Hotline 24/7
08983-08983

Trao cho trẻ dưới 10 tuổi sở hữu smartphone cũng như dẫn trẻ vào con đường nghiện ma tuý

Một hệ quả không thể tránh khỏi khi cho trẻ dưới 10 tuổi hay dưới 6 tuổi tiếp xúc với điện thoại thông minh, là “bộ não trẻ đang bị biến thành nô lệ của các thiết bị kĩ thuật số”.

Với vai trò là giáo sư hàng đầu trong ngành giáo dục lại là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần Trẻ em, bà Shin Yee Jin đã chứng kiến vô vàn trường hợp các trẻ em gặp vấn đề tâm lý mà các bậc cha mẹ cũng lâm vào tình trạng quẫn bách, không biết làm thế nào để nuôi dạy con. Mà nguyên nhân lớn là sự có mặt của các thiết bị kĩ thuật số trong đời sống hàng ngày của trẻ.

Lo lắng trước tình trạng các thiết bị kĩ thuật số như máy vi tính, điện thoại thông minh, tivi vẫn đang xâm nhập tâm hồn trẻ với tốc độ ngày càng nhanh chóng, bà Shin Yee Jin đã viết cuốn sách “Cha mẹ thời đại kĩ thuật số” nhằm chỉ ra những nguy hại của các thiết bị kĩ thuật số đối với trẻ nhỏ.

Đồng thời bà cũng đề xuất những nguyên tắc và phương hướng thực hiện cho “Phương pháp giáo dục con cái thời đại kĩ thuật số” mà bất cứ bậc cha mẹ nào, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão này đều cần phải biết.

Cuốn sách “Cha mẹ thời đại kĩ thuật số”

Thế giới kĩ thuật số đang làm tổn thương tâm hồn và phá hủy não bộ trẻ thơ

Có lẽ cho đến khi đọc cuốn sách này, nhiều bậc cha mẹ mới nhận thức rõ sự nguy hại của thiết bị kĩ thuật số đối với trẻ thơ lớn đến mức nào.

Trong cuốn sách, bà Shin Yee Jin dẫn ra nhiều trường hợp trẻ bị thương tổn tâm hồn mà chính sự có mặt của các thiết bị điện tử trong cuộc sống hằng ngày là nguyên nhân gây ra.

Đó là một em nhỏ đang từ một học sinh gương mẫu trở thành một đứa trẻ có vấn đề chỉ trong nháy mắt vì đã sa đà vào các thiết bị điện tử để giải tỏa những cảm xúc bất an của bản thân; một em nhỏ khác thì không có được sự phát triển bình thường về mặt tình cảm do tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ kĩ thuật số, dẫn đến những biểu hiện khiếm khuyết về mặt tinh thần; và một em nhỏ thì bộc lộ những vấn đề điển hình của trẻ nghiện sử dụng thiết bị công nghệ kĩ thuật số.

Tác giả cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới sự sa đà vào các thiết bị công nghệ kĩ thuật số khác nhau tùy theo giới tính. Nếu các bé trai thể hiện niềm yêu thích mạnh mẽ đối với game online, thì các bé gái lại có mức độ nghiện mạng xã hội vô cùng nghiêm trọng.

Theo tác giả, đây là cách trẻ thể hiện mình vì mong muốn nhận được sự công nhận của mọi người xung quanh về sự tồn tại và cá tính của mình.

Một thực tế vị bác sĩ này nhận định, đó cũng là điều mà chúng ta nhận thấy rõ, là điện thoại thông minh ngày nay có sức hút hơn cả máy vi tính. Thuật ngữ “thế hệ cúi đầu” xuất hiện là vì đó.


Theo tác giả, các bậc cha mẹ có vô vàn lý do để mua cho con một chiếc điện thoại, nhưng “dù với bất kì lí do nào thì việc cho trẻ dưới 10 tuổi sở hữu một chiếc điện thoại thông minh cũng chẳng khác nào dẫn dắt trẻ vào con đường nghiện ngập ma túy” . Đặc biệt, với trẻ dưới 6 tuổi thì ngay cả việc đưa điện thoại thông minh cho trẻ đùa nghịch cũng phải tuyệt đối nghiêm cấm.

Và một hệ quả không thể tránh khỏi khi cho trẻ dưới 10 tuổi hay dưới 6 tuổi tiếp xúc với điện thoại thông minh, là “bộ não trẻ đang bị biến thành nô lệ của các thiết bị kĩ thuật số”. Theo lý giải của tác giả, các cha mẹ thường cho rằng trẻ đang “tập trung” khi chơi ngoan ngoãn với chiếc điện thoại thông minh, nhưng thực tế là trẻ đang “bị chi phối”. Nghĩa là “khi não bộ của trẻ trong trạng thái quên mất nhiệm vụ của mình” thì là lúc trẻ đang chịu sự điểu khiển từ các thiết bị kĩ thuật số.

