Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ dễ nhiễm viêm gan B từ mẹ nếu tiến hành cắt dây rốn chậm

Sinh con thuận tự nhiên không cắt rốn, cắt dây rốn chậm để trẻ nhận nhiều máu dây rốn hơn và các tế bào gốc quan trọng di chuyển từ mẹ đang là trào lưu được nhiều bà mẹ lan truyền rầm rộ. Những thực tế, cách hiểu này là chưa đúng và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, ThS.BS CKII Lê Thế Vũ Sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, cha mẹ cần hiểu đúng và đầy đủ sinh con thuận tự nhiên là thuận theo những gì tốt đẹp và hạn chế những gì nguy cơ cho mẹ và bé.

Tuyệt đối không được hiểu một cách ngây ngô rằng cứ để tự mọi chuyện diễn ra, không cần sự trợ giúp của y, bác sĩ, của khoa học. Nhiều mẹ cho rằng không cắt rốn hoặc cắt dây rốn chậm thì trẻ sẽ nhận được nhiều máu hơn từ dây rốn, trẻ sẽ được cung cấp nhiều hơn lượng máu tự nhiên từ bánh rau sau sinh.

Việc chậm cắt dây rốn cho trẻ trong trường hợp sản phụ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ làm trẻ dễ lây nhiễm bệnh từ mẹ
Việc chậm cắt dây rốn cho trẻ trong trường hợp sản phụ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ làm trẻ dễ lây nhiễm bệnh từ mẹ

Điều này là sai lầm, nhất là với những trường hợp sản phụ mắc các bệnh truyền nhiễm. Các mẹ phải hiểu rằng, với một số sản phụ mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh viêm gan B, việc không cắt rốn, hoặc cắt dây rốn chậm sẽ làm con trẻ dễ bị lây bệnh truyền nhiễm từ người mẹ.

Và chính sự thiếu hiểu biết của cha mẹ theo kiểu này vô tình có thể hủy đi tính mạng của trẻ chứ không còn tình yêu và nhân đạo như các mẹ đang đang lan truyền.

Mặc dù hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, tỷ lệ thai phụ truyền bệnh viêm gan B sang cho trẻ được kiểm soát rất tốt, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nếu vi rút ở dạng không hoạt động.

Nhưng, nếu vi rút đang phát triển và sinh sản mạnh, không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa thì mẹ sẽ dễ truyền bệnh cho con và những người xung quanh, trong đó có cả các y, bác sĩ tiến hành đỡ đẻ, mổ đẻ cho sản phụ.

Và đa số lây nhiễm xảy ra trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh đẻ do thai nhi tiếp xúc với máu và dịch tiết đường sinh dục của mẹ. Việc mổ lấy thai chủ động cũng không ngăn ngừa được hiện tượng lây nhiễm này.

Chính vì vậy, “chúng tôi có một quy trình rất nghiêm ngặt trong việc phòng ngừa bệnh cho trẻ và chính bản thân các y, bác sĩ khi thực hiện ca sinh.

Một trong số những quy trình đó là y bác sĩ chúng tôi phải mặc áo mưa bảo hộ khi thực hiện ca đỡ đẻ, mổ đẻ cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm như viêm gan B.

Chúng tôi phải thực hiện cắt dây rốn nhanh nhất có thể, với động tác vuốt ngược dây rốn ra sao cho máu không chảy vào cơ thể trẻ.

Đồng thời, trẻ phải được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Tiếp đó, trẻ được tiêm ngừa văc-xin viêm gan B liều thứ 2 khi bé được 1 - 2 tháng tuổi và liều thứ 3 khi bé được 6 tháng tuổi.

Trước đó, trong 3 tháng cuối thai kỳ, sản phụ cũng được chúng tôi chỉ định thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và dùng thuốc để giảm lượng siêu vi trong máu, nhằm giảm khả năng lây cho thai khi chuyển dạ và sinh đẻ.

Trong quá trình nuôi con, mẹ vẫn có thể cho trẻ bú mẹ bình thường nếu trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ và đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, lở loét, chảy máu” - BS Lê Thế Vũ cho biết thêm.

Theo Linh Nhi - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X