Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị tiêu chảy: Mẹ cần ghi nhớ những nguyên tắc xử lý quan trọng này

Tiêu chảy nghiêm trọng có thể khiến bé bị mất nước, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mẹ cần phát hiện và chữa trị tiêu chảy kịp thời cho bé.

Tiêu chảy là một hiện tượng phổ biến thường xảy ra ở trẻ. Hầu hết tiêu chảy không kéo dài và không gây nguy hiểm nếu chữa trị kịp thời. Điều quan trọng nhất là mẹ cần theo dõi cẩn thận để phát hiện bệnh sớm, tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh và điều trị cho bé nhanh nhất có thể.

1. Biểu hiện trẻ bị tiêu chảy

Đi ngoài phân lỏng là dấu hiệu đầu tiên của tiêu chảy. (Ảnh minh họa)


Khi bé bị tiêu chảy nếu không điều trị kịp thời có thể khiến bé bị mất nước gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bố mẹ cần biết các biểu hiện bé bị tiêu chảy như sau:

- Dấu hiệu đầu tiên của tiêu chảy là bé đi ngoài phân lỏng, đi ngoài nhiều lần trong ngày. Phân nhầy, có mùi chua, nghiêm trọng hơn có thể lẫn máu.

- Bé bị đau bụng, đầy bụng khó chịu.

- Bé bị nhiễm tụ cầu hoặc Rota thường bị tiêu chảy kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn ói nhiều lần.

- Tiêu chảy có thể khiến bé bị sốt cao, co giật.

- Bé mệt mỏi, ăn uống kém và giảm cân.

- Tiêu chảy còn có thể khiến bé bị mất nước nghiêm trọng nên mẹ cần chú ý theo dõi.

2. Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy

Bé bị tiêu chảy thường do các nguyên nhân phổ biến sau đây:

- Nhiễm virus: Virus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ em. Một số virus như rotavirus, calicivirus, adenovirus, astrovirus có thể gây ra tiêu chảy, cũng như đau bụng, sốt, ớn lạnh và nôn mửa. Tiêu chảy do nhiễm virus thường kéo dài vài ngày đến hai tuần.

- Nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn như E. coli, campylobacter, salmonella, shigella và staphylococcus có thể gây tiêu chảy. Nếu bé bị tiêu chảy nặng do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, bé có thể bị đi ngoài ra máu, sốt và co giật.

- Nhiễm ký sinh trùng: Ký sinh trùng ký sinh như giardia sống trong ruột, có thể là thủ phạm gây tiêu chảy ở trẻ em.

- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh cũng có thể khiến bé bị tiêu chảy do nó giết chết cả vi khuẩn có hại và có lợi trong ruột bé.

- Dị ứng thực phẩm: Khi bé ăn phải các loại thức ăn dị ứng, hệ thống miễn dịch của bé sẽ phản ứng lại. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm tiêu chảy, phát ban, khó thở. Các chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất là sữa, các sản phẩm từ sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt và động vật có vỏ.

- Không dung nạp thức ăn: Không giống như dị ứng, không dung nạp thức ăn không liên quan đến hệ miễn dịch. Ví dụ, bé không dung nạp lactose sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose, đường trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Điều này có thể khiến bé bị tiêu chảy.

3. Cách xử lý trẻ bị tiêu chảy

Khi bé bị tiêu chảy bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Đồng thời bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau tại nhà để giúp bé nhanh chống khỏi bệnh:

- Bù nước cho bé: Khi bé bị tiêu chảy mẹ cần giữ cho bé không bị mất nước. Mẹ nên cho bé uống nhiều nước tinh khiết, nước canh, dung dịch muối đường (Oresol). Sau mỗi lần bé đi ngoài, mẹ hãy nhớ pha dung dịch Orssol cho bé uống. Nếu bé bị nôn hãy đợi khoảng 5 đến 10 phút sau cho bé uống. Việc bù nước và điện giải là rất cần thiết vì nó giúp các chức năng của cơ thể hoạt động bình thường. Nếu bé bị mất nước nghiêm trọng thì cần phải cho bé nhập viện để truyền tĩnh mạch.

- Hạn chế đồ ngọt: Khi bé bị tiêu chảy mẹ cần hạn chế cho bé ăn uống đồ ngọt như soda, nước trái cây vì chúng sẽ khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

- Chế độ ăn phù hợp: Khi bé bị tiêu chảy mẹ nên cho bé ăn bánh mì nướng khô, cơm, táo, chuối. Các loại thực phẩm này sẽ giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy. Chuối cũng có hàm lượng kali cao có thể giúp bù lại các chất dinh dưỡng đã mất. Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng bé nên trở lại chế độ ăn uống bình thường trong vòng 24 giờ.

- Cho bé ăn uống đầy đủ: Trong vòng 24 giờ sau khi bị tiêu chảy, mẹ hãy cho bé ăn uống đủ chất với các loại trái cây, rau, thịt và các sản phẩm từ sữa như sữa chua. Điều này sẽ cung cấp cho cơ thể bé những chất dinh dưỡng quan trọng để tối ưu hóa quá trình phục hồi.

- Cho bé ăn các loại thực phẩm có chứa probiotic: Các loại thực phẩm probiotics, như kim chi chứa vi khuẩn tốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và các nguyên nhân tiêu chảy khác.

4. Dấu hiệu nguy hiểm

Khi bé có các dấu hiệu sau, bố mẹ cần phải đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức:

- Bé có dấu hiệu mất nước như miệng khô, khóc không có nước mắt, không đi tiểu thường xuyên (không đi tiểu trong 6 giờ hoặc lâu hơn), nước tiểu sẫm màu.

- Phân màu đen hoặc có máu trong phân.

- Bé nôn nhiều lần.

- Bé mệt mỏi, kém ăn.

- Bé đi ngoài nhiều lần (hơn 8 lần trong 8 tiếng).

- Bé bị sốt cao.

Theo BS Nguyễn Thuận Hải trên báo Sức khỏe và đời sống, nguyên tắc điều trị cho trẻ bị tiêu chảy (đi ngoài): uống nhiều hơn bình thường, điều này rất quan trọng, cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước bằng gói bột điện giải Oresol (1 gói Oresol pha 1 lít nước sôi nấu chín để nguội hay pha 1 lít nước khoáng) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói.

Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú. Vai trò uống nhiều nước để phòng tránh trẻ mất nước ở trong cơ thể trẻ. Đồng thời cho bé uống bổ sung kẽm dưới dạng nước, uống l0 - 14 ngày. Kẽm góp phần giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiêu chảy trong thời gian tới.

Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Trẻ bỏ bú, sốt cao hơn > 380C, trẻ rất khát nước, trong phân có máu cần thiết cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.

Ngoài ra có thể cho trẻ uống Smecta (diosmectite) với liều dùng 1/3 - 1/2 gói x 2 lần/ngày, giúp thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Một khi trẻ đơn thuần tiêu chảy không có kèm theo sốt, nhiễm trùng hay phân có máu hoặc phân hôi thối nặng mùi. Vì đây là do nguyên nhân nhiễm trùng cần phải dùng thuốc kháng sinh đường ruột kết hợp men tiêu hóa. Không nên dùng Smecta.


Theo Lê Ánh - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X