Điều này dẫn đến một hiện tượng nguy hiểm hơn, là trẻ có nguy cơ mắc các hội chứng Popcorn Brain, ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý).

Cuốn sách chỉ ra, “Popcorn brain là từ để mô tả bộ não trẻ đã quen với tivi, máy vi tính, thiết bị thông minh, máy tính bảng,… nhưng lại không có phản ứng và trở nên vô cảm trước những kích thích trong sinh hoạt hằng ngày ít gây ấn tượng hơn”.

Hội chứng này, theo thời gian, sẽ khiến trẻ có xu hướng bạo lực, kích động và nhanh nhạy hơn. Bộ não popcorn brain cũng khiến trẻ giảm sút khả năng tập trung và suy giảm trí nhớ. Nó còn làm suy giảm khả năng kiểm soát tình cảm, bởi nếu không được kích thích với cường độ mạnh thì bộ não popcorn nhanh chóng rơi vào tình trạng bồn chồn, lo lắng.

Còn hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được biết đến là “hiện tượng bất thường của chức năng não bộ, phát sinh khi chức năng của các vật chất chuyển hóa thần kinh có liên quan đến khả năng tập trung chú ý như norepinephrine và dipamine không ở trong trạng thái bình thường”. Nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh hội chứng này là môi trường chính xung quanh trẻ, mà các thiết bị công nghệ kĩ thuật số được chỉ ra là thủ phạm chính gây gia tăng nguy cơ này ở trẻ.

Vậy đâu là phương pháp để giải thoát trẻ khỏi những nguy hại của thế giới kĩ thuật số và làm thế nào để cứu vãn một “thế hệ cúi đầu”?

Câu trả lời nằm ở phương pháp giáo dục kĩ thuật số

Vẫn biết rằng biện pháp tốt nhất là phải tuyệt đối để con tránh xa các thiết bị công nghệ kĩ thuật số. Tuy nhiên, cái khó là các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con trong bối cảnh toàn thế giới đã bị chinh phục bởi các thiết bị này, dù lớn hay nhỏ trẻ đều bị tác động.

Vì vậy, nếu không thể tránh thì cần thiết có một phương pháp giáo dục thích hợp trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ kĩ thuật số. Đó là phương pháp giáo dục kĩ thuật số.

Với phương pháp này, “cha mẹ nhất định phải làm tốt vai trò của người dẫn đường, đó là nắm lấy tay con và đưa ra định hướng cho trẻ”. Điểm cốt yếu của phương pháp giáo dục kĩ thuật số là “vạch ra ranh giới rõ ràng giữa những điều có thể và không thể khi sử dụng các thiết bị công nghệ kĩ thuật số”.

Nếu cha mẹ tuân thủ theo nguyên tác chấp thuận hoặc ngăn chặn đúng đối tượng, nhượng bộ đúng lúc và khiển trách đúng chỗ thì có thể hạn chế đa mức độ nguy hiểm từ tác dụng phụ của các thiết bị công nghệ kĩ thuật số.

Tác giả cuốn sách cũng đưa ra 7 nguyên tắc hướng dẫn phương pháp giáo dục kĩ thuật số cho các bậc phụ huynh, bao gồm: Mua “khi nào” quan trọng hơn là mua “cái gì”, “nội dung” quan trọng hơn “thời gian; Ngay từ đầu phải đưa ra các hình phạt nếu trẻ không giữ lời hứa; Giải thích cặn kẽ lý do của việc đưa ra các quy tắc; Cha mẹ và con cái hãy luôn chia sẻ với nhau về những trải nghiệm kỹ thuật số; Cả gia đình phải đồng lòng tham gia và Nếu cha mẹ không kiểm soát được tình hình hãy nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Tuy nhiên, trong cách nuôi dạy con cái nói chung hay trong phương pháp giáo dục kĩ thuật số nói riêng, có một điều mà các bậc cha mẹ nên nhớ và nhất nhất thực hiện thì mới đạt được thành công. Đó là cha mẹ phải cần phải tấm gương để con trẻ học tập. Bởi “chính những bậc cha mẹ đam mê các sản phẩm công nghệ đang tạo ra những đứa trẻ kĩ thuật số”.

Theo Trúc Linh - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X