Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ điều trị tâm lý vì... "hoa điểm 10"

Bé Nguyễn Thị Ý Nhi* (10 tuổi, Thủ Đức) vừa phải nhập khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2 TPHCM, bởi chứng " rối loạn đau cơ thể do yếu tố tâm lý", dạng stress gây co thắt.

ThS. Kiều Thanh Hà, chuyên viên tâm lý trị liệu, khoa Tâm lý, cho biết: trước nhập viện, bé thường xuyên gặp tình trạng đau bụng, chóng mặt, hay khóc lóc.

Khi tình trạng trên kéo dài 3 tuần (từng cơn đau trong ngày) gia đình cho bé nhập viện vào khoa Tiêu hóa. Nằm viện 1 tuần, làm các xét nghiệm, đo chụp không phát hiện bệnh thực thể nên bé được chuyển xuống khoa Tâm lý.

Sau khi thăm khám, bé được chẩn đoán bị “rối loạn đau cơ thể do yếu tố tâm lý”, dạng stress gây co thắt. Ngoài ra, bệnh nhi này còn là một bé có nhân cách Hysteria (một dạng bệnh loạn thần tâm căn, thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý - PV).

Cần tạo tâm lý thoải mái, cho trẻ vui chơi để giảm áp lực tâm lý

Cần tạo tâm lý thoải mái, cho trẻ vui chơi để giảm áp lực tâm lý

Theo ThS. Thanh Hà, sau khi “trò chuyện” rất lâu, bé cho biết có mẹ là một cô giáo giỏi cấp thành phố, cô giáo chủ nhiệm cũng vậy.

“Cô giáo nói, ngày 20/11 sắp tới phải có nhiều điểm 10 để tặng cho thầy cô. Chỉ có bông hoa điểm 10 chứ không ai nói bông hoa điểm 9, nếu ai đạt 9 điểm trở xuống thì phạt 6 roi, con của giáo viên thì phạt gấp đôi 12 roi (em nào có cha mẹ làm giáo viên thì phải số điểm 10 gấp đôi các bạn khác).

Bác sĩ ơi, ngày nào cũng có bạn bị cô đánh, con sợ bị đánh, con sợ bị phạt gấp đôi vì mẹ con là giáo viên, con không muốn đi học, con muốn chết..”. Hóa ra chính áp lực từ học tập đã khiến bé... phát bệnh và phải nhập viện.

Sau hai tuần điều trị tâm lý cho bé và mời cả phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm“đối thoại” với bé, tình trạng bệnh nhi đã khá hơn. Tuy nhiên, do tâm lý bé bị tổn thương nặng lại kết hợp với bệnh Hysteria nên hậu quả để lại dai dẳng và kéo dài và vẫn phải tiếp tục trị liệu.

Cuộc sống hiện đại, bận rộn, cha mẹ vô tình ít quan tâm hay đặt quá nhiều áp lực lên con trẻ chính là căn nguyên gây bệnh rối loạn liên quan đến cảm xúc, hành vi ở trẻ nhỏ. Những triệu chứng ban đầu đôi khi lại bị các bậc cha mẹ “bỏ qua”.

Chính vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như: hành vi quá khích lặp lại nhiều lần, hay vòi khóc, thích dùng bạo lực khi đòi hỏi điều gì đó, nói trong vô thức mà không hiểu đang nói gì, hay liên tục gây sự chú ý bằng các biểu hiện buồn, đau đớn, sợ... cha mẹ cần đưa con đi khám chuyên khoa.

Quan trọng là hãy luôn gần gũi, quan tâm đến tâm lý của trẻ. Đó là cách đơn giản giúp trẻ thoát được những vấn đề sức khỏe về tâm lý đang ngày một gia tăng, ThS. Thanh Hà nhấn mạnh!

T. Nguyễn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X