Hotline 24/7
08983-08983

Trật khớp khuỷu cấp tính ở trẻ

Con trai tôi sinh năm 1996. Đầu tháng 6/2013, cháu bị tai nạn ngã xe đạp, trật khuỷu tay phải và được bác sĩ trực cấp cứu xử lý.

Sáng thứ hai tuần tiếp đó, tôi đưa cháu vào bệnh viện khám lại, chủ yếu là chụp X quang xem sao. Kết quả như bác sĩ nói, vì nẹp bột nên chỉ chụp được một chiều, và thấy được khớp đã vào đúng vị trí, chỉ bị rách màng bao. Bác sĩ chỉ định: uống một vài loại thuốc và dặn một tuần sau tháo nẹp, tập co duỗi dần dần bằng tạ và xà đơn.

Vì tôi không thường xuyên ở nhà, nên không biết được cháu tập luyện ra sao.

Đến tháng 10/2013, tôi về thăm nhà và thấy cháu vẫn tập luyện đều đặn như bác sĩ dặn. Tuy nhiên, tay cháu vẫn không thể co duỗi hết cỡ (như bình thường) được.

Tôi đưa cháu về một bệnh viện thể thao để thăm khám. Ở đây, các bác sĩ cho chiếu chụp X quang và phát hiện ra bị vỡ đầu khớp (tôi không học ngành y nhưng khi coi phim, người thấy lạnh toát).

Bác sĩ có hỏi han lại kỹ càng tình trạng tai nạn, thời gian… Tôi kể lại rành mạch và xin tư vấn của các bác sĩ ở đó, vì tôi rất lo cho sức khỏe của cháu và cháu lại đang học năm cuối cấp, bác sĩ nói: “Muộn cũng đã muộn rồi, cứ để năm tới cháu thi xong đại học đã, rồi tiến hành phẫu thuật cũng không sao”.

Tôi lại hỏi: “Sau phẫu thuật, tay cháu có thể trở lại bình thường được không vì thời gian sẽ càng lâu kể từ khi bị tai nạn?”. Bác sĩ nói: “Kể cả bây giờ (tháng 10/2013) có làm phẫu thuật ngay thì tay cháu cũng không thể trở về trạng thái bình thường được, mà lại ảnh hưởng đến kết quả học tập năm cuối của cháu”. Và các bác sĩ ở đó cũng chỉ định cháu phải thường xuyên tự tập vật lý trị liệu.

Tháng 12 vừa rồi, có điều kiện thăm nhà, tôi thấy tay cháu vẫn thế và đưa cháu tới bệnh viện thể thao khám lại lần hai. Lại chụp X quang lần nữa. Rõ ràng là kết quả vẫn thế sau hai tháng tự tập, các bác sĩ vẫn đưa ra lời khuyên “tự tập vật lý trị liệu”. Tôi tỏ quan ngại này với bác sĩ ở đây, bác sĩ nói: “Vậy anh có thể đưa cháu đến bệnh viện khác xem họ có lời khuyên nào khác không?”

Minh MTV

Chào anh,

Trật khớp khuỷu cấp tính bao gồm hai dạng, dạng trật bình thường không kèm theo mảnh xương gãy, dạng thứ hai có kèm theo mảnh xương gãy.

Ở trẻ em, vì xương vùng khuỷu có kèm theo phần sụn dày nên đôi khi chụp X quang rất khó để phát hiện.

Một trường hợp khác là sau khi trật khớp khuỷu đã được cố định, một thời gian sau do quá trình tập và xoa bóp có thể hình thành sự cốt hóa cơ quanh khớp. Cả hai nguyên nhân đều làm cho khớp khuỷu bị hạn chế gập hay duỗi.

Rất tiếc chúng tôi không có phim x quang của cháu nên không thể chẩn đoán được (phim từ trước khi nắn trật khớp đến phim hiện tại).

Để chẩn đoán chính xác, chúng tôi nghĩ phim CT Scanner sẽ cho phép nhìn thấy hình ảnh xương của khớp khuỷu.

Việc tập vật lí trị liệu nếu không có hiệu quả có thể nghiên cứu việc phẫu thuật nội soi giải phóng khớp khuỷu.

Cần chú ý không nên xoa bóp vùng khuỷu vì dễ gây ra tình trạng cốt hóa cơ vùng khuỷu - nghĩa là sự hình thành xương trong các cơ vùng quanh khớp khuỷu - khiến cho khuỷu bị cứng.

Theo ThS.BS Tăng Hà Nam Anh - Tuổi trẻ
Giảng viên ĐH Y dược TPHCM, trưởng khoa CTCH BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X