.

Để phòng tránh tốt nhất trẻ nhiễm kí sinh, cha mẹ nên tẩy giun thường xuyên cho trẻ. Hiện nay, trẻ trên 1 tuổi đã có thể tẩy giun và cha mẹ nên tẩy định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ chơi với chó mèo, nên vệ sinh sạch sẽ tay chân của bé trước khi ăn.

Theo Hồng Ngọc - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